Logistics

World Bank: Công bố bảng xếp hạng năng lực logistics các quốc gia – LPI 2018

 

Ngày 25.7 vừa qua, Ngân hàng Thế giới công bố bảng xếp hạng hoạt động Logistics 2018 (LPI). Chỉ số LPI được phân tích hai năm một lần dựa trên 6 chỉ tiêu:

  • Thông quan: Hiệu quả của các cơ quan kiểm soát tại biên giới, ví dụ như tốc độ, tính đơn giản, và khả năng dự đoán trước của các thủ tục khi thông quan
  • Chất lượng cơ sở hạ tầng: bao gồm lĩnh vực thương mại và vận tải (cảng, đường sắt, đường bộ, công nghệ thông tin)
  • Vận tải quốc tế: Khả năng có được các dịch vụ vận tải quốc tế với giá cả cạnh tranh.
  • Chất lượng Dịch vụ Logistics: Năng lực và chất lượng của các nhà cung cấp dịch vụ Logistics, ví dụ các doanh nghiệp vận tải, người môi giới hải quan
  • Chỉ tiêu giao hàng đúng hạn: đúng lịch của các lô hàng khi tới điểm đích so với thời hạn đã dự định
  • Khả năng theo dõi và truy xuất các lô hàng.

Không có gì đáng ngạc nhiên khi Đức tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu lần thứ 3 liên tiếp (2014, 2016, 2018) trong bảng xếp hạng các hoạt động Logistics 2018 với số điểm khá cao 4,20. Theo sát Đức trong ‘cuộc chiến giành ngôi vương’, Thụy Điển đã xuất sắc giành vị trí thứ 2 với điểm số là 4.05. Trong khi đó, với cách biệt là 0.01 với Thụy Điển, Bỉ với điểm số 4.04 đã giành vị trí thứ 3 trong bảng xếp hạng LPI năm nay (tăng 3 bậc so với LPI 2016).

Vương quốc Anh, quốc gia đang trong quá trình đàm phán Brexit – rút khỏi Liên Minh châu Âu vào tháng Ba năm tới, đã giảm một bậc so với năm 2016 xuống vị trí thứ 9 trong năm 2018, với số điểm là 3,99. Mỹ đứng ở vị trí thứ 14, trong khi Hồng Kông và Trung Quốc cùng đồng hạng ở vị trí 12.

“Trong vài năm qua, các nước có thu nhập cao, hầu hết là ở châu Âu, chiếm đa số trong 10 vị trí hàng đầu của bảng xếp hạng LPI. Không ngạc nhiên, vì các nước này theo truyền thống đã chiếm ưu thế trong ngành công nghiệp chuỗi cung ứng”, Ngân hàng Thế giới cho biết trong báo cáo của mình.

 

 

Ngân hàng Thế giới cũng cho biết thêm: “Xếp hạng của 15 quốc gia dẫn đầu trong bảng xếp hạng LPI hầu như không có nhiều thay đổi đáng kể. Nhưng sự cải thiện về điểm số LPI của các quốc gia như Nhật Bản, Đan Mạch, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất và New Zealand kể từ năm 2012, là rất đáng hoan nghênh”.

 

10 quốc gia cuối cùng trong bảng xếp hạng chủ yếu là các nước có thu nhập thấp và thu nhập trung bình thấp ở Châu Phi hoặc các khu vực bị cô lập. Đây là những nền kinh tế tương đối khó đoán và dễ bị ảnh hưởng bởi xung đột vũ trang, thiên tai và bất ổn chính trị hoặc các quốc gia không giáp biển bị trở ngại bởi địa lý hoặc bị thách thức bởi các nền kinh tế có quy mô kết nối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

 

Hình ảnh có liên quan

 

Trong số các nước có thu nhập trung bình thấp, các nền kinh tế lớn như Ấn Độ, Indonesia và các nền kinh tế mới nổi như Việt Nam là những quốc gia có hoạt động Logistics nổi bật.

LPI đã trải qua 6 lần xếp hạng trong các năm 2007, 2010, 2012, 2014, 2016, 2018. Nếu như năm 2016, Việt Nam với chỉ số LPI là 2.98, khiêm tốn xếp hạng 64/160 quốc gia được đánh giá và xếp thứ 5 trong khối ASEAN, thì năm nay, Việt Nam đã giành vị trí 39 với điểm số LPI được cải thiện đáng kể: 3.27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32). Bằng việc cải thiện điểm số ở tất cả các mặt được đánh giá, tin rằng ngành Logistics tại Việt Nam sẽ tiếp tục khởi sắc và hoàn thiện nhằm đáp ứng những mục tiêu đã đề ra trong Kế hoạch hành động và nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ Logistics Việt Nam đến năm 2025.

Xem toàn bộ Bảng xếp hạng Hoạt động Logistics 2018 tại đây

 

Tổng hợp