LÀM THẾ NÀO ĐỂ TĂNG KHẢ NĂNG PHỤC HỒI CỦA CHUỖI CUNG ỨNG?

Đại dịch Covid đã làm nổi lên từ khóa “Resilience – Khả năng phục hồi” qua nhiều chủ đề nghiên cứu, bàn luận xoay quanh vấn đề làm thế nào để thích ứng với “Bình thường mới”.

Để đối phó với những thay đổi lớn bởi sự lây lan của Coronavirus trong cộng đồng, nhiều doanh nghiệp từ lớn đến nhỏ phải thay đổi cách thức làm việc, điều chỉnh mạng lưới cung ứng, và logistics. Đặc biệt, các công ty cũng thay đổi quy trình vận hành để linh hoạt với những rủi ro, ảnh hưởng từ đại dịch.

Tuy nhiên, không chuyên gia nào có thể dự đoán chính xác thời gian và mức độ của sự “bùng dịch”. Điều đó khiến các doanh nghiệp luôn phải cảnh giác cao độ và có nhiều kế hoạch dự phòng. Những doanh nghiệp dẫn đầu hiện nay đang thiết lập cấp độ mới cho khả năng phục hồi theo 3 cách:

Xem xét lại nền tảng nguồn cung và tài sản

Nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số trong quy trình vận hành từ đầu đến cuối

Chuyển đổi mô hình kinh doanh để đạt được sự nhanh nhạy giữa các chức năng trong vận hành

Một cuộc phỏng vấn được thực hiện bởi McKinsey cho thấy các tổ chức công nhận rằng nâng cao khả năng phục hồi không chỉ để đối phó với các vấn đề và thách thức của ngày hôm nay. Thay vào đó, nó cũng đang tạo ra một nền văn hóa được củng cố bằng công nghệ và các công cụ kỹ thuật số, cho phép họ quan sát các yếu tố xung quanh, nhằm sẵn sàng thích ứng với những biến động trong tương lai.

Tái cấu trúc hệ thống tài sản trên toàn cầu

Một trong những điểm xu hướng đáng chú ý chịu sự tác động của yếu tố dịch bệnh chính là xu hướng khu vực hóa chuỗi giá trị hàng hóa. Sự tăng tốc và lan rộng của xu hướng này đến từ việc các doanh nghiệp đánh giá lại rủi ro của mạng lưới tài sản và chuỗi cung ứng tích hợp trên toàn cầu. Điều đó thúc đẩy vai trò chiến lược của bộ phận thu mua hơn bao giờ hết khi các nhà quản lý phải đánh giá lại các nguồn cung đi kèm với những rủi ro có hệ thống để tạo ra kế hoạch cung ứng linh hoạt hơn.

Quản lý đối tác cấp cao của McKinsey, George phát biểu rằng cách tiếp cận này có thể cải thiện chất lượng và an ninh nguồn cung. Đồng thời, phương pháp này làm giảm chi phí và cho phép sản xuất linh hoạt hơn trong việc tăng hoặc giảm khối lượng để đáp ứng nhu cầu biến động.

Không chỉ đánh giá lại nội bộ doanh nghiệp, các công ty cũng đang xem xét kỹ hơn yếu tố nội tại của các nhà cung cấp trong chuỗi giá trị của họ để hiểu rõ hơn về dây chuyền sản xuất và sự ổn định tài chính của họ. Điều đó giúp doanh nghiệp đưa ra những phân tích cụ thể, thực tế để hoạch định chiến lược hợp tác.

Nguồn lực thực hiện việc tái cấu trúc hệ thống này cần được hỗ trợ bởi đội ngũ nhân sự chuyên môn cao, đa nhiệm và có tầm nhìn toàn cảnh về thị trường. Bên cạnh đó cũng cần đến các công nghệ phân tích và kỹ thuật số mới.

Nhanh chóng chuyển đổi số từ đầu đến cuối hệ thống vận hành

Việc tăng tốc số hóa cho hệ thống vận hành cho phép các tổ chức có tầm nhìn bao quát toàn bộ chuỗi giá trị — từ sản xuất nguyên liệu thô cho đến khách hàng cuối cùng — và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của khách hàng. Lợi ích của chuyển đổi số là nó cải thiện sự nhanh nhẹn và khả năng đáp ứng của các hoạt động mà không làm tăng chi phí.

Theo nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới phối hợp với McKinsey, cho thấy các công ty thường đạt được những cải tiến đáng kể và đồng thời trong việc cải thiện hiệu suất khi tích hợp các công nghệ kỹ thuật số tiên tiến trên toàn bộ chuỗi giá trị. Nghiên cứu cho thấy nhiều công ty báo cáo hiệu quả như sau:

  1. Tăng năng suất lên đến 90 phần trăm
  2. Giảm thời gian dẫn đến 80 phần trăm
  3. Cải thiện tốc độ tiếp cận thị trường lên đến 100 phần trăm
  4. Cải thiện hiệu quả năng lượng lên đến 50 phần trăm

Chuyển đổi mô hình kinh doanh

Việc dự đoán tình trạng bất ổn về sức khỏe, tài chính và kinh tế do đại dịch coronavirus gây ra là điều không thể. Tuy nhiên, những thay đổi mạnh mẽ đang xảy ra trong kỳ vọng của khách hàng, mô hình nhu cầu và cấu trúc ngành đang tạo ra cơ hội phong phú, kéo theo sự chuyển đổi trong hoạt động của các công ty và hơn thế nữa.

Mạng xã hội và hoạt động mua sắm trực tuyến ngày càng phát triển và mở rộng mạnh mẽ trong giai đoạn đại dịch đã thúc đẩy doanh nghiệp nhanh chóng áp dụng các phương pháp tiếp cận kỹ thuật số để biến đổi trải nghiệm khách hàng và nâng cao đáng kể giá trị tài chính và văn hóa của công ty.

Kết lại, có thể thấy không một mô hình, cấu trúc nào là trường tồn với thời gian. Chính đại dịch Covid đã thúc đẩy những biến đổi trong xã hội và làm lộ rõ tính thiếu bền vững của chuỗi cung ứng hiện tại. Đây được xem như là một thách thức cho nỗ lực nâng cao khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng dành cho các nhà lãnh đạo, nhân viên và chính phủ trên toàn Thế Giới.

Đây là một phần của bài báo cáo được thực hiện bởi McKinsey, được dịch bởi VILAS, gửi đến bạn đọc những thông tin bổ ích về thiết lập khả năng phục hồi cho chuỗi cung ứng trong doanh nghiệp để doanh nghiệp có thể tăng trưởng và thích ứng với những biến đổi trong tương lai.

Learn more about us!!!