Theo thống kê của Hiệp hội Vận tải Hàng không quốc tế (IATA), năm 2019 (thời điểm trước khi xảy ra đại dịch COVID-19), ngành hàng không tiêu thụ gần 8% sản phẩm xăng, dầu thế giới. Con số này tương đương 7 triệu thùng nhiên liệu mỗi ngày, trong đó máy bay chở khách chiếm hơn 90%. Tỷ lệ với lượng nhiên liệu tiêu thụ, các chuyến bay cũng thải ra môi trường trung bình 1 tỷ tấn carbon mỗi năm, chiếm gần 3% lượng khí thải toàn cầu.
Theo các chuyên gia, để hạn chế sử dụng nhiên liệu hóa thạch, máy bay chạy điện hoặc hydro có thể là giải pháp. Tuy nhiên, muốn thương mại hóa loại máy bay này sẽ phải mất nhiều thập kỷ nữa. Một giải pháp khác khả thi hơn, hiện đang được cả Mỹ và châu Âu cố gắng thúc đẩy đó là sản xuất nhiên liệu hàng không bền vững (SAF).
Thông qua bài viết này, các bạn hãy cùng VILAS tìm hiểu nhiều hơn về nhiên liệu hàng không bền vững (SAF) và những lợi ích mà SAF mang đến trong nhiệm vụ ‘làm sạch bầu trời’ nhé!
Nhiên liệu Hàng không Bền vững là gì?
SAF là một loại nhiên liệu hàng không có lượng khí thải CO2 thấp hơn khoảng 80% so với nhiên liệu thông thường. Nguồn nhiên liệu máy bay thay thế này được chế tạo ra từ rác thải nhựa, dầu ăn qua sử dụng, mỡ động vật hay sinh khối như tảo, dăm bào. Nghiên cứu khoa học chỉ ra, sử việc sử dụng nhiên liệu SAF tạo ra lượng khí thải carbon thấp hơn tới 80% so với nhiên liệu máy bay thông thường.
What is Sustainable Aviation Fuel? