Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

Phát triển sự nghiệp chuỗi cung ứng – Học gì & Học như thế nào?

Quản lý chuỗi cung ứng là lĩnh vực đầy thử thách do sự biến động liên tục của thị trường. Khi đặt ra câu hỏi về cách phát triển trong lĩnh vực này, có hai quan điểm phổ biến, một số cho rằng nhân sự cần tích lũy kinh nghiệm thông qua va chạm trực tiếp với các tình huống thực tế, trong khi số khác khẳng định rằng đầu tư vào các chương trình phát triển năng lực là cách tiếp cận hiệu quả hơn. Vậy, đâu mới là lựa chọn tốt hơn?

Để trả lời cho cầu hỏi này, các diễn giả trong hội thảo “Elevate Your Career with APICS Certifications – A Roadmap to Professional Growth” đã đưa ra quan điểm của mình từ góc nhìn của các nhân sự, nhà quản lý và chuyên gia đang công tác trong lĩnh vực giáo dục và chuỗi cung ứng. Mr. Jan de Leon (Giám đốc khu vực của Liên minh chiến lược Hiệp hội quản lý chuỗi cung ứng – ASCM) chia sẻ: “Không chỉ riêng chuỗi cung ứng mà trong bất kỳ lĩnh vực nào, việc học luôn là cần thiết dù bạn đang ở bất kỳ vị trí nào trên con đường sự nghiệp của mình”.

Theo mô hình phát triển năng lực của một nhân sự, trong suốt hành trình sự nghiệp, mỗi cá nhân sẽ phải liên tục trải qua 4 giai đoạn phát triển năng lực:

Giai đoạn 1 – Unconsicious Incmpetence: giai đoạn bạn chưa xác định được những điều mình không biết, và thường có tâm lý ung dung, thoải mái trong công việc mà không biết rằng mình có rất nhiều lỗ hổng kiến thức và kỹ năng cần phải lấp đầy.
Giai đoạn 2 – Consicious Incompetence: giai đoạn nhân sự đã nhận thức được sự thiếu kiến thức và kỹ năng của mình trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng thường họ sẽ có cảm giác hơi tự ti về bản thân và không biết mình phải bắt đầu rèn dũa từ đâu.
Giai đoạn 3 – Consicious Competence: giai đoạn nhân sự đã tích lũy được những kiến ​​thức, kỹ năng cần thiết nhưng cần phải luyện tập rất nhiều để nâng cao năng lực.
Giai đoạn 4 – Unconsicious Competence: khi tiến đến giai đoạn này, nhân sự đã có thể sử dụng kiến thức và kỹ năng vào công việc của mình một cách thuần thục như bản năng của mình.

Từ mô hình này, Jan đã đưa ra nhận định: “Bản chất của việc học là một vòng tuần hoàn”, mọi ngành nghề luôn phải cải tiến liên tục để đáp ứng với sự đổi mới không ngừng của thế giới, mỗi ngày trôi qua, chúng ta sẽ phải đối mặt với những vấn đề và thách thức mới. Chính vì thế, trong suốt hành trình sự nghiệp, ở từng giai đoạn nhất định, mỗi cá nhân luôn phải đi qua 4 bước phát triển để biến những kiến thức, kỹ năng trở thành bản năng của mình, từ đó mới có thể phát triển trong công việc.   

Jan cho rằng ngay cả khi bạn đang đảm nhiệm một vị trí cao trong sự nghiệp và nhận được nhiều lời tán dương từ người xung quanh về năng lực của mình, bạn vẫn phải tự nhìn nhận lại có đúng là như thế không, vì có thể bạn đang trở về bước đầu tiên “không biết những gì mình không biết”.

Nhận thấy rằng việc học là cần thiết trong xuyên suốt hành trình phát triển sự nghiệp, nhưng đứng trước nhiều sự lựa chọn, nhiều chương trình đào tạo và cách để tích lũy kiến thức, phát triển kỹ năng khác nhau, đâu sẽ là lựa chọn tốt nhất cho sự phát triển của nhân sự, đặc biệt trong sự nghiệp chuỗi cung ứng. 

Trả lời cho câu hỏi này, Jan chia sẻ rằng ở từng cột mốc sự nghiệp, mỗi nhân sự sẽ có định hướng và mục tiêu phát triển riêng, cũng như sự khác biệt trong lỗ hổng về mặt kiến thức và kỹ năng. Chính vì thế, vấn đề không phải là lựa chọn nào tốt hơn mà là lựa chọn nào sẽ phù hợp với những ưu tiên hiện tại của bạn.

Trong chia sẻ của mình, Jan không phủ nhận việc có được chứng nhận từ những tổ chức uy tín như APICS sẽ mang lại cho nhân sự những bước phát triển đột phá trong sự nghiệp. Tuy nhiên, bạn cần phải xác định được điều gì cần được ưu tiên, điều gì thực sự quan trọng và sẽ mang lại cho bạn lợi ích nhiều hơn trong công việc, và quyết định đầu tư vào chương trình đào tạo nào còn phải dựa trên khả năng tài chính mà bạn có thể đáp ứng. Bạn cần xem xét kết quả đầu ra của các chương trình đào tạo để đưa ra lựa chọn phù hợp với mục tiêu hiện tại của mình.

