Discussion Seminar: Digital Information in Supply Chain: Beyond Boundaries – Exploring the Potential of Digital Transformation General diễn ra tại VILAS đã thu hút được sự tham gia của hơn 30 nhà quản lý đến từ nhiều doanh nghiệp và ngành hàng khác nhau. Buổi hội thảo được dẫn dắt và chia sẻ bởi 3 vị diễn giả đặc biệt:
- Mr. Thomas Sim – Phó chủ tịch FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế)
- Mr. Pham Nam Long – Giám đốc vận hành kiêm nhà sáng lập Abivin (Doanh nghiệp chuyên cung cấp giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng trong nhiều lĩnh vực)
Diễn giả điều phối:
- Mr. Quang Lê Trọng Bằng – Head of supply chain tại Cargill Vietnam (Doanh nghiệp toàn cầu chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp, thực phẩm, công nghiệp và tài chính)
Hội thảo diễn ra trong khuôn khổ 3 tiếng nhưng chứa đựng những chia sẻ giá trị mang tính thực tiễn và cung cấp động lực mạnh mẽ về chuyển đổi số, đặc biệt trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Những kiến thức và kinh nghiệm được truyền tải không chỉ đến từ các diễn giả, mà còn đến từ góc nhìn chất lượng của các anh chị có mặt tại hội thảo – những nhà quản lý mang tư tưởng của sự cải tiến và đổi mới.
Những chia sẻ từ 3 vị diễn giả và thảo luận với các anh chị khách mời đã phần nào trả lời cho 3 câu hỏi WHAT, WHY và HOW về chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực chuỗi cung ứng.
Hiểu rõ về bản chất của chuyển đổi số
Trước khi thảo luận sâu về các câu hỏi vì sao và làm thế nào để chuyển đổi số, Mr. Quang Lê Trọng Bằng đã chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển của Digital transformation hay chuyển đổi số qua các giai đoạn, ông lấy ví dụ về hành vi đọc sách, từ sách giấy, đến sách điện tử và sách nói.
Mr. Bằng nhấn mạnh về sự phát triển của chuyển đổi số và cách nó hoạt động như một phần không thể tách rời trong sự đổi mới toàn diện của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Digital Transformation là một phần của Business Transformation, Ông dẫn chứng cho điều này bằng việc đưa ra hai góc nhìn, khi nói về E-commerce, Digital Transformation được được xem là yếu tố cốt lõi, nhưng trong Business Transformation, nó chỉ chiếm một phần, tập trung vào việc áp dụng các công nghệ như AI, Blockchain, ERP để hỗ trợ quá trình đổi mới của doanh nghiệp.
Vì sao phải chuyển đổi số? Cảm hứng từ các trung tâm công nghệ trên toàn cầu
Ở phần tiếp theo, Mr. Phạm Nam Long khẳng định vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số bằng cách chỉ ra bức tranh về thị trường công nghệ toàn cầu và nhấn mạnh cách công nghệ đang thay đổi cả nền kinh tế của các quốc gia. Ông tôn vinh vai trò và sự cần thiết của công nghệ trong mọi lĩnh vực của cuộc sống và xã hội ngày nay.
Theo dòng chia sẻ, Mr. Bằng cũng đưa ra nhận định rằng ngày nay khi nói đến công nghệ, người ta không chỉ nghĩ đến những máy móc hay hệ thống tiên tiến chỉ được ứng dụng trong các doanh nghiệp lớn, mà giờ đây công nghệ đã dần tiếp cận đến mỗi cá nhân thông qua các sản phẩm tiên tiến như Chat GPT – Ứng dụng AI gây tiếng vang lớn trên toàn cầu trong khoảng đầu năm 2023.
Chính sự phát triển của các trung tâm công nghệ trên thế giới và cách công nghệ tác động đến chất lượng sống của xã hội chính là nguồn cảm hứng lớn thôi thúc ông theo đuổi những giá trị vượt bật từ công nghệ, nhất là trong lĩnh vực chuỗi cung ứng. Ông đánh giá cao giá trị của Big Data trong kỷ nguyên hiện tại, coi nó như một nguyên liệu mới đối với nền kinh tế, tương đương với nguồn vốn và lao động. Ông nhấn mạnh rằng mọi quyết định trong doanh nghiệp ngày nay cần dựa trên việc phân tích dữ liệu. Để ví dụ cho cách dữ liệu hoạt động qua lại giữa các tổ chức, Mr. Long chia sẻ về cách google, Amazon, và Microsoft lưu trữ và trao đổi thông tin qua các Hub thông tin.
Các xu hướng chuyển đổi số hiện tại
Tiếp nối phần chia sẻ của Mr. Quang Lê Trọng Bằng và Mr. Phạm Nam Long về sự hình thành và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong bối cảnh hiện tại, Mr Thomas Sim đã chia về các xu hướng công nghệ phổ biến và các thực tiễn ứng dụng công nghệ 4.0 vào chuỗi cung ứng. Từ việc tạo không gian lưu trữ và cập nhật dữ liệu thực tiễn phục vụ cho dự báo nhu cầu (Demand Forecast) như dữ liệu quá khứ, dữ liệu thị trường và các yếu tố tác động như thời tiết, ngày lễ,…, đến việc thiết kế tối ưu tuyến đường trong Logistics (Route Optimization) bằng cách phân tích dữ liệu thực tế về điều kiện giao thông (Traffic conditions), hay phân tích dữ liệu để đánh giá năng lực các đối tác cung ứng.
