Tin tức

Khu thương mại tự do chìa khoá thu hút đầu tư và phát triển dịch vụ logistics cho Việt Nam

Khu thương mại tự do (Free Trade Zone – FTZ) không còn xa lạ với nhiều nước phát triển trên thế giới. Tuy nhiên tại Việt Nam, hành lang pháp lý chưa được hoàn thiện để có thể đáp ứng nhu cầu phát triển loại hình này trong nhiều năm vừa qua

Xuất hiện lần đầu từ những năm 1960, hiện nay trên thế giới đã có hơn 3.500 Khu thương mại tự do (FTZ) ở 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. FTZ đóng vai trò là một vùng kinh tế đặc biệt khép kín trong đó hàng hóa có thể được lưu trữ vô thời hạn, trưng bày, lắp ráp, sản xuất và xử lý, mua đi bán lại giữa các công ty với nhau… theo các quy định cụ thể với sự can thiệp hạn chế của cơ quan Hải quan. Hiểu được những lợi ích tiềm năng này, các quốc gia đã phát triển nhiều Khu thương mại tự do nhằm thu hút lượng hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là vốn và công nghệ để từ đó phát triển nền công nghiệp và kinh tế quốc gia.

Câu chuyện thành công của Costa Rica

Cộng hòa Costa Rica có nhiều điểm tương đồng về kinh tế với Việt Nam nhưng quốc gia này đã có sự tăng trưởng GPD cũng như thu hút được vốn FDI vượt bậc từ những năm cuối thập niên 90 đến nay. Sự phát triển đó là nhờ vào sự xuất hiện cũng như định hướng tập trung vào các Khu thương mại tự do của chính phủ Costa Rica.

Theo số liệu thống kê từ biểu đồ trên không khó để nhận ra, GPD bình quân đầu người ở Costa Rica có xu hướng tăng từ cuối thập niên 90 đến nay. Nguyên nhân chính là do việc thành lập và phát triển các Khu thương mại tự do không chỉ giúp thu hút lượng hàng hóa xuất nhập khẩu góp phần tăng tưởng GDP mà còn tạo ra cơ hội việc làm mới cho lực lượng lao động tại địa phương. Hơn nữa, trước xu hướng phát triển khoa học kỹ thuật, nhu cầu về nghiên cứu công nghệ, thiết bị hay vật liệu mới liên quan đến hóa học, vật lý hay y học ứng dụng là vô cùng to lớn. Tuy nhiên, nếu không có các Khu thương mại tự do thì việc hình thành các Trung tâm nghiên cứu hay đơn giản là nhập khẩu hàng hóa phục vụ các hoạt động liên quan cũng vấp phải không ít khó khăn từ những cơ chế quản lý truyền thống.

Việt Nam có lợi thế đường bờ biển dài hơn 3,200km cùng vị trí thuận lợi thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây, nhiều vị trí có thể phát triển thành cảng biển quốc tế; đáp ứng đầy đủ các yếu tố để trở thành trung tâm Logistics tầm cỡ. Tuy nhiên trước nhữngbất cập hiện nay trong việc việc giám sát hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, hàng quá cảnh, xuất nhập khẩu tại chỗ của các cơ quản lý Nhà Nước. Phải chăng, chúng ta đang cần một cơ chế mới để phục hồi sản lượng hàng hoá đang giảm hiện nay, góp phần thu hút đầu tư cũng như biến Việt Nam thành tâm điểm tập trung sản xuất hàng hóa trong khu vực.

Lý do vì sao Việt Nam chậm phát triển các khu thương mại tự do

Nguyên nhân đầu tiên là do hành lang pháp lý cho việc hình thành và phát triển các Khu thương mại tự do chưa được luật định. Việc xã hội chưa hiểu đúng và phân biệt rõ ràng các thuật ngữ như Khu phi thuế quan, Khu kinh tế, Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Kho ngoại quan hay Khu thương mại tự do theo định nghĩa quốc tế cũng là một rào cản không nhỏ. Đây cũng là lý do dẫn đến việc Khu thương mại tự do chưa được nhìn nhận đúng đắn về các lợi ích đem lại từ các cũng tác động của chúng dưới góc độ kinh tế cũng như nhân khẩu học.

Chính sách thuế tối thiểu toàn cầu và cam kết WTO

Việc thành lập và vận hành các Khu thương mại tự do không dừng ở việc thu hút hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn liên quan đến các chính sách thuế quan của mỗi quốc gia và các quy định quốc tế. Thuật ngữ “thuế tối thiểu toàn cầu” (GMT – viết tắt từ Global Minimum Tax) do Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đặt ra và hiện là cơ hội cũng như thách thức với các nền kinh tế đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết, để ứng phó với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam đang nghiên cứu và điều chỉnh chính sách đầu tư để thích ứng với thuế suất này và thu hút các nguồn lực đầu tư mới. Nếu chính sách thuế tối thiểu toàn cầu được áp dụng, tất cả những ưu đãi trước đây và hiện nay mà Việt Nam dành cho doanh nghiệp như: miễn thuế, thuế suất ưu đãi dưới 15% sẽ không còn tác dụng. Và tất nhiên điều này sẽ ảnh hưởng đáng kể đến chính sách, phương tiện thu hút đầu tư của Việt Nam.

Theo quy định của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu (GMT) thì bất kỳ tập đoàn, công ty nào có doanh thu từ 750 triệu Euros trở lên sẽ chịu mức thuế suất 15% dù hoạt động kinh doanh ở bất kỳ quốc gia nào. Theo KPMG đã có những động thái về sự ủng hộ từ Bộ Tài Chính Hoa Kỳ đối với chính sách thuế tối thiểu toàn cầu bao gồm việc tăng lãi xuất liên bang lên 28% và thiết kế lại chế độ GILTI (quy định áp dụng chính sách thuế tổi thiểu toàn cầu tại Hoa Kỳ).

Tuy nhiên việc áp dụng chính sách trên liệu có đi ngược lại với cam kết của các thành viên khi gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO – World Trade Organization) hay không vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Ngoài ra, các hiệp định thương mại (FTA – Free Trade Agreement) song phương và đa phương cũng như các chương trình doanh nghiệp ưu tiên như (CTPAT, CFS, WLP…) cũng đang hướng đến việc xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan thông qua và việc tuân thủ các quy trình trong suốt chuỗi cung ứng toàn cầu. Như vậy tác giả nghỉ rằng, việc áp dụng các chính sách mang tính toàn cầu cũng nên được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau nhằm tạo được một môi trường kinh doanh quốc tế cân bằng và hiệu quả.

Nguồn: VLR – Viet Nam Logistics Review