Góc nhìn khác về
toàn cầu hóa qua
sự đóng băng của
Chuỗi cung ứng
từ vũ hán

TÓM TẮT

Dịch viêm phổi cấp do chủng mới của virus Corona bắt đầu xuất hiện vào giữa tháng 12/2019 tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc. Tính đến 12 giờ ngày 21/4/2020 (giờ Việt Nam), theo số liệu trên trang worldometers.info, số ca tử vong do Covid-19 trên toàn thế giới đã tăng vượt qua ngưỡng 170,501 ca. Hầu hết các quốc gia đã ban bố tình trạng khẩn cấp, nhiều nhà máy đã phải đóng cửa, kéo theo rất nhiều hệ lụy cho nền kinh tế. 

Kể từ khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới năm 2001, Trung Quốc đã nổi lên là một quốc gia đầy tiềm năng. Các nhà máy của Trung Quốc hiện đang tạo ra giá trị sản xuất thực tế tăng thêm 3,7 nghìn tỷ USD trong năm 2017 so với Mỹ, Đức, Hàn Quốc và Vương quốc Anh cộng lại (Theo Oxford Economics, BCG analysis). Ngoài ra, đất nước này còn là nhà xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới, từ hàng dệt may cho đến điện thoại thông minh. Trước khi dịch bệnh xảy ra, các chuỗi cung ứng toàn cầu phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc, vì vậy khi các thành phố Trung Quốc bị phong tỏa, nhiều doanh nghiệp đã chịu ảnh hưởng nặng nề, buộc phải tìm kiếm các phương án thay thế khác. Dễ dàng nhận thấy rằng, Covid-19 đã làm đảo lộn chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Bài viết sau đây sẽ nhằm giải thích những tác động của đại dịch Covid-19 dưới một góc nhìn khác của toàn cầu hóa, cũng như những thách thức mà nó đã và đang gây ra cho các chuỗi cung ứng đa quốc gia. Song song đó, từ sự đóng băng của chuỗi cung ứng từ Vũ Hán, các doanh nghiệp có thể tự đánh giá và nhìn nhận liệu rằng đó là cơ hội, hay thách thức trong việc thay đổi chiến lược quản trị chuỗi cung ứng của họ.

GIỚI THIỆU

Trong thương mại quốc tế, khoảng 80% hàng hóa xuất nhập khẩu được vận chuyển bằng đường biển (do đặc thù ngành vận tải biển tạo ra những lợi thế cạnh tranh như phạm vi vận tải rộng, sức chuyên chở lớn và chi phí vận chuyển thấp) – trích Báo cáo phân tích ngành vận tải biển. Trong khi đó, với lợi thế là một quốc gia có đường bờ biển dài, Trung Quốc đóng vai trò trọng yếu trong lĩnh vực vận tải container đối với mọi loại hàng hóa, từ thực phẩm tươi sống đến điện thoại, thời trang thiết kế cũng như linh kiện cho sản xuất công nghiệp.

 

Cần nhìn nhận một thực tế nữa, Trung Quốc là nguồn cung ứng hàng rất lớn cho thế giới. Tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng tại Trung Quốc đã khiến cho nhiều công ty sản xuất lao đao. Các hãng sản xuất lớn hiện đang chật vật khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn. Foxconn và Pegatron, các đối tác gia công thiết bị cho Apple, cũng đã chịu ảnh hưởng nặng nề do phần lớn nguồn nhân lực chất lượng cao phần lớn đang tập trung ở Trung Quốc. Apple cũng có khoảng 10.000 nhân viên trực tiếp tại Trung Quốc, phụ trách hoạt động của công ty và bán lẻ tại thị trường này và khoảng 290 trong 800 nhà máy nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple đặt tại các vùng có dịch. 

Các chuyên gia cho rằng, Foxconn và Pegatron, các đối tác gia công thiết bị cho Apple, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề bởi sự bùng phát của virus Corona.

