Logistics Air Operations

Vận đơn hàng không (Phần 1)

Vận đơn là một chứng từ quan trọng, mang tính bắt buộc trong giao dịch thương mại quốc tế. Mỗi phương thức vận chuyển sẽ có loại vận đơn riêng biệt. Vận tải hàng hóa bằng đường hàng không cũng không ngoại lệ với chứng từ đại diện là vận đơn hàng không.

Vận đơn hàng không là chứng từ do người chuyên chở phát hành để xác nhận việc nhận lô hàng để vận chuyển bằng máy bay. Thuật ngữ này trong tiếng Anh là Air waybill, thường viết tắt là AWB

Thông qua bài viết này, VILAS muốn mang đến cho quý đọc giả những thông tin bổ ích về vai trò và nội dung trên vận đơn hàng không (mặt trước vận đơn và mặt sau vận đơn). Các bạn hãy cùng VILAS bắt đầu nhé.

Vai trò của vận đơn hàng không

Vận đơn hàng không được xem là bằng chứng của một hợp đồng vận tải hàng hóa bằng đường hàng không, được ký kết giữa người gửi hàng và người chuyên chở (Luật Hàng Không dân dụng Việt Nam ngày 4 tháng 1 năm 1992)

Vai trò của vận đơn hàng không bao gồm:

  • Là bằng chứng về việc nhận hàng để chở của hãng hàng không.
  • Là hóa đơn thanh toán cước phí.
  • Là chứng từ bổ sung trong hồ sơ bảo hiểm hàng hoá
  • Là chứng từ kê khai hải quan cho hàng hóa.
  • Là bản hướng dẫn đối với nhân viên hàng không.
  • Biên lai giao hàng mà hãng vận tải gửi cho bên bên vận chuyển

Phần tiếp theo, VILAS sẽ đi vào phân tích chi tiết các hạng mục nội dung vận đơn hàng không. Các bạn hãy click vào link sau để xem qua nội dung vận đơn hàng không của một lô hàng thực tế nhé!

Link: https://bom.so/xNFftm 

Các Nội Dung Ở Mặt Trước Vận Đơn Hàng Không

Mặt trước AWB cung cấp những thông tin chi tiết nhất về lô hàng mà hãng hàng không nhận vận chuyển cho các Logistics/forwarder bao gồm:

(1)  Ký hiệu 3 số của hãng vận chuyển (Airline code number). Đây đầu số đại diện để phân biệt Hãng hàng không này với Hãng hàng không khác, được gọi là prefix của Hãng hàng không. Phần này là dãy số cố định, không thay đổi cho mọi lô hàng được vận chuyển trên một Hãng hàng không nhất định.

(2) Ký hiệu 3 chữ của sân bay khởi hành, sẽ xuất hiên một lần nữa ở ô Air of departure (7). 

(3) Dãy số AWB (Serial number): Đây là  số vận đơn của lô hàng, gồm 8 chữ số trong đó số cuối cùng là số kiểm tra (check digit). Dãy số AWB sẽ khác nhau giữa các lô hàng nhằm mục đích phân biệt. Trong 8 chữ số này, chữ số cuối cùng sẽ được kết thúc bằng các chữ số từ 0 đến 6, chứ không được kết thúc bằng các chữ số khác như số 6,7,8,9. Đây là quy tắc của các Hãng hàng không theo Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế IATA

(4)/(5) Thông tin người gửi và người nhận hàng (Shipper’s Name and Address; Consignee’s Name and Address); gồm có: tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, số fax

Link: https://bom.so/YxxOQR 

(6) Agent’s IATA code: Số hiệu IATA của đại lý phát hành bill (IATA là Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế – International Air Transport Association). Các bạn cùng tham khảo một số tên gọi, ký hiệu các hãng hàng không theo quy định của IATA và ICAO trong bảng dưới đây nhé:

(7) Air of departure : Sân bay khởi hành có liên quan với mục (2). Ở đây là Sân bay quốc tế Bảo An Thâm Quyến với mã IATA là SZX, Mã ICAO: ZGSZ

(8) By First Carrier: hãng bay vận chuyển lô hàng. Trong ví dụ vận đơn hàng không của bài biết, hãng chuyên chở là hãng bay United Parcel Service – UPS với mã IATA: 5X và mã ICAO là UPS

(9) Air of destination: Sân bay đến. Ở đây là Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất với mã IATA là SGN, Mã ICAO: VVTS

(10) Flight/Date: Số chuyến và ngày khởi hành chuyến bay. Cụ thể trong bài viết: ngày khởi hành chuyến bay là 10.03.2023 và hàng hoá được vận chuyển trên chuyến bay 5X0146

(11) Số House Airway Bill of Lading (Số HAWB): số vận đơn hàng không bill house do công ty Logistics/forwarder phát hành cho người gửi hàng. Đây là số tham chiếu để công ty Logistics và người gửi hàng cùng theo dõi lô hàng và trao đổi các thông tin liên quan đến tình trạng hiện tại của lô hàng.

