Air Operations Logistics

Các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không (phần 1)

Ngành hàng không vận chuyển hàng hóa trị giá hơn 6 nghìn tỷ đô la Mỹ hàng năm, chiếm khoảng 35% giá trị thương mại thế giới; trong đại dịch COVID-19, hàng hóa hàng không chiếm 1/3 doanh thu của các hãng hàng không. Theo khảo sát, có hai yếu tố chính xác định việc lựa chọn vận tải hàng không đối với một số sản phẩm nhất định bao gồm:

  • Giá trị của hàng hóa và tốc độ vận chuyển hàng hóa. Các vật liệu khẩn cấp như dược phẩm phóng xạ để chẩn đoán hoặc điều trị y tế hoặc hàng hóa có giá trị cao như sản phẩm công nghệ và hàng hóa giá trị cao thường được vận chuyển bằng đường hàng không.
  • Vận tải hàng không cũng lý tưởng đối với một số sản phẩm thực phẩm như cá tươi, hoa quả lạ và hoa cắt cành. Sự gia tăng nhu cầu vận chuyển dược phẩm và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe cũng dẫn đến việc đưa ra các quy định mới để xử lý đúng cách các lô hàng nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ.

Khi xem xét các loại hàng hóa được vận chuyển bằng đường hàng không, chúng được chia thành hai nhóm chính: Hàng hóa thông thường (General Cargo) và Hàng hóa đặc biệt (Special Cargo). Hàng hóa đặc biệt sau đó được chia thành các nhóm phụ chuyên biệt nhỏ hơn. Chúng ta sẽ xem xét kỹ hơn về các nhóm phụ chuyên biệt này ở các phần tiếp theo của bài viết này nhé.

  • Hàng hóa thông thường/ hàng bách hóa (general cargo) là gì?

Hàng hóa thông thường là những mặt hàng không thuộc danh mục Hàng hóa Đặc biệt và không yêu cầu bất kỳ biện pháp phòng ngừa bổ sung hoặc xử lý đặc biệt nào trong quá trình vận chuyển hàng không. Những loại mặt hàng này là hàng bán lẻ và hầu hết hàng tiêu dùng (ngoại trừ điện thoại di động, máy tính bảng và máy tính xách tay), hàng khô, phần cứng, hàng dệt, v.v. Hãy nghĩ về những đồ vật hàng ngày của bạn; hầu hết trong số đó sẽ là hàng hóa thông thường.

Các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không

  • Hàng đặc biệt là gì?

Hàng hóa đặc biệt là nơi mọi thứ trở nên phức tạp hơn một chút. Hàng hóa đặc biệt là hàng hóa mà do tính chất, trọng lượng, kích thước và/hoặc giá trị của chúng, có thể có các yêu cầu cụ thể bao gồm đóng gói, dán nhãn, chứng từ và xử lý thông qua chuỗi vận chuyển.

Việc vận chuyển những hàng hóa này được giải quyết thông qua các quy định cụ thể phải được tuân theo khi chuẩn bị, cung cấp, chấp nhận và xử lý hàng hóa này. Các mặt hàng đặc biệt bao gồm: hàng nguy hiểm, động vật sống, hàng dễ hư hỏng, hàng ướt, sản phẩm nhạy cảm với thời gian và nhiệt độ cùng những mặt hàng khác

Trong phần 1 về các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không, VILAS sẽ cùng độc giả tìm hiểu về nhóm hàng nguy hiểm và hàng hóa được kiểm soát nhiệt độ nhé.

Để tìm hiểu thêm về loại hàng hóa đặc biệt này, chúng ta hãy cùng chia nhỏ nội dung này ra và tìm hiểu tại các phần sau nhé:

  • Những điều cần biết về vận chuyển hàng nguy hiểm?

Quy định về Hàng hóa Nguy hiểm (DGR) của IATA là tài liệu tham khảo toàn cầu về vận chuyển hàng hóa nguy hiểm bằng đường hàng không và là tiêu chuẩn chung duy nhất được các hãng hàng không công nhận. Nó cung cấp mọi thứ cần thiết để xác định, phân loại, đóng gói, đánh dấu, dán nhãn và phục vụ các lô hàng nguy hiểm tuân thủ các quy định vận tải hàng không quốc tế. IATA DGR được xuất bản hàng năm để đảm bảo luôn cập nhật kịp thời các thay đổi thường xuyên của thị trường vận chuyển hàng nguy hiểm. IATA hợp tác chặt chẽ với các chính phủ, hiệp hội ngành khác và Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) trong quá trình xây dựng các quy định này. 

