Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics (chuyển nhận và kho vận) vào GDP đạt 8% – 10%. Đây là mục tiêu đưa ra tại hội nghị Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 do Bộ Công Thương tổ chức vào tháng 3 tại Hà Nội.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương, logistics là một ngành dịch vụ quan trọng trong cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân. Phát triển dịch vụ logistics trở thành một ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cao, gắn với phát triển sản xuất hàng hóa, xuất nhập khẩu và thương mại trong nước, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin.
Mục tiêu của kế hoạch hành động là đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logictics vào GDP đạt 8% – 10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15 – 20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 – 60%, chi phí giảm xuống tương đương 16 – 20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, mặc dù chi phí cho dịch vụ cao, chiếm trên 20% GDP tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng nhưng tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long lại chưa phát triển. Cùng đó, việc vận chuyển rất đắt đỏ cũng là nghịch lý cần khắc phục.
Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cũng thẳng thắn chỉ ra việc cơ cấu tham gia dịch vụ còn mất cân đối, số lượng chiếm trên 80%, 20% thuộc doanh nghiệp. Hơn nữa, vấn đề về công nghệ và bạn hàng còn gặp trở ngại khiến doanh nghiệp nước ngoài kinh doanh trong lĩnh vực này vẫn chưa yên tâm về vận chuyển kho vận tại Việt Nam.Ngoài ra, dù có cam kết về kho, vận tải biển, bốc dỡ hàng hóa nhưng với logistics lại không có cam kết gì nên bản thân các doanh nghiệp FDI còn chưa yên tâm về sự ổn định của chính sách. Do vậy, việc triển khai kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics sẽ là bước khởi đầu cho hướng phát triển mới.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, kinh phí để thực hiện kế hoạch được huy động từ các nguồn: vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn vay huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Vì vậy, theo ông Trần Thanh Hải, dịch vụ logistics có vai trò quan trọng trong nền kinh tế quốc dân, là ngành được Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 12 nêu trong các ngành trọng điểm phát triển đất nước 5 năm 2016-2020. Do đó, việc triển khai Kế hoạch hành động về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics của Chính phủ tại thời điểm này là hết sức cần thiết và kịp thời.
Ông Trần Thanh Hải nhận định, một chương trình hành động thực tế, có mục tiêu cụ thể và được triển khai nghiêm túc sẽ không chỉ giúp cải thiện năng lực cạnh tranh của dịch vụ logistics Việt Nam trong thời gian tới, mà còn giúp cho ngành logistics phát triển bền vững, giảm thiểu ảnh hưởng tiêu cực từ những sự cố không mong muốn và phản ứng nhanh với các sự cố trong chuỗi cung ứng.
Tại hội nghị, các chuyên gia đánh giá cao việc triển khai kế hoạch hành động và cho rằng việc đưa Việt Nam trở thành một điểm đến không chỉ hấp dẫn với chi phí lao động cạnh tranh hay thị trường rộng lớn mà còn là nơi có hoạt động thương mại thuận lợi. Đây là bước đi quan trọng, nền tảng để nhà nước và doanh nghiệp cùng triển khai những công việc lớn, tạo đà cho ngành logistics phát triển trong thời gian tới.
Các chuyên gia nhận định, Việt Nam đang trong quá trình mở cửa thị trường và cạnh tranh gay gắt là điểm nổi bật khi hội nhập sâu rộng. Việc gia nhập hàng loạt các sân chơi, các Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới như: AEC, FTA với Nhật Bản, Hàn Quốc hay với Liên minh thuế quan, FTA với các nước EU… là cơ hội để logistics vươn lên tầm cao mới, đồng thời cũng đặt ra những thách thức đòi hỏi sự đổi mới để cạnh tranh.
Uyên Hương (TTXVN)