Air Freight Logistics hứa hẹn sẽ rất triển vọng trong thời gian sắp tới khi nhu cầu của khách hàng ngày càng cao về giao hàng nhanh hơn, thương mại điện tử xuyên biên giới, phí bảo hiểm thấp, yêu cầu kho bãi ít hơn, mức độ an ninh cao, tình trạng hàng hóa có thể theo dõi. Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) cho biết nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không vẫn là một điểm sáng ngay cả khi du lịch quốc tế dần hồi phục sau cuộc khủng hoảng COVID-19.
Vậy Air Freight Logistics là gì? Cùng VILAS tham khảo bài viết sau đây nhé!
-
Air Freight Logistics là gì?
Air Freight là phương thức vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không – Đây là một trong những phương thức phổ biến nhất thường được các doanh nghiệp sử dụng để vận chuyển hàng hóa của mình. Vậy Air Freight Logistics sẽ bao gồm những hoạt động, những thủ tục và dịch vụ liên quan đến toàn bộ quá trình vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không từ người gửi đến người nhận, bao gồm: đóng gói, dán nhãn, bốc dỡ, lưu kho,…
Hàng hóa có thể được vận chuyển bằng đường hàng không trên 2 loại máy bay: hàng hóa được chất xếp vào khoang chứa hàng của máy bay chở khách, hoặc trong một máy bay chở hàng chuyên dụng (Freighter). Thông thường, doanh nghiệp sẽ ký hợp đồng với bên thứ 3 là Công ty dịch vụ giao nhận hàng hóa (Freight Forwarder) để sắp xếp cho việc vận chuyển được tối ưu nhất về chi phí, và thời gian giao hàng cũng như đảm bảo các quy định vận chuyển bằng đường hàng không.
-
Các đối tượng quan trọng tham gia vào ngành vận tải hàng không
Trên thực tế có rất nhiều đối tượng tham gia vào ngành vận tải hàng không. Tuy nhiên, 2 đối tượng được xem là quan trọng nhất và dễ nhận dạng nhất đó là các nhà giao nhận vận tải (Freight Forwarder) và các hãng hàng không (AirLine). Vậy 2 đối tượng này có mối tương quan như thế nào?
Các hãng hàng không hay Airline là đơn vị cung cấp các phương tiện vận chuyển là máy bay. Như đã đề cập ở trên, hàng hóa có thể được vận chuyển chung trên máy bay chở hành khách hoặc máy bay chuyên dụng để chở hàng hóa. Để tận dụng tối đa tải trọng, các hãng hàng không sẽ hợp tác với các Forwarder để tìm kiếm nguồn hàng. Nhiệm vụ của Forwarder là gom hàng hóa từ các khách hàng riêng lẻ có nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không. Sau đó đặt chỗ trên máy bay của các hãng hàng không. Như vậy, giữa Freight Forwarder và Airline có quan hệ hỗ trợ lẫn nhau, cùng nhau vận hành Logistics hàng không và cùng tạo ra lợi ích về mặt kinh tế.
THAM KHẢO BÀI VIẾT: LỰA CHỌN GIAO NHẬN VẬN TẢI HÀNG KHÔNG THEO NGUYÊN TẮC 3RS
-
Vai trò của Air Freight Logistics?
Trong bối cảnh hội nhập của nền kinh tế thế giới, thời gian là yếu tố được ưu tiên hàng đầu trong việc vận chuyển hàng hóa. Hàng hóa được vận chuyển một cách nhanh chóng tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy thương mại quốc tế. Mỗi năm chỉ có 2 – 3% sản lượng hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không. Tuy nhiên, lượng nhỏ này lại chiếm đến gần 35% tổng giá trị sản lượng hàng hóa. Theo số liệu từ IATA, hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trị giá hơn 6 nghìn tỷ đô la Mỹ, chiếm khoảng 35% giá trị thương mại thế giới.
Bên cạnh đó, sự nhanh chóng của việc vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không còn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận các đối tác hay các nhà cung cấp nước ngoài.