Bằng cách này, IATA đảm bảo rằng các quy định về vận chuyển hàng nguy hiểm bằng đường hàng không có hiệu lực, hiệu quả và được quốc tế chấp nhận để tạo thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa trong khi vẫn đặt sự an toàn của tất cả những người phục vụ hàng hóa lên hàng đầu.

  • Phân loại hàng hóa nguy hiểm

Có 9 nhóm hàng nguy hiểm nằm trong danh mục hàng hóa nguy hiểm IATA quy định, bao gồm:

  • Nhóm 1: Thuốc nổ (Explosives) với 6 phân nhóm:

    • Phân nhóm 1.1: Các vật, các chất có nguy cơ nổ lớn
    • Phân nhóm 1.2: Các vật, chất có nguy cơ phóng lửa nhưng không có nguy cơ nổ lớn
    • Phân nhóm 1.3: Các vật, chất có nguy cơ cháy và nguy cơ nổ nhỏ hoặc phóng lửa nhỏ hoặc cả hai, nhưng không có nguy cơ nổ rộng
    • Phân nhóm 1.4: Các vật, chất có nguy cơ không đáng kể
    • Phân nhóm 1.5: Các chất rất kém nhạy nhưng lại có nguy cơ nổ lớn
    • Phân nhóm 1.6: Các vật, chất không nhạy, không có nguy cơ nổ lớn
  • Nhóm 2: Chất khí (Gases) với 3 phân nhóm

    • Phân nhóm 2.1: Khí dễ cháy
    • Phân nhóm 2.2: Khí không dễ cháy, không độc
    • Phân nhóm 2.3: Khí độc hại
  • Nhóm 3: Chất lỏng dễ cháy (Flammable Liquid), bao gồm sơn, dầu, xăng, cồn, loại rượu có nồng độ cồn cao,…

  • Nhóm 4: Chất rắn dễ cháy có khả năng tự cháy, hoặc các chất khi tiếp xúc với nước, tỏa ra khí dễ cháy. Nhóm này được chia thành 3 phân nhóm sau:

    • Phân nhóm 4.1: Chất rắn dễ cháy
    • Phân nhóm 4.2: Các chất có khả năng tự bùng cháy
    • Phân nhóm 4.3: Các chất tiếp xúc với nước, tỏa ra khí dễ cháy
  • Nhóm 5: Chất oxy hóa và chất pe-ro-xit hữu cơLoại này sẽ chia thành 2 phân nhóm nhỏ bao gồm:

    • Phân nhóm 5.1: Chất oxi hóa
    • Phân nhóm 5.2: Chất hữu cơ có chứa oxi
      Lưu ý, đối với nhóm này chúng ta phải kiểm soát chặt chẽ về nhiệt độ
  • Nhóm 6: Chất độc và chất lây nhiễm, với 2 phân nhóm chính:

    • Phân nhóm 6.1 – Chất độc. Chẳng hạn như xyanua, nicotine
    • Phân nhóm 6.2 – Chất lây nhiễm, bao gồm các loại virus gây bệnh cho con người hoặc động vật như virus H5N1 trên gia cầm, bệnh tai xanh ở lợn hoặc các mẫu bệnh phẩm ở động vật hoặc ở trên người cần phải xét nghiệm trong các phòng thí nghiệm.
  • Nhóm 7: Chất phóng xạ. Nhóm này bao gồm các nguyên tố phóng xạ, các trang thiết bị y tế như máy chiếu, máy chụp và một số thiết bị của ngành dầu khí…

  • Nhóm 8: Chất ăn mòn. Nhóm này bao gồm pin, ắc quy, axit…

  • Nhóm 9: Hàng nguy hiểm khác, bao gồm các chất nguy hiểm ngoài 8 nhóm kể trên như đá khô, oto, xe máy, động cơ…

Những điều cần biết về vận chuyển hàng hóa được kiểm soát nhiệt độ?

Trong chuỗi cung ứng hàng lạnh, đôi khi nhà xuất khẩu, doanh nghiệp gửi hàng sẽ gặp rắc rối trong trường hợp cần giao hàng nhanh, gấp trong 1 hay 2 ngày đối với hàng hóa cần kiểm soát nhiệt độ. Trong trường hợp này, phương thức vận tải phù hợp nhất là vận chuyển hàng không. Một số mặt hàng, chẳng hạn như dược phẩm, nội tạng hoặc các sản phẩm khoa học đời sống khác yêu cầu kiểm soát cụ thể về nhiệt độ mà chúng tiếp xúc trong quá trình vận chuyển.

Nhưng làm thế nào để bảo quản hàng hóa ở nhiệt độ thích hợp lại là thử thách không nhỏ. Bởi nhiệt độ rất dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài: từ thời điểm đóng hàng tại kho cho đến khi hàng lên máy bay và giao tại đích, nhiệt độ có thể thay đổi dễ dàng từ (-18) độ C lên đến 40 độ C. Hãy cùng VILAS tìm hiểu một số gợi ý về giải pháp kiểm soát nhiệt độ nào trong vận tải hàng không nhé.

  • Đối với hàng hóa cần bảo quản ở nhiệt độ mát

Trong vận tải hàng hóa nói chung, việc giữ nhiệt độ hàng hóa ổn định theo yêu cầu, và thông thường ở mức dưới nhiệt độ môi trường thông thường. Có các mức nhiệt độ thường được quan tâm đó là từ (-18) đến 0 độ C, độ lạnh từ 2 đến 8 độ C và trên 8 độ đến 15 độ C là độ mát.

Đối với hàng hóa cần bảo quản ở nhiệt độ lạnh và mát, chủ hàng không cần quá lo lắng về chặng vận chuyển hàng không. Với độ cao trung bình 10,000m, nhiệt độ của khoang máy bay luôn đảm bảo giữ nhiệt độ ở mức phù hợp. Tại tất cả sân bay đều được trang bị kho lạnh có đủ khả năng giữ lạnh tốt từ 2 đến 8 độ C. Có điều các đơn vị chuyên chở cần thực hiện thật nhanh các công việc trong thời gian chờ: đóng hàng, vận chuyển nội địa và thông quan hàng hóa. Việc phải chờ đợi quá lâu trước khi đưa vào kho lạnh có thể ảnh hưởng tới chất lượng hàng hóa.

  • Đối với hàng hóa cần bảo quản ở nhiệt độ âm

    • Envirotainer

Envirotainer là container hàng không chuyên dụng cho vận tải hàng không (ULD). Loại container này được trang bị motor, pin và đá khô để có thể duy trì nhiệt độ ổn định trong khoảng 72 giờ. Giải pháp này thường được lựa chọn khi vận chuyển dược phẩm.

    • AcuTemp

AcuTemps được trang bị máy nén và pin duy trì nhiệt độ lên đến 100 giờ. Vì không sử dụng đá khô, nên thiết bị này có thể được sử dụng trên bất kỳ loại máy bay nào.

    • Đá khô

Đá chính là carbon dioxide (CO2) ở thể rắn. Loại “đá” này có kích thước và hình dạng khác nhau, tùy thuộc vào mục đích sử dụng. Trong quá trình sử dụng, đá khô sẽ bốc hơi và được coi là chất nguy hiểm. Do đó, chi phí cước vận chuyển có thể cao hơn bình thường và không phải loại máy bay nào cũng có thể nhận được.

    • Túi gel

Túi gel là những túi kín chứa chất làm mát dạng lỏng có tác dụng hấp thụ nhiệt và duy trì nhiệt độ. Mặc dù chúng thường không được coi là hàng nguy hiểm trong vận chuyển hàng không, nhưng chi phí mua túi gel thường rẻ hơn nhiều so với đá khô.

Biên soạn và tổng hợp: VILAS team

Xem thêm: Các loại hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không (phần 2)

Nguồn: https://www.iata.org/en/publications/newsletters/iata-knowledge-hub/what-types-of-cargo-are-transported-by-air/

Chương trình đào tạo Air Freight Logistics

“Cùng bạn cất cánh sự nghiệp Logistics Hàng không”