(12) Bản 1, 2 và 3 là ba bản gốc có giá trị như nhau. Không giống với vận đơn đường biển, vận đơn đường hàng không sẽ được cấp rất nhiều bản và cụ thể là 8 bản. Trong đó, bản 1 là cho nhà vận chuyển, bản 2 dành cho người nhận hàng hàng 3 là dành cho người gửi hàng, bản coppy thứ 4 là bản dành để giao hàng, bản coppy thứ 8 dùng cho đại lý, các bản còn lại là bản coppy được sử dụng với các mục đích khác nhau trong vận chuyển hàng hóa quốc tế.

(13) Ghi các điều kiện ràng buộc trong vận chuyển như một hợp đồng (Vì vận đơn được xem là một hợp đồng vận chuyển)

(14) Accounting Information/Also Notify: Mục này thể hiện trách nhiệm trả cước hàng không của nhà xuất khẩu và nhà nhập khẩu. Trong đó:

  • Freight Prepaid là cước phí trả trước, nhà xuất khẩu sẽ trả cước phí hàng không và sẽ diễn ra trong các giao dịch thuộc term C và D.
  • Freight Collect là cước phí trả sau, nhà nhập khẩu sẽ trả cước phí hàng không và sẽ diễn ra trong các giao dịch thuộc term E và F.

(15) Currency: Đồng tiền để tính cước

(16) Charges codes : đây là loại cước phí vận chuyển mà hãng hàng không quy định

Ký hiệu viết tắt ở mục này gồm:

  • PP : All Charges Prepaid Cash (cước phí trả trước bằng tiền mặt)
  • PX : All Charges Prepaid Credit (cước phí trả trước bằng tín dụng – chuyển khoản)
  • PZ : All Charges Prepaid by Credit Card (cước phí trả trước bằng thẻ tín dụng)
  • PG : All Charges Prepaid by GBL (Cước phí trả trước bởi GBL, GBL là bảng giá chung)
  • CP : Destination Collect Cash ( Cước trả sau tại cảng đích bằng tiền mặt)
  • CX : Destination Collect Credit (cước trả sau bằng chuyển khoản tại cảng đích)
  • CM : Destination Collect by MCO (MCO – Miscellaneous Charges Order)
  • NC : No Charge (không có cước phí)

THAM GIA: CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM

(17) WT/VAL (Weight/ Valuation charges): Cước tính theo trọng lượng / theo giá trị, PP (Prepaid), CC (collect).

(18) Declared value for carriage: Giá trị hàng khai báo vận chuyển (dùng để xác định giá trị hàng hóa làm căn cứ bảo hiểm nếu có), nếu không có khai báo giá trị hàng thì điền từ NVD hoặc N.V.D

(19) Declared value for customs: Giá trị khai báo hải quan (dùng làm căn cứ khai quan), nếu không muốn khai báo vào ô này thì để NVD, hoặc để AS PER INVOICE

(20) Nếu nhà vận chuyển cung cấp dịch vụ bảo hiểm thì các ô này được điền thông tin vào, và nếu không có thì sẽ để trống.

Nội dung trong mục (20) cũng đã khép lại phần đầu tiên của chủ đề “Giả Mã Vận Đơn Hàng Không” cùng VILAS. Hy vọng bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vận đơn hàng không là gì cũng như các thông tin chi tiết mà AWB cung cấp. Đừng quên theo dõi fanpage “Trường Hàng Không Logistics Việt Nam” để cùng cập nhật, bổ sung và trang bị cho mình những kiến thức bổ ích trong ngành vận tải hàng không.

VILAS sẽ sớm quay lại với phần 2 của chủ đề này, các bạn cùng chờ xem nhé!

Biên soạn và tổng hợp: VILAS Team

Chương trình đào tạo Air Freight Logistics

“Cùng bạn cất cánh sự nghiệp Logistics Hàng không”