Làm thế nào để xác định dịch vụ vận chuyển LCL từ nhà giao nhận làl tối ưu?
Bên cạnh các yếu tố về thời gian và nguyên nhân trì hoãn, chủ hàng phải xem xét kĩ vấn đề về chi phí, tham khảo lịch trình hay đặt dịch vụ vận chuyển từ các nhà giao nhận.
Với bài viết cuối cùng trong chuỗi bài LCL Shipping, VILAS giới thiệu những lưu ý chung trong dịch vụ vận chuyển LCL, chủ yếu tập trung về các loại phí và cách tham khảo lịch trình cũng như dịch vụ từ các Forwarder.
Cùng theo dõi nhé!
Dịch vụ vận chuyển hàng hóa LCL
Dịch vụ LCL bao gồm một số hoạt động, trong đó vận chuyển bằng đường biển là dịch vụ phổ biến nhất. Bước đầu tiên: chính là hoạt động tiếp nhận và kiểm tra hàng hoá tại kho của forwarders tại nơi xuất xứ. Sau đó, forwarder sẽ sắp xếp, hợp nhất với các lô hàng khác nhằm tối ưu hóa trọng tải container. Để xác nhận rằng forwarder đã hoàn thành nhiệm vụ nhận hàng, họ sẽ gửi một loại chứng từ xác nhận vận chuyển đến người gửi hàng. Đây chính là vận đơn (House B/L), trong đó nêu rõ hàng hóa đã nhận được để vận chuyển bằng dịch vụ LCL, bao gồm các chi tiết về loại phương tiện và thời gian khởi hành, …
Trong trường hợp container phải đi qua cảng chuyển tải, container sẽ được dỡ và một số hàng hóa được vận chuyển trên container khác để đến cảng đích cuối cùng.
Tại cảng đến, container được vận chuyển đến kho đại lý của forwarder, hay điểm tách hàng (de-consolidation point). Trách nhiệm của forwarder tại nước đến chính là dỡ container và chuẩn bị hàng lẻ giao cho khách hàng.
Lịch trình dịch vụ LCL
Các nhà giao nhận vận tải lên kế hoạch cho các dịch vụ LCL theo lịch trình cố định theo tuần hoặc nửa tuần. Chẳng hạn, lịch trình vận chuyển hàng từ Thượng Hải đến Rotterdam sẽ khởi hành vào mỗi chiều Thứ Năm. Người giao nhận sau đó sẽ cố gắng tập hợp tất cả hàng hóa từ khách hàng để đóng đầy một container 20’ hay 40’ và vận chuyển dưới phương thức nguyên container – FCL : Full container load. Trong trường hợp hàng hóa vượt quá tải sức chứa container, họ có thể linh hoạt trong việc đặt một container lớn hơn (40 feet hay 45 feet) với lượng hàng hóa phù hợp.
Trong trường hợp hàng hóa không đủ lấp đầy container, forwarder sẽ có 3 lựa chọn sau:
- Vẫn tiếp tục vận container đó với mức sử dụng thấp hơn – giải pháp này làm tăng chi phí cho forwarder
- Đặt chuyến hàng LCL với một công ty giao nhận vận tải khác (hay Co-loader), đảm bảo rằng lô hàng lẻ của forwarder và Co-loader có lấp đầy một container;
Hoặc trong trường hợp xấu nhất:
- Hoãn các lô hàng cho đến tuần sau (còn gọi là rolling of shipments)
Đặt dịch vụ LCL
Một vài điểm cần xem xét khi chủ hàng tìm kiếm một dịch vụ LCL phù hợp, đáng tin cậy:
- Lô hàng của bạn nên vận chuyển bằng dịch vụ LCL?
- Nguồn gốc và đích đến của lô hàng của bạn là gì?
- Bạn có cần bất kỳ dịch vụ bổ sung, chẳng hạn như pick-up hoặc giao hàng?
- Có yêu cầu cụ thể về thời gian vận chuyển hoặc đích đến kho hàng giao nhận?
- Hàng hoá sẽ được đóng gói để nó có thể chịu được việc vận chuyển bằng xe nâng hàng khi nạp và dỡ container?
