Tin tức

Stanford GSB | Cùng CEO kiêm Founder Abivin trao đổi về Định hướng khởi nghiệp AI và Giới hạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam

Đầu tháng 9 năm 2023, VILAS có dịp đón tiếp đoàn học viên MBA từ Stanford Graduate School of Business (GSB) trong khuôn khổ “AI and Digitization Global Study Trip” để cùng bàn về “Định hướng khởi nghiệp AI và Giới hạn chuỗi cung ứng tại Việt Nam”. 

Buổi thảo luận đặc biệt được dẫn dắt và chia sẻ bởi CEO kiêm Founder ABIVIN – doanh nghiệp phát triển Hệ thống quản lý Vận tải tối ưu, anh Phạm Nam Long. Qua đó, người tham gia có thêm hiểu biết về thực tiễn kinh doanh công nghệ tại Việt Nam, cách anh đưa dịch vụ của Abivin đến tay khách hàng và tạo ra giá trị thiết thực cho lĩnh vực Logistics. 

Buổi trò chuyện với anh Long diễn ra trong 2 giờ chứa đựng những đúc kết nguyên bản và sâu sắc từ hành trình sáng lập Abivin và góc nhìn của anh về các giải pháp AI cho quản lý chuỗi cung ứng tại Việt Nam.

 

“Đi đến nơi không thấy công nghệ lập trình”

Tốt nghiệp chuyên ngành Computer Science của Cambridge, là thạc sĩ Machine Learning tại Bristol ở UK. Song, anh Long nhìn thấy nước Mỹ mới là nơi khai phóng và phổ biến thành công những công nghệ tiên tiến ra toàn cầu. Quan sát này thôi thúc anh đến Mỹ, gia nhập Google, từ đó có cơ hội chứng kiến tinh thần khởi nghiệp với những ý tưởng, tài năng nơi thung lũng Silicon đã và đang ảnh hưởng lên cách con người vận hành doanh nghiệp và cuộc sống.

Theo anh, khởi nghiệp ở Việt Nam không có quy mô như ở Mỹ hay Trung Quốc, song lựa chọn phát triển một điều gì đó ở đất nước mình có phần ý nghĩa tinh thần lớn. Thêm vào đó ở Việt Nam, vẫn còn nhiều khía cạnh đời sống và kinh doanh chưa được khoa học máy tính hỗ trợ. Đây là điểm quan trọng để anh có thể nhìn ra giấc mơ của mình với công nghệ lập trình.

 

Anh Phạm Nam Long – CEO kiêm Founder ABIVIN

Thử nghiệm thành công

Định hướng khởi nghiệp là một điều không dễ xác định. Ta cần “đi ra ngoài” để quan sát, tìm hiểu từ mọi kênh thông tin, để xem các doanh nghiệp thực sự cần gì, đâu là vấn đề phổ biến, nan giải cho ta dấn thân vào.

Biết đến tính phức tạp trong tối ưu vận hành chuỗi cung ứng từ SMEs đến MNCs tại Việt Nam đã trở thành nguồn sáng khởi nghiệp cho anh. Nhiều ý tưởng giải pháp công nghệ sinh ra từ vấn đề đứt gãy chuỗi cung ứng, song không phải ý tưởng nào cũng được khách hàng cũng như các đối tác của họ đón nhận. 

 

Do đó, điều quan trọng thứ 2 chính là thẩm định thành công giải pháp và nhận được chi trả xứng đáng từ khách hàng. Bước ngoặt đến với anh Long khi một bạn học cũ ở Cambridge mang đến anh bài toán về xử lý đơn hàng và tối ưu vận tải cho doanh nghiệp sản xuất, nơi người bạn đang công tác tại Việt Nam.

Khi đó, bài toán này là thách thức chưa có người giải quyết. May mắn là điều người bạn chia sẻ trùng hợp với vấn đề mà anh Long kiếm được đáp án khi làm luận văn thạc sĩ. Chính vì việc khó, không có ai làm nên anh Long nhìn thấy cơ hội và thấy rõ con đường kinh doanh dịch vụ công nghệ, trong lĩnh vực Logistics phức tạp tại Việt Nam.

 

Hiểu phân khúc khách hàng và hoạt động kinh doanh của họ

Sau một thời gian tiếp cận doanh nghiệp, anh Long nhận thấy việc hiểu sơ đồ tổ chức, mô hình kinh doanh và thực tế vận hành là điều vô cùng quan trọng để tuỳ chỉnh giải pháp thích ứng với điều kiện và hoàn cảnh của tổ chức. Khách hàng sử dụng được thì mới dễ có thêm khách hàng đến với mình.

Anh chia sẻ thêm rằng để hiểu doanh nghiệp, anh theo đến kho, tiếp xúc với nhân viên các cấp ở kho, tài xế để biết được hành vi, ý thức và môi trường làm việc của họ. Một ứng dụng tốt nên thân thiện với người sử dụng, giúp họ tự động sắp xếp và hình dung được công việc hằng ngày cho tài xế, chủ phương tiện, và báo cáo theo thời gian thực cho chủ hàng.

 

Học viên Stanford

Học viên từ Stanford Graduate School of Business (GSB)

Theo dòng chia sẻ, có học viên MBA thắc mắc về việc anh đối diện như thế nào khi doanh nghiệp Việt Nam chưa thích ứng với công nghệ phần mềm ở nhiều khía cạnh vận hành?

Anh Long phản hồi rằng thị trường luôn có những phân khúc với nhu cầu và mức độ chi trả khác nhau. Đối với nhà cung cấp dịch vụ phần mềm, mục tiêu của việc hiểu biết các phân khúc khách hàng chính là chọn tệp khách hàng có nhiều khả năng thích ứng và chi trả cho giải pháp phần mềm nhất. Từ đó, xác định concept dịch vụ và mức giá mà họ có thể cân nhắc.

Việc thích ứng công nghệ cần thời gian để lan tỏa, song sẽ có doanh nghiệp đi trước và doanh nghiệp theo sau. Nhất là với đặc thù phức tạp vốn có nhiều yếu tố tác động và bên liên quan của chuỗi cung ứng nói chung hay Logistics nói riêng, khách hàng cần nhiều thời gian để cân nhắc và quyết định đầu tư phần mềm dịch vụ (SaaS) một phần hay toàn diện cho mạng lưới vận hành của họ. 

 

Kết lại

OECD nhận định “Việt Nam tiếp tục dẫn đầu Top 5 nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á”, thu hút đầu tư, nhà sản xuất trong nước và cả nước ngoài. Tuy nhiên, ứng dụng công nghệ lập trình để lên kế hoạch, tăng độ chính xác ở cấp độ vận hành (operational level) vẫn chưa phổ biến trong mọi khía cạnh của hoạt động cung ứng. Khoảng không này chính là cơ hội lớn phát triển dịch vụ phần mềm. Một là vì động lực phát triển kinh tế. Hai là vì tư duy của nhà sản xuất về quản lý chuỗi cung ứng ở Việt Nam ngày một trưởng thành. Việc doanh nghiệp mong muốn tối ưu dòng chảy của hàng hoá, thông tin và tiền sẽ thúc đẩy họ chuyển đổi số cho vận hành cung ứng không chỉ ở Việt Nam mà còn là các quốc gia đang phát triển trong và ngoài Đông Nam Á. 

Learn more about us!!!