Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

BẾN XE MIỀN ĐÔNG VÀ HỒNG KÔNG – GIỐNG NHAU ĐẾN BẤT NGỜ

 

Bạn đang sống ở TP.HCM và đang tìm một giải pháp tối ưu nhằm vận chuyển hàng hóa đến khu vực Đông Nam bộ Việt Nam: nhanh nhất với chi phí thấp nhất, thì sử dụng dịch vụ tại bến xe miền Đông sẽ là một phương án bạn nghĩ đến đầu tiên. Luôn tấp nập người qua lại, bến xe miền Đông là khu vực nhộn nhịp bậc nhất Sài Thành.

Trong những năm vừa qua, có một thành phố ở Châu Á đóng vai trò làm thông suốt dòng chảy hàng hóa đến nhiều nơi trên thế giới. Với tốc độ phát triển vượt bậc, nơi này đã đánh dấu vị trí của mình trong bản đồ Logistics châu Á và trên thế giới. Đó chính là Hồng Kông.

Vậy, tại sao VILAS lại nói Hồng Kông giống như một “bến xe miền Đông của châu Á”?

 

1/ Nằm gần các khu vực sản xuất lớn

 

  • Bến xe miền Đông tại TP.HCM – nơi có tốc độ tăng trưởng hàng đầu Việt Nam. Với hơn 40 khu công nghiệp rải rác khắp các khu vực của TP.HCM, đây là nơi sản xuất hàng hóa với khối lượng rất lớn. Do đó nhu cầu giao thương, kết nối hàng hóa giữa các doanh nghiệp và người dân ở TPHCM hoặc giữa TPHCM với các tỉnh thành khác trong cả nước là rất cao. Đó cũng là lí do dễ hiểu khi bến xe miền Đông chính là “đầu mối” hàng hóa đến các tỉnh phía Bắc, Trung của Việt Nam.
  • Trong khi đó, Hồng Kông sở hữu một vị trí chiến lược cho sự phát triển của Logistics. Nằm tại vị trí trung tâm của khu vực châu Á – Thái Bình Dương, đặc biệt giáp với Trung Quốc – kho hàng của thế giới – cho phép các doanh nghiệp đặt trụ sở tại Hồng Kông rất dễ dàng vận chuyển hàng hóa từ “kho hàng của thế giới” đến các quốc gia khác trên toàn cầu.

 

2/ Khu vực phát triển ngành Logistics đa phương thức:

 

Tại TP.HCM, Logistics là một trong những ngành có tốc độ phát triển nhanh nhất:

  • Vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ trên địa bàn TP.HCM phát triển với tốc độ cao, chiếm tỷ trọng ngày càng lớn trong tổng khối lượng vận tải hàng hóa.
  • Vận tải đường biển, đường sông khá ổn định: khu vực cảng TP.HCM đứng đầu cả nước về sản lượng container thông qua, chiếm 58,81% thị phần. Riêng Tân Cảng Cát Lái (quận 2) chiếm đến 48% thị phần cả nước và chiếm 80,89% thị phần khu vực cảng TP.HCM.
  • Theo Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Tân Sơn Nhất được thiết kế với năng lực tiếp đón 23 triệu hành khách vào năm 2020. Tuy nhiên, năm 2014, sân bay Tân Sơn Nhất đã đạt 22.140.348 lượt hành khách và 408.006 tấn hàng hóa.

 

Tại Hồng Kông, Logistics đang là một trong 4 ngành trụ cột với tỉ trọng ngành chiếm 22% GDP và 20% lượng việc làm của thành phố này.

  • Hồng Kông có mạng lưới đường cao tốc toàn diện với các điểm xuyên biên giới kết nối tốt với các bến container, sân bay và các nút Logistics khác nhau, cung cấp nhiều lựa chọn kết nối giao thông đa phương thức và cung cấp sự liên hệ chặt chẽ với Trung Quốc.
  • Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HKIA) có trên 100 các hãng hàng không hoạt động với hơn 1100 chuyến bay mỗi ngày đến khoảng 190 điểm trên toàn thế giới.
  • Cảng Hồng Kông là một trong những cảng container nhộn nhịp nhất trên thế giới. Với 24 bến tàu, có khoảng 330 tàu container mỗi tuần di chuyển đến khoảng 470 điểm trên toàn thế giới.

 

3/ Ùn tắc giao thông: Cải thiện cơ sở hạ tầng để phát triển

 

Một trong những điểm chung của bến xe miền Đông của Việt Nam và “bến xe miền Đông của châu Á” đó chính là tình trạng kẹt xe trong nội thành thành phố, gây khó khăn cho sự vận chuyển liền mạch của dòng chảy hàng hóa.