Ngoài ra, trực tuyến là một trong những cách tiếp cận nhanh trước khi bạn bắt đầu quyết định lựa chọn một dịch vụ LCL với một giao nhận vận tải. Lưu ý rằng, bạn nên tìm hiểu và so sánh dịch vụ từ forwarder khác nhau trước khi đi đến kết luận.
Chi phí
Mỗi một phần vận chuyển đều liên kết chi phí. Để tránh tình trạng tranh chấp, người gửi hàng và người nhận hàng phải nhất trí về việc ai chịu trách nhiệm trả từng loại chi phí trong vận chuyển LCL. Trong loại phí này, có thể có nhiều mục chi phí. Một số liên quan trực tiếp đến việc xử lý lô hàng, trong khi một số khác là các khoản phí do cơ quan quản lý hoặc phụ thu cho người giao nhận.
Tuy vô vàn loại chi phí, phụ thu được sử dụng trong ngành và khác nhau ở mỗi nơi, nhưng sau đây là một số loại phí phổ biến nhất mà bạn có thể gặp phải trong vận chuyển LCL:
- Cước vận chuyển LCL: Thường là tỷ lệ với khối lượng/thể tích của hàng hóa vận chuyển
- Vận tải đường biển: Thường là tỷ lệ với khối lượng/thể tích của hàng hóa vận chuyển
- BAF: Bunker adjustment factor – Phụ thu nhiên liệu cho vận tải biển
- CAF: Currency adjustment factor (Hệ số điều chỉnh tiền tệ) – Phí phòng ngừa rủi ro do tỷ giá hối đoái
- THC: Terminal Handling Container – Phí xếp/dỡ container tại cảng
- Chứng từ: Phí phát hành các chứng từ vận tải bắt buộc
- Phí vận đơn: Phí phát hành vận đơn
- Phí CFS (Container Freight Station): Phí xử lý hàng lẻ tại kho
- Phí Thông quan: Chuẩn bị và nộp tờ khai hải quan
- Pick-up: Phí chuyển hàng từ nơi chủ hàng đến đến kho xuất khẩu
- Giao hàng: Phí chuyển hàng từ kho nhập khẩu đến người nhận hàng
- Nhiên liệu: Bao gồm giá nhiên liệu cao tạm thời cho vận tải đường bộ
- An ninh: Bất kỳ biện pháp an ninh tạm thời được áp đặt
- Phụ phí môi trường: Thường được các cơ quan thuế thu
(Tìm hiểu thêm về phụ phí trong vận tải biển)
Theo nguyên tắc chung, tổng chi phí từ kho tại nước xuất xứ đến kho tại nước đến sẽ được thành 3 phần. Phần chi phí thứ nhất thuộc về tổng chi phí phát sinh ở nước xuất xứ, phần thứ 2 liên quan đến quá trình vận chuyển và 1/3 còn lại thuộc về chi phí tại điểm đến. Ngoài ra, chi phí thông quan, nhận hàng và giao hàng phụ thuộc hoàn toàn vào thị trường địa phương và khoảng cách vận chuyển.
Một số cân nhắc
Việc tìm và lựa chọn một nhà giao nhận có đủ chuyên môn và năng lực cạnh trong các ngành nghề không phải là điều dễ dàng. Bên cạnh đó, bạn cần thiết lập giá, so sánh và thảo luận với khách hàng trước khi đưa ra quyết định.
Sau đây là một số cân nhắc trước khi tìm và lựa chọn dịch vụ từ một nhà giao nhận bất kì:
- Thời gian vận chuyển và thời gian quá cảnh có phù hợp với yêu cầu của bạn – chú ý thiết lập tổng thời gian vận chuyển và thời gian nhận/giao hàng
- Tổng chi phí trong vận chuyển LCL – bao gồm tất cả các giai đoạn khác trong chuỗi cung ứng
- Khoảng cách địa lý từ người gửi hàng đến kho xuất khẩu nếu bạn không muốn thêm khoản phí vận chuyển từ người gửi hàng đến kho bởi forwarder
- Khoảng cách từ kho nhập khẩu đến người nhận hàng nếu bạn không muốn người giao nhận sắp xếp giao hàng
- Các nhận xét và xếp hạng từ các khách hàng khác về giao hàng và dịch vụ của các nhà giao nhận
Theo transporteca.co.uk