Vận tải đường biển ra đời khá sớm so với các phương thức vận tải khác. Ngay từ thế kỷ thứ V trước công nguyên con người đã biết lợi dụng biển làm các tuyến đường giao thông để giao lưu các vùng các miền, các quốc gia với nhau trên thế giới. Cho đến nay vận tải biển được phát triển mạnh và trở thành ngành vận tải hiện đại trong hệ thống vận tải quốc tế. Tiếp tục phần 1, VILAS xin gửi đến các bạn phần 2 “Giao nhận hàng hóa bằng vận tải đường biển”.
3. Giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng
3.1. Đối với hàng xuất khẩu đóng trong Container.
a. Nếu gửi hàng nguyên (FCL)
- Chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ thác điền vào booking note và đưa cho đại diện hãng tàu để xin ký cùng với bản danh mục xuất khẩu (cargo list);
- Sau khi đăng ký booking note, hãng tàu sẽ cấp lệnh giao vỏ container để chủ hàng mượn;
- Chủ hàng lấy container rỗng về địa điểm đóng hàng của mình;
- Mời đại diện hải quan, kiểm nghiệm, kiểm dịch, giám định (nếu có) đến kiểm tra và giám sát việc đóng hàng vào container. Sau khi đóng xong, nhân viên hải quan sẽ niêm phong, kẹp chì container;
- Chủ hàng vận chuyển và giao container cho tàu tại container yard quy định, trước khi hết thời gian quy định (closing time) của từng chuyến tàu (thường là 8 tiếng trước khi tàu bắt đầu xếp hàng) và lấy biên lai nhận container để chờ lấy biên lai thuyền phó (Mate receipt);
- Sau khi container đã xếp lên tàu thì mang Mate Receipt) để đổi lấy vận đơn.
b. Nếu gửi hàng lẻ (LCL):
- Chủ hàng gửi booking note cho hãng tàu hoặc đại lý của hãng tàu, cung cấp cho họ những thông tin cần thiết về hàng xuất khẩu. Sau khi booking note được chấp nhận, chủ hàng sẽ thoả thuận với hãng tàu về ngày, giờ, địa điểm giao nhận hàng;
- Chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ thác mang hàng đến giao cho người chuyên chở hoặc đại lý tại CFS hoặc ICD quy định;
- Các chủ hàng mời đại diện hải quan kiểm tra, kiểm hàng hoá, giám sát việc đóng hàng vào container của người chuyên chở hoặc người gom hàng. Sau khi hải quan niêm phong kẹp chì container, chủ hàng hoàn thành nốt thủ tục để bốc container lên tàu và yêu cầu cấp vận đơn;
- Người chuyên chở cấp biên lai nhận hàng hoặc một vận đơn chung chủ;
- Người chuyên chở xếp container lên tàu và vận chuyển đến nơi đến.
3.2. Đối với hàng nhập khẩu.
a. Đối với hàng không phải lưu kho, bãi tại cảng
Trong trường hợp này, chủ hàng hoặc người được chủ hàng uỷ thác đứng ra giao nhận trực tiếp với tàu
- Để có thể tiến hành dỡ hàng 24 giờ trước khi tàu đến vị trí hoa tiêu, chủ hàng phải trao cho cảng một số chứng từ:
- Bản lược khai hàng hoá (02 bản)
- Sơ đồ xếp hàng (02 bản)
- Chi tiết hầm hàng (02 bản)
- Hàng quá khổ, quá nặng (nếu có)
- Chủ hàng xuất trình vận đơn gốc cho đại diện của hãng tàu
- Trực tiếp nhận hàng từ tàu và lập các chứng từ cần thiết trong quá trình nhận hàng như:
- Biên bản giám định hầm tàu (lập trước khi dỡ hàng) nhằm quy trách nhiệm cho tàu về những tổn thất xảy sau này;
- Biên bản dỡ hàng (COR) đối với tổn thất rõ rệt;
- Thư dự kháng (LOR) đối với tổn thất không rõ rệt;
- Bản kết toán nhận hàng với tàu;
- Biên bản giám định;
- Giấy chứng nhận hàng thiếu (do đại lý hàng hải lập).
- Khi dỡ hàng ra khỏi tàu, chủ hàng có thể đưa về kho riêng để mời hải quan kiểm hoá. Nếu hàng không có niêm phong cặp chì phải mời hải quan áp tải về kho;
- Làm thủ tục hải quan;
- Chuyên chở về kho hoặc phân phối hàng hoá.
b. Đối với hàng phải lưu kho, lưu bãi tại cảng
* Cảng nhận hàng từ tàu:
- Dỡ hàng và nhận hàng từ tàu (do cảng làm);
- Lập các giấy tờ cần thiết trong quá trình giao nhận (nhân viên giao nhận phải cùng lập);
- Đưa hàng về kho bãi cảng.
* Cảng giao hàng cho các chủ hàng:
- Khi nhận được thông báo hàng đến, chủ hàng phải mang vận đơn gốc, giấy giới thiệu của cơ quan đến hãng tàu để nhận lệnh giao hàng (D/O – delivery order). Hãng tàu hoặc đại lý giữ lại vận đơn gốc và trao 3 bản D/O cho người nhận hàng;
- Chủ hàng đóng phí lưu kho, phí xếp dỡ và lấy biên lai;
- Chủ hàng mang biên lai nộp phí, 3 bản D/O cùng hoá đơn và phiếu đóng gói đến văn phòng quản lý tàu tại cảng để ký xác nhận D/O và tìm vị trí hàng, tại đây lưu 1 bản D/O;
- Chủ hàng mang 2 bản D/O còn lại đến bộ phận kho vận để làm phiếu xuất kho. Bộ phận này giữ 01 D/O và làm 02 phiếu xuất kho cho chủ hàng;
- Làm thủ tục hải quan;
- Sau khi hải quan xác nhận “hoàn thành thủ tục hải quan” chủ hàng có thể mang ra khỏi cảng và chở về kho riêng.
c. Hàng nhập bằng container
* Nếu là hàng nguyên (FCL):
- Khi nhận được thông báo hàng đến (NOA) thì chủ hàng mang vận đơn gốc và giấy giới thiệu của cơ quan đến hãng tàu để lấy D/O;
- Chủ hàng mang D/O đến hải quan làm thủ tục và đăng ký kiểm hàng hoá (chủ hàng có thể đề nghị đưa cả container vè kho riêng hoặc ICD để kiểm tra hải quan nhưng phải trả vỏ container đúng hạn nếu không sẽ bị phạt);
- Sau khi hoàn thành thủ tục hải quan, chủ hàng phải mang bộ chứng từ nhận hàng cùng D/O đến Văn phòng quản lý tàu tại cảng để xác nhận D/O;
- Lấy phiếu xuất kho và nhận hàng.
* Nếu là hàng lẻ (LCL):
- Chủ hàng mang vận đơn gốc hoặc vận đơn gom hàng đến hãng tàu hoặc đại lý của người gom hàng để lấy D/O, sau đó nhận hàng tại CFR quy định và làm các thủ tục như trên.
- Các loại chứng từ có liên quan đến giao nhận, vận chuyển hàng hoá xuất nhập khẩu bằng đường biển.
Biên soạn và Tổng hợp: Thanh Thúy