Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

Cơ hội nào cho Generative AI trong quản lý chuỗi cung ứng?

Generative AI (GenAI) là một dạng trí tuệ nhân tạo đã tạo tiếng vang lớn trong thời gian gần đây, với các chương trình ứng dụng như Chat GPT và DALL-E đã cho thấy được những giá trị tích cực của mình trong việc hỗ trợ các nhân sự trong nhiều lĩnh vực hoàn thành công việc hiệu quả hơn.

GenAI là gì và được ứng dụng như thế nào?

GenAI tập trung vào việc tạo ra dữ liệu mới thông qua quá trình học từ một lượng lớn dữ liệu được đào tạo trước. Dữ liệu do GenAI tạo ra có thể là hình ảnh, văn bản, âm nhạc, hoặc các loại dữ liệu khác, có tính chất tương tự như dữ liệu đã được học từ dữ liệu đào tạo.

Generative AI có nhiều ứng dụng thú vị, từ tạo ra nội dung sáng tạo như tranh vẽ, âm nhạc, cho đến tạo ra dữ liệu mô phỏng cho nghiên cứu khoa học và cả trong lĩnh vực tạo ra hình ảnh hoặc video động cho thị trường quảng cáo và giải trí.

Vậy, trong lĩnh vực quản lý chuỗi cung ứng – Liệu AI hay GenAI có thể được ứng dụng để tạo ra giá trị gia tăng cho doanh nghiệp không?

Trước khi tìm hiểu về khả năng của việc ứng dụng AI để nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng, trong khuông khổ của hội thảo SCSS 25: “Enhanced Efficiency Distribution Cost Optimization With Generative AI Application”, chúng ta cần làm rõ những vấn đề và thách thức mà một chuỗi cung ứng thường phải đối mặt. 

Theo đó, với hơn 10 năm kinh nghiệm của nhà quản lý chuỗi cung ứng, tập trung vào mảng Last-mile, Warehouse & Distribution cho E-Commerce Logistics, diễn giả Phạm Nguyễn Thanh Quang nêu quan điểm rằng: “Nếu một doanh nghiệp là cơ thể của con người thì chuỗi cung ứng chính là xương sống và huyết mạch, khi bất kỳ điểm nào trong chuỗi bị tắt nghẽn, thì ngay lập tức các hoạt động vận hành của doanh nghiệp sẽ gặp vấn đề”.

Với vai trò là nhà quản lý, có kinh nghiệm nhiều năm trong lĩnh vực Logistics và chuỗi cung ứng, anh Quang đã nói lên “tiếng lòng” về những thách thức mà các nhân sự và nhà quản lý chuỗi cung ứng đang phải đối mặt. Anh chia các vấn đề thành 5 nhóm chính với những yêu cầu riêng cho từng nhóm. 

  • Cost Saving – Giảm chi phí chuỗi cung ứng
  • Realtime – Cập nhật thông tin và vấn đề một cách xuyên suốt theo thời gian thực
  • Silo – Sự phân mảnh trong quy trình làm việc giữa các cá nhân và phòng ban trong chuỗi
  • Alignment – Đồng bộ hóa mục tiêu và chiến lược giữa các phòng ban trong chuỗi

Cost saving” không có nghĩa là cắt giảm chi phí mà là đưa chi phí về một mức hợp lý”, hướng đến sự cân bằng tam giác “Speed – Cost – Service quality”. 

Từ những thách thức này, anh chia sẻ sâu hơn quan điểm về “Cost saving”, theo đó khái niệm này không chỉ việc cắt giảm chi phí mà là đưa chi phí về một mức hợp lý”. Doanh nghiệp cần nhìn nhận chuỗi cung ứng một cách toàn diện (end to end) và đưa ra các giải pháp hướng đến sự cân bằng tam giác “Speed – Cost – Service quality”. 

Tốc độ truyền thông tin là yếu tố chủ chốt thúc giúp doanh nghiệp đáp ứng nhanh chóng nhu cầu khách hàng, giảm thiểu rủi ro, và nâng cao tính cạnh tranh.

Anh Quang chia sẻ: “Để xử lý các vấn đề nêu trên, cần đảm bảo thông tin trong chuỗi được truyền đi một cách nhanh chóng và xuyên suốt. Hay nói cách khác, các thông tin và vấn đề xảy ra tại bất kỳ điểm nối nào trong chuỗi (nhà máy, kho, nhà cung cấp, khách hàng…) phải được cập nhật, phản hồi và xử lý một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Sự linh hoạt và phản hồi nhanh chóng càng được thúc đẩy bởi những biến động liên tục của thị trường”.

Tuy nhiên, anh cũng chia sẻ rằng “Thách thức luôn đi kèm cơ hội”, số hóa sẽ giúp chúng ta dần thoát khỏi những thử thách này, đặc biệt trong khuông khổ của hội thảo: “Enhanced Efficiency Distribution Cost Optimization With Generative AI Application”, anh nhận định rằng có rất nhiều cơ hội để ứng dụng GenAI vào việc tối ưu hóa hiệu suất chuỗi cung ứng nói chung và hoạt động phân phối nói riêng.

Vậy, chúng ta mong đợi gì khi thực hiện số hóa trong chuỗi cung ứng?

Là một người có niềm đam mê mãnh liệt dành cho công nghệ, diễn giả Bùi Đức Minh –  CEO | MIND Technology 4.0 ( Doanh nghiệp tiên phong trong việc cung cấp các giải pháp công nghệ và chuyển đổi số cho các nhà máy tại Việt Nam) chia sẻ về 3 bước không thể thiếu để chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng:

  • Bước 1: Số hóa tất cả quy trình, chuyển đổi tất cả dữ liệu lên nền tảng số
  • Bước 2: Xây dựng trung tâm quản lý toàn diện các hoạt động vận hành trong chuỗi cung ứng
  • Bước 3: Ra quyết định dựa trên dữ liệu

Anh Minh khẳng định rằng: “Đây là 3 bước bắt buộc để chuyển đổi số thành công trong bất kỳ lĩnh vực và tổ chức nào”. 

Chi phí” không phải rào cản của chuyển đổi số

Tuy nhiên, chuyển đổi số và ứng dụng AI ở thời điểm hiện tại là điều mà không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được. Phần lớn doanh nghiệp cho rằng “chi phí” chính là thách thức lớn nhất mà doanh nghiệp đang phải đối mặt. Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một chuyên gia công nghệ, anh Minh chia rẻ rằng rào cản để chuyển đổi số đến từ 5 yếu tố chính:

  • Quy trình: quy trình phải được chuẩn hóa, thống nhất, đồng bộ, đảm bảo tất cả các bên liên quan trong chuỗi có được sự thấu hiểu và cam kết tuân thủ, từ bộ phận mua hàng đến đơn vị sản xuất, quản lý kho, vận tải và phân phối đến dịch vụ khách hàng
  • Tổ chức và kỹ năng: cần có tư duy lãnh đạo, truyền tải những giá trị và động lực chuyển đổi số đến toàn bộ nhân sự trong tổ chức, bên cạnh đó là xây dựng văn hóa và kỹ năng làm việc một cách hệ thống, có kế hoạch
  • Sự cộng tác: xây dựng được sự cộng tác hiệu quả giữa các bên liên quan bên trong và bên ngoài chuỗi cung ứng, đảm bảo các phòng ban trong chuỗi và các đối tác đều phải thấu hiểu và tham gia vào nền tảng chuyển đổi số của doanh nghiệp 
  • Công nghệ: Cập nhật và thấu hiểu bản chất của các xu hướng công nghệ mới
  • KPI: Xây dựng các chỉ số đánh giá hiệu quả chuyển đổi số trong chuỗi cung ứng

Liên hệ với GenAI, anh Minh nhận định rằng có rất nhiều khía cạnh có thể ứng dụng để tối ưu hiệu suất chuỗi cung ứng:

  • Hỗ trợ dự báo, giảm rủi ro tồn kho
  • Phát hiện điểm bất thường, xác định vấn đề và rủi ro trước khi nó xảy ra, để đưa ra giải pháp ứng phó kịp thời
  • Tối ưu hóa tuyến đường vận chuyển và lên kế hoạch vận tải, đảm bảo tỉ lệ lắp đầy các chuyến xe
  • Số hóa các số liệu, tối ưu các công việc lặp đi lặp lại 
  • Đánh giá ưu nhược điểm và lập thang điểm cho mạng lưới các nhà cung cấp để đề xuất lựa chọn tối ưu nhất. 

Với kinh nghiệm thiết kế các giải pháp công nghệ đặc biệt là Gen AI cho các doanh nghiệp, anh Minh chia sẻ rằng AI đang được ứng dụng rất tốt trong việc quản lý kho hàng, điển hình là việc tích hợp với robot để xác định chính xác vị trí chính xác của hàng hóa trong kho. 

Trước những lợi ích tối ưu mà AI mang lại, một nhân sự có mặt trong hội thảo đặt ra câu hỏi rằng: “Liệu công nghệ hay AI có thay thế con người không?”

Anh Minh chia sẻ: “Công nghệ sẽ đưa con người lên một tầm cao mới, thúc đẩy nhân sự làm việc một cách hệ thống hơn, dành nhiều thời gian để tư duy sáng tạo thay vì làm việc một cách thủ công và rập khuông. AI đáp ứng nhu cầu của con người một cách nhanh chóng và hiệu quả bằng khả năng đọc và phân tích một lượng dữ liệu khổng lồ chỉ trong một giây. Mặt khác, con người cần có đủ năng lực cung cấp cho AI logic và tư duy tiếp cận và xử lý vấn đề. Điều này thúc đẩy các nhân sự cần trau dồi kiến thức chuyên môn và kỹ năng liên tục”

Diễn giả Quang Lê Trọng Bằng – Chuyên gia chuỗi cung ứng với hơn 19 năm kinh nghiệm đã nêu quan điểm rằng: “Khi công nghệ lên ngôi, một số công việc sẽ giảm đi và nhóm công việc khác sẽ tăng lên, chúng ta cần nhận biết từ sớm để có sự điều chỉnh phù hợp. Ví dụ: Khi các việc làm thủ công giảm, các công việc liên quan đến cố vấn, đào tạo sẽ tăng lên.”

Tiếp đó, anh Minh cũng chia sẻ thêm: “Công nghệ sẽ khai phóng sức lao động, con người sẽ đóng góp nhiều hơn về mặt ý tưởng, và mọi ý tưởng đều được ghi nhận ở mọi cấp độ công việc, không chỉ riêng cấp quản lý”. 

Anh Minh chia sẻ: “Ở khía cạnh của một người đi làm, chúng ta cần phải hiểu rằng việc học phải luôn được tiếp diễn, Để thành công, chúng ta cần phải không ngừng cập nhật kiến thức và kỹ năng mới, và hiểu sâu về công việc của mình. Đừng lo lắng về việc liệu có bị thay thế hay không, bởi khả năng sáng tạo của con người là vô hạn”

Kết lại:

Việc ứng dụng Generative AI (GenAI) trong quản lý chuỗi cung ứng không chỉ là một xu hướng mới mà còn là cơ hội để tối ưu hóa hiệu suất và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp. 

Từ những quan điểm của các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực, điều quan trọng nhất là chúng ta không nên lo lắng về việc liệu công nghệ có thay thế con người hay không. Thay vào đó là cần nhận thức rằng công nghệ sẽ mang lại cơ hội mới cho sự phát triển và sáng tạo của con người.

Để đạt được điều này, việc học và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới là không thể thiếu. Chúng ta cần hiểu sâu về công việc của mình và luôn sẵn lòng để thích nghi và phát triển trong môi trường làm việc đầy thay đổi. Cuối cùng, khả năng sáng tạo của con người là vô hạn và sẽ luôn là yếu tố quyết định cho sự thành công trong bất kỳ lĩnh vực nào.