Hàng nguy hiểm DGR Tin tức

Hàng hóa nguy hiểm và nguy cơ tiềm ẩn trong hoạt động Logistics

Vào tối ngày 04/06/2022 (giờ địa phương), ngọn lửa bùng phát từ một container chứa hydrogen peroxide (hay còn gọi là nước oxy già) tại kho chứa container ở thị trấn Sitakunda, miền Đông Nam nước Bangladesh, khiến nhiều container hóa chất phát nổ dẫn đến đám cháy lớn kinh hoàng và đã khiến ít nhất 49 người chết và hơn 300 người khác bị thương, bao gồm cả lực lượng cứu hỏa làm nhiệm vụ tại hiện trường.

Vụ cháy kinh hoàng ở Bangladesh làm chúng ta liên tưởng đến vụ nổ lớn gây ra bởi 2.750 tấn hóa chất amoni nitrat (hóa chất thường được sử dụng trong phân bón và bom) tại cảng Beirut của Lebanon vào ngày 04/08/2022 khiến ít nhất 135 người thiệt mạng và 5.000 người bị thương.

Nhận thức an toàn về hàng hóa nguy hiểm

Những vụ cháy và nổ như trên vẫn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào và vào bất kỳ thời điểm nào có sự hiện diện của hóa chất, từ nhà máy sản xuất đến bất kỳ kho lưu trữ nào ở đất liền, kho lưu trữ ở cảng biển hay sân bay và thậm chí có thể xảy ra trên bất kỳ phương tiện vận chuyển nào, từ xe tải, tàu hỏa, tàu biển đến cả máy bay với những hậu quả gây ra cực kỳ nghiêm trọng.

Ngày 12/8/2015, dư luận quốc tế không khỏi bàng hoàng khi chứng kiến hai vụ nổ lớn liên tiếp tại Thiên Tân (Trung Quốc) vụ nổ thứ nhất có sức công phá mạnh tương đương 3 tấn thuốc nổ TNT. Vụ nổ thứ hai xảy ra sau đó 30 giây, có sức công phá tương đương 21 tấn thuốc nổ TNT, thổi tung toàn bộ khu vực kho chứa “hóa chất và hàng hóa nguy hiểm” của Công ty hậu cần quốc tế Thụy Hải.

Làm Logistics không được chủ quan với hàng nguy hiểm

Đã đến lúc các đơn vị làm Logistics cần quan tâm nhiều hơn đến việc hiểu biết mối nguy hại của các loại hóa chất, nhận dạng các mối nguy hiểm này thông qua tài liệu, bao bì, nhãn mác của chúng và hơn hết là biết rõ các nguyên tắc an toàn trong việc bảo quản và lưu trữ hóa chất từ lúc sản xuất, vận chuyển đến lúc tiêu thụ và kể cả khi vứt bỏ.

Hóa chất nguy hiểm là muôn hình vạn trạng vì chúng được sản xuất theo nhu cầu của con người. Chúng có thể xuất hiện dưới dạng vật chất như chất rắn, chất lỏng hoặc có thể là một trong những thành phần của sản phẩm được con người sử dụng hàng ngày (phân bón, sơn, keo dán…). Cho dù chúng tồn tại dưới dạng nào thì chúng vẫn luôn mang những đặc tính nguy hiểm mà phải được người dùng nhận biết, cần thận trong sử dụng và trong lưu trữ. Ví dụ: hóa chất dễ cháy thì không được để gần nguồn lửa, nguồn nhiệt; hóa chất có tính ăn mòn thì phải được bảo quản cẩn thận trong các bao bì chống ăn mòn để tránh rò rỉ ra ngoài; hóa chất có khả năng tự tích nhiệt và tự bốc cháy phải được lưu trữ trong khu vực thông thoáng, tránh xa nguồn nhiệt và cách ly với những hóa chất có thành phần ô xi.

Quy định về hàng nguy hiểm trong vận tải hàng không và đường biển

Ngoài các tài liệu an toàn hóa chất mà chúng ta dễ dàng tìm thấy trên thị trường, ngành Logistics có 2 bộ tài liệu đặc thù về các tiêu chuẩn và quy định quốc tế trong việc chuẩn bị, vận chuyển, phục vụ và lưu trữ an toàn hàng nguy hiểm (hóa chất nguy hiểm) bằng đường biển và đường hàng không, lần lượt là IMDG Code (do Tổ chức Hàng hải quốc tế – IMO ban hành) và IATA Dangerous Goods Regulations – DGR (do Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế ban hành).

Thông qua kiến thức, tiêu chuẩn và quy định được đề cập trong IMDG Code và IATA DGR với tiêu chí hàng đầu là vận chuyển an toàn, người học có thể nhận dạng các loại hóa chất nguy hiểm, đặc tính, mối nguy hại của chúng cũng như biết cách phục vụ cẩn thận và lưu trữ chúng một cách an toàn theo những điều kiện bảo quản và lưu trữ thích hợp cho mỗi loại hóa chất; từ đó giảm thiểu tối đa khả năng xảy ra các tai nạn hay sự cố hóa chất. Thậm chí, nếu không may xảy ra sự cố, 2 bộ tài liệu trên cũng sẽ giúp chúng ta biết cách xử lý phù hợp với đặc tính của mỗi loại hóa chất, giúp cho việc ứng phó được hiệu quả.

Nếu như bạn là người làm việc liên quan đến hóa chất, cho dù là công đoạn nào đi nữa, cho dù là trách nhiệm nhỏ hay lớn, hãy luôn nhận thức và trang bị cho mình những kiến thức hữu ích về an toàn hóa chất để không chỉ bảo vệ bản thân mình mà còn bảo vệ tài sản và tính mạng của những người khác.


THAM KHẢO

CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO

HÀNG HOÁ NGUY HIỂM ĐƯỜNG BIỂN

INTERNATIONAL MARITIME DANGEROUS GOODS (IMDG)