Logistics Air Operations

Hidden Dangerous Goods – Hàng nguy hiểm tiềm ẩn trong giao nhận vận tải hàng không

TÓM TẮT:

Ngày 25/12/2019, chuyến bay AK130 của hãng Air Asia đang trên hành trình từ Kuala Lumpur tới Hong Kong. Bất ngờ một chiếc sạc pin điện thoại dự phòng phát nổ. Vụ việc khiến hành khách Li Yongwei, 26 tuổi, quốc tịch Trung Quốc bị thương. Phi hành đoàn phải xin hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất và đề nghị hỗ trợ y tế. Đây là một trong những sự cố mà bất kì hành khách nào cũng có thể gặp phải trên các chuyến bay dân dụng thường ngày. Khi sự nhận thức về dangerous goods tiềm ẩn còn bị xem nhẹ. Điển hình là viên pin Lithium đề cập ở trên.

Để tiếp cận bao quát về khái niệm phân loại hàng hóa nguy hiểm (dangerous goods), từ đó đánh giá được một vài vật liệu, sản phẩm có thể mang tính nguy hiểm tiềm ẩn khi đưa lên máy bay. Bài viết sau đây sẽ tổng hợp những quy định hiện tại của Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới (ICAO) và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA). Theo sau đó, bài viết sẽ cung cấp một vài ví dụ tiêu biểu để người đọc hiểu rõ hơn về tính “tiềm ẩn” của một vài mặt hàng thông dụng. Cuối cùng, dưới góc nhìn của nhà vận chuyển, bạn sẽ cần lưu ý những vấn đề gì khi xử lý một lô hàng được phân loại là nguy hiểm.

GIỚI THIỆU:

1. Tổng quan về hàng hóa nguy hiểm và sự phân loại

Dù đã có rất nhiều tổ chức, hãng hàng không liên tục cung cấp các thông tin, khuyến cáo khách hàng nắm bắt một cách chính xác, rõ ràng các quy định khi vận chuyển hàng hóa. Song vẫn còn một bộ phận không nhỏ chưa thật sự hiểu chính xác các quy định này. Đứng trước thực trạng này, chúng ta cần lưu ý đến danh mục hàng hóa nguy hiểm để có cách xử lý an toàn, phù hợp.

Những loại hàng hóa tiềm ẩn nguy hiểm

Bên cạnh các loại hàng hóa nguy hiểm dễ dàng nhận biết, một số loại hàng có tên gọi thông thường hay được gửi như: hàng gom, hàng linh kiện điện tử, máy móc thiết bị, công cụ, dụng cụ, phụ tùng, dược phẩm … cũng có thể ẩn chứa các loại hàng được phân loại là hàng nguy hiểm.

Hidden dangerous goods trong giao nhận vận tải hàng không

Tổ chức Hàng không Dân dụng Thế giới (ICAO) và Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cũng đã có những quy định rất nghiêm ngặt về việc vận chuyển các vật phẩm nguy hiểm (dangerous goods). Trong đó phải kể đến pin Lithium. Đối với mặt hàng này, Cục Hàng không Việt Nam cũng đã ban hành chỉ thị cấm vận chuyển. Đây được xem là động thái kịp thời của nhà chức trách sau khi đánh giá rủi ro an toàn từ giữa tháng 11 vừa qua.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, tại sao các loại hàng hóa như trên lại được xem là hàng hóa nguy hiểm? Hàng hóa nguy hiểm có những tính chất gì?

1.1. Thế nào là Dangerous Goods?

Theo tổ chức IATA, hàng nguy hiểm là loại hàng có thể gây nguy hiểm cho máy bay hoặc người trên máy bay. Gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe con người, môi trường, an toàn và an ninh quốc gia. Cần nhận thức rằng, nhiều mặt hàng phổ biến được tìm thấy trong gia đình bạn cũng hoàn toàn có thể được coi là hàng hóa nguy hiểm nếu được vận chuyển bằng đường hàng không.

