Giới thiệu
Thế giới đang vận hành theo quy luật toàn cầu hóa. Toàn cầu hóa cho phép các công ty xây dựng chuỗi sản xuất hoạt động trên toàn thế giới, cũng như đưa sản phẩm của họ tới tận tay người tiêu dùng ở khắp các hang cùng ngõ hẻm trên toàn cầu. Vốn hàng hóa tự do lưu thông và con người tự do di chuyển.
Như một bộ phim giả tưởng, Covid-19 bỗng xuất hiện và cuốn phăng đi tất cả. Có thể thấy tác động rõ ràng nhất của dịch bệnh Covid đến nền kinh tế thế giới chính là sự ngưng trệ của chuỗi liên kết sản xuất, thương mại và dịch vụ trên toàn cầu. Nhiều đơn hàng bị hủy, nhiều hộ kinh doanh phải ngưng hoạt động, nhiều nhà máy phải sản xuất cầm chừng. Nhiều đường biên giới bị đóng cửa và các chuỗi cung ứng bị đứt gãy. Nền kinh tế tạm thời bật trạng thái “ngủ đông” để thực hiện mục tiêu giãn cách xã hội chống dịch Covid 19 lây lan. Người dân trên toàn thế giới cũng sẵn sàng hy sinh lợi ích kinh tế của cá nhân, tuân thủ nghiêm ngặt các quy định chung để chung tay đẩy lùi giặc Covid.
Những nỗ lực và sự hy sinh ấy đã không trở nên vô nghĩa khi trong thời gian gần đây, các quốc gia đang dần nhận được những tín hiệu khả quan.
Tại Trung Quốc – nền kinh tế lớn thứ 2 trên thế giới, là nơi gánh chịu cơn địa chấn Covid đầu tiên. Hiện nay đang hồi phục trở lại. Các nhà máy đã mở cửa và hoạt động với ⅔ công suất, các chuyến bay nội địa đang dần được lấp đầy. Hay như Hàn Quốc – quốc gia từng được xem là bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid chỉ sau Trung Quốc, nay còn được thế giới biết đến là nước có mô hình kiểm soát dịch bệnh thành công. Trong khi đó, ở bên kia bán cầu, Áo là nước đầu tiên tại Châu Âu đưa ra kế hoạch chi tiết về việc mở cửa nền kinh tế thời gian tới, trong bối cảnh dịch Covid tại quốc gia này đang được khống chế tương đối tốt.
1. Xu hướng chuỗi cung ứng dịch chuyển khỏi Trung Quốc để khu vực hóa, nội địa hóa
Dịch chuyển khỏi Trung Quốc có lẽ không còn là xu hướng, khi những ảnh hưởng của “Chiến tranh thương mại Mỹ Trung” đã có những tác động không nhỏ đến túi tiền của các công ty đa quốc gia đang hoạt động và sản xuất tại Trung Quốc. Những hệ quả gây ra từ sự phụ thuộc vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc ngày càng thể hiện rõ nét khi cuộc chiến này vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, khi các đòn thuế quan liên tục được Mỹ tung ra. Và giờ, với sự lây lan của Covid-19, nhiều tập đoàn đa quốc gia càng cảm nhận rõ hơn những tác động của sự phụ thuộc này dù là mang tính thời điểm.
Dịch Covid-19 xuất hiện như một chất xúc tác. Nó khiến nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc càng diễn ra ngày càng nhanh chóng. Điều đó đã làm giảm áp lực hàng rào thuế quan đối với hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc sang Mỹ và tìm kiếm thị trường thay thế phòng khi giá tăng cao. Một ví dụ cụ thể, giới công nghệ Mỹ – vốn đã chịu ảnh hưởng từ cuộc chiến thương mại vào năm ngoái, cũng đang là nhóm đẩy mạnh nhất dịch chuyển chuỗi cung ứng hậu Covid-19. Theo báo chí, Foxconn và Pegatron, những đối tác của Apple, đều đang cân nhắc các lựa chọn mở các nhà máy lắp ráp iPhone mới. Trong đó, Ấn Độ, Mexico và Việt Nam là những ứng viên hàng đầu.
Không nằm ngoài xu hướng trên, ngày 21/4 vừa qua, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), ông Phil Hogan tuyên bố, EU sẽ tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc thương mại vào Trung Quốc sau khi đại dịch COVID-19 qua đi. Các lãnh đạo của 3 trong số 4 nền kinh tế lớn nhất thế giới thảo luận hoặc công bố kế hoạch lôi kéo doanh nghiệp dịch chuyển dây chuyền sản xuất khỏi Trung Quốc.