Với tư cách là một người chinh phục thành công bằng MBA và các chứng chỉ ASCM APICS, chị Nguyễn Như Ngọc (APICS Master Instructor) cũng nêu nhận định của mình về cách thức tiếp cận của hai chương trình này. Với MBA hay các chương trình thạc sĩ, có hai cách tiếp cận, cách thứ nhất là bạn sẽ học những kiến thức rất tổng quan và dành thời gian để nghiên cứu rất nhiều khái niệm, triết lý, nhưng nó tạo nên một khoảng cách rất lớn giữa lý thuyết và thực tiễn. 

Cách thứ hai là học sâu vào một ngành cụ thể, như Master về Supply chain trong lĩnh vực y tế, hoặc Master về công nghệ, hoặc hàng tiêu dùng nhanh,… Bạn sẽ có kiến thức chuyên sâu về ngành đó, nhưng sẽ rất khó khăn nếu bạn có ý định lấn sân sang một ngành khác. Trái lại, các chứng chỉ như CSCP hay CPIM của APICS có thể giúp bạn rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực tế, cũng như có thể áp dụng cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau với hệ thống kiến đã được chuẩn hóa trên toàn cầu.

Tuy nhiên, đồng quan điểm với Jan, chị cũng cho rằng bạn cần dành nhiều thời gian để xem xét, đánh giá và so sánh giữa những lựa chọn phát triển năng lực khác nhau, hơn hết là xác định rõ mục tiêu, các mức độ ưu tiên, cũng như năng lực tài chính hiện tại của bản thân để đưa ra những lựa chọn phù hợp nhất. 

Anh Tống Thạch Chương là chuyên gia với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, anh đang đảm nhận vai trò Giám đốc Quốc gia cho VISY Global Logistics Vietnam – doanh nghiệp thuộc tập đoàn Úc chuyên về đóng gói và tái chế, xuất khẩu sản phẩm đi khắp thế giới với hơn 150 khu vực chủ yếu tại Úc và Hoa Kỳ. Anh Chương bắt đầu sự nghiệp của mình tại mảng Shipping line trong 13 năm, dần lấn sân sâu hơn vào lĩnh vực Logistics và rộng hơn là Supply Chain. Không chấp nhận được việc chỉ phát triển trong một mảng duy nhất, anh luôn khao khát được dẫn dắt và thiết kế một chiến lược chuỗi cung ứng theo ý muốn của mình. Chính vì thế, trong suốt hành trình sự nghiệp, anh luôn đặt ra những mục tiêu khác nhau trong mỗi giai đoạn phát triển và không ngừng nỗ lực, sẵn sàng đầu tư thời gian và công sức cho việc nâng cao năng lực chuyên môn thông qua việc tham gia các chương trình đào tạo.

Chính những bước chuyển và hướng đi mới trong sự nghiệp đã giúp anh nhận ra rằng, để phát triển và thành công ở một mảng mới, một vị trí mới, bước đầu tiên luôn phải bắt đầu từ việc trau dồi kiến thức chuyên môn vững chắc. Qua đó, khi có cơ hội được tham gia chương trình đào tạo chứng chỉ CSCP (Certified Supply Chain Professional) của APICS, anh đã cảm thấy vô cùng may mắn, với hệ thống kiến thức toàn diện mang tiêu chuẩn toàn cầu, chứng chỉ này đã giúp anh có những bước tiến vượt trội trong sự nghiệp của mình.

Theo đó, chị Nguyễn Như Ngọc cũng chia sẻ quan điểm của mình trong bối cảnh khi các doanh nghiệp nước ngoài muốn khai thác thị trường Việt Nam, họ chỉ tin tưởng và giao trọng trách thiết kế toàn bộ một chuỗi cung ứng cho nhân sự nước ngoài. Tuy nhiên, không phải người Việt Nam không đủ năng lực, mà chỉ đơn giản là kiến thức mà chúng ta có được chỉ giới hạn ở thị trường nội địa. 

Với 13 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Logistics & chuỗi cung ứng ở cả 2 mảng thương mại và sản xuất, chị Hương đã tích luỹ những trải nghiệm giá trị, chuyên sâu và đa dạng trong nhiều ngành công nghiệp, tại các doanh nghiệp hàng đầu, như ngành thiết bị y tế tại Medtronic, ngành hàng tiêu dùng nhanh tại Pernod Ricard, ngành điện tử tại Samsung và Mitsubishi, dịch vụ hậu mãi cho thiết bị di động với các thương hiệu như Apple, Samsung, Nokia, Microsoft, Xiaomi, Huawei. 

