Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

NHÌN LẠI QUÁ TRÌNH THỰC HIỆN CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA

Cơ chế hải quan một cửa quốc gia là việc cho phép người khai hải quan gửi thông tin, chứng từ điện tử để thực hiện thủ tục hải quan và thủ tục của cơ quan quản lý nhà nước liên quan đến hàng nhập khẩu, xuất khẩu thông qua hệ thống thông tin tích hợp. Cơ quan quản lý nhà nước quyết định cho phép hàng hóa được xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; cơ quan hải quan quyết định thông quan, giải phóng hàng hóa trên hệ thống thông tin tích hợp.

Cơ chế một cửa quốc gia được Chính phủ giao cho Bộ tài chính (Tổng cục Hải quan) chủ trì và chính thức triển khai từ năm 2014, tính tới thời điểm hiện tại đang có những dấu hiệu tích cực.

Tính đến nay đã có 09/14 bộ thực hiện cơ chế một cửa quốc gia: Bộ Công thương; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tài chính (Tổng cục Hải quan); Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch; Bộ Y tế. Hết tháng 1/2016 có 4.537 doanh nghiệp tham gia vào cơ chế một cửa quốc gia. Giải quyết được 55.026 thủ tục thông quan hàng hóa bằng hồ sơ điện tử, giấy phép điện tử qua Cổng thông tin một cửa quốc gia (tính đến ngày 11/04/2016).

Thực hiện thanh toán điện tử tại tất cả các cục hải quan tỉnh và thành phố với 181 dịch vụ công trực tiếp; 100% quy trình, thủ tục hải quan cơ bản đã được tự động hóa trên toàn quốc. Thời gian kiểm tra chuyên ngành giảm 2 ngày đến 1 ngày. Tăng cường 11 hệ thống máy soi container, 97 máy soi hành lý, hàng hóa; 19 camera và thiết bị an toàn phóng xạ,.. đã được tăng cường tại các cửa khẩu.

Đến nay, về mặt số lượng các thủ tục hành chính kết nối Cơ chế một cửa quốc gia mới đạt gần 30% so với tổng số các thủ tục hành chính cấp phép cho hàng hóa XNK và phương tiện vận tải xuất nhập cảnh, quá cảnh.

Trong lĩnh vực quản lý chuyên ngành đối với hàng hóa XNK, phương tiện xuất nhập cảnh, quá cảnh; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai nhiều thủ tục nhất với 8 thủ tục, bao gồm: kiểm dịch động, thực vật tại các cửa khẩu. Nhưng mới chỉ đạt 40% trên số lượng các thủ tục Bộ này cần đưa lên thực hiện Cơ chế một cửa quốc gia.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, hiện mới chỉ triển khai được thủ tục cho tàu biển đối với 8/25 cảng vụ hàng hải; thủ tục cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động nội địa vào/ rời cảng biển mới chính thức triển khai từ 1/3/2016

CƠ CHẾ MỘT CỬA QUỐC GIA ASEAN (ASW)

Theo lộ trình cam kết của các quốc gia ASEAN (cho phép nhà nhập khẩu đưa hàng vào bất kì quốc gia trong Asean sau khi thực hiện thủ tục hải quan ở một cảng trong khu vực), nhằm thúc đẩy việc thông quan hàng hóa xuất, nhập khẩu trung bình 30 phút mỗi lô hàng. Giai đoạn 2016-2020, kết nối đầy đủ ASW và sẵn sàng kết nối, trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài Asean để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu và tăng cường kiểm soát đối với hàng hóa nhập khẩu.

Vào cuối năm 2015, Việt Nam đã kết nối thành công kỹ thuật Cơ chế một cửa quốc gia với 4 nước Asean (Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Singapore) để trao đổi Giấy chứng nhận xuất xứ mẫu D cho hàng hóa xuất nhập khẩu có xuất xứ Asean; sẵn sàng để chính thức kết nối Cơ chế một cửa Asean khi Nghị định thư pháp lý về Cơ chế một cửa Asean có hiệu lực trong năm 2016.

Năm 2017 sẽ chính thức thực hiện cơ chế một cửa Asean để trao đổi một số chứng từ điện tử bên cạnh chứng nhận xuất xứ hàng hóa với các nước thành viên Asean.

Năm 2018, cung cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, chứng nhận kiểm dịch động thực vật, giấy phép rời cảng cho tàu biển điện tử cho các quốc gia có nhu cầu kết nối với cơ chế một cửa quốc gia Việt Nam. Triển khai thí điểm trao đổi chứng từ điện tử do cơ quan nhà nước cấp với một đối tác thương mại của Việt Nam để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu.

Năm 2020, mở rộng trao đổi một số loại chứng từ điện tử trên cơ sở các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết, gia nhập để tạo thuận lợi cho giao lưu hàng hóa giữa Việt Nam với các đối tác thương mại quốc tế.

Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, Bộ Tài chính đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành đồng bộ ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chứng từ hồ sơ điện tử, không yêu cầu Doanh nghiệp xuất trình bản giấy về kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu. Đưa các thủ tục hành chính vào tham gia cơ chế một cửa quốc gia, một cửa Asean góp phần hình thành cộng đồng kinh tế Asean; tích cực chia sẻ kết nối dữ liệu phục vụ phân tích hồ sơ quản lý hành khách xuất nhập khẩu, dữ liệu định vị ô tô, tàu biển, vận đơn hàng không.

Tổng hợp: Thanh Thúy