Logistics

Fedex và kế hoạch tấn công Châu Âu

 

Theo thông tin mới đây từ BBC, công ty chuyển phát nhanh FedEx đã đưa ra tuyên bố rằng lời đề nghị mua lại công ty đối thủ đến từ Hà Lan của họ – TNT Express – đã được chấp nhận.

FedEx đã thâu tóm TNT Express với giá 4,4 tỷ euro, và đề nghị sẽ thanh toán hoàn toàn bằng tiền mặt – một động thái không khác gì “trêu ngươi” đối thủ United Parcel Service (UPS) và cũng nhằm đẩy mạnh hoạt động của hãng ở châu Âu trong thời kỳ bùng nổ thương mại điện tử hiện nay.Quy mô hoạt động chuyển phát nhanh bằng đường hàng không của FedEx tại châu Âu là khá lớn, nhưng trên đường bộ thì tụt lại phía sau các đối thủ. Vì vậy, việc mua lại TNT được kỳ vọng sẽ giúp FedEx thay đổi cuộc chơi nhờ tận dụng mạng lưới đường bộ kết nối hơn 40 quốc gia châu Âu, tiết kiệm cho công ty Mỹ này cả thời gian lẫn tiền bạc để khỏi phải xây mới từ đầu. Dấu ấn của FedEx ở châu Âu không mạnh như UPS và cũng ít trùng lặp với hoạt động kinh doanh hiện tại của TNT. FedEx kỳ vọng việc sáp nhập sẽ giúp tạo ra thế chân vạc đủ sức đối đầu UPS và DHL, hai “ông lớn” đang “làm mưa làm gió” trên thị trường chuyển phát nhanh toàn cầu.

Vụ thâu tóm này đang diễn ra với FedEx chỉ sau 2 năm khi UPS đã đưa ra một mức giá thỏa thuận cao hơn FedEx – 5,2 tỷ euro – với doanh nghiệp Hà Lan TNT. Điều khiến UPS thất bại là sự bác bỏ đề nghị của họ từ EU dù tại thời điểm đó, lãnh đạo cả hai công ty đều chắc mẩm là đã được cơ quan quản lý bật đèn xanh. Vì vậy, khi đó FedEx vẫn phải chờ khi thỏa thuận trên được cơ quan chức năng Liên minh châu Âu chấp thuận. Thế rồi, UPS đã phải rút lại việc thâu tóm TNT khi vấp phải những phản đối từ phía EU khi họ cho rằng thương vụ này có thể gây áp lực cạnh tranh lên các đối thủ còn lại trên thị trường chuyển phát bưu phẩm cỡ nhỏ bằng đường không và đường bộ quốc tế ở châu Âu. Vì thế TNT và UPS không thể bắt tay nhau.

Vào năm 2013, FedEx đã liên tục thâu tóm Công ty Opek của Ba Lan vào tháng 1 và Công ty vận chuyển TATEX của Pháp vào tháng 5. Những thương vụ này đã mang lại vô vàn lợi ích cho FedEx: công ty này đã có thể chuyển phát thêm khoảng 12,5 triệu chuyến hàng mỗi năm và tăng doanh thu hàng năm khoảng 70 triệu USD. Đồng thời, các khách hàng của Opek sẽ có quyền truy cập trực tiếp vào mạng lưới toàn cầu của FedEx.Ngoài ra, sau khi sáp nhập, TATEX đã giúp tăng thêm cho FedEx một mạng lưới gồm 35 trung tâm vận chuyển, bao gồm 6 trung tâm trực thuộc các khu vực và 1 trung tâm nằm tại phía nam Paris. Chính những vụ thâu tóm này đã khiến cho kế hoạch mở rộng mạng lưới hoạt động ở châu Âu của FedEx ngày càng thành công.

Tháng 1/2015, FedEx bỏ ra 1,4 tỷ USD mua lại Genco Distribution Systems, một nhà cung cấp dịch vụ logistics chuyên về các sản phẩm bị trả lại. Trước đó, vào tháng 12/2014, đại gia ngành chuyển phát này đã mua Bongo International, một nhà cung cấp các dịch vụ đặt hàng và vận chuyển trên kênh thương mại điện tử quốc tế.

Nhìn chung, việc mua lại TNT đồng nghĩa FedEx có thêm khoảng 58.000 nhân viên và 550 nhà kho, vô cùng thuận lợi cho việc xây dựng một mạng lưới chuyển phát đường bộ ở châu Âu để bổ sung vào hệ thống chuyển phát nhanh quốc tế hiện có. Nếu quá trình sáp nhập hoàn tất suôn sẻ, ước tính FedEx sẽ nắm trong tay khoảng 17% thị trường châu Âu, so với 16% của UPS và 19% của DHL.