Sau một thời gian hoạt động trầm lắng vì chịu tác động trước những khó khăn chung của ngành vận tải đường biển, bảo hiểm hàng hải đã có dấu hiệu tái khởi động bằng một thỏa thuận khung ngay từ đầu năm 2017.
Theo đó, vào cuối tháng 2, tại Hà Nội đã diễn ra Lễ Ký kết thỏa thuận khung bảo hiểm thân tàu biển năm 2017 giữa Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (Vinalines) với liên danh nhà thầu Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm PTI. Hợp đồng bảo hiểm sẽ cung cấp bảo hiểm tập trung thân tàu biển cho đội tàu gồm 76 chiếc, thuộc 9 doanh nghiệp của Vinalines, với tổng giá trị bảo hiểm hơn 565 triệu USD.
Ông Trương Quốc Lâm, Tổng giám đốc Bảo hiểm PVI cho biết, liên danh không chỉ đồng hành với Vinalines trong suốt quá trình thực hiện thỏa thuận hợp đồng, mà còn đóng vai trò là nhà tư vấn, hỗ trợ cho Vinalines thực hiện các quy trình nhằm đảm bảo an toàn tối đa cho toàn bộ đội tàu.
Liên danh nhà thầu Bảo hiểm PVI, Bảo hiểm Bảo Việt, Bảo hiểm Bảo Minh, Bảo hiểm PTI hiện đang là các công ty bảo hiểm hàng đầu trong các lĩnh vực bảo hiểm trọng yếu như hàng hải, tài sản – kỹ thuật… Trong đó, năm 2016, tổng doanh thu bảo hiểm từ nghiệp vụ hàng hải của PTI tăng trưởng 16% so với năm 2015. Cụ thể, doanh thu từ dòng sản phẩm bảo hiểm hàng hóa tăng 14%, dòng sản phẩm tàu thủy tăng trưởng 17%.
Hiện tại, doanh thu từ bảo hiểm hàng hải đang chiếm tỷ trọng khoảng 7% tổng doanh thu của PTI. Công ty đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm hàng hải cho các doanh nghiệp lớn về vận tải như Vinalines, đội tàu biển qua Ngân hàng Hàng hải, công ty vận tải Ngô Đam, công ty Logitem, Lazada…
Trong khi đó, doanh thu khai thác phí bảo hiểm hàng hải của PVI năm 2016 cũng đạt khoảng 900 tỷ đồng, tiếp tục tăng trưởng dương so với năm 2015. PVI đang cung cấp sản phẩm bảo hiểm cho các đội tàu của các hãng tàu VSP, PTSC, PVTrans, Vinalines, Vitranschart, Vosco…
Một hãng bảo hiểm khác khá nổi tiếng trong lĩnh vực bảo hiểm hàng hải là Bảo Minh. Theo tìm hiểu của Đầu tư Chứng khoán, dù doanh thu nghiệp vụ hàng hải năm 2016 của Bảo Minh không tăng trưởng mạnh vì chủ động không tái tục hoặc không cấp đơn bảo hiểm cho các hãng tàu chưa đủ tiêu chuẩn, nợ phí…, tuy nhiên, bảo hiểm hàng hải vẫn được xác định là thế mạnh của Công ty và sẽ được tiếp tục đẩy mạnh khai thác tại các địa bàn trọng điểm như TP. HCM, Hà Nội, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ninh, Vũng Tàu, Đồng Nai…
Bảo hiểm hàng hải từng là một trong những nghiệp vụ mang lại doanh thu khá cao cho các doanh nghiệp bảo hiểm cung cấp sản phẩm này, bởi bảo hiểm hàng hóa xuất nhập khẩu chuyên chở bằng đường biển, bảo hiểm thân tàu, trách nhiệm dân sự chủ tàu, thuộc phạm vi của bảo hiểm hàng hải, là sản phẩm bắt buộc theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc các chủ tàu gặp không ít khó khăn do phải cạnh tranh trực tiếp với nhiều hãng tàu nước ngoài, giá cước vận chuyển giảm, trong khi các quy định ràng buộc, tiêu chuẩn đối với thuyền viên trên tàu tăng lên…, khiến nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải chịu thiệt hại không nhỏ.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán về sự phát triển của nghiệp vụ bảo hiểm hàng hải khi kinh tế hồi phục, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm cho biết, ngay cả thời điểm kinh tế khó khăn và tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp ngành này không tốt, việc mua bảo hiểm của các doanh nghiệp vận tải biển vẫn không giảm quá mạnh. Bởi rủi ro mà các doanh nghiệp ngành này gặp phải thường gây ra hậu quả rất lớn, chẳng hạn sự cố tràn dầu, đâm va vào cảng, đâm va vào các tàu khác…
Tuy nhiên, khác với những năm trước, việc doanh ngiệp bảo hiểm có thể áp dụng mức phí ưu đãi, thậm chí cho nợ phí với các hãng tàu bạn hàng thân thiết, dài hạn đã bị hạn chế, bởi bản thân các doanh nghiệp bảo hiểm cũng đang phải tái cơ cấu, hạn chế tổn thất và tích cực thu hồi nợ phí…
“Bảo hiểm hàng hải là nghiệp vụ quan trọng nhưng không thể phát triển bằng mọi cách để có doanh thu hay thị phần. Doanh nghiệp bảo hiểm đều sẽ thận trọng hơn với các đơn hàng bảo hiểm ở nghiệp vụ này”, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm có thế mạnh về bảo hiểm hàng hải cho biết.