Tin tức

Hey VILAS #2 tháng 8/2020 – Chuỗi cung ứng toàn cầu có gì HOT?

1. Huawei vượt Samsung trở thành nhà sản xuất smartphone lớn nhất thế giới – Hey VILAS #2 tháng 8/2020

Cụ thể, công ty Trung Quốc đã bán ra 55,8 triệu chiếc điện thoại trong 3 tháng tính tới 30/6, vượt đối thủ lâu năm là Samsung – đơn vị bán ra 53,7 triệu chiếc theo báo cáo của Canalys.

“Chiếm được vị trí đầu bảng là rất quan trọng với Huawei. Thời điểm này rất cần thiết để cho thấy sức mạnh thương hiệu với người tiêu dùng trong nước, các nhà cung cấp linh kiện và các nhà phát triển phần mềm”.

Chiến dịch gây áp lực của Mỹ lên Huawei kéo dài thời gian vừa qua đã gây tổn thất nặng nề cho hoạt động kinh doanh toàn cầu của tập đoàn này. Huawei vẫn phải chịu sự sụt giảm 5% lượng điện thoại bán ra hàng năm nhưng Samsung lại chứng kiến mức giảm lớn hơn tới 30%.

Phía công ty nghiên cứu nói rằng chiến thắng của Huawei với Samsung sẽ không xảy ra nếu không có Covid-19. Công ty có thể tận dụng lợi thế sự phục hồi kinh tế ở Trung Quốc – nơi họ bán được trên 70% lượng điện thoại thông minh của mình. Samsung trong khi đó lại có sự hiện diện rất nhỏ ở Trung Quốc.

Chiến thắng của Huawei đến vào đúng ngày Samsung công bố lợi nhuận lớn trong quý 2 với nhu cầu chip nhớ tăng mạnh giúp công ty bù đắp phần nào những tổn thất do dịch Covid-19 gây ra. Samsung báo cáo lợi nhuận hoạt động 8,15 nghìn tỷ won (6,8 tỷ USD) trong 3 tháng kết thúc vào cuối tháng 6, tăng 23% so với cùng giai đoạn vào năm ngoái. Doanh thu của Samsung đã giảm 6% xuống còn 53 nghìn tỷ won (44,6 tỷ USD).

Theo báo Tổ Quốc

2. McDonald tạo ra đồ bơi từ ống hút nhựa cho hoạt động “Vì môi trường trên toàn cầu” – Hey VILAS #2 tháng 8/2020

Trong nỗ lực quảng bá hoạt động bảo vệ môi trường của mình ở Châu Âu và cách loại bỏ ống hút nhựa trong các chi nhánh của mình, McDonald đã tạo ra đồ bơi trong thiết kế sọc đỏ và vàng được làm từ ống hút nhựa.

McDonald thường bị chỉ trích vì quảng bá văn hóa “throw away” và đặc biệt, sự phụ thuộc vào nhựa sử dụng một lần. Năm 2018, công ty đã tuyên bố chuyển sang dùng ống hút giấy ở Ireland và Hoa Kỳ, nhưng trớ trêu thay, những thứ này dường như có thể tái chế ít hơn so với ống hút nhựa cũ. Người phát ngôn của công ty đã giải thích với CNBC tại thời điểm đó, ống hút hiện tại không thể được xử lý bởi các nhà cung cấp giải pháp chất thải hoặc chính quyền địa phương trừ khi được thu gom riêng.

Cuối năm 2020, McDonald, dự định sẽ thay thế nắp nhựa McFlurry của mình bằng bao bì có thể tái chế 100% trong tất cả các nhà hàng Châu Âu.Với ống hút nhựa hiện đã được gỡ bỏ khỏi tất cả các chi nhánh ở Áo, công ty đã quyết định tạo ra đồ bơi mang thương hiệu McDonald từ ống hút nhựa và từ nhựa tại các bãi biển.

Mục tiêu của McDonald cho đến năm 2025 là 100% các bao bì đóng gói cho khách hàng sẽ đến từ các vật liệu tái tạo, tái chế hoặc các nguồn được chứng nhận ở tất cả 37.000 chi nhánh trên toàn thế giới.