Tốc độ phát triển và sức mạnh kinh tế của Trung Quốc ảnh hưởng hơn rất nhiều so với trước đây, nhưng không chỉ là về quy mô mà còn có một vấn đề sâu sắc hơn là toàn cầu hóa. Tuy nhiên, làn sóng các công ty đa quốc gia chuyển bộ phận sản xuất sang một quốc gia khác, hoặc tìm kiếm nguồn hàng thay thế đang trở nên phổ biến hơn bao giờ hết. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức cho các doanh nghiệp khi phải thay đổi cho phù hợp với xu hướng toàn cầu hóa.

1.

Góc nhìn khác về toàn cầu hóa

Toàn cầu hóa được đề cập lần đầu từ những năm 1960 và là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm nhất hiện nay. Toàn cầu hóa có thể hiểu là một hiện tượng gắn liền với sự gia tăng về số lượng cũng như cường độ của các cơ chế, tiến trình và hoạt động, nhằm thúc đẩy gia tăng sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia trên thế giới cũng như sự hội nhập kinh tế và chính trị ở cấp độ toàn cầu (theo Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế). Nhưng dịch Covid-19 đang mang lại cho chúng ta một góc nhìn khác về toàn cầu hóa, khi nó trở thành con dao hai lưỡi cho doanh nghiệp và tạo hiệu ứng dây chuyền của sự phá vỡ chuỗi cung ứng “toàn cầu”, bắt nguồn từ một phiên chợ tại Vũ Hán.

 

Đại dịch này đang được so sánh với dịch SARS năm 2013, nhưng hiện tại sức ảnh hưởng của nền kinh tế Trung Quốc đối với thế giới đã khác đi rất nhiều. Năm 1952, GDP Trung Quốc là 30 tỷ USD. Năm 2010, Trung Quốc vượt Nhật Bản thành nền kinh tế lớn nhì thế giới, chỉ sau Mỹ. Kể từ đó, họ vẫn nắm giữ vị trí này. Nhiều nhà kinh tế dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ năm 2030. Tuy nhiên, theo WB, nếu tính GDP theo phương pháp ngang giá sức mua (PPP), Trung Quốc đã vượt Mỹ từ năm 2014.

GDP của Trung Quốc qua các đời lãnh đạo. Nguồn: CNBC

Trung Quốc đã và đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Như việc họ đã giải được bài toán nhân công cho thế giới công nghiệp, và tái định hình “công xưởng thế giới”  (An Chi, 2020).  Nền kinh tế Trung Quốc ngày nay có quy mô lớn hơn nhiều so với 17 năm trước. IMF ước tính quốc gia tỉ dân đóng góp 20% đầu ra sản phẩm toàn cầu so với con số 8,5% của năm 2003. Theo Ngân hàng Thế giới, quốc gia này chiếm 35% tổng tăng trưởng kinh tế toàn cầu (tính theo đô-la Mỹ) trong giai đoạn 2017-2019, gần gấp đôi tỷ lệ 18% của nước Mỹ và cao gấp bốn lần con số 7,9% của EU. 

 

Vì vậy một khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng toàn cầu sẽ mạnh mẽ hơn nhiều so với đợt dịch bệnh trước. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đã cải thiện đáng kể mạng lưới Logistics – mạch máu liên kết của chuỗi cung ứng, đặc biệt là vận tải đường hàng không và đường biển. Nhưng giờ đây, chính hệ thống đó lại gián tiếp trở thành đòn bẩy cho sự phát tán của Covid-19, cũng như sự gia tăng tốc độ “đứt gãy” của các chuỗi cung ứng (Warwick McKibbin, 2020).

2.

Những ảnh hưởng nặng nề lên
chuỗi cung ứng toàn cầu

Khi gặp khủng hoảng về kinh tế, các doanh nghiệp thường sẽ nghĩ đến việc thu hẹp hoạt động và cắt giảm nhân sự để tồn tại. Nhiều công ty cũng đã trì hoãn việc tăng lương dựa trên thành tích hay đình chỉ việc làm thêm giờ đối với nhân viên và đóng băng việc tuyển dụng các vị trí không quan trọng. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều lao động trí thức lẫn chân tay chịu sức ép rất lớn từ việc này.

