Để lập một hợp đồng ngoại thương là một công việc hết sức phức tạp, nó đòi hỏi phải tuân thủ luật quốc gia và quốc tế, đồng thời đảm bảo được quyền lợi quốc gia và đảm bảo uy tín kinh doanh của đơn vị. Do đó việc hiểu cặn kẽ một hợp đồng ngoại thương là hết sức cần thiết khi kinh doanh quốc tế. Tiếp tục phần 1 và phần 2 mọi người hãy cùng VILAS tìm hiểu sâu hơn về hợp đồng ngoại thương nhé!
1. Đặc điểm
Chủ thể của hợp đồng là người mua và người bán có cơ sở kinh doanh đăng ký tại hai quốc gia khác nhau. Lưu ý rằng quốc tịch không phải là yếu tố để phân biệt, dù hai bên có quốc tịch khác nhau nhưng việc mua bán được diễn ra cùng trên một quốc gia thì hợp đồng mua bán cũng không mang tính chất quốc tế.
Hàng hóa – đối tượng mua bán của hợp đồng được chuyển hoặc sẽ chuyển từ nước này sang nước khác.
2. Yêu cầu đối với hợp đồng ngoại thương
- Hợp đồng phải được xây dựng trên cơ sở pháp lý vững chắc. Người xây dựng hợp đồng ngoại thương phải nắm vững: luật của nước người mua, người bán, các luật và tập quán liên quan đến hoạt động mua bán hàng hóa quốc tế.
- Chủ thể của hợp đồng ngoại thương phải hợp pháp. Yêu cầu này bao gồm: hai bên mua bán phải có quyến kinh doanh xuất nhập khẩu theo luật định, những người tham gia ký kết hợp đồng phải là những người đại diện hợp pháp cho mỗi bên, trường hợp người khác ký phải có giấy ủy quyền hợp lệ bằng văn bản của người đại diện hợp pháp.
- Hợp đồng phải được ký kết trên cơ sở tự nguyện của các bên tham gia mới có hiệu lực.
- Nội dung hợp đồng phải hợp pháp. Trong hợp đồng không chứa đựng bất cứ nội dung nào trái với pháp luật hiện hành của nước người bán, nước người mua, và trái với tập quán buôn bán quốc tế.
3. Một số nội dung các điều kiện và điều khoản của một hợp đồng mua bán hàng hóa quốc tế
- Commodity (tên hàng) là đối tượng mua bán của hợp đồng, có tác dụng xác định chính xác được mặt hàng cần mua bán, trao đổi. Vì vậy đây là một điều khoản quan trọng không thể thiếu trong hợp đồng.
- Quantity (số lượng) nhằm nói lên mặt lượng của hàng hóa được giao dịch, điều khoản này bao gồm các vấn đề về đơn vị tính số lượng (hoặc trọng lượng) của hàng hóa.
- Quality, Specification (chất lượng, phẩm chất hàng hóa) là điều khoản nói lên mặt chất của hàng hóa cần mua bán một cách chính xác và ngắn gọn. Ngắn gọn ở đây không có nghĩa là mô tả một cách sơ sài, thiếu chi tiết, mà phải mô tả một cách dễ hiểu để tránh rủi ro cho một trong hai bên.
- Price (giá cả) có thể nói đây là mục đích và là vấn đề mà các bên của hợp đồng quan tâm nhất. Chính vì vậy khi soạn thảo hợp đồng các bên thường rất thận trọng với điều khoản này. Trong điều khoản này cần xác định: đơn vị tiền tệ của giá cả, mức giá, phương pháp quy định giá cả, điều kiện cơ sở giao hàng tương ứng.
- Shipment/delivery (giao hàng) nội dung cơ bản của điều khoản giao hàng là sự xác định thời hạn, địa điểm giao hàng, phương thức giao hàng và thông báo giao hàng.
- Payment (thanh toán) trong mục này của hợp đồng quy định: đồng tiền thanh toán, thời hạn trả tiền, hình thức trả tiền.
- Warranty (bảo hành) trong điều khoản này cần phải thể hiện được hai yếu tố: thời gian bảo hành, nội dung bảo hành.
- Penalty (phạt) khi hợp đồng không được thực hiện do nguyên nhân chủ quan gây ra thì điều khoản này sẽ quy định những biện pháp, hình phạt đối với bên không chấp hành đúng như hợp đồng.
- Insurance (bảo hiểm) quy định người mua bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm cần mua.
- Force majeure (bất khả kháng) bất khả kháng là sự kiện xảy ra làm cho hợp đồng trở thành không thể thực hiện được mà không ai bị chịu trách nhiệm.
- Arbitration (trọng tài) bất kỳ các tranh cãi trong các mối quan hệ bất hòa dưới quan hệ hợp đồng nếu hai bên không giải quyết được thì có thể yêu cầu trọng tài giải quyết.
- General Condition(điều khoản chung) điều khoản này có thể quy định hợp đồng có hiệu lực từ ngày ký, thành lập bao nhiêu bảng bằng ngôn ngữ gì,…
Tổng hợp và biên soạn bởi Nguyễn Xuân Hòa