Theo ông, cuộc cách mạng 4.0 (Các yếu tố chính bao gồm tự động hóa, robot hóa, phân tích dữ liệu lớn, hệ thống thông minh, ảo hóa, AI, máy học và Internet of Things.) là tiền đề cho cách mạng 5.0 – Thời đại được thúc đẩy bởi 3 trụ cột chính: con người, tính bền vững và khả năng phục hồi.
Từ “Thinking” đến “Doing”
Những chia sẻ của 3 vị diễn giả là cơ sở để các nhà quản lý đưa ra các câu hỏi và thảo luận về vấn đề chuyển đổi số tại doanh nghiệp của mình.
Làm sao để biết được có nên chuyển đổi hay không?
Theo Mr. Thomas, trước khi ra quyết định có nên chuyển đổi không, cần xác định ưu tiên và nguồn lực hiện tại của doanh nghiệp, bao gồm: manpower, money to invest, mindset,…
Quan trọng hơn hết Mr. Bằng cho rằng bất kỳ sự đổi mới nào trong doanh nghiệp cũng phải gắn liền với 4 trụ cột chính: People – Process – System – Data
Chia sẻ từ Mr. Long, trước hết cần đi ra ngoài nhiều hơn để hiểu thị trường, từ đó có cơ sở để đối chiếu, tìm ra điểm mạnh và điểm yếu của doanh nghiệp trước khi xác định cần cải tiến và chuyển đổi ở đâu.
Làm thế nào để trình bày những ý tưởng và đề xuất để nhận được sự chấp thuận từ các nhà lãnh đạo và các bên liên quan trong doanh nghiệp?
Cả 3 diễn giả đều chia sẻ rằng thay vì liệt kê những lợi ích, hãy lượng hóa những gì doanh nghiệp sẽ bỏ lỡ hoặc thụt lùi so với các đối thủ nếu không chuyển đổi số. Để dẫn chứng cho điều này, Mr. Bằng đã lấy ví dụ từ doanh nghiệp của mình khi hóa đơn điện tử (E-Order) đã được đối thủ ứng dụng cách đây 5 năm. Điều này đồng nghĩa với việc một lượng khách hàng tiềm năng có thể đã vào tay đối thủ.
Chia sẻ từ kinh nghiệm của một nhà quản lý tại hội thảo, một cách mà chị đã ứng dụng thành công để thuyết phục các nhà lãnh đạo cấp cao trong việc đổi mới là hãy làm rõ những lợi ích trước khi trình bày đề xuất với những nhà quản lý có khả năng ra quyết định cao hơn, bằng cách chia lợi ích thành 3 nhóm rõ ràng:
- Hard Benefits: những lợi ích có thể tính toán và lượng hóa một cách chi tiết
- Soft benefits: Những lợi ích không thể hoặc khó tính toán
- Sustainable development: những lợi ích có tác động tích cực đến tính bền vững của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, cần xác định rõ nhóm chi phí CAPEX và OPEX. Chiến lược và kế hoạch của bất kỳ sự đổi mới nào luôn cần gắn liền với mô hình tài chính của doanh nghiệp (Finance chart).
Cũng theo đó, Mr. Long cũng khẳng định rằng một đề xuất đổi mới sẽ có giá trị và được chấp thuận dễ dàng hơn khi các nhà quản lý cấp cao và các bên liên quan thấy được một chiến lược rõ ràng với những lợi ích được trực quan hóa theo từng giai đoạn trong quá trình chuyển đổi.
Sau hội thảo, tất cả diễn giả và các nhà quản lý đều đồng thuận rằng, việc chuyển đổi số trong doanh nghiệp là một quá trình. Doanh nghiệp cần thời gian từ 1-2 năm để chuẩn bị trước khi hoạt động và khoảng 5 năm hoặc có thể hơn để hoàn thiện và đánh giá được hiệu quả cũng như những thiếu sót của những đổi mới. Chính vì thế, nếu không bắt đầu suy nghĩ và chuẩn bị những bước đầu tiên cho hành trình chuyển đổi số, thì có thể doanh nghiệp sẽ bị bỏ rất xa bởi các đối thủ trong những năm tiếp theo
Kết lại:
Qua việc kết nối các khía cạnh khác nhau của chuỗi cung ứng và tận dụng dữ liệu thông minh, chuyển đổi số không chỉ là một tiến bộ về công nghệ mà còn là một công cụ quan trọng để tạo ra giá trị và cạnh tranh bền vững trong môi trường kinh doanh ngày nay. Áp dụng chuyển đổi số không chỉ là một nhiệm vụ mà còn là một cơ hội để các tổ chức nâng cao khả năng đáp ứng, linh hoạt và sáng tạo trong việc đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.
Để thành công trong việc chuyển đổi số, cần có một chiến lược rõ ràng và sự cam kết từ tất cả các tầng lớp trong tổ chức. Đầu tiên, việc hiểu rõ mục tiêu và lợi ích cụ thể mà chuyển đổi số mang lại cho tổ chức là quan trọng. Tiếp theo, cần phải tập trung vào việc đào tạo và phát triển năng lực cho nhân sự, đảm bảo họ sẵn sàng và thoải mái khi áp dụng công nghệ mới.