 

Trong bối cảnh đại dịch bùng phát, nhiều lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề. Tình trạng thiếu nguyên vật liệu, thành phẩm tại các khu vực bị ảnh hưởng khiến thiếu hụt nguồn cung, gián đoạn chuỗi cung ứng nặng nề. Cụ thể, ngành công nghiệp ô tô đã chịu thiệt hại nặng nề do thiếu phụ tùng, do nhiều bộ phận được sản xuất tại Vũ Hán, một trong những trung tâm sản xuất phụ tùng ôtô lớn của thế giới. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà cung cấp chính các hoạt chất để phục vụ sản xuất thuốc, nhưng lĩnh vực này cũng đã bị gián đoạn. Nhiều nhà sản xuất ô tô trên thế giới đang có nhà máy sản xuất đặt ở Trung Quốc hiện đang phải rơi vào cảnh lao đao như Ford, Tesla, PSA Group, Honda, Nissan,.. do tạm ngừng sản xuất (Hedrick-Wrong, 2020).

Một chốt kiểm soát tại tỉnh Hồ Bắc.

Bên cạnh đó, trong thời gian đại dịch hoành hành, việc tìm kiếm các tuyến đường và phương tiện giao thông thay thế sẽ trở nên hết sức khó khăn. Các trung tâm và mạng lưới cung ứng có thể gặp phải hạn chế về năng lực và tính sẵn có. Logistics bị kiểm soát chặt chẽ, các trung tâm vận chuyển và đường biên giới bị đóng cửa khiến hàng hóa phải xếp tầng chờ thông quan. Người tiêu dùng đang tỏ ra thận trọng hơn khi mua hàng vì những lo ngại khi tiếp xúc với người khác có thể dẫn tới nguy cơ lây nhiễm virus Corona. Nhiều đơn vị đã bắt đầu quan tâm, dịch chuyển sang bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, điều đó chỉ làm mạng lưới logistics đứng trước nhiều thách thức hơn.

 

Ngày 12/2/2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) có báo cáo thứ hai, cập nhật đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam. Trong đó có cập nhật những tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế toàn cầu. Theo Báo cáo này, thiệt hại do Covid-19 gây ra có thể lớn gấp 3-4 lần so với dịch SARS (40 tỷ USD), lên tới 160 tỷ USD, xuất phát từ việc hiện nay nền kinh tế Trung Quốc tăng trưởng mạnh hơn nhiều so với thời điểm diễn ra dịch SARS, chiếm khoảng 18% GDP toàn cầu (trước đây khoảng 4%).

3.

Bước ngoặt dịch chuyển sản xuất do sự đóng băng của chuỗi cung ứng từ Vũ Hán – Cơ hội cho Việt Nam

Trước thực trạng dịch Covid-19 đang lây lan nhanh chóng, các nhà quản trị trong lĩnh vực chuỗi cung ứng cần quan tâm đến các phương án thay thế, vừa nhằm giảm thiểu thiệt hại trong việc gián đoạn sản xuất, vừa lên kế hoạch dự đoán, đối phó với các tình huống xấu nhất có thể xảy ra trong tương lai. Đại dịch Covid-19 đã và đang làm tái định hình các chuỗi cung ứng toàn cầu, cả về chiến lược quản trị và sự dịch chuyển cấu trúc của chuỗi. Song song đó, rào cản lớn nhất mà các doanh nghiệp này đang phải đối mặt chính là chi phí và lao động – vốn đang được tập trung phần lớn tại Trung Quốc. Ngoài ra, hầu hết các quốc gia hiện nay đều chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch, do đó, sự dịch chuyển này không mấy dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp phải có chiến lược đúng đắn và đôi khi là sự đánh đổi về mặt ngắn hạn.

 

Cụ thể, nhà sản xuất thiết bị cho ngành xây dựng Komatsu đang dịch chuyển sản xuất các bộ phận bằng kim khí và bó cáp từ Trung Quốc sang Nhật và Việt Nam. Tương tự, nhà sản xuất trang phục thể thao Asics nghĩ đến việc chuyển từ Vũ Hán sang Việt Nam và Indonesia (An Chi, 2020). Cùng với việc dịch chuyển sản xuất sang một quốc gia khác, các doanh nghiệp hiện nay sẽ thay vì chú trọng vào việc tối ưu hóa hiệu quả sẽ chuyển sang việc tối ưu hóa khả năng phục hồi thông qua đa dạng hóa nguồn cung, bổ sung các mặt hàng trong kho dự trữ. Nhưng đồng thời doanh nghiệp cũng cần cân nhắc lại cách yếu tố khác phải đánh đổi – như đã đề cập ở trên – trong nội tại của chuỗi cung ứng như chính sách hải quan, đặc thù về vị trí địa lý, ảnh hưởng về dòng chảy của các nguyên vật liệu khác, hay rào cản về công nghệ, kỹ thuật và trình độ tay nghề lao động của nước chuyển đổi.

TẠM KẾT

Dịch Covid-19 đã và đang chỉ bài toán của sự phụ thuộc quá nhiều vào nền kinh tế Trung Quốc. Chỉ trong 40 năm, từ một nước có nền kinh tế chưa thật sự phát triển, Trung Quốc đã trở thành bộ phận quan trọng trong cỗ máy công nghiệp toàn cầu. Hàng loạt tập đoàn, doanh nghiệp lớn trên thế giới đã phải đóng cửa hoặc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh do chuỗi cung ứng bị gián đoạn, dẫn đến thiếu hụt nguồn cung cũng như nguồn lao động. Trong nhiều năm trở lại đây, nhất là khi chiến tranh thương mại Mỹ-Trung bùng nổ, các công ty đa quốc gia cũng đã cân nhắc rất kỹ về chiến lược hoạt động tại Trung Quốc. Tuy nhiên, do đây là thị trường có nguồn nhân lực dồi dào, hệ thống Logistics mạnh mẽ và là thị trường tỷ dân với sức mua lớn khiến bất kì doanh nghiệp nào cũng khó rời bỏ. Covid-19 có thể là chất xúc tác mới thúc đẩy quá trình dịch chuyển chuỗi cung ứng diễn ra nhanh hơn, sau khi đã được thúc đẩy bởi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Do đó, khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng có thể sẽ trở nên hấp dẫn hơn trong mắt cho các công ty đa quốc gia. Nhưng các biến số trong bài toán đã nêu, phần lớn vẫn đang nằm trong tay người khổng lồ Trung Quốc, và chắc chắn chúng ta đều cần thêm thời gian để giải đáp.  

nguồn tham khảo

(1) Báo cáo phân tích ngành vận tải biển

(2) Báo cáo ngày 12/2/2020 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT). Cập nhật đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam

(3) Đào Minh Hồng, Lê Hồng Hiệp. Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế. Khoa QHQT – Đại học KHXH&NV TPHCM

(4) Trang web thống kê worldometers.info

(5) Ngân hàng thế giới, OECD, Getty Images, PA Images, Corbis

(6) Ngọc Trang (2019). 70 năm bùng nổ kinh tế của Trung Quốc qua 4 biểu đồ. Available at: http://vneconomy.vn/70-nam-bung-no-kinh-te-cua-trung-quoc-qua-4-bieu-do-20190924232022022.htm [Accessed 25 Sep 2019]

(7) An Chi (2020). Chuỗi cung ứng từ Trung Quốc – tan vỡ vì COVID-19. Available at: https://enternews.vn/chuoi-cung-ung-tu-trung-quoc-tan-vo-vi-covid-19-166819.html [Accessed 17 Feb 2020]

(8) Warwick McKibbin (2020). The first economic modelling of coronavirus scenarios is grim for the world. Available at: https://www.theguardian.com/australia-news/2020/mar/03/the-first-economic-modelling-of-coronavirus-scenarios-is-grim-for-the-world [Accessed 2 Mar 2020]

(9) Yuwa Hedrick-wrong (2020). China’s Economic Recovery From COVID-19 Will Be Slower Than It Was For SARS. Available at: https://www.forbes.com/sites/panel-of-economic-commentators/2020/03/25/chinas-economic-recovery-from-covid-19-will-be-slower-than-it-was-for-sars/#5d6ff85055c9 [Accessed 25 Mar 2020] 

Biên soạn và tổng hợp: Thong Nguyen

Layout & Graphic Design: Vinh Trinh

Bài viết liên quan