Logistics Distribution

Công nghệ RFID trong logistics bán lẻ

Công nghệ nhận diện các đối tượng bằng sóng vô tuyến (RFID) đã có lịch sử phát triển từ lâu nhưng đến những năm gần đây mới được quan tâm ứng dụng trong lĩnh vực kinh doanh. Với những ưu điểm nổi bật của nó so với hệ thống nhận diện bằng mã vạch đang được sử dụng trong ngành bán lẻ VN, RFID hứa hẹn sẽ mang lại nhiều lợi ích to lớn cho DN bán lẻ nếu được nghiên cứu và triển khai ứng dụng.

 

1. Công nghệ RFID

RFID (Radio Frequency Identification) là thuật ngữ dùng để miêu tả một hệ thống nhận diện các đối tượng (vật và người) bằng sóng vô tuyến. Theo Violino (2005), công nghệ tự động nhận diện (Auto-ID Techonologies) từ lâu đã được sử dụng để giảm thiểu thời gian và công sức nhập dữ liệu thủ công đồng thời cải thiện mức độ chính xác của dữ liệu.

 

Sự phát triển của RFID bắt đầu từ đầu thập niên 1920 khi hệ thống ra-đa ra đời và sau đó được sử dụng rộng rãi nhằm phát hiện máy bay của địch trong Chiến tranh thế giới lần thứ hai. Tuy vậy, chỉ từ năm 2000, những ứng dụng của RFID trong kinh doanh và thương mại mới thực sự thu hút sự quan tâm của các DN và giới hàn lâm (Bhattacharya et al., 2007).

 

Nguyên tắc hoạt động của RFID

 

Một hệ thống RFID bao gồm ba thành phần cơ bản: thẻ RFID, thiết bị đọc RFID và hệ thống CNTT hỗ trợ.Thẻ RFID có thể được phân thành hai loại: thẻ chủ động và thẻ thụ động. Các thẻ RFID chủ động được tích hợp sẵn nguồn năng lượng bên trong (chẳng hạn như pin) do đó có bộ nhớ lưu trữ và phạm vi nhận diện cao hơn so với các thẻ thụ động. Phạm vi nhận diện của các thẻ RFID chủ động là từ 20m đến 100m trong khi đối với các thẻ thụ động là 2mm đến 4,6m. Tuy vậy, do phụ thuộc vào nguồn năng lượng bên trong nên thẻ RFID chủ động có thời gian sử dụng (số lần quét) giới hạn hơn so với các thẻ thụ động. Đối với các thẻ thụ động thì thời gian sử dụng là không giới hạn, bởi vì thiết bị đọc RFID sẽ chịu trách nhiệm cung cấp năng lượng hoạt động cho các thẻ này.

 

Khi một thẻ RFID được đặt trong trường nhận diện của thiết bị đọc, dữ liệu chứa trong thẻ sẽ được thiết bị đọc ghi nhận, sau đó chuyển về hệ thống CNTT hỗ trợ thông qua các giao diện chuẩn nhằm phục vụ cho các hoạt động xử lý, phân tích và lưu trữ…

 

Hạn chế của RFID

 

RFID cũng có những hạn chế do các quy luật vật lý. Kim loại và các chất lỏng có tính chất cản sóng vô tuyến do đó thông thường RFID không làm việc hiểu quả trong môi trường có nhiều vật thể kim loại hoặc chất lỏng bao quanh. Thẻ RFID cũng có thể bị hỏng và không thể nhận diện được. Sự hoạt động đan xen cùng lúc giữa các thiết bị đọc RFID cũng có thể ngăn cản việc đọc một thẻ RFID nào đó. Tuy vậy, những tiến bộ về kỹ thuật có thể mang lại giải pháp cho những vấn đề này trong tương lai gần.

 

2. Lợi ích của RFID trong logistics bán lẻ

Cải thiện quản lý trữ hàng

 

RFID có thể đơn giản hóa và đẩy nhanh các công đoạn ghi nhận nhập và xuất hàng ở kho, cung cấp vị trí chính xác của hàng hóa trong kho giúp cho việc tìm kiếm hàng hóa dễ dàng hơn. Theo Tập đoàn Metro AG (2006), nhờ việc tự động hóa ở khâu nhập hàng vào kho, thời gian lao động thủ công ở các quy trình kể trên có thể được cắt giảm đến 80%. Có được thông tin chính xác về tồn kho của các mặt hàng kết hợp với thông tin cập nhật về tồn hàng tại các cửa hiệu sẽ giúp nhà bán lẻ ra các quyết định nhập hàng kịp thời nhằm tránh tối đa tình trạng một mặt hàng nào đó hết hàng. Hiệu quả trong quản lý trữ hàng có thể giúp DN bán lẻ tiết kiệm đáng kể chi phí lưu kho.

