Logistics

Thực trạng Logistics Việt Nam: Đau đầu hải quan

Cả nước có 531 đại lý Hải quan tập trung ở 5 tỉnh, TP: TPHCM , Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai và Bình Dương. Cơ chế hoạt động có, khuôn khổ pháp lý theo Tổng cục Hải Quan cũng cơ bản đảm bảo. Vậy, cớ gì đại lý Hải quan hiện vẫn là 1 khâu “rối rắm” trong chuỗi logictics?

Tại Hội nghị bàn tròn về phát triển đại lý Hải Quan vừa được tổ chức ở Cảng Sài Gòn, câu hỏi phần nào được sáng tỏ.

 

Hoạt động khác gì “cò”?

 

Ông Đặng Vũ Thành – trưởng ban Hải quan của Hiệp Hội doanh nghiệp dịch vụ Logistics (VLA) đặt vấn đề: điều kiện thành lập doanh nghiệp đại lý Hải quan dễ dãi, mức độ kiểm soát chất lượng không cao. Chỉ 40% trong tổng số 531 đại lý là thành viên của Hiệp hội VLA, phần còn lại, hoạt động thế nào, hiệu quả ra sao thì “ngoài vùng phủ sóng”.

 

Ông Thành đề xuất, điều kiện cần chặt chẽ hơn: ít nhất 5 nhân viên và khả năng tài chính của đại lý phải đảm bảo 1 tỷ đồng khi thành lập.

 

Thêm vào đó, một nghịch lý khác cần sự can thiệp từ Tổng cục Hải quan là chính sách ưu tiên.

 

Hiện, doanh nghiệp đại lý hải quan phải đứng tên trên tờ khai, hoạt động dựa trên hợp đồng ủy quyền với chủ hàng xuất nhập khẩu và phải chịu trách nhiệm trong phạm vi được ủy quyền. Chịu ràng buộc từ nhiều điều kiện pháp lý nhưng họ phải cạnh tranh trực tiếp, không khác gì với “cò” dịch vụ – người khai thuê dùng giấy giới thiệu của chủ hàng để làm thủ tục hải quan.

 

Một số doanh nghiệp dẫn chứng: “ Không thể hiểu nổi, nếu khách hàng làm việc với cò dịch vụ, tỷ lệ kiểm tra hàng ở luồng đỏ, luồng vàng chỉ 20%. Nhưng khi làm việc với đại lý – nơi đảm bảo đầy đủ về tính pháp lý, thì tỷ lệ kiểm tra hàng tăng lên 60%? Tỷ lệ càng tăng đồng nghĩa chí phí và thời gian bỏ ra càng nhiều.

 

Điều này lý giải phần nào trong số doanh nghiệp hoạt động chân chính, hiệu quả vẫn có những nơi làm ăn chụp giật, dẫn đến vụ án tranh cãi kéo dài, làm mất uy tín của đại lý hải quan.

 

1 cua hai quan

 

Một cửa nhưng manh mún

 

Tính chuyên nghiệp trong thủ tục kê khai được tuyên truyền là “một cửa” thế nhưng giấy tờ vẫn manh mún ở nhiều bộ phận. Đơn cử, quá trình chuyển tiền, các ngân hàng lúc nào cũng có độ trễ trong khi Hải quan yêu cầu chỉ khi có thông báo nhận tiền mới cho phép thông quan. Sự thiếu linh động đôi khi khiến thời gian đưa nguyên liệu về khâu sản xuất chậm trễ.

 

Đại diện Hiệp Hội chủ hàng đề nghị làm rõ vấn đề thông báo mã số hàng hóa quốc tế. Vì sao còn tình trạng 1 mã số nhưng cách gọi ở cửa khẩu hải quan lại khác nhau, đại lý không biết áp mã nào dẫn đến mất thời gian tranh cãi, kiểm tra đối chứng.

 

Đại diện công ty Hoàng Huệ để nghị cần làm rõ trách nhiệm giữa chủ hàng và đại lý hải quan để tránh rủi ro trong quá trình kê khai thủ tục. Triển khai các quy định đồng bộ chưa khi ở chi cục này cho khai luồng vàng nhưng chi cục địa phương khác yêu cầu kiểm tra hàng ở luồng vàng ?

 

tray trat dai ly hai quan

 

Kiến nghị 100% hoạt động thông quan phải qua đại lý

 

Ông Nguyễn Nhất Kha – Cục Giám sát Quản lý Tổng cục Hải Quan lý giải: “Trước mắt, Tổng Cục Hải Quan thành lập ngay tổ tư vấn gồm cơ quan tổng cục và doanh nghiệp đại lý để tổng hợp vướng mắc, từng bước tháo gỡ. Tiếp tục kiến nghị Tổng cục quy định 100% hoạt động thông quan phải thông qua đại lý thủ tục hải quan để tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh từ phía cò dịch vụ.

 

Tổng cục hải quan đang xem xét thay đổi điều kiện 20.000 tờ khai/ năm với doanh nghiệp đại lý theo hướng hạ thấp hơn, tạo ưu đãi trong hoạt động.

 

Về áp các mã số hàng hóa quốc tế còn sự khác nhau gây tranh cãi, ông Kha nhấn mạnh, đây cũng là thực trạng chung của thông lệ hải quan thế giới. Để giảm thiểu, đại lý hải quan nên chủ động tìm hiểu đầy đủ các mã hàng trong quá trình kê khai, tránh việc hàng hóa đến rồi, thông tin mới cập nhật.

 

Ông Kha nhấn mạnh, theo quy định trước đây, để được cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan, cá nhân phải tham gia một khóa đào tạo cơ sở do Bộ Tài chính quy định, sau đó mới được tham gia thi để cấp thẻ nhân viên đại lý hải quan. Nhưng hiện nay, để tạo thuận lợi, cơ quan chức năng không yêu cầu điều kiện tham gia các lớp đào tạo như trên mà có thể tự học tập, cơ quan Hải quan chỉ kiểm soát chất lượng thông qua thi kiểm tra.

 

“Đại lý hải quan chỉ là 1 khâu của chuỗi cung ứng Logictics nhưng nếu làm tốt khâu này, sẽ tối ưu hóa trong hoạt động chung, nâng cao hiệu quả doanh nghiệp. Trên thế giới, các DN sản xuất, kinh doanh đều thông qua đại lý hải quan để tránh sai sót.

 

Năm 2008, chúng ta mới bắt đầu khởi động đại lý hải quan, 8 năm với 513 đại lý thành lập. Con số tương đối nhiều nhưng để chuyên nghiệp hơn là 1 hành trình dài tiếp theo mà ngoài nỗ lực của mỗi đại lý, cần sự tiếp sức hà hơi từ cơ quan quản lý NN” – ông Kha phân tích.

 

Bích Thảo – VLR