1. Amazon bị tố ăn cắp ý tưởng của startup để tạo ra sản phẩm tương tự – Hey VILAS
Tạp chí kinh doanh hàng đầu nước Mỹ – Wall Street Journal đưa tin Amazon tìm cách gặp các startup để nói về tiềm năng rót vốn đầu tư, sau đó họ ra sản phẩm cạnh tranh giống hệt. Theo đó, Amazon ngỏ lời đầu tư, nghe giới thiệu chi tiết về sản phẩm sau đó dần cắt đứt liên lạc với startup và âm thầm ra sản phẩm y hệt để cạnh tranh. Khi quỹ đầu tư mạo hiểm của Amazon (Alexa Fund) đầu tư vào DefinedCrowd, họ đã giành được quyền truy cập vào tình hình tài chính của startup công nghệ này và tiếp cận những thông tin bí mật khác. Gần 4 năm sau, chi nhánh điện toán đám mây (AWS) của Amazon đã cho ra đời một sản phẩm trí thông minh nhân tạo (AI) giống hệt sản phẩm của DefinedCrowd, theo CEO công ty này là Daniela Braga.
Những trường hợp tương tự có thể kể đến: Nucleus – một công ty nhỏ làm thiết bị giao tiếp video tại nhà; LivingSocial – một website voucher giảm giá tương tự Groupon (của Amazon) đều rơi vào trường hợp tương tự. Vocalife – một công ty công nghệ âm thanh ở Texas kiện Amazon, cáo buộc họ sử dụng công nghệ đã đăng ký bản quyền trái phép. Leor Grebler – đơn vị tạo ra một thiết bị kích hoạt giọng nói gọi là Ubi đã có nhiều chức năng của một chiếc Amazon Echo, điều đáng chú ý là Amazon đã tiếp cận và nghe công ty này giới thiệu sản phẩm chi tiết, sau đó cắt đứt liên lạc và cho ra đời Amazon Echo sau vài năm.
Vivint Smart Home – một nhà sản xuất camera là một trong những công ty đầu tiên hợp nhất với các thiết bị Echo. Năm 2017, khi Amazon đưa ra bản nâng cấp cho Echo, họ nói rằng sẽ chỉ cho phép Vivint tiếp tục duy trì trên Echo nếu Vivint đồng ý tiết lộ cho họ không chỉ dữ liệu từ Vivint trên thiết bị Echo mà còn từ mọi thiết bị trong nhà khách hàng khác.
Tất nhiên, phía Amazon lại phủ nhận hoàn toàn các cáo buộc này và phản hồi bất kỳ tranh chấp nào về quyền sở hữu trí tuệ đều được giải quyết ở tòa.
– Theo Chanelnews
2. L’Oreal giã từ các sản phẩm bao bì nhựa thay bằng bao bì tái chế nhằm bảo vệ môi trường – Hey VILAS
L’oréal – 1 nhãn hiệu hàng đầu thế giới về mỹ phẩm đến từ Pháp sẽ chính thức từ giã các tuýp sản phẩm chống nắng bao bì nhựa, thay vào đó là các tuýp bằng giấy bìa cứng tích hợp lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới cho ngành làm đẹp, sự tiên phong đầu tiên đến từ thương hiệu La Roche-Posay thuộc nhà L’oréal.
Bao bì tuýp loại mới này là sự tiến bộ vượt bậc trong ngành bao bì mỹ phẩm, có thể làm giảm đến 45% lượng nhựa sử dụng so với bình quân các loại tuýp nhựa khác. Nó được thiết kế để trở thành giải pháp thay thế cho tương lai dùng trong hệ thống bao bì mỹ phẩm nói chung. Đại diện La Roche-Posay cho biết sẽ chia sẻ công nghệ bao bì dạng tuýp chất liệu giấy tích hợp cho các thương hiệu khác và mang sản phẩm mới đến tất cả các nước trên thế giới.
Năm 2020, La Roche-Posay sẽ đạt mức sử dụng 25% nhựa tái chế, cao gấp 10 lần so với năm 2018, và tham vọng của thương hiệu xanh này là sử dụng đến 75% vật liệu nhựa tái chế cho bao bì đến năm 2025, có nghĩa là họ sẽ để dành cho trái đất 10,000 tấn nhựa nguyên thủy để bảo vệ nguồn tài nguyên và môi trường.
Ngành công nghiệp mỹ phẩm đang trên đà phát triển mạnh mẽ, và đây là những động thái cần thiết để bảo vệ môi trường từ các nhãn hàng.
Theo Tomorrow Marketers
3. Google tham gia vào cuộc chơi Thương mại điện tử để thu hút nhiều đối tác bán hàng hơn – Hey VILAS
Vì ảnh hưởng của dịch Covid 19 nên tỷ lệ người mua sắm trực tuyến tăng mạnh, điều đó đã khiến cho Google tham gia vào cuộc chơi Thương mại điện tử sau nhiều lần thất bại trước đây. Google cho biết họ bắt đầu mở nền tảng của mình cho các nhà cung cấp bên thứ ba, bắt đầu với PayPal và Shopify, để cung cấp cho các nhà bán lẻ nhiều sự lựa chọn hơn.
Trong những tháng gần đây, gã khổng lồ “công cụ tìm kiếm” cũng cho phép các nhà bán lẻ liệt kê miễn phí các sản phẩm trên Google Shopping ở Hoa Kỳ, ngoài việc đưa các danh sách miễn phí đó lên Google Search. Những thỏa thuận ngọt ngào này thực sự giúp Google thu hút nhiều người bán hơn nhưng để cạnh tranh với Amazon vẫn là điều khá xa vời.
Theo Forbes
4. Việt Nam có nhiều cơ hội để đón “làn sóng” FDI – Hey VILAS
Việt Nam là 1 trong những nước kiểm soát tốt dịch Covid-19 và được cộng đồng Quốc tế đánh giá cao, nhờ đó, Việt Nam đã khởi động lại các hoạt động của nền kinh tế nhanh hơn nhiều nước trên thế giới. Đây là yếu tố để khẳng định, Việt Nam sẽ có cơ hội phục hồi kinh tế nhanh hơn và có nhiều cơ hội để đón nhận luồng vốn đầu tư đang dịch chuyển hiện nay.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với tình hình kiểm soát dịch bệnh đang rất khả quan như hiện nay, nhà đầu tư nước ngoài chắc chắn sẽ “nhắm” đến Việt Nam nhiều hơn và giảm bớt đầu tư ở Trung Quốc. Theo thống kê, trong 67% doanh nghiệp có ý định dịch chuyển ra khỏi Trung Quốc, 42% muốn chuyển sang Việt Nam với kế hoạch đầu tư vào công nghệ hiện đại, công nghệ tương lai như: y tế, trí tuệ nhân tạo, robot, big data, fintech…
Bên cạnh đó, các tập đoàn công nghệ lớn của thế giới lên kế hoạch dịch chuyển chuỗi sản xuất đến Việt Nam như LG đã chuyển toàn bộ dây chuyền sản xuất từ Hàn Quốc về Hải Phòng. Và theo Nikkei cho hay, trong quý II/2020, Apple sẽ sản xuất 3 – 4 triệu chiếc tai nghe AirPods tại Việt Nam, tương đương gần 1/3 tổng sản lượng AirPods trên toàn thế giới. Foxconn – nhà cung ứng linh kiện cho Apple đã đặt nhà máy tại Bắc Giang. Panasonic Việt Nam cũng đang từng bước tiếp nhận để sản xuất tủ lạnh và máy giặt cửa đứng công suất lớn từ Thái Lan vào đầu tháng 9 tới.
Theo Cafebiz
5. Khách đi máy bay của Emirates được trả chi phí y tế nếu mắc COVID-19 – Hey VILAS
Trong nỗ lực thúc đẩy nhu cầu đi lại bằng đường hàng không vốn suy giảm trầm trọng do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Emirates – hãng hàng không lớn nhất Trung Đông, tuyên bố sẽ thanh toán chi phí y tế cho hành khách nếu mắc COVID-19 khi đi máy bay của hãng.
Ngày 23/7, Văn phòng truyền thông của Emirates tại Dubai (Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất – UAE) thông báo hãng sẽ chi trả cho hành khách mọi chi phí y tế và cách ly liên quan tới dịch COVID-19 khi họ lựa chọn di chuyển trên các máy bay của hãng với mọi hành trình. Trong trường hợp có chẩn đoán mắc COVID-19, hành khách có thể yêu cầu được hoàn trả tới 150.000 euro (173.600 USD) chi phí y tế và tới 100 euro/ngày cho chi phí 14 ngày cách ly. Chính sách này sẽ có hiệu lực ngay lập tức và kéo dài tới ngày 30/10.
Theo Cafebiz