 

Nâng cao hiệu quả hoạt động tại cửa hàng

 

Một ứng dụng rất đáng quan tâm của RFID là việc sử dụng các kệ hàng thông minh và gắn nhãn RFID cho từng sản phẩm. Kệ hàng thông minh được tích hợp thiết bị đọc thẻ RFID, nhờ vậy tình trạng sản phẩm trên kệ luôn được cập nhật kịp thời và hạn chế tối đa tình trạng một sản phẩm hết hàng trên kệ trong khi sản phẩm đó vẫn còn đủ trong kho. Các nghiên cứu của Accenture và IBM Consulting cho rằng có khoảng 30% trường hợp hết hàng trên kệ trong khi trong kho vẫn có sẵn (Gaukler and Seifert, 2007). Hệ thống CNTT hỗ trợ có thể được lập trình để thông báo cho nhân sự chịu trách nhiệm khi số lượng một mặt hàng nào đó trên kệ ít hơn số lượng quy định nhằm kịp thời bổ sung, tránh thiệt hại về doanh số. Ngoài ra, các kệ thông minh còn có thể phát hiện ra một sản phẩm bị khách hàng hoặc nhân viên cửa hàng đặt sai vị trí và giúp tìm lại dễ dàng.

 

RFID còn giúp đẩy nhanh quy trình thanh toán do hệ thống có thể quét nhiều thẻ RFID đồng thời một cách hoàn toàn tự động. Điều này giúp nhà bán lẻ loại trừ sự can thiệp của con người trong quá trình ghi nhận doanh số vốn có thể gây ra những sai số và thất thóat hàng hóa (do nhân viên vô ý hoặc cố ý). Hơn thế nữa, việc không phải đứng xếp hàng lâu ở khu vực thanh toán sẽ giúp gia tăng trải nghiệm mua sắm và sự hài lòng của khách hàng tại cửa hiệu. Nạn trộm cắp hàng hóa cũng sẽ được hạn chế tối đa bởi vì hệ thống CNTT hỗ trợ sẽ kiểm tra, đối chiếu và lập tức báo động khi một mặt hàng chưa được thanh toán đi qua khu vực kiểm soát có ăng-ten RFID.

 

Biến dữ liệu khách hàng thành lợi nhuận DN

 

Nhu cầu của khách hàng giờ đây không chỉ là mua được sản phẩm với mức giá hợp lý nữa mà họ kỳ vọng nhiều hơn ở toàn bộ trải nghiệm mua sắm của mình. Thách thức đặt ra với nhà bán lẻ là phải nhạy cảm hơn với khuynh hướng tiêu dùng và nỗ lực đáp ứng những nhu cầu rất riêng biệt của mỗi khách hàng một cách nhanh nhất. Cấp độ này đòi hỏi các quy trình phải được tự động hóa, dự liệu phải được tổng hợp và phân tích thường xuyên hơn để có thể đưa ra các dự báo chính xác. Với mức độ yêu cầu về thông tin như vậy, hệ thống mã vạch hiện tại chắc chắn sẽ không thể đáp ứng được. Công nghệ RFID sẽ là chìa khóa để nâng cao giá trị quan hệ khách hàng với khả năng cung cấp thông tin theo thời gian thực.

 

RFID không phải là một công nghệ mới và những ứng dụng của nó trong logistics ngành bán lẻ đã bắt đầu xuất hiện trong vòng hơn một thập kỷ qua với những đại gia bán lẻ như Metro, Wal-Mart, Tesco… Việc ứng dụng RFID trong logistics bán lẻ ban đầu còn khiêm tốn do vấn đề hạn chế về công nghệ cũng như chi phí ứng dụng. Tuy vậy, tiến bộ công nghệ trên thế giới hiện nay đã cho phép sản xuất được những thiết bị RFID tốt hơn với chi phí rẻ hơn.

 

Với những ưu điểm vượt trội của RFID so với hệ thống mã vạch hiện được dùng để nhận diện các đối tượng, RFID rất đáng được nghiên cứu kỹ lưỡng và triển khai ứng dụng trong lĩnh vực bán lẻ ở VN nhằm giúp các DN bán lẻ nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm chi phí và đáp ứng tốt hơn đòi hỏi của người tiêu dùng trong một thị trường mà tính cạnh tranh ngày càng cao.

Learn more about us!!!