Theo Forbes

3. FEDEX sử dụng “Cánh tay Robot” để phân loại tự động các bưu kiện hàng hoá – Hey VILAS #2 tháng 8/2020

FedEx đã hoàn thành việc lắp đặt bốn cánh tay phân loại robot từ Yaskawa America và Plus One Robotics tại Memphis Hub. Quá trình này bắt đầu vào tháng 3 như một phần trong nỗ lực của đội ngũ vận chuyển để xử lý khối lượng bưu kiện thương mại điện tử đang gia tăng trong bối cảnh đại dịch coronavirus, công ty FedEx cho biết.

Bốn cánh tay robot sử dụng các thiết bị hút để nhận và chuyển các bưu kiện nhỏ từ thùng lên băng chuyền trong trung tâm. Cùng với nhau, hiệu suất của robot tương đương với ba nhân viên của FedEx.

“Chúng tôi xem tự động hóa là một cơ hội để tăng cường công việc của các thành viên trong nhóm, giúp họ thoải mái và dễ dàng hơn, và trên hết, an toàn nhất có thể. Việc kết hợp cài đặt robot này tại trung tâm Memphis đã mang đến cho các thành viên trong nhóm cơ hội đảm nhận các nhiệm vụ khác trong chuỗi các hoạt động.” Prather – Cố vấn cao cấp cho kế hoạch và nghiên cứu công nghệ tại FedEx Express nói.

Theo Supply Chain Dive

4. Sau khi đổi tên, Pacific Airlines cho ra mắt đồng phục và bộ nhận diện thương hiệu mới – Hey VILAS #2 tháng 8/2020

Ngày 31/7, hãng hàng không Pacific Airlines (tiền thân là Jetstar Pacific Airlines) cho ra mắt đồng phục tiếp viên và bộ nhận diện thương hiệu mới sau khi đổi tên và hệ thống đặt chỗ, bán vé theo thỏa thuận ngừng hợp đồng nhượng quyền thương hiệu và sử dụng hệ thống chung với Jetstar Group.

Pacific Airlines cho biết, tông màu chủ đạo của đồng phục tiếp viên và bộ nhận diện thương hiệu mới được Hãng lấy cảm hứng từ màu sắc của Vietnam Airlines nhằm tạo sự kết nối trong hệ sinh thái hàng không của Vietnam Airlines Group. Trong đó, màu xanh mang đến cảm giác an toàn, bền vững và màu cam đại diện cho tinh thần trẻ trung, tràn đầy năng lượng.

Biểu tượng của Pacific Airlines được cách điệu từ ba cánh đuôi máy bay có bố cục sắp xếp theo kích thước lớn dần, ẩn dụ cho nỗ lực phát triển không ngừng của Hãng trên nền tảng khai thác an toàn trong gần 30 năm qua. Bên cạnh sự đổi mới về hình ảnh, Pacific Airlines cũng chuyển sang sử dụng hệ thống đặt chỗ, bán vé Sabre mà Vietnam Airlines và VASCO đang vận hành, đồng thời chuyển đổi hoạt động tại website mới.

Theo Cafebiz

5. Maersk đạt được thoả thuận mua lại KGH – Doanh nghiệp dịch vụ hải quan với giá $281M – Hey VILAS #2 tháng 8/2020

A.P. Moller – Maersk sẽ mua Doanh nghiệp dịch vụ Hải quan KGH có trụ sở tại Thụy Điển với giá 2,6 tỷ (281 triệu USD).

KGH chuyên về dịch vụ quản lý thương mại và hải quan ở Châu Âu qua nhiều phương thức vận chuyển hàng hóa. Thỏa thuận này bổ sung vào các dịch vụ của Maersk khi hãng vận tải dường như mở rộng ra ngoài vận tải biển và định vị là nhà cung cấp giải pháp chuỗi cung ứng đầy đủ dịch vụ.

“Không có giải pháp đầu-cuối nào mà không có thủ tục hải quan. Với KGH, chúng tôi sẽ không chỉ có thể tăng cường khả năng của mình trong các dịch vụ hải quan và tư vấn liên quan, mà còn tiếp cận nhiều khách hàng hơn ở Châu Âu thông qua các giải pháp kỹ thuật số và địa lý lớn hơn để tăng cường khả năng đáp ứng khách hàng của chúng tôi.” Vincent Clerc, CEO tại A.P. Moller – Maersk, , cho biết trong một tuyên bố.

Theo Supply Chain Dive