Với niềm đam mê mãnh liệt dành cho lĩnh vực chuỗi cung ứng, cùng sự hăng say và luôn cống hiến hết mình trong công việc, chị Hương đã có được sự công nhận và tin tưởng tưởng từ các lãnh đạo cấp cao khi được giao cho nhiều vai trò chiến lược trong tổ chức. Với những thành công chị đã gặt hái được trong công việc, và những thành tựu chị đã mang lại cho tổ chức, nên đã có lúc chị tự cảm thấy mình “over confident”, quá tự tin với chuyên môn hiện tại của mình, cho đến khi bắt đầu công việc ở một tổ chức mới là Medtronic, chị mới nhận ra những kiến thức và kinh nghiệm mà mình có được chỉ là những mảnh ghép trong một bức tranh tổng thể.

Với sự “máu lửa” trong công việc, cùng mục tiêu chinh phục đỉnh cao trong sự nghiệp chuỗi cung ứng, chị đã nỗ lực hết mình để vượt qua giai đoạn đầu khá khó khăn tại Medtronic. Đây cũng là thời điểm chị đã quyết tâm đầu tư thời gian, công sức và sẵn sàng tự chi trả trọn gói chi phí để tham gia chương trình đào tạo CSCP của APICS, và khi tham gia vào chương trình, chị đã ước rằng giá như mình có thể biết đến APICS sớm hơn thì có lẽ chị đã có bước chuyển đổi trong công việc một cách dễ dàng hơn, ít áp lực và chủ động hơn, có thể chị sẽ đạt được thành tựu sớm hơn và công hiến nhiều hơn cho doanh nghiệp của mình. 

Anh Thiện đang đảm nhiệm vai trò Senior Demand Planner tại DKSH. Với hoài bão trở thành chuyên gia chuỗi cung ứng, anh đã và đang không ngừng tích lũy kiến thức, kinh nghiệm đa dạng, tôi luyện năng lực vượt trội để đóng góp vào sự phát triển của tổ chức.

Anh có xuất phát điểm là sinh viên Kinh tế đối ngoại đang trong giai đoạn chưa rõ ràng về định hướng sự nghiệp, sự bùng nổ của từ khóa “Supply Chain” lúc bấy giờ, cùng với những tiềm năng về cơ hội nghề nghiệp trong lĩnh vực này đã trở thành động lực để anh quyết định dấn thân vào sự nghiệp chuỗi cung ứng. Trong khoảng thời gian trải nghiệm là MT mảng Planning của Perfetti Van Melle Vietnam, anh nhìn thấy được một cách rõ ràng những đóng góp của chuỗi cung ứng trong việc tối ưu hóa chi phí cho doanh nghiệp. Song, anh thấy được chuỗi cung ứng là ngành luôn phải đối mặt với thử thách (biến động nhu cầu, những vấn đề bất khả kháng như đại dịch, thiên tai,… sự phát triển nhanh chóng của công nghệ…), điều này thúc đẩy sự phát triển liên tục về năng lực của nhân sự chuỗi cung ứng. Cũng từ đó, anh không chỉ tìm thấy niềm đam mê trong công việc mà còn nhận ra rằng lĩnh vực này thực sự rất thú vị.

Với sự nỗ lực cống hiến và nhiệt huyết trong công việc, anh Thiện nhận được tài trợ toàn phần của Perfetti Van Melle cho chương trình APICS Certified in Planing and Inventory (CPIM). Là một nhân sự trẻ, đối với anh đây là một cơ hội tuyệt vời không thể bỏ lỡ, tuy nhiên đó cũng là một áp lực bởi những kiến thức mà CPIM cung cấp vượt ngoài những hiểu biết và trải nghiệm mà anh có được trong thời điểm hiện tại. Thế nhưng, đổi lại khi được tiếp cận với khối kiến thức chuẩn chỉnh và hệ thống như CPIM, anh lại có cơ hội để mở rộng góc nhìn và có tư duy sâu sắc hơn, từ đó có sự thấu hiểu về những chiến lược hiện tại của doanh nghiệp, cũng như có thể nhìn nhận được những thiếu sót trong công việc hiện tại và tìm kiếm giải pháp để cải thiện. 

Dù bạn ở giai đoạn sự nghiệp nào, việc học luôn là điều cần thiết. Để đưa ra quyết định đúng đắn trước những lựa chọn phát triển năng lực khác nhau, bạn cần xem xét mức độ đáp ứng giữa kết quả đầu ra của các chương trình đào tạo với các  mục tiêu và ưu tiên mà bạn đề ra. Qua hội thảo ‘Elevate Your Career with APICS Certifications – A Roadmap to Professional Growth’, VILAS hy vọng bạn sẽ xác định được lộ trình phát triển sự nghiệp của mình một cách rõ ràng hơn. Mong rằng, những chia sẻ từ các diễn giả sẽ là nguồn động lực giúp bạn tự tin và nỗ lực hết mình trên hành trình chinh phục thành công trong sự nghiệp chuỗi cung ứng

Nâng cao năng lực chuyên môn với 

Chứng Chỉ Quốc Tế APICS về Quản lý Chuỗi Cung Ứng CSCP &CPIM