Trong vòng 5-10 năm tới, Việt Nam sẽ cạnh tranh trực tiếp và đứng ngang hàng với Trung Quốc trên chuỗi cung ứng toàn cầu nhưng việc thay thế hoàn toàn vị trí của Trung Quốc vẫn là điều bất khả thi.
Hãy cùng điểm qua tình hình xuất khẩu vượt bậc để thấy được tầm quan trọng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu hiện tại. Từ một nước chỉ xuất khẩu hàng may mặc và da giày có giá trị gia tăng thấp, Việt Nam đã đa dạng hóa mặt hàng, chuyển dịch sang các hàng công nghệ, điện tử, linh kiện điện thoại di động.
-
Kết quả xuất nhập khẩu ấn tượng
Trong năm 2021, số lượng điện thoại sản xuất trong nước đạt 233,7 triệu chiếc, tăng 7,6%. Trong khi đó, trị giá sản xuất linh kiện điện thoại đạt 580,8 nghìn tỷ đồng, tăng 29,5% so với cùng kỳ năm 2020. Xuất khẩu điện tử trong năm 2021 cũng đạt mức kỷ lục 108 tỷ USD, tương đương 32% tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhờ đó, Việt Nam vươn lên trở thành nước xuất khẩu điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới (chiếm 13% thị phần).
Bên cạnh các mặt hàng công nghệ – điện tử, các mặt hàng khác như thủy sản, cao su, đồ nội thất, thực phẩm vẫn giữ được đà tăng tốt. Trong 6 tháng đầu năm 2022, có tổng cộng 26 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 3 mặt hàng so với cùng kỳ năm 2021.
Việt Nam có đầy đủ các yếu tố để tiếp tục phát triển mạnh xuất khẩu và khẳng định vị thế của mình trên chuỗi cung ứng.
-
Các chiến lược hợp lý của Nhà nước
Để thu hút nguồn vốn FDI và các nhà đầu tư nước ngoài, Nhà nước đã có rất nhiều chính sách và ưu đãi hợp lý. Đồng thời, Việt Nam cũng được hưởng lợi trực tiếp rất nhiều từ các hiệp định thương mại đã được ký kết trong gần 2 thập kỷ vừa qua. Tính đến tháng 11/2021, Việt Nam đã ký kết 15 Hiệp định thương mại tự do (FTA).
-
Nguồn nhân lực dồi dào
Nguồn nhân lực của Việt Nam ngày càng phát triển về trình độ chuyên môn, mặt bằng và nguyên liệu giá rẻ. Hiện tại, Việt Nam vẫn đang được định hình là một “kinh đô sản xuất” giá rẻ và là điểm đến yêu thích của nhiều nhà đầu tư, tuy nhiên trong tương lai khi sự phát triển và thay thế của công nghệ trong sản xuất ngày càng gia tăng, Việt Nam sẽ phải chú trọng vào nâng cao chuyên môn của đội ngũ nhân lực để gia tăng thế mạnh cạnh tranh. (Đây cũng là 1 vấn đề nổi bật đóng góp vào thử thách chung mà nền kinh tế Việt Nam đang gặp phải trong giai đoạn chuyển giao và đa dạng hóa ngành nghề – Economic Dualism. Mình sẽ phân tích thử thách này trong các bài viết sắp tới)
-
Danh tiếng và uy tín tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu
Với sự thành công của Samsung và Intel, các công ty công nghệ cũng đang nhanh chóng chuyển dịch các nhà máy của mình sang Việt Nam. Theo trang AJU Business Daily của Hàn Quốc, công ty LG Display thuộc tập đoàn LG dự kiến sẽ huy động khoảng 1 tỷ USD vốn đầu tư từ các ngân hàng trong và ngoài nước để mở rộng dây chuyền sản xuất màn hình OLED và xây dựng cơ sở hạ tầng nhà máy của họ ở Việt Nam.
Theo Cafef