Vai trò của Logistics hàng không đã khẳng định tầm quan trọng của mình trong việc giúp hàng hóa lưu thông nhanh chóng. Điều này có thể thấy rõ khi những mặt hàng thiết yếu (thiết bị y tế, Vacxin, thuốc,…) được vận chuyển khắp thế giới trong thời gian đỉnh điểm của dịch Covid – 19. Hay sự lưu thông của hàng hóa nhu yếu phẩm cứu trợ khẩn cấp cho người dân Unkraine trước cuộc cuộc xung đột Nga – Ukraine.
-
Ưu thế của vận tải hàng không so với các phương thức vận chuyển khác
Thực tế cho thấy cước phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không cao gấp nhiều lần so với các loại hình vận tải khác, thường có giá gấp 4–5 lần so với vận tải đường bộ và 12–16 lần so với vận tải đường biển. Thế nhưng, nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không lại không bị giới hạn bởi vấn đề về chi phí. Vì hình thức vận chuyển này mang lại cho doanh nghiệp nhiều ưu thế vượt trội, một số ưu điểm nổi bật có thể nói đến như sau:
Mở rộng mạng lưới giao hàng:
Không bị phụ thuộc vào đường bờ biển như vận tải biển hay mạng lưới giao thông đường bộ, vận tải hàng không cho phép hàng hóa được giao đến bất kỳ nơi nào trên thế giới bởi mạng lưới sân bay dày đặc ở các quốc gia. Điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội và điều kiện thuận lợi hơn khi tiếp cận với các đối tác nước ngoài.
Tối ưu thời gian vận chuyển:
Có thể nói thời gian là lý do hàng đầu trong việc lựa chọn phương thức vận chuyển bằng đường hàng không. Bởi lẽ đây là phương thức có thời gian vận chuyển ngắn nhất so với các phương thức còn lại. Hàng hóa được được chuyển đến địa điểm cần giao chỉ vài giờ đến vài ngày thay vì vài tuần đến vài tháng khi vận chuyển bằng đường biển.
Giao hàng nhanh và kịp thời càng khẳng định tầm quan trọng của mình khi đứng trước nhu cầu cấp thiết về các thiết bị y tế, Vacxin,… – thực trạng đã diễn ra trong thời gian dịch bệnh.
An ninh
Hàng không được xem là phương thức vận tải an toàn nhất thế giới. Hàng hóa khi được vận chuyển bằng đường hàng không sẽ được theo dõi trong suốt cuộc hành trình. Với những thủ tục kiểm tra và quản lý nghiêm ngặt của dịch vụ vận chuyển hàng không, hàng hóa sẽ được bảo vệ trong suốt quy trình từ khi hàng hóa được đưa vào ga hàng hóa đến khi vận chuyển đến điểm giao cuối cùng.
Tiết kiệm chi phí bảo hiểm
Với những phương thức vận chuyển đường dài như đường biển, hàng hóa sẽ tốn nhiều thời gian để di chuyển, kéo theo nhiều rủi ro dễ xảy ra gây thiệt hại đến hàng hóa. Thế nên, với ưu điểm đảm bảo tính an toàn cao cho hàng hóa, doanh nghiệp có thể tiết kiệm một khoản chi phí đáng kể cho bảo hiểm hàng hóa khi được vận chuyển bằng đường hàng không.
Mặc dù chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không có thể cao hơn so với những phương thức vận chuyển khác. Nhưng với khoản chi phí phí tiết kiệm từ bảo hiểm, doanh nghiệp có thể mang chất lượng dịch vụ tốt hơn cho khách hàng của mình.
Tạm kết:
Bất chấp yếu tố về chi phí, ngành vận tải hàng không vẫn là một phương thức vận chuyển đầy triển vọng bởi những ưu thế vượt trội về thời gian và tính an toàn cho hàng hóa.
Với sự phát triển của ngành hàng không, trong tương lai sẽ mở ra rất nhiều cơ hội nghề nghiệp xoay quanh lĩnh vực Logistics hàng không hay Air Freight Logistics. Theo số liệu gần nhất, hiện nay nguồn nhân lực Logistics chỉ đạt khoảng 10% nhu cầu thực tế. Đây là một lợi thế rất lớn dành cho các nhân sự muốn theo đuổi sự nghiệp Logistics nói chung và Logistics hàng không nói riêng.
THAM GIA: CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VIỆT NAM
Nguồn: Tổng hợp