Nhiều chuyên gia cho rằng, sau đại dịch COVID-19, chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Vậy đâu sẽ là những mắt xích mới trong chuỗi các hoạt động phụ thuộc này? Xu hướng khu vực hóa, nội địa hóa chuỗi cung ứng có thể sẽ là chìa khóa cho vấn đề trên.
Theo một bản tin từ Nikkei Asian Review (Tạp Chí Kinh Tế Số 1 Châu Á), hiện nay, nhiều doanh nghiệp Mỹ đang dịch chuyển cơ sở sản xuất ra khỏi Trung Quốc. Theo Báo cáo của Phòng Thương mại Mỹ cho biết, khoảng 30% công ty Mỹ xác định sẽ hủy bỏ hoặc tạm dừng đầu tư tại Trung Quốc. 40% doanh nghiệp cho biết sẽ dịch chuyển một phần hoặc toàn bộ dây chuyền sản xuất khỏi nước này, dự kiến đến các nước Đông Nam Á hoặc Mexico.
Cùng quan điểm với Mỹ thì nhiều nước Châu Âu cũng đang đẩy mạnh nội địa hóa sản xuất. Pháp muốn thúc đẩy nhiều hơn sản xuất trong nước và giành lại quyền tự chủ trong sản xuất. Trong khi đó, Đức kêu gọi sức mạnh chung của Châu Âu để đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định.
Ở bên kia bán cầu, tại Châu Á, Nhật Bản cũng đã dành một phần trong gói kinh tế kỷ lục – khoảng 240 tỷ Yên, tương đương 2,2 tỷ USD, để kéo theo các nhà sản xuất nước này từ Trung Quốc về quê nhà hoặc chuyển sang khu vực Đông Nam Á. Hay tại, Trung Đông, nhiều doanh nghiệp cũng chủ động thay đổi mô hình sản xuất và tăng cường tỷ lệ nội địa hóa chuỗi cung ứng. Ngay khi thoát khỏi cuộc khủng hoảng này, thế giới sẽ thấy nhiều hơn nhiều nhà máy, cơ sở sản xuất mang tính địa phương.
Dịch chuyển rời xa Trung Quốc kết hợp với hoạt động tái định hình có thể sẽ là một diện mạo mới của chuỗi cung ứng thời hậu Covid. Để diện mạo này phù hợp với sự phát triển kinh tế nói chung, các doanh nghiệp cần phải tính toán thật kỹ lưỡng về chi phí, lợi nhuận cũng như các điều kiện về chính trị và kinh tế. Và kinh nghiệm tránh rủi ro, không bỏ trứng vào cùng một giỏ cũng như những bài học đắt giá từ sự đứt gãy các dây chuyền cung ứng trong đại dịch Covid 19 sẽ là hành trang vững chắc cho sự phát triển mạnh mẽ của xu hướng trên.
2. Những thay đổi trong thói quen ăn uống và mua sắm
Như đã từng đề cập, Covid 19 được ví như chất xúc tác của những sự thay đổi: thay đổi của những điều lớn lao (chuỗi cung ứng toàn cầu) và nay là cả những thay đổi nho nhỏ trong thói quen sinh hoạt của người tiêu dùng. Cụ thể hơn, đó là tốc độ gia tăng trong thói quen ăn uống tại nhà và sự dịch chuyển từ mua sắm mang đi (on-the-go) sang mua sắm an toàn tại nhà (safe-in-home).
Về thói quen ăn uống, tờ South China Morning Post ngày 6/4 dẫn khảo sát của hãng nghiên cứu thị trường Nielsen (Mỹ) cho thấy thói quen ăn uống của người tiêu dùng châu Á sẽ thay đổi sau khi đại dịch Covid-19 qua đi. Theo đó, 86% người Trung Quốc trả lời họ ăn cơm ở nhà thường xuyên hơn thời điểm trước đại dịch, tiếp theo là Hồng Kông (77%); Hàn Quốc, Malaysia, Việt Nam (cùng 62%).
Dịch Covid không chỉ khiến xu hướng ăn tại nhà lên ngôi mà mua sắm an toàn tại nhà cũng nhờ đó mà bùng nổ. Từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát, lo ngại đến những nơi đông người và để hạn chế tiếp xúc với người lạ, nhiều người tiêu dùng đã gia tăng các trải nghiệm online, trực tuyến. Không chỉ tiện lợi, khách hàng còn được thoải mái lựa chọn các loại hàng hóa, thực phẩm phù hợp với tiêu chí gia đình. Thay vì phải xách giỏ đi siêu thị, nhiều khách hàng đã chọn cách ngồi ở nhà, quét mã sản phẩm và chờ nhận hàng thông qua các ứng dụng siêu thị di động. Hệ thống các siêu thị cũng chuẩn bị nguồn hàng phong phú, dồi dào để cung ứng cho các đơn hàng online.
Những thay đổi trên không chỉ mang tính tạm thời để đối phó với dịch bệnh mà nó đang dần trở thành làn sóng tiêu dùng mạnh mẽ trong tương lai. Lập luận này đã được chứng minh trong báo cáo nghiên cứu thị trường Nielsen Việt Nam trong tháng 4 vừa qua. Cụ thể, có đến hơn 50% người dân Việt Nam được khảo sát đã giảm tần suất đến các cửa hàng mà chuyển sang hình thức mua sắm online, giao hàng tận nơi. 52% người tham gia khảo sát cho biết họ đã gia tăng dự trữ hàng hóa tại nhà. Điều này là dễ hiểu khi tần suất ăn tại nhà đang trên đà gia tăng. Các sản phẩm được dự trữ chủ yếu bao gồm: mì ăn liền, sản phẩm chăm sóc nhà cửa, thực phẩm bổ sung, sản phẩm vệ sinh cá nhân, thực phẩm thiết yếu, rau quả tươi, sữa, các chế phẩm từ sữa, thực phẩm đông lạnh.
Xu hướng này cũng khiến số đơn hàng tại các sàn thương mại điện tử (TMĐT) như Shopee, Tiki, Lazada… tăng mạnh. Đơn cử như Tiki, gần đây, có thời điểm sàng phát sinh 3.000 – 4.000 đơn hàng/phút, nhiều mặt hàng phải nhập kho liên tục. Các doanh nghiệp bán lẻ cũng nhanh chóng thích ứng với xu hướng này, trong đó có thể kể đến VinMart, Saigon Coop, Big C, Lotte, AEON… đều đồng loạt đưa các sản phẩm bán tại siêu thị lên bán online. Không hề kém cạnh trong việc “bắt trend thị trường”, một loạt ứng dụng hoặc siêu ứng dụng khác như Be với “Be Đi Chợ” hay Grab với “Grab Assistant” cũng lần lượt được tung ra thị trường nhằm giúp khách hàng có thể an tâm mua sắm và “safe-in-home”.
Tạm kết:
Những thách thức do đại dịch gây ra đã mang lại những thay đổi theo diện rộng trong bối cảnh chung toàn cầu cũng những những thay đổi nho nhỏ len lỏi trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta. Câu hỏi đặt ra rằng: “Liệu khi nào mọi thứ sẽ trở lại bình thường?” Câu trả lời có lẽ sẽ là “Không bao giờ”! Vì chúng ta sẽ quay lại một cuộc sống bình thường, nhưng là một cuộc sống bình thường với những đổi thay mới! Thay đổi trong cách thích ứng với sự dịch chuyển của chuỗi cung ứng toàn cầu và cả những đổi mới trong thói quen sinh hoạt hằng ngày của chính mình.
Biên soạn và tổng hợp: Thanh Hiền
References
1. TING-FANG, C. and LI, L., 2020. Google, Microsoft Shift Production From China Faster Due To Virus. [online] Nikkei Asian Review. Available at:
2. TSUJI, T. and FURUYAMA, K., 2020. Japan Preps First Subsidy To Company Moving Production Out Of China. [online] Nikkei Asian Review. Available at:
3. TANG, F. (2020). American Factory boss says pandemic will change China’s role in global supply chain. [online] South China Morning Post. Available at:
4. Ly, N., 2020. Dịch Covid-19 Khiến Làn Sóng Dịch Chuyển Chuỗi Cung Ứng Khỏi Trung Quốc Diễn Ra Nhanh Hơn. [online] Tuổi Trẻ Thủ Đô. Available at:
5. Bộ Y Tế. 2020. Việt Nam Đã Cơ Bản Đẩy Lùi Được COVID-19. [online] Available at:
6. NAM, T., 2020. Việt Nam – Hàn Quốc Tăng Cường Hợp Tác Phòng Chống Dịch Covid-19. [online] Sài Gòn giải Phóng Online. Available at:
7. VnExpress International. 2020. Covid-19 Impact: Vietnamese Rediscover Joy Of Eating At Home. [online] Available at:
8. BRANDS VIETNAM. 2020. Kết Quả Khảo Sát Từ Nielsen: COVID-19 Đang Ảnh Hưởng Thế Nào Đến Người Việt Nam?. [online] Available at: