Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

CHỨNG TỪ HÀNG HÓA TRONG VẬN TẢI QUỐC TẾ ĐƯỜNG BIỂN (PHẦN 6) – COMMERCIAL INVOICE

 

Chắc hẳn, sau mỗi giao dịch, đặc biệt trong ngữ cảnh thương mại quốc tế đều xuất hiện loại chứng từ giữa người mua và người bán đề cập đến việc thanh toán các chi phí xảy ra trong giao dịch.

Đó chính là Hóa đơn thương mại hay Commercial Invoice.

Với chuỗi bài viết lần này VILAS giới thiệu đến bạn đọc thông tin chi tiết, cũng như mục đích và yêu cầu của một hóa đơn thương mại theo quy định là như thế nào nhé! 

Một ví dụ về Commercial Invoice

Hóa đơn thương mại (Commercial Invoice)

Hóa hơn thương mại là một chứng từ thương mại do người bán phát hành để xuất trình cho người mua sau khi hàng hóa được gửi đi. Loại chứng từ này được yêu cầu bởi người bán, phát hành cho người mua, người mua phải thanh toán số tiền hàng theo những điều kiện cụ thể ghi trên hóa đơn.

Hóa đơn thường được lập thành nhiều bản để dùng trong nhiều việc khác nhau: xuất trình cho ngân hàng để lấy tiền hàng, xuất trình công ty bảo hiểm để tính phí bảo hiểm, cho hải quan để tính thuế,…

a. Mục đích của việc cấp hóa đơn thương mại.

– Là chứng từ không thể thiếu trong vấn đề giao hàng

– Một trong những chứng từ quan trọng để xác lập việc thanh toán với đối tác

– Là căn cứ quan trọng để xác định giá trị hải quan của hàng hóa để tính thuế nhập khẩu.

b. Nội dung của hóa đơn thương mại:

– Tên cửa khẩu hàng đến

– Tên người mua, người bán

– Mô tả chi tiết sản phẩm: tên thông thường của sản phẩm, cấp hạng hay chất lượng và mã hiệu, số hiệu và ký hiệu của hàng hóa khi lưu thông trên thị trường nội địa nước xuất khẩu cùng với số mã hiệu bao gói hàng hóa

– Số lượng tính theo trọng lượng hoặc kích thước của giao hàng

– Giá của từng mặt hàng

– Đơn vị tiền tệ

– Các chi phí liên quan ghi rõ từng khoản (nếu có) như: cước phí vận tải quốc tế, phí bảo hiểm, hoa hồng, chi phí bao bì, chi phí đóng gói, tất cả các chi phí và phí tồn khác (nếu chưa nằm trong các khoản trên). Chi phí đóng gói, bao bì, container và cước phí vận tải nội địa đến cảng xuất khẩu không phải liệt kê nếu như đã nằm trong giá hóa đơn và được chú thích như vậy

– Các giảm giá, chiết khấu

– Nước xuất xứ hàng hóa

– Hóa đơn thương mại phải thể hiện rõ có sự “hỗ trợ” của người mua cho việc sản xuất hàng hóa hay không. Nếu có thì phải ghi rõ giá trị (nếu biết) và tên nhà cung cấp. Sự hỗ trợ đó được miễn phí hay trên cơ sở thuê mướn hay phải trả tiền?

 

Theo UCP 600 (các quy tắc và thực hành thống nhất về tín dụng chứng từ), hóa đơn thương mại

– Phải thể hiện do người thụ hưởng phát hành (trừ trường hợp quy định tại điều 38)

– Phải được lập cho người mở thư tín dụng (trừ trường hợp nêu trong điều 38)

– Phải được lập trùng với đơn vị tiền tệ nêu trong thư tín dụng

– Không cần phải ký