Tin tức

Dự án Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ

Ngày 8 tháng 9 năm 2023, tại Bà Rịa – Vũng Tàu đã diễn ra “Diễn đàn Liên kết phát triển logistics – Động lực tăng trưởng kinh tế vùng Đông Nam Bộ” với sự tham gia của hơn 500 đại biểu từ các cơ quan chức năng, doanh nghiệp logistics và các chuyên gia trong và ngoài nước. 

Với những tiềm năng và lợi thế sẵn có, Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với vị trí chiến lược, kết nối với các cảng biển lớn trong khu vực, sẽ là một trung tâm logistics quan trọng thúc đẩy liên kết kinh tế giữa các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ. 

Các đại biểu đã đưa ra các vấn đề quan trọng để có thể hiện thực hóa mục tiêu này, bao gồm:

– Xây dựng cơ sở hạ tầng logistics để tăng cường kết nối vùng kinh tế Đông Nam Bộ 

– Cân nhắc các dự án và hạ tầng trọng điểm để tránh đầu tư dàn trải ảnh hưởng đến ngân sách và tiến độ 

– Các mối tương quan của cơ quan ban ngành, thực tế địa phương và hoạt động của doanh nghiệp

Sau đây VILAS xin phép chia sẻ một số nội dung chính được các đại biểu nêu lên tham luận tại diễn đàn.

Gỡ “điểm nghẽn” trong chuỗi hoạt động Logistics

Ông Đặng Vũ Thành – Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam. chia sẻ về 4 yếu tố cấu thành về vận hành chuỗi logistics một cách trơn tu chính là: phần cứng, phần mềm, công nghệ và con người vận hành.

  • Phần cứng: vùng Đông Nam Bộ là đầu tàu kinh tế, hạ tầng gần như tốt nhất của quốc gia và cần phải tận dụng lợi thế đó để phải làm tốt hơn, nhanh hơn nữa. Về tính liên kết, tại Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng, các hoạt động cảng biển, LCD, kho bãi, kho vận… đang tương đối độc lập nhất định mà thiếu đi việc liên kết với nhau. Do đó, việc liên kết vùng lại càng hạn chế hơn, như liên kết các vùng khác như TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai…
  • Phần mềm: Hành lang pháp lý, các quy định, nghị định liên quan, ông cho rằng, trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, chúng ta đã có nhiều cải tiến tích cực, tuy nhiên, vẫn cần thiết đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, khuyến khích tối đa các dịch vụ tại khu vực này.
  • Công nghệ: Hiện đang được đầu tư khá tốt về công nghệ quản lý kho, quản lý bãi… đây là một xu hướng rất tích cực để bắt nhịp vào nền kinh tế trong nước và xu hướng chung của thế giới.
  • Con người vận hành: Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam cho rằng, Bà Rịa – Vũng Tàu cần quan tâm chỉ đạo nhiều hơn để tập trung đầu tư phát triển nguồn nhân lực đáp ứng cho nhu cầu phát triển hiện đại của ngành dịch vụ này.

“Đích cuối cùng của kinh doanh là mục tiêu tăng doanh thu, tăng lợi nhuận, nộp ngân sách, tạo công ăn việc làm cho người lao động. Do đó, chúng ta phải đẩy nhanh nguồn hàng thông qua việc liên kết vùng, nguồn hàng tại chỗ và nguồn hàng trung chuyển. Tôi cho rằng cần ưu tiên tuyệt đối cho nguồn hàng tại chỗ, trước khi đẩy mạnh nguồn hàng trung chuyển” – ông nhấn mạnh.