Đây cũng là điểm tương đối dễ hiểu với sự phát triển nhanh và khối lượng hàng hóa khổng lồ được vận chuyển. Tuy nhiên, nhận thấy được tầm quan trọng của hai địa điểm này đối với ngành Logistics, chính phủ Việt Nam và Hồng Kông đã có những động thái tích cực nhằm giảm đến mức tối thiểu tình trạng kẹt xe.

 

Bến xe miền Đông sẽ được dời đến địa điểm mới tại quận 9 và chính thức đi vào hoạt động vào tháng 1.2019.

  • Nguyên do chính cho việc di dời này vì trước đây, bến xe miền Đông được tọa lạc tại quận Bình Thạnh, là một trong những địa điểm có mật độ lưu thông các phương tiện vận tải cao tại TP.HCM. Quy hoạch bến xe tại địa điểm mới nhằm đạt mục tiêu tăng công suất phục vụ các chuyến xe liên tỉnh, giảm ùn tắc trong khu vực nội đô, cũng như tăng cường kết nối với các loại hình giao thông công cộng.

 

Mặt khác

  • Hồng Kông đã đầu tư những sân bay quốc tế đẳng cấp thế giới, cảng container nổi tiếng với hiệu suất cao. Mạng lưới giao thông đa phương thức phát triển tốt cho phép ngành công nghiệp Logistics linh hoạt trong việc di chuyển hàng hóa đến nhiều địa điểm khác của thế giới.
  • Ngày càng có nhiều công ty đang thiết lập khu vực trung tâm phân phối ở Hồng Kông để tận dụng lợi thế của sự phát triển và kết nối phương thức vận chuyển hàng không, đường biển và đường bộ.

 

4/ “Vùng đất hứa” sự phát triển ngành Logistics tại khu vực

 

Tại bến xe miền Đông

  • Với mức đầu tư lên đến 4000 nghìn tỉ đồng (tương đương 179,3 triệu đô la Mỹ), dự án bến xe miền Đông mới dự kiến bao gồm trung tâm thương mại, khu phức hợp mua sắm, vui chơi giải trí, nhà hàng khách sạn.
  • Đồng thời kết nối với các điểm kinh tế quan trọng của TP.HCM, có thể kể đến như tuyến metro đầu tiên từ Bến Thành (Q.1) – Suối Tiên (Q.9) nhằm phục vụ cho 7 triệu lượt khách mỗi năm trong tương lai.

 

Tại Hồng Kông

  • Mới đây, Cainiao Network – một công ty thuộc quyền kiểm soát của Alibaba’s Group đầu tư 1,5 tỷ đô la để xây dựng một trung tâm Logistics tại sân bay quốc tế Hồng Kông.
  • Dự án sẽ chính thức hoạt động vào năm 2023 với tổng diện tích là 380.000 mét vuông, bao gồm một trung tâm xử lý hàng hóa hàng không, một trung tâm phân loại và trung tâm thực hiện đơn đặt hàng. Bằng việc được trang bị công nghệ kho tự động và kiểm soát nhiệt độ tự động, trung tâm có khả năng xử lý hàng chục triệu gói hàng mỗi năm và làm tăng thêm 1,7 triệu tấn hàng hóa mỗi năm đến sân bay Hồng Kông khi hoạt động tối đa công suất.

 

Tạm kết:

Với địa điểm chiến lược ở trung tâm châu Á, sự đầu tư đúng mức cho cơ sở hạ tầng, vận chuyển hàng hóa và hành khách liên tục đến nhiều điểm trên thế giới, trong tương lai gần, Hồng Kông sẽ không chỉ dừng lại ở danh hiệu “bến xe miền Đông của châu Á”, mà còn được dự đoán trở thành một trong những trụ cột chính cho ngành Logistics toàn cầu.

 

Nếu như Hồng Kông được ví như là ‘bến xe miền Đông’ của châu Á bởi vị trí thuận lợi cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai, thì Singapore lại được xem như là ‘bến xe miền Tây’ với sự giao thương nhộn nhịp cùng tốc độ phát triển nhanh. Hãy cùng đón đọc số tiếp theo để tìm hiểu xem sự giống nhau giữa bến xe miền Tây và Singapore là gì nhé!

———————————–

Bạn đã sẵn sàng cùng VILAS trải nghiệm chuyến tham quan thực tế về hệ thống Logistics hiện đại bậc nhất châu Á – Singapore?