Tin tức Air Operations Logistics

Cargo Airlines – Xu hướng vận chuyển hàng hóa thiết yếu hiện tại và tương lai

Tiềm năng của thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không ( Cargo Airlines).

Theo Nikkei Asia, năm 2022, lưu lượng vận tải hàng hóa qua đường hàng không của Việt Nam dự kiến lên tới hơn 1,52 triệu tấn, tăng 17% so với năm ngoái, cao hơn so với tốc độ tăng trưởng bình quân trong 30 năm qua (15%/năm).

Điều này diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong nước và nước ngoài tăng cao khi Việt Nam củng cố vị trí trong các chuỗi cung ứng toàn cầu cho mọi thứ, từ đồ điện tử đến hàng dệt may. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng gần 20% lên khoảng 336 tỷ USD vào năm 2021.

Việt Nam hiện chưa có hãng hàng không chuyên chở hàng hóa. Theo thống kê của Cục Hàng không, tại Việt Nam hiện có 47 hãng hàng không quốc tế khai thác chuyến bay chở hàng hóa thường lệ, trong đó có 27 hãng chỉ chuyên chở hàng hóa (không chở khách). Rất nhiều hãng hàng không trong nước đã thể hiện tham vọng chiếm lĩnh thị trường nhiều tiềm năng đang nằm trong tay các hãng nước ngoài này.

Các hãng bay quốc gia trên đường đua vận chuyển hàng hóa hàng không

Các hãng hàng không Việt, từ ông lớn đến tân binh, đều rục rịch tham gia cuộc chạy đua vận chuyển hàng hóa – thị trường màu mỡ, còn nhiều tiềm năng. Hiện, cả nước có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không nào chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng

Tiên phong trên đường đua vận chuyển hàng hóa hàng không này, không thể không nhắc đến hãng hàng không Vietravel Airlines với dự định mở dịch vụ chuyên chở hàng hóa ở châu Á bằng 2-4 chiếc tàu bay chuyên dụng B737-800F dành cho cargo. Tiêu biểu là sự kiện Vietravel Airlines đã ký kết hợp tác đầu tư và phát triển kinh doanh dịch vụ vận chuyển hàng hóa hàng không (VUAir Cargo) với Asean Cargo Gateway (ACG) vào ngày 09/09/2022. Cụ thể, hãng này và ACG hợp tác đầu tư theo tỷ lệ góp vốn tương ứng là 51% và 49%, mục tiêu nhằm thúc đẩy hoạt động kinh doanh hàng hóa, khai thác vận chuyển hàng hóa hàng không, đại lý hàng hóa cho các hãng hàng không trong khu vực.

Không nằm ngoài đường đua, “ông trùm hàng hiệu” Johnathan Hạnh Nguyễn chính thức “bao sân” với mục tiêu thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo chuyên vận tải hàng hóa. Theo đánh giá của các chuyên gia hàng không, đây thực sự là bước đi khôn ngoan của Johnathan Hạnh Nguyễn khi đưa ra quyết định này. Thứ nhất, trong bối cảnh dịch bệnh kéo dài, việc vận chuyển hàng hoá, các nhu yếu phẩm, thực phẩm, thiết bị y tế… một cách nhanh chóng qua đường hàng không là rất cần thiết. 

Đồng tình với quan điểm trên, trong chia sẻ tại Talkshow “Khát vọng kiến tạo và phát triển thương hiệu xanh Việt Nam”, bà Lê Hồng Thủy Tiên – Tổng giám đốc Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) cho biết, phía IPPG đã trao đổi với và những doanh nghiệp FDI lớn. Họ cho biết, nếu Việt Nam có một đội bay Freighter, họ sẽ di dời nhà máy OEM (Original Equipment Manufacturer) từ các nước khác về Việt Nam, bởi họ cảm thấy đây là một trong những yếu tố rất bền vững để tiết kiệm chi phí vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không.

IPP Air Cargo cho biết hãng lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa vào năm đầu tiên, doanh thu đạt 71 triệu USD. Cho tới này, việc thành lập IPP Air Cargo vẫn đang được các bộ ban ngành xem xét.

Vietjet Air cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Hãng hàng không giá rẻ đã nhanh chóng chuyển đổi cấu hình máy bay hành khách sang vận tải hàng hóa và là Cargo Airlines đầu tiên được nhà chức trách phê chuẩn giấy phép CPIC (Cargo in Passenger Cabin).

Năm 2021, hoạt động vận tải hành khách gặp ảnh hưởng, tuy nhiên Vietjet và các hãng hàng không khác thúc đẩy kinh doanh hoạt động vận tải hàng hoá.

Có thể thấy rằng, vận tải hàng không là một xu thế tất yếu, đã và đang nhận được sự quan tâm và đầu tư đến từ các doanh nghiệp nước nha. Đây được xem là giải pháp tối ưu giúp tăng sức cạnh tranh về giá cước, tần suất lịch bay, tăng thị phần vận chuyển hàng hóa quốc tế cho hãng hàng không Việt Nam tại thị trường hàng không Việt Nam nói riêng và thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế nói chung.

Biên soạn và tổng hợp: VILAS team

Chương trình đào tạo Air Freight Logistics

“Cùng bạn cất cánh sự nghiệp Logistics Hàng không”