Logistics

Tại sao lại gọi là Logistics?

Chắc chúng ta không ít lần băn khoăn tự hỏi: tại sao những hoạt động đã có từ rất lâu rồi như kho bãi, xếp dỡ, bảo quản hàng hóa, gửi nhận hàng… bây giờ lại gọi là các hoạt động logistics? Nếu gọi tên mới thì chắc phải là có gì khác vậy nó khác thế nào?

Khái niệm logistics trong kinh doanh ra đời từ những năm 1980, và phổ biến ở nước ta từ đầu thế kỷ này. Nghĩa là nó ra đời chưa bao lâu. Để hiểu vấn đề này, và phần nào giải thích câu hỏi trên, chúng ta xem sự ra đời của quan điểm này như thế nào.

Đầu những năm 1980, kinh tế châu Âu và Bắc Mỹ rơi vào một cuộc khủng hoảng trầm trọng, nhưng trong khi ấy kinh tế Nhật Bản vẫn phát triển rất mạnh, và nổi lên, như tên gọi lúc bấy giờ “sự thần kỳ Nhật Bản”. Hàng hóa của Nhật như ô tô, phụ tùng ô tô, máy móc điện tử tràn ngập thị trường Bắc Mỹ và Châu Âu với chất lượng cao tương đương với hàng Châu Âu, Mỹ nhưng với giá rẻ hơn hẳn. Điều gì làm hàng hóa Nhật có thể rẻ như vậy.

Người ta nhận thấy Nhật sản xuất hàng hóa trong điều kiện khó khăn hơn Mỹ và Châu Âu vì:

  • Thứ nhất, nước Nhật không có nguyên liệu. Sắt, than… tất cả đều phải nhập về để sản xuất;
  • Thứ hai, nước Nhật khi đó áp dụng chế độ tuyển dụng lao động suốt đời, nghĩa là không thể giãn thợ, giảm chi phí, … và lương của công nhân Nhật cũng không thấp so với các nước;
  • Thứ ba, máy móc thiết bị công nghệ của Nhật Bản hoàn toàn ở mức của Mỹ và Châu Âu do đó, năng suất lao động của Nhật cũng không cao hơn họ;

Vậy điều gì làm cho Nhật có thể bán hàng hóa rẻ như thế khi không hề có sự trợ giúp gì của Chính phủ Nhật. Câu hỏi này như một nghịch lí cuối cùng thì cũng có câu trả lời.

Khi nghiên cứu tài chính của một số công ty hàng đầu của Nhật, trong đó có Toyota, người ta sửng sốt khi thấy người Nhật chỉ sử dụng một lượng vốn thấp để sản xuất hàng hóa. Ví dụ, người Nhật khi đó chỉ cần khoảng 100 USD tiền vốn để làm ra một chiếc ô tô, nhưng ở Mỹ và Châu Âu cần đến 1000 USD. Làm gì để đạt được điều này? Người ta phát hiện ra Nhật đã thay đổi hoàn toàn quan điểm về dự trữ và cung ứng. Trước đây theo lý thuyết của Taylor thì để đạt được năng suất lao động cao nhất và do đó làm giảm giá thành sản phẩm thì mọi thứ đều phải có sẵn sàng cho việc sản xuất, nghĩa là mọi thứ phải có sẵn, đầy đủ công nhân làm việc (quan điểm này gọi là Just In Place). Người Nhật nghĩ khác, họ quan điểm cần cái gì thì có cái nấy, thế là quan điểm Just In Time ra đời, như vậy sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho khâu vật tư, và giảm tối đa vật tư thừa. Nhưng để thực hiện được JIT phải tổ chức quản lí cung ứng theo cách mới, có hệ thống và chặt chẽ hơn, người Nhật đã sang tạo ra hệ thống Kanban để làm việc này.

Những phát hiện trên đã giúp cho các nhà sản xuất và kinh doanh nhận thấy cần phải tổ chức và quản lý việc cung ứng vật tư, hàng hóa theo lối mới này, các công việc không còn là đơn lẻ nữa mà phải thành một hệ thống, được quản lí theo một nguyên tắc mới. Vậy theo nguyên tắc nào? Câu trả lời là theo nguyên tắc quản trị logistics. Khái niệm business logistics đã ra đời như vậy. Các công việc đã làm từ bao đời nay như kho bãi, gửi nhận hàng, vận chuyển, … được xem là một trong hệ thống và mang một tên mới là các dịch vụ logistics.

Nhưng tại sao lại có cái tên là logistics ở đây? Khái niêm logistics đã có từ rất lâu, từ thế kỷ XVI, trong lĩnh vực quân sự, nó bắt nguồn từ tiếng Pháp logement nghĩa là sự sắp xếp, sắp đặt. Một viên tướng Pháp đã xây dựng một bộ nguyên tắc bố trí, quản lý việc cung cấp vũ khí, đạn dược quân lính, lương thực, …cho một chiến dịch và ông ta gọi đó là logistics. Ngày nay logistics trong quân sự phát triển rất mạnh. Những nguyên lí quản trị logistics quân sự sau đó có được áp dụng thành công trong chiến dịch cứu đói cho Etiopia vào năm 1950. Bộ quy tắc này vẫn còn giá trị cho các chiến dịch cứu trợ khẩn cấp ngày nay. Các nhà kinh tế nhận thấy những nguyên lí này áp dụng cho kinh doanh sẽ đáp ứng được các yêu cầu nêu trên, vì vậy tên gọi logistics trong kinh doanh ra đời.

Như vậy các dịch vụ logistics bao gồm các công việc đã có từ xa xưa giờ đây được xem xét và thực hiện theo một nguyên tắc mới, nó không phải là các công việc đơn lẻ, rời rạc mà phải theo hệ thống. Đó là sự khác biệt quan trọng.

Theo VIETNAM LOGISTICS review