Căn cứ vào tính chất lý, hóa của hàng hóa. Theo Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ, hàng nguy hiểm được chia thành 9 loại như sau:

  • Nhóm 1: Chất nổ (Explosives)
  • Nhóm 2: Khí ga (Gases)
  • Nhóm 3: Các chất lỏng dễ cháy và các chất nổ lỏng khử nhậy (Flammable Liquids)
  • Nhóm 4: Các chất đặc dễ cháy hoặc tiếp xúc với nước sẽ phát ra khí ga dễ cháy (Flammable solids)
  • Nhóm 5: Các chất oxi hóa và oxi hóa hữu cơ (Oxidizing substances and Organic Peroxides)
  • Nhóm 6: Chất độc và chất lây nhiễm (Toxic and Infectious Substances)
  • Nhóm 7: Chất phóng xạ (Radioactive Material)
  • Nhóm 8: Chất ăn mòn (Corrosives)
  • Nhóm 9: Các chất nguy hiểm khác (Miscellaneous Dangerous Substances and Articles, including Environmentally Hazardous Substances), ví dụ như đá khô (carbon dioxide – dry ice)
Nhãn 9 loại hàng hóa nguy hiểm (DG Hazard Labels)

Nhãn 9 loại hàng hóa nguy hiểm (DG Hazard Labels) – Ảnh: IATA

Việc xác định hàng hóa nguy hiểm thuộc nhóm nào là bước đầu tiên giúp chúng ta nắm được đặc tính. Cũng như lựa chọn phương án vận chuyển an toàn, hiệu quả cho từng loại hàng hóa. Bên cạnh việc xác định đâu là hàng hóa nguy hiểm thì doanh nghiệp cũng cần lưu ý đến việc xử lý các lô hàng nguy hiểm. Từ khâu vận chuyển đến khẩu bốc, dỡ và lưu trữ. Thêm vào đó, nhiều loại hàng khi tiếp xúc hoặc đặt cạnh nhau sẽ vô tình gây ra những tai họa khôn lường.

Tình huống thực tế

Cách đây không lâu, dư luận quốc tế không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến hai vụ nổ lớn liên tiếp tại Thiên Tân (Trung Quốc). Ngày 12/8/2015, vụ nổ thứ nhất có sức công phá mạnh tương đương 3 tấn thuốc nổ TNT. Vụ nổ thứ hai xảy ra sau đó 30 giây, có sức công phá tương đương 21 tấn thuốc nổ TNT, thổi tung toàn bộ khu vực kho chứa “hóa chất và hàng hóa nguy hiểm” của Công ty hậu cần quốc tế Thụy Hải.

Reuters ngày 14/8/2015 dẫn lời các chuyên gia về an toàn hóa chất cho rằng lính cứu hỏa Thiên Tân có thể đã vô tình gây ra hai vụ nổ lớn do phun nước vào chất cacbua canxi – chất thuộc nhóm 4 khi phản ứng với nước tạo ra axetylen (acetylene), một chất khí không màu, gây nổ. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng ta cũng dễ dàng nhận biết các loại hàng hóa nguy hiểm. Việc xác định hàng hóa nguy hiểm đòi hỏi chúng ta phải có kiến thức thật chắc chắn về nhóm hàng này và nắm vững các đặc điểm lý, hóa của chúng. Bên cạnh đó, có rất nhiều hàng hóa sẽ có tính chất nguy hiểm trong một số trường hợp nhất định. Chúng được gọi là Hidden Dangerous Goods – hàng hóa nguy hiểm tiềm ẩn.

XEM THÊM: 6 PHƯƠNG THỨC GIAO HÀNG TRONG CHUỖI CUNG ỨNG

1.2. Thế nào là hàng hóa nguy hiểm tiềm ẩn?

Hidden Dangerous Goods (Hidden DG) – hàng hóa nguy hiểm tiềm ẩn là những loại hàng hoá khi shipper khai là hàng thường (General cargo hay Not restricted). Nhưng thực tế trong đó có chứa những yếu tố được coi là Dangerous Goods (DG).

Một số hàng hóa khi đặt trong môi trường có sự tác động của yếu tố nhiệt độ, hoặc tiếp xúc với các hàng hóa đặc biệt khác,… sẽ vô tình trở thành hàng hóa nguy hiểm. Đã bao giờ bạn tự hỏi, quả bóng bàn, rau quả đông lạnh, mỹ phẩm,…. – những thứ vốn rất gần gũi với cuộc sống hàng ngày của chúng ta, lại vô tình trở thành hàng hóa nguy hiểm?

Quả bóng bàn

Hidden dangerous goods trong giao nhận vận tải hàng không

Từ lâu, bóng bàn đã trở nên quá quen thuộc đối với các “tín đồ” đam mê thể thao. Những pha đập bóng, cắt bóng giữa hai đội luôn tạo cảm giác thích thú cho cả người thi đấu và khán giả. Tuy nhiên, do đặc tính vốn có của nó, bạn đừng quá ngạc nhiên khi bất chợt trong lúc thi đấu quả bóng bàn bị bốc cháy. Hiện tượng này xảy ra là do celluloid tồn tại bên trong quả bóng bàn.

Celluloid là chất có khả năng bắt lửa rất tốt, nhất là khi tiếp xúc với nguồn nhiệt từ môi trường bên ngoài. Cụ thể hơn, thành phần đặc thù của celluloid là nitrocellulose (74%) và long não (24%). Nó được coi là loại nhựa nhiệt dẻo trước tiên, vô cùng dễ dàng để tạo hình và đúc khuôn, phân hủy nhanh chóng và vô cùng dễ cháy. .

XEM THÊM: Quy định về Hàng hóa Nguy hiểm (DGR)

Như vậy, dựa theo tính chất lý, hóa, ta có thể phân loại celluloid vào nhóm 4 của danh mục hàng nguy hiểm.

Rau quả đông lạnh được đóng gói có chứa đá khô

Hidden dangerous goods trong giao nhận vận tải hàng không

Bản chất của rau quả đông lạnh, tất nhiên, vốn không phải là mặt hàng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu rau quả đông lạnh được đóng gói có chứa đá khô thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Bên cạnh những lợi ích vốn có, đá khô đã và đang tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Trong vận chuyển, các doanh nghiệp cần chú ý đến việc dùng đá khô để bảo quản thực phẩm.

Đá khô nếu đặt trong thùng quá kín, chúng sẽ chuyển sang trạng thái khí carbon dioxide, gây ra hiện tượng vỡ thùng. Ngoài ra, cần lưu ý rằng, mỗi loại máy bay có quy định khối lượng đá khô tối đa được phép mang lên (chẳng hạn đối với A321 thì một chuyến bay được phép chở tối đa khoảng 200 kgs đá khô).

Nước rửa móng tay

Nước hoa, nước rửa móng tay, nước rửa tay khô (có chứa cồn),… là những dung dịch rất dễ bốc cháy. Chúng có đặc tính bốc hơi nhanh, lan tỏa trong không khí xung quanh và phản ứng với nguồn nhiệt lớn. Đã có rất nhiều trường hợp hy hữu xảy ra khi để các loại dung dịch này gần ngọn lửa, gây ra những thiệt hại không nhỏ.

Tiêu biểu là trường hợp của một cô gái 20 tuổi tại bang Texas (Mỹ). Cô gái này đã vô ý để nước rửa móng tay gần ngọn đèn cầy đang cháy. Hóa chất trong dung dịch bốc hơi bén lửa khiến nạn nhân bị bỏng cấp độ ba với diện tích gần 50% cơ thể. Vậy hãy suy nghĩ về một sơ xuất trong việc vận chuyển số lượng lớn các lọ nước hoa, nước rửa móng tay… trên máy bay có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng như thế nào?

2. Nhà vận chuyển cần lưu ý gì khi nhận vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường hàng không?

Hiện nay, nhu cầu vận chuyển hàng nguy hiểm từ Việt Nam sang các nước và ngược lại là tương đối lớn. Bởi có nhiều chi nhánh, nhà máy sản xuất các mặt hàng nguy hiểm được đặt tại Việt Nam (nhà máy Samsung, các nhà máy sản xuất acquy, thiết bị y tế,…).

Bên cạnh việc đảm bảo đúng quy trình, tuân thủ các quy định và thủ tục cần thiết, nhà vận chuyển cần lưu ý đến 3 yếu tố sau:

  • Có MSDS (Material Safety Data Sheet) đối với các hàng nguy hiểm.
  • Hàng nguy hiểm phải được đóng gói và dán nhãn mác theo quy định của IATA. Khi xếp, dỡ, lưu trữ các loại hàng hóa nguy hiểm cấp 1 phải tiến hành ở nơi xa khu đông dân cư, khu công nghiệp, trường học. Ngoài ra, sau khi đưa hết hàng nguy hiểm ra khỏi kho bãi thì nơi lưu giữ hàng nguy hiểm phải được làm sạch để không ảnh hưởng tới hàng hóa khác.
  • Tờ khai cho các loại hàng hóa nguy hiểm phải do một bên được cấp chứng chỉ về hàng hóa nguy hiểm được IATA cấp phép.

Để thông tin ban đầu được chính xác, người gửi hàng cần làm một bước “khai báo”. Đó là cung cấp bản MSDS . Dựa vào MSDS tại mục số 14 (Section 14 Transport information), bạn có thể biết được người gửi đã khai hàng hóa ấy thuộc loại nào.

Lấy ví dụ một bản MSDS sau:

“Section 14: Transport information:
DOT shipping name: Fish meal
UN number: UN2216
DOT Classification: CLASS 9 – Miscellaneous Dangerous Goods
Packing group: ІІІ”

Giải thích:

  • Tên hàng hóa: bột cá (bột dùng sản xuất thức ăn chăn nuôi)
  • Số UN (mã hóa bằng số chất DG của UN) – Số có bốn chữ số được xác định bởi Ủy ban Chuyên gia của Liên Hợp Quốc về vận chuyển hàng nguy hiểm để xác định một chất hoặc một nhóm cụ thể của các chất. (Tiền tố “UN” phải luôn luôn được sử dụng kết hợp với những con số này.): UN216
  • Phân nhóm: Nhóm 9
  • Packing group – Một dấu hiệu cho thấy mức độ nguy hiểm của các chất trong một nhóm hay phân nhóm. Chữ số La Mã I, II và III được sử dụng để đại diện tương ứng cho “nguy hiểm cao”, “nguy hiểm trung bình”, và “nguy hiểm thấp”. Trong trường hợp này, bột cá thuộc packing group III, tức độ nguy hiểm thấp.

TẠM KẾT:

Vận chuyển hàng hóa nguy hiểm là một quá trình phức tạp đòi hỏi ở nhà vận chuyển không chỉ là sự hiểu biết về hàng hóa mà còn là kiến thức về các quy định có liên quan.

Hy vọng rằng, qua bài viết này, VILAS đã cung cấp cho các bạn độc giả một cách nhìn tổng quan về hàng hóa nguy hiểm. Nhận biết được một số loại hàng hóa nguy hiểm tiềm ẩn và cũng như có thể đọc được các thông số trên MSDS. Ngoài ra, đứng trên phương diện của nhà vận tải, chúng ta cần tuân thủ các quy định, chính sách về các vật dụng, hàng hóa nguy hiểm. Nhằm đảm bảo an toàn cho cả người và tài sản trong xuyên suốt quá trình từ vận chuyển, lưu trữ đến phân phối các danh mục hàng hóa này.

TẢI LIỆU THAM KHẢO:

  • Dangerous Goods Regulations. 60th. The International Air Transport Association
  • Nghị định số 104/2009/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ
  • International Civil Aviation Organization (ICAO). [online] Available at: https://www.icao.int/
  • The International Air Transport Association. [online] Available at: https://www.iata.org/en/
  • Tuấn Phùng, Hoàng Lộc (2018), Pin dự phòng nổ khiến khách bị thương, máy bay hạ cánh khẩn xuống Tân Sơn Nhất. [online] Available at: Pin dự phòng nổ khiến khách bị thương, máy bay hạ cánh khẩn xuống Tân Sơn Nhất [Assessed: 26/12/2019]
  • Mỹ Loan (2015). Toàn cảnh vụ nổ hóa chất ở Thiên Tân khiến 50 người chết. [online] Available at: https://tuoitre.vn/trung-quoc-no-hoa-chat-long-troi-50-nguoi-chet-948906.htm [Assessed: 14/08/2015]

Biên soạn và tổng hợp: Thông Nguyễn

IATA DANGEROUS GOODS REGULATIONS CAT 1, 3 & 6

Tìm hiểu cách sử dụng Hướng dẫn sử dụng DGR được ngành công nhận và đạt được chứng chỉ để xử lý các lô hàng nguy hiểm.

 

  • Xác định và phân loại hàng hóa nguy hiểm theo tiêu chuẩn của IATA;
  • Cung cấp các kiến thức về quy định hiện hành về Hàng hóa nguy hiểm theo tiêu chuẩn IATA;
  • Nắm bắt các quy trình ứng phó khẩn cấp hàng nguy hiểm.