Tin tức

Bài phỏng vấn: Nhà tuyển dụng toàn cầu tìm kiếm điều gì ở sinh viên Logistics/Supply Chain?

Với chuyên mục Career lần này, VILAS rất vinh hạnh được phỏng vấn chị Dương Hoàng Phúc – Talent Acquisition Manager tại FrieslandCampina Việt Nam. Với kinh nghiệm nhiều năm trong ngành, chị Phúc chắc chắn sẽ giúp các bạn hiểu rõ hơn những băn khoăn, thắc mắc liên quan đến chủ đề: Từ góc nhìn nhà tuyển dụng, các công ty tìm kiếm điều gì ở các ứng viên tại các vị trí liên quan đến Logistics/Supply Chain?

 

Em chào chị Phúc. Chị có thể cho em biết nhu cầu tuyển dụng ngành Logistics và Supply Chain hiện nay là như thế nào? 

 

Với doanh thu khoảng 40 tỷ USD/năm, tương đương 21-25% GDP, Logistics được biết đến như một trong những lĩnh vực mũi nhọn thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Theo Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), trong giai đoạn 2017 – 2020, ngành logistics Việt Nam cần thêm khoảng 200.000 lao động chất lượng cao, có trình độ chuyên môn, kỹ năng và trình độ tiếng Anh. Đến năm 2025, con số sẽ là 300.000 nhân viên chuyên nghiệp, có trình độ chuyên môn, ICT, tiếng Anh để đáp ứng yêu cầu trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.

 

Về mức lương trung bình cho các bạn sinh viên mới ra trường, theo chị thì còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau. Ví dụ như:

  • Quy mô và mô hình công ty (Công ty đa quốc gia MNC hay công ty địa phương, các công ty khởi nghiệp…)
  • Kinh nghiệm, năng lực, tiềm năng phát triển của ứng viên trong lúc phỏng vấn.
  • Vị trí mà công ty đăng tuyển (Vd: Sales thì ngoài lương cơ bản có thêm hoa hồng, thưởng doanh thu…).

Nhà tuyển dụng tìm kiếm những kỹ năng & kiến thức gì ở những bạn sinh viên mới ra trường khi ứng tuyển vào phòng Logistics/Supply Chain?

 

Không riêng ngành Logistics/Supply Chain, sinh viên mới ra trường cần chuẩn bị tốt về kỹ năng và kiến thức để tránh bỡ ngỡ khi ứng tuyển và nhanh chóng phát triển bản thân ở các vị trí mới.

 

Tại mỗi vị trí trong ngành Logistics và Supply Chain sẽ có những yêu cầu khác nhau về nghiệp vụ và kỹ năng. Có thể phân loại thành các nhóm sau đây:

  • Kỹ năng mềm: Kỹ năng đàm phán, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng thuyết phục, kỹ năng làm việc nhóm….
  • Kỹ năng chuyên môn: Những kiến thức nghiệp vụ liên quan trực tiếp đến vận hành hoạt động Logistics/Supply Chain. Những kiến thức có liên quan bao gồm: Incoterms, bộ chứng từ xuất nhập khẩu, bảo hiểm hàng hóa, quy trình khai báo hải quan và thủ tục giao nhận hàng hóa…
  • Ngoài ra, các bạn sinh viên mới ra trường cũng nên liên tục trau dồi bản thân, không chỉ dừng lại qua kiến thức sách vở mà cần phải ‘cọ xát’ thực tế nhằm tích lũy thêm những kinh nghiệm bản thân, để có thể nhanh chóng hòa nhập với môi trường và văn hóa làm việc ở công ty.

 

Chị có thể chia sẻ giúp em những điểm nào cần lưu ý trong quá trình chuẩn bị CV và phỏng vấn cho ngành Logistics/Supply Chain?

 

Chuẩn bị một CV rõ ràng, chuyên nghiệp sẽ là yếu tố cực kì quan trọng và cần thiết để giành được một vị trí trong ngành công nghiệp tiềm năng. Hiện nay, trên Internet có rất nhiều trang web hỗ trợ các em hoàn thành CV của mình, có thể kể đến như: kickresume.com, cvmaker.com, ceevee.com, topcv.com…

 

Tuy nhiên, trong quá trình làm việc với các bạn sinh viên mới ra trường thì chị cũng đã đúc kết được một số những lời khuyên sau đây:

  • Ngắn gọn: Nhà tuyển dụng dành trung bình từ 4 – 5 phút để đọc CV và khoảng 6 giây trước khi ra quyết định Đạt / Không đạt / Xem xét lại. Vì vậy, hãy ưu tiên những thông tin quan trọng và sắp xếp bố cục dễ nhìn để nhà tuyển dụng nắm bắt được thông tin của các em nhanh và chính xác nhất có thể nhé.
  •  Tìm hiểu những thông tin liên quan đến công việc và công ty ứng tuyển: Hiểu rõ những thông tin này sẽ giúp các em tránh được những bối rối trong quá trình chuẩn bị hồ sơ cũng như phỏng vấn. Đồng thời việc hiểu rõ về công ty ứng tuyển cũng sẽ giúp cho các ứng viên dễ dàng trong việc hòa nhập với công việc mới.
  •  Đừng quên đưa vào CV những thành tích của mình: Các bạn không nên chỉ nêu trách nhiệm công việc đã hoàn thành trong quá khứ mà hãy liệt kê ra những thành tựu và kết quả mình đạt được. Ghi lại những kết quả và sự hoàn thành KPI có thể thêm tác động rất mạnh đến hiệu quả đến CV.
  •  Chú ý đến quy mô công ty mình ứng tuyển: Nhà tuyển dụng chuỗi cung ứng không chỉ tìm kiếm một người đáp ứng các tiêu chuẩn cơ bản của công việc mà còn phải phù hợp với  quy mô, phạm vi và độ phức tạp của công ty.

Một số mẹo khác

  • In đậm và viết hoa tất cả các Tiêu đề (ví dụ: Tên, Trải nghiệm, Giáo dục, Chứng chỉ, v.v.) ở kích thước từ 14 – 16. Sử dụng 11 – 12 cho phần mô tả.
  • Sử dụng Helvetica hoặc Arial cho phong cách phông chữ vì đây là hai phổ biến nhất.
  • Sử dụng các từ khóa về chuỗi cung ứng đúng. Người tuyển dụng và phần mềm quét CV đều tìm từ khóa để quét và lọc CV. Sử dụng số lượng từ khóa vừa phải chứ đừng nên nhồi nhét quá nhiều vào hồ sơ nhé.
  • Hạn chế viết tắt và chỉ sử dụng từ viết tắt trừ khi chúng rất phổ biến đối với ngành, ví dụ: SCM, TMS, WMS, v.v.

Trong quá trình phỏng vấn, các bạn cần phải đi đúng giờ, chuẩn bị các bộ hồ sơ xin việc nếu được yêu cầu và thể hiện phong thái tự tin.

 

Liệu nữ giới có thể tham gia làm việc trong ngành Logistics được hay không?

Hiện nay, không có 1 sự giới hạn nào về sự phân biệt giới tính đối với ngành nghề này. Tuy nhiên, ở một vài vị trí trong ngành như Sales hoặc các vị trí yêu cầu tiếp xúc nhiều bên ngoài (VD: Nhân viên hải quan, Nhân viên xử lý giấy tờ…), các bạn trẻ nên lưu ý trang bị tốt cả về mặt sức khỏe, các kỹ năng mềm cần thiết (Kỹ năng giao tiếp, Xử lý tình huống…), khả năng chịu áp lực v.v.,

 

Ngoài tiếng Anh, nhân sự trong ngành Logistics có cần phải biết thêm những ngoại ngữ nào khác không?

Tiếng Anh là một yếu tố cực kì cần thiết với ngành Logistics. Ngoài ra, việc trang bị thêm các ngôn ngữ khác cũng được các công ty khuyến khích, góp phần mở ra nhiều cơ hội trong sự nghiệp bản thân.

 

Liệu một ứng viên học trái ngành có thể ứng tuyển vào vị trí Supply Chain/Logistics được không?

Hoàn toàn có thể, vì mảng Supply Chain/Logistics là một lĩnh vực rất rộng, cung cấp nhiều cơ hội làm việc đa dạng. Hiện nay, bằng cấp chỉ là 1 yếu tố nhưng không phải yếu tố quyết định. Ngoài việc thể hiện về năng lực, khả năng tư duy, nếu các bạn sinh viên thể hiện được sự quyết tâm trong việc học hỏi, thể hiện đam mê trong CV thì điều đó được các nhà tuyển dụng đánh giá cao.

 

Lộ trình phát triển nghề nghiệp từ vị trí chuyên viên lên vị trí quản lý của ngành Logistics/Supply chain thường mất bao nhiêu năm?

Khoảng thời gian phát triển lên các vị trí quản lý có thể là ngắn hoặc dài tùy thuộc vào năng lực và nỗ lực của từng cá nhân. Rất khó để nói là 3 năm hay 5 năm, vì các bạn cần trang bị đủ cho mình các yếu tố cơ bản:

  •  Kỹ năng chuyên môn
  •  Kỹ năng quản lý
  • Định hướng phát triển nghề nghiệp rõ ràng

Ngoài ra, trong quá trình làm việc, bạn nên thể hiện sự nhiệt quyết, tinh thần chủ động, sự sáng tạo, khả năng quản lý đội nhóm… để có thể được cân nhắc lên các vị trí quản lý. Quản lý cũng có nhiều cấp bậc, từ Junior đến Senior. Điều quan trọng nữa là cần đúng người – đúng việc – đúng thời điểm.

 

VILAS chân thành cảm ơn chị Phúc đã dành thời gian giúp đỡ để VILAS có thể hoàn thành bài viết này.

Learn more about us!!!