Logistics

Giao nhận hàng hóa bằng vận tải đường biển (phần 1)

Vận tải đường biển ra đời khá sớm so với các phương thức vận tải khác. Ngay từ thế kỷ thứ V trước công nguyên con người đã biết lợi dụng biển làm các tuyến đường giao thông để giao lưu các vùng các miền, các quốc gia với nhau trên thế giới. Cho đến nay vận tải biển được phát triển mạnh và trở thành ngành vận tải hiện đại trong hệ thống vận tải quốc tế.

XEM THÊM: AIR – SEA XU HƯỚNG VẬN TẢI XANH CHO NĂM 2021

1. Khái quát chung về vận tải đường biển

1.1. Đặc điểm kinh tế kỹ thuật của vận tải đường biển

– Vận tải đường biển có thể phục vụ chuyên chở tất cả các loại hàng hóa trong buôn bán quốc tế.

– Các tuyến đường vận tải trên biển hầu hết là những tuyến đường giao thông tự nhiên.

– Năng lực chuyên chở của vận tải đường biển rất lớn. Nhìn chung năng lực chuyên chở của công cụ vận tải đường biển (tàu biển) không bị hạn chế như các công cụ của các phương thức vận tải khác.

– Ưu điểm nổi bật của vận tải đường biển là giá thành thấp.

Tuy nhiên, vận tải đường biển có một số nhược điểm:

+ Vận tải đường biển phụ thuộc rất nhiều vào điệu kiện tự nhiên.

+ Tốc độ của tàu biển còn thấp và việc tăng tốc độ khai thác của tàu biển còn bị hạn chế.

Từ những đặc điểm kinh tế kỹ thuật nói trên của vận tải đường biển, ta có thể rút ra kết luận một cách tổng quát về phạm vi áp dụng như sau:

– Vận tải đường biển thích hợp với chuyên chở hàng hóa trong buôn bán quốc tế.

– Vận tải đường biển thích hợp với chuyên chở hàng hóa có khối lượng lớn, chuyên chở trên cự ly dài nhưng không đòi hởi thời gian giao hàng nhanh chóng.

Giao nhận hàng hóa bằng vận tải đường biển

1.2. Tác dụng của vận tải đường biển đối với buôn bán quốc tế.

– Vận tải đường biển là yếu tố không tách rời buôn bán quốc tế.

– Vận tải đường biển thúc đẩy buôn bán quốc tế phát triển.

– Vận tải đường biển phát triển góp phần làm thay đổi cơ cấu hàng hóa và cơ cấu thị trường trong buôn bán quốc tế.

– Vận tải đường biển tác động tới cán cân thanh toán quốc tế.

1.3. Cơ sở vật chất kỹ thuật của vận tải đường biển.

– Các tuyến đường biển: Là các tuyến đường nối hai hay nhiều cảng với nhau trên đó tàu biển hoạt động chở khách hoặc hàng hóa

– Cảng biển: Là nơi ra vào neo đậu của tàu biển, nơi phục vụ tàu và hàng hóa trên tàu và là đầu mối giao thông quan trọng của một quốc gia có biển.

   Phương tiện vận chuyển:

+ Phương tiện vận tải biển chủ yếu là tàu biển, tàu biển có hai loại: tàu buôn và tàu quân sự.

+ Tàu buôn là những tàu biển được dùng vào mục đích kinh tế trong hàng hải. Tàu chở hàng là một loại tàu buôn chiếm tỷ lệ cao nhất trong đội tàu buôn.

1.4. Các phương thức thuê tàu chuyên chở hàng hóa.

Trong hàng hải quốc tế có hai hình thức thuê tàu phổ biến:

+ Phương thức thuê tàu chợ (liner charter)

+ Phương thức thuê tàu chuyến (voyage charter)

2. Giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển.

Giao nhận hàng hóa bằng vận tải đường biển

Theo quy tắc mẫu của FIATA về dịch vụ giao nhận, dịch vụ giao nhận được định nghĩa như là bất kỳ loại dịch vụ nào liên quan đến vận chuyển, gom hàng, lưu kho, bốc xếp, đóng gói hay phân phối hàng hóa cũng như cũng như các dịch vụ tư vấn hay có liên quan đến các dịch vụ trên, kể cả các vấn đề hải quan, tài chính, mua bảo hiểm, thanh toán, thu thập chứng từ liên quan đến hàng hóa.

Theo luật thương mại Việt nam thì Giao nhận hàng hóa là hành vi thương mại. Theo đó, người làm dịch vụ giao nhận hàng hóa nhận hàng từ người gửi, tổ chức vận chuyển, lưu kho, lưu bãi, làm các thủ tục giấy tờ và các dịch vụ khác có liên quan để giao hàng cho người nhận theo sự ủy thác của chủ hàng, của người vận tải hoặc của người giao nhận khác.

Nói một cách ngắn gọn, giao nhận là tập hợp những nghiệp vụ, thủ tục có liên quan đến quá trình vận tải nhằm thực hiện việc di chuyển hàng hóa từ nơi gửi hàng (người gửi hàng) đến nơi nhận hàng (người nhận hàng). Người giao nhận có thể làm các dịch vụ một cách trực tiếp hoặc thông qua đại lý và thuê dịch vụ của người thứ ba khác.

2.1 Quyền hạn, nghĩa vụ và trách nhiệm của người giao nhận

a. Điều 167 Luật thương mại quy đinh, người giao nhận có những quyền và nghĩa vụ sau đây:

– Người giao nhận được hưởng tiền công và các khoản thu nhập hợp lý khác.

– Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của mình theo hợp đồng

– Trong quá trình thực hiện hợp đồng, nếu có lý do chính đáng vì lợi ích của khách hàng thì có thể thực hiện khác với chỉ dẫn của khách hàng, nhưng phải thông báo ngay cho khách hàng.

– Sau khi ký kết hợp đồng, nếu thấy không thể thực hiện được chỉ dẫn của khách hàng thì phải thông báo cho khách hàng để xin chỉ dẫn thêm.

– Phải thực hiện nghĩa vụ của mình trong thời gian hợp lý nếu trong hợp đồng không thỏa thuận về thời gian thực hiện nghĩa vụ với khách hàng.

b. Trách nhiệm của người giao nhận

  • Khi là đại lý của chủ hàng

Tùy theo chức năng của người giao nhận, người giao nhận phải thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình theo hợp đồng đã ký kết và phải chịu trách nhiệm về:

+ Giao hàng không đúng chỉ dẫn

+ Thiếu sót trong việc mua bảo hiểm cho hàng hóa mặc dù đã có hướng dẫn.

+ Thiếu sót trong khi làm thủ tục hải quan

+ Chở hàng đến sai nơi quy định

+ Giao hàng cho người không phải là người nhận

+ Giao hàng mà không thu tiền từ người nhận hàng

+ Tái xuất không theo những thủ tục cần thiết hoặc không hoàn lại thuế

+ Những thiệt hại về tài sản và người của người thứ ba mà họ gây nên.

Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú ý người giao nhận không chịu trách nhiệm về hành vi lỗi lầm của người thứ ba như người chuyên chở hoặc người giao nhận khác… Nếu anh ta chứng minh được là đã lựa chọn cần thiết. Khi làm đại lý người giao nhận phải tuân thủ “điều kiện kinh doanh tiêu chuẩn (Standard Trading Conditions) của mình.

Giao nhận hàng hóa bằng vận tải đường biển

  • Khi là người chuyên chở (principal)

Khi là một người chuyên chở, người giao nhận đóng vai trò là một nhà thầu độc lập, nhân danh mình chịu trách nhiệm cung cấp các dịch vụ mà khách hàng yêu cầu. Chịu trách nhiệm về những hành vi và lỗi lầm của người chuyên chở, của người giao nhận khác mà họ thuê để thực hiện hợp đồng vận tải. Quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của người giao nhận do luật lệ của các phương thức vận tải quy định.

Khi đóng vai trò là người chuyên chở, các điều kiện kinh doanh áp dụng các công ước quốc tế hoặc các quy tắc do Phòng thương mại quốc tế ban hành.

Tuy nhiên, người giao nhận không chịu trách nhiệm về những mất mát, hư hỏng của hàng hoá phát sinh từ những trường hợp sau đây:

– Do lỗi của khách hàng hoặc của người được khách hàng uỷ thác;

– Khách hàng đóng gói và ghi ký mã hiệu không phù hợp;

– Do nội tý hoặc bản chất của hàng hoá;

– Do chiến tranh, đình công

– Do các trường hợp bất khả kháng

Ngoài ra, người giao nhận không chịu trách nhiệm về mất khoản lợi đáng lẽ khách hàng được hưởng về sự chậm trễ hoặc giao nhận sai địa chỉ mà không phải do lỗi của mình.
Tổng hợp và Biên soạn: Thanh Thúy