Liên kết vùng phát triển chuỗi logistics Đông Nam Bộ

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương nêu lên các lợi thế về lĩnh vực Logistics sẵn có của khu vực Đông Nam Bộ, bao gồm: 

  • 2 cụm cảng lớn là cụm cảng TP Hồ Chí Minh và cụm cảng Bà Rịa – Vũng Tàu và sắp tới là Cần Giờ – cảng trung chuyển trong tương lai.
  • Sân bay Tân Sơn Nhất có lưu lượng hàng hóa và hành khách lớn nhất cả nước và sắp tới là sân bay Long Thành tạo sức hút cho ngành logistics hàng không của đất nước.
  • Về đường bộ có các quốc lộ huyết mạch, tuyến đường cao tốc đã và sẽ hình thành trong tương lai để nối sang nước bạn Campuchia.
  • Trung tâm logistics cũng tập trung nhiều ở thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu từ hình thức kho bãi đến trung tâm logistics hiện đại hơn.
  • Khu vực Đông Nam Bộ cũng tập trung nhiều doanh nghiệp logistics với số lượng từ 13.000 – 15.000 doanh nghiệp, trong đó, TP Hồ Chí Minh chiếm 3/4 doanh nghiệp và nhiều doanh nghiệp logistics FDI, tạo động lực cho sự phát triển của ngành trong cả nước.

Đề cập đến một số xu hướng phát triển của ngành, ông Trần Thanh Hải tóm tắt bằng 3 cụm từ: xanh hóa, số hóa – tự động hóa và đa tầng

Về xu hướng xanh hóa, Thủ tướng đã cam kết cân bằng phát thải vào năm 2050. Nếu doanh nghiệp không xanh sẽ loại khỏi chuỗi cung ứng, vì khách hàng sẽ không chọn, nhất là các khách hàng lớn tại châu Âu, Hoa Kỳ.

Xu hướng số hóa và tự động hóa cũng đang hiện hữu. Những kho thông minh đã hình thành, không cần con người mà điều khiển bằng robot và tự động. Hoặc hệ thống cảng, không cần xe mà vận chuyển container bằng xe không người lái, điều khiển từ xa.

Bên cạnh đó, một số xu hướng khác là phát triển trung tâm logistics đa tầng do diện tích đất thu hẹp, nhất là tại những khu vực có giá trị như Đông Nam Bộ không có diện tích để mở rộng; kết nối trung tâm logistics như khu công nghiệp để khắc phục tình trạng phân tán, mất tính liên kết; khu thương mại tự do thu hút thêm các nhà đầu tư; cảng trung chuyển…

Bộ Công Thương đang phối hợp với các bộ ngành liên quan xây dựng chiến lược phát triển logistics trong 10 năm tới dự kiến sẽ ban hành trong năm 2024. Bên cạnh đó, các bộ ngành có liên quan có các chính sách thúc đẩy phát triển hạ tầng, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp, hỗ trợ địa phương…

Bà Rịa – Vũng Tàu có đủ yếu tố để xây dựng một khu thương mại tự do

Ông Thomas Sim – Phó Chủ tịch cấp cao Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế (FIATA) cho rằng:

  • Sự thuận lợi hóa và tự do hóa thương mại là sự phát triển tất yếu. Thế giới đang đi con đường vững chắc bằng các công nghệ mới như AI, và đang tiến bộ một cách thần tốc.
  • Ftz là hình thức có thể thu hút vốn đầu tư FDI hiệu quả, đồng thời tạo ra sự hấp dẫn của các quốc gia có lợi thế trong việc trung chuyển hàng hóa ra nước ngoài. 
  • Các yếu tố thành công với Ftz chính là chính sách, cơ sở hạ tầng và quản trị. Vai trò của các cảng cũng rất quan trọng, thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu, chuyển dịch. Tuy nhiên, việc vận hành chính sách, thay đổi tư duy vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng vẫn có thể vượt qua thông qua các mục tiêu đổi mới và đào tạo một cách có hệ thống
  • Bà Rịa – Vũng Tàu có thể phát triển theo hướng cụm cảng khổng lồ, chuyên biệt cho các ngành khác nhau.Bên cạnh đó, cảng nội địa cũng là cánh tay nối dài của Ftz. Do đó, cần có những chính sách đặc biệt. Nếu làm không tốt thì giống như mua dây trói mình. Nhiều nước bị mắc kẹt không phát triển tiếp được.

Ông Thomas Sim cũng đề xuất tham khảo có nhiều mô hình Ftz và các hệ thống cảng đang hoạt động hiệu quả ở nhiều quốc gia trên thế giới có thể xem xét áp dụng cho Bà Rịa – Vũng Tàu như:

Hệ thống Cảng ở Singapore bao gồm các nhà ga nằm tại Tanjong Pagar, Keppel, Brani, Pasir Panjang, Sembawang, Jurong và Tuas. Cảng Mega Tuas là một cảng mới đã bắt đầu hoạt động vào năm 2021 và dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2040. Nó sẽ có khả năng xử lý 65 triệu đơn vị tương đương 20 feet (TEUs), gần gấp đôi khối lượng 37,5 triệu TEUs được xử lý vào năm 2021. Cảng Mega Tuas sẽ chiếm khoảng 1.337 hecta đất (tương đương khoảng 3.300 sân bóng đá) khi hoàn thành. Sẽ có 66 bến cảng dài 26km có khả năng xử lý các tàu chở hàng lớn nhất.

Khu vực Distripark Maasvlakte tại  Rotterdam được thiết kế để tập trung các hoạt động phân phối quy mô lớn với các cơ sở vệ tinh khu vực trên toàn lục địa Châu Âu. Các tàu hỏa, xe tải và thuyền buồm thường xuyên kết nối cảng với tất cả các trung tâm kinh tế quan trọng trên lục địa. Vận chuyển biển ngắn hạn và vận chuyển feeder làm cho các điểm đến nước ngoài – Vương quốc Anh, Ireland, Scandinavia, Baltic và Địa Trung Hải – rất dễ dàng tiếp cận vị trí lý tưởng của Distripark Maasvlakte

Khu vực tự do Jebel Ali là một khu vực kinh tế đặc biệt được thành lập vào năm 1985 để thúc đẩy thương mại và hỗ trợ cho việc xử lý container tại cảng Jebel Ali. Đây là khu vực tự do lớn nhất của DP World và là một phần không thể thiếu của trung tâm kinh doanh tích hợp của DP World UAE Region. Khu vực tự do này đã phát triển thành một nhân tố thúc đẩy thương mại và một cộng đồng kinh doanh thông minh cung cấp cơ hội tăng trưởng chưa từng có và tiếp cận thị trường. Hiện tại, khu vực tự do này có hơn 9.500 công ty toàn cầu đặt trụ sở tại đây và đóng góp khoảng 21% GDP của Dubai hàng năm. Khu vực tự do này cũng chiếm khoảng 23,9% tổng lưu lượng FDI (Foreign Direct Investment) vào Dubai và duy trì việc làm cho hơn 135.000 người tại UAE 

Vai trò kết nối của đường thủy nội địa

Ông Bùi Thiên Thu, Cục trưởng Cục đường thuỷ nội địa, Bộ Giao thông vận tải cho biết, các tuyến đường thủy nội địa kết nối trực tiếp đến các cảng biển giúp gom và rút hàng hóa rất hiệu quả; đặc biệt là giữa cảng biển Cái Mép, các cảng biển khác khu vực ĐNB với nguồn hàng Đồng bằng sông Cửu Long và nước bạn Campuchia. Tuy nhiên,  đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa chưa tương xứng với tiềm năng và đóng góp của vận tải đường thủy nội địa. Mặc dù đóng góp khoảng 20% sản lượng vận tải của toàn ngành giao thông, nhưng nguồn vốn đầu tư cho kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa so với tổng đầu tư ngành giao thông vận tải còn chiếm tỷ lệ chưa đến 5% (cả ngân sách nhà nước và đầu tư tư nhân).

Chính sách quản lý nhà nước của các địa phương trong khu vực cần có sự đồng bộ vì lợi ích và sự phát triển chung của toàn vùng. Cục đường thủy nội địa Việt Nam ủng hộ về việc thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp logistics Bà Rịa – Vũng Tàu là đầu mối của các doanh nghiệp dịch vụ logistics trên địa bàn để phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước trong việc xây dựng, sửa đổi quy hoạch, chính sách liên quan đến dịch vụ vận tải, phát triển; cũng như phản ánh đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành về giao thông vận tải, hải quan, biên phòng, y tế, kiểm dịch động thực vật về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp hội viên.

Đột phá thu hút đầu tư và phát triển kinh tế từ khu thương mại tự do

Bà Trần Thị Hồng Minh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết: Đông Nam Bộ là vùng kinh tế – xã hội năng động, sáng tạo, có khu vực kinh tế tư nhân phát triển mạnh, năng động với số lượng doanh nghiệp đứng đầu cả nước và thu hút đầu tư FDI lớn nhất cả nước.

Năm 2022, Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 07/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra nhiệm vụ, giải pháp về “Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ”.

Phân tích cụ thể về nội dung này, bà Trần Thị Hồng Minh đề cập đến 3 cơ hội cho sự phát triển của tỉnh. 

  1. Hàng hóa của các nước và vùng lãnh thổ, dù có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam hay không, đều có thể được chuyển đến, xử lý, chế biến, chia tách, đóng gói, gia công tại khu thương mại tự do của Bà Rịa-Vũng Tàu mà không phải chịu thuế xuất nhập khẩu. Sau đó, sản phẩm có thể có lựa chọn xuất khẩu sang một nước khác, hoặc nhập khẩu vào Việt Nam.
  2. Doanh nghiệp xuất khẩu từ khu thương mại tự do sẽ tiết kiệm được các chi phí liên quan đến thủ tục nhập khẩu, tái xuất, nộp thuế, hoàn thuế,…vì vậy, việc hình thành và phát triển khu thương mại tự do sẽ giúp Bà Rịa-Vũng Tàu và vùng Đông Nam Bộ trở nên hấp dẫn hơn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
  3. Khu thương mại tự do có thể là nơi thử nghiệm vận hành các sáng kiến, dự án chuyển đổi số gắn với hải quan nói riêng và quản lý hoạt động thương mại nói chung. Một nội dung quan trọng đang được nghiên cứu là thúc đẩy thương mại không giấy tờ, trong đó có thương mại không giấy tờ xuyên biên giới, để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, đồng thời tránh được những rủi ro thiếu nhất quán về phân loại hàng hóa, tránh được vi phạm về thuế.

“Trong hợp tác với Ủy ban Kinh tế xã hội châu Á-Thái Bình Dương (ESCAP), chúng tôi đã có những đánh giá về mức độ sẵn sàng của Việt Nam cả về pháp lý và kỹ thuật cho thương mại không giấy tờ xuyên biên giới. Nếu mạnh dạn triển khai theo hướng này, tỉnh cũng có thể có cơ hội tiếp cận hỗ trợ kỹ thuật từ các đối tác” – bà Trần Thị Hồng Minh thông tin.

Kết luận:

Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới, là động lực để Vùng Đông Nam Bộ có thể đóng góp lớn hơn vào sự phát triển và thịnh vượng chung của cả nước.

Một trong những nội dung của Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, đó là phát triển tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thành trung tâm kinh tế biển quốc gia, bao gồm cả cảng biển du lịch và các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, văn hoá, thể thao, các dịch vụ vui chơi giải trí chất lượng cao.

Tiểu vùng ven biển gồm khu vực Cần Giờ (TP.HCM) và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu là khu vực phát triển mạnh các ngành kinh tế biển: cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hoá dầu, du lịch biển, đảo, khai thác, nuôi trồng và chế biến thuỷ sản.

Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ. Phát triển thành phố Vũng Tàu thành trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế.