Nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới – Amazon – sẽ bắt đầu những bước tiến đầu tiên vào thị trường Việt Nam trong tháng 3 này.
Cụ thể, thông tin từ Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trưởng bộ phận bán hàng toàn cầu của Amazon tại Singapore sẽ tham dự và là một trong những diễn giả chính tại Diễn đàn Toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam (VOBF 2018). Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 14/3 tại Hà Nội và 16/3 tại Tp.HCM. Tại sự kiện này, đại diện của Amazon sẽ chia sẻ các nghiên cứu, phân tích về thị trường thương mại điện tử Việt Nam, đồng thời cũng cho biết về các chiến lược cụ thể của Amazon tại Việt Nam. Cũng thông qua VOBF 2018, Amazon sẽ khởi động một chương trình hợp tác cùng Hiệp hội thương mại điện tử để hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam có thể bán hàng, xuất khẩu qua mạng lưới của nhà bán lẻ trực tuyến hàng đầu thế giới này.
Với động thái trên, có thể xem Amazon sẽ chính thức “đặt chân” vào thị trường Việt Nam sau một thời gian đồn đoán về kế hoạch thâm nhập thị trường Việt của “đại gia” bán lẻ trực tuyến lớn nhất thế giới này. Trước đó, cuối tháng 7/2017, Amazon cũng đã chính thức triển khai dịch vụ giao hàng trong ngày Prime Now tại Singapore, đánh dấu cho việc mở màn cho cuộc tấn công vào thị trường Đông Nam Á.
Trong thông tin của mình, VECOM cho biết, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử của Việt Nam năm 2017 đạt trên 25% và tốc độ này có thể được duy trì trong giai đoạn 2018 – 2020. Tốc độ tăng trưởng trong một số lĩnh vực cụ thể rất ngoạn mục. Cụ thể, với lĩnh vực bán lẻ trực tuyến, thông tin từ hàng nghìn website thương mại điện tử cho thấy tỷ lệ tăng trưởng doanh thu năm 2017 tăng 35%. Khảo sát gián tiếp qua một số doanh nghiệp chuyển phát cho thấy tốc độ tăng trưởng doanh thu dịch vụ chuyển phát từ 62% đến 200%.
Lĩnh vực thanh toán, năm 2017, tăng trưởng số lượng giao dịch trực tuyến thẻ nội địa khoảng 50% so với 2016 trong khi giá trị giao dịch tăng trưởng tới 75%. Còn trong lĩnh vực tiếp thị trực tuyến, một số công ty tiếp thị liên kết (afiliate marketing) có tốc độ tăng trưởng năm 2017 đạt từ 100% đến 200%.
VECOM cho biết, Diễn đàn VOBF 2018 sẽ gồm có 4 phiên thảo luận về 4 chủ đề nổi bật, gồm: Thời đại Kết nối và Chia sẻ thông tin; Những vấn đề nổi bật trong kinh doanh trực tuyến; Tác động của công nghệ tới thương mại điện tử; và chủ đề “Khởi nghiệp thành công với thương mại điện tử”. Cũng tại Diễn đàn VOBF năm nay, VECOM sẽ công bố Báo cáo Chỉ số Thương mại điện tử Việt Nam (E-business Index – EBI) 2018.
Sau những thăm dò ban đầu, đây sẽ là động thái đầu tiên của Amazon trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam, và có vẻ như Amazon đang đi theo cách của Alibaba trước đó – hợp tác với các đại diện Việt Nam để khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ xuất khẩu qua kênh của họ. Trước đó, Lazada đã vào Việt Nam và đang nắm khoảng 1/3 thị phần mua sắm trực tuyến. Alibaba của tỷ phú Jack Ma đã từng chi 1 tỷ USD mua cổ phần chi phối của Lazada để xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Theo vneconomy.vn