Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

Bí kíp chinh phục kỳ tuyển dụng Management Trainee ngành Logistics/Supply Chain

Hình ảnh có liên quan

 

Các chương trình thực tập sinh tài năng của các doanh nghiệp luôn là những giấc mơ cho sinh viên mới ra trường hoặc dưới 1-2 năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, đa phần các bạn sinh viên vẫn còn rất tự ti về năng lực của bản thân do đó chưa “mặn mà” tham gia vào các chương trình này. Sự thật là các chương trình thực tập sinh tài năng thường không chọn những ứng viên giỏi nhất, mà luôn chọn những ứng viên phù hợp với công ty nhất. Chỉ cần bạn thể hiện bạn tinh thần luôn cầu tiến, học hỏi hết mình cũng như dành thời gian nghiên cứu, nghiền ngẫm công ty và quy trình tuyển dụng, VILAS tin rằng mọi thử thách dù có khó khăn đến mấy bạn cũng có thể “xử lí” dễ dàng.

Còn bây giờ, hãy cùng VILAS tìm hiểu về quy trình tuyển dụng của các chương trình thực tập sinh tài năng cũng như những lợi ích to lớn khi tham gia chương trình này nhé. VILAS tin rằng qua những chia sẻ, những “mẹo” phỏng vấn này sẽ cực kì hữu ích, không chỉ là với chương trình MT mà còn với bất kì chương trình tuyển dụng nào khác nữa!

 

  1. Quy trình tuyển dụng

Các ứng viên phải tham gia khá nhiều vòng tuyển chọn trước khi chính thức trở thành một phần của chương trình MT. Ở các công ty khác nhau sẽ có quy trình ứng tuyển khác nhau, cũng như có nhiều tên gọi khác nhau, tuy nhiên, thông thường chương trình MT sẽ trải qua 5 vòng thi chính:

  • Application form:

Trung bình, nhà tuyển dụng chỉ mất 30 giây để xem xét CV của các ứng viên, do đó việc trình bày CV thật rõ ràng theo cấu trúc CAR (Context – Actions – Results) là hết sức quan trọng. Ở vòng application form này, nhà tuyển dụng thường kiểm tra xem bạn có đạt được những yêu cầu cơ bản họ đã truyền thông ra bên ngoài hay chưa. Về điểm số? Về quãng thời gian sinh viên của bạn, bạn có từng tham gia hoạt động nào không? Khả năng trình bày và diễn đạt ý như thế nào? Bạn có đủ cạnh tranh so với mặt bằng chung các thí sinh nộp đơn vào không?

Một vài công ty sẽ yêu cầu điền đơn Online, hãy chắc chắn rằng bạn đã lưu bảng Word câu trả lời để trường hợp gặp sự cố mạng và mất hết dữ liệu.

 

  • Aptitude test/ IQ test

Mục đích của vòng 2 chủ yếu nhằm kiểm tra khả năng giải quyết vấn đề, tư duy logic. Chỉ cần vượt qua số điểm sàn công ty, bạn hoàn toàn có thể tiếp tục vòng 3.

Những website bạn có thể sử dụng để luyện tập trước khi thực sự tham gia vào quá trình tuyển chọn. Web bao gồm hướng dẫn, các mẫu test đa dạng của Assessment test (bao gồm numberic, logic, critical thinking) bằng tiếng anh. Một vài trang web bạn có thể sử dụng để luyện tập:

 

  • Initial interview

Trước khi tham dự vào bất kì cuộc phỏng vấn nào, hãy chắc chắn rằng bạn có sự chuẩn bị kĩ càng từ cách ăn mặc, đi đứng, điều chỉnh giọng nói, ánh mắt đến những kiến thức bắt buộc phải có như những kiến thức về công ty, sản phẩm, thương hiệu đến những câu hỏi thường được gặp trong các cuộc phỏng vấn.

Thông thường, mục đích của vòng này là để đánh giá sơ bộ các kĩ năng của ứng viên, và mức độ phù hợp của ứng viên với văn hóa – môi trường công ty đó. Các câu hỏi khá đa dạng, thuộc nhiều chủ đề khác nhau, được hỏi nhiều nhất là về động lực/ mong đợi khi tham gia chương trình, các câu hỏi về kĩ năng lãnh đạo – làm việc nhóm, và dự định bản thân ở tương lai. Kinh nghiệm từ nhiều anh chị đi trước truyền lại, ở vòng này, vì người phỏng vấn bạn cũng sẽ đa dạng lắm, chưa biết quan điểm – góc nhìn họ thế nào, nên bạn hãy thể hiện mình một cách vừa phải, đừng cố làm lố để tạo dấu ấn hay cố chứng tỏ mình “nguy hiểm”.

 

  • Assessment Center/ Group Discussion

Với vòng thi Assessment Center, bạn sẽ phải chứng tỏ mình là một ứng viên có khả năng làm việc độc lập cũng như làm việc nhóm xuất sắc trong số những ứng viên tài giỏi. Thông thường, bạn sẽ được giao một case study đòi hỏi bạn phải giải quyết, phản biện để đưa ra phương án phù hợp nhất.

Vòng thi này chủ yếu tập trung đánh giá các kĩ năng: teamwork, active listening, communication, time management, problem , critical, logical thinking, decision making… Nhưng trên hết là sự thể hiện nổi trội của bạn với các ứng viên tiềm năng khác. Đây sẽ là vòng thi gần như quyết định sự đánh giá của doanh nghiệp về năng lực của ứng viên.

 

  • Final interview

Vòng cuối cùng của Chương trình thực tập sinh tài năng chính là Final Interview (hay còn gọi là In-depth Interview) – phỏng vấn chuyên sâu, đây là vòng phỏng vấn bạn được thực hiện với Giám đốc, quản lí, hay các vị trí có thâm niên khác của công ty mà bạn ứng tuyển.

Nhà tuyển dụng sẽ hỏi rất nhiều về tính cách cá nhân, những kinh nghiệm bản thân đã có trong quá khứ để thể hiện khả năng lãnh đạo (leadership), khả năng ứng biến (behavorial questions) hay xử lý tình huống (situational questions), định hướng nghê nghiệp (career objectives) và mục tiêu trong tương lai. Cũng như vòng phỏng vấn Initial Interview, hãy chuẩn bị cho mình một tác phong thật chỉnh chu, những kiến thức cần thiết về văn hóa, cách làm việc cũng như am tường những sản phẩm, dịch vụ mà công ty cung cấp vì sau khi những kĩ năng đã được kiếm chứng từ các vòng trước, vòng thi này chủ yếu tập trung vào việc liệu bạn có thật sự phù hợp với môi trường, văn hóa của công ty hay không.

 

  1. Lợi ích khi tham dự chương trình này?

#1. HIỂU RÕ CON ĐƯỜNG LỰA CHỌN

Nếu bạn là sinh viên mới ra trường, nhiều khả năng bạn vẫn chưa thể xác định được con đường bạn muốn gắn bó lâu dài. Vậy thì các chương trình thực tập sinh tài năng chính là câu trả lời rõ ràng nhất cho bạn. Với việc tham gia vào các chương trình thực tập sinh tài năng, cứ mỗi 3-6 tháng, bạn sẽ có cơ hội được luân chuyển qua nhiều phòng ban khác nhau, cho phép bạn hiểu rõ hơn công việc từng phòng ban để từ đó quyết định liệu đó có phải là con đường bạn muốn gắn bó lâu dài hay không.

 

#2. KINH NGHIỆM THỰC TẾ ĐƯỢC TÍCH LŨY QUA THỜI GIAN

Ngoài những kĩ năng chuyên môn, bạn còn có có hội được luyện tập khả năng phân tích, tư duy giải quyết vấn đề, phát triển dự án… trong chương trình đào tạo. Khác với khi còn ngồi trên ghế nhà trường, bạn sẽ được làm việc trực tiếp với giám đốc điều hành, nhà quản lí về các vấn đề thực tế doanh nghiệp đang phải đối mặt. Không có đúng hoặc sai, không được “làm thử” và kết quả sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp. Điều này có nghĩa là bạn phải chịu trách nhiệm với mỗi quyết định được đưa ra. Nhưng đừng vội lo lắng, vì bạn sẽ được học trở thành quản lí từ những hướng dẫn hết sức tận tình và chi tiết từ những anh chị quản lí có kinh nghiệm trong ngành.

 

#3. MỞ RỘNG MỐI QUAN HỆ VÀ ĐƯỢC SĂN ĐÓN BỞI NHIỀU CÔNG TY KHÁC!

Trở thành MT có nghĩa là bạn sẽ thường xuyên liên lạc với đội ngũ quản lý cấp cao: dùng bữa sáng với Giám đốc điều hành hay tham gia vào các cuộc thảo luận của trưởng bộ phận, các buổi tư vấn với các nhà quản lý. Hãy nhớ rằng, rất nhiều người đã trải qua toàn bộ sự nghiệp của họ mà không có cơ hội để chia sẻ ý tưởng với CEO và với chương trình Quản trị viên tập sự, bạn hoàn toàn có khả năng được tiếp chuyện với họ! Ngoài ra, việc luân chuyển công việc và các dự án cũng sẽ giúp bạn liên hệ với nhiều người từ các cấp và phòng ban khác nhau, giúp bạn có được sự hướng dẫn, giúp đỡ từ các anh chị đi trước, góp phần “tăng tốc” trong quá trình phát triển sự nghiệp của bạn!

Con đường trở thành một nhà quản trị viên tập sự không phải là con đường dễ dàng. Ngoài việc chuẩn bị kiến thức chuyên môn kĩ càng, bạn nên chú trọng những kĩ năng mềm như khả năng giao tiếp, giải quyết vấn đề, làm việc nhóm, khả năng ra quyết định… Quan trọng hơn hết là chuẩn bị cho mình một vốn tiếng Anh kĩ càng vì đây chính là chìa khóa để bạn vượt qua các vòng thi, cũng như tự tin thể hiện bản thân mình hơn.

Nếu như trước đây tại Việt Nam, chưa có nhiều chương trình quản trị viên tiềm năng cho các bạn sinh viên trong lĩnh vực Logistics và Supply Chain thì hiện nay, nhận thấy được nhu cầu phát triển và sự cấp thiết trong việc đào tạo thế hệ tương lai, các công ty, tập đoàn nổi tiếng trong và ngoài nước đã bắt đầu chú tâm trong việc đào tạo quản lí trong ngành, có thể kể đến như : chương trình Future Leaders Programme & Fresh Program của Unilever, Management Trainee Programme của ITL, Masan Young Entrepreneur… Với lộ trình rõ ràng và kế hoạch đào tạo chi tiết, sau khi tốt nghiệp các chương trình đào tạo này, các bạn hoàn toàn đủ năng lực, tự tin để trở thành nhà lãnh đạo tương lai của công ty.

 

Câu hỏi được đặt ra là: Liệu bạn đã sẵn sàng để nắm bắt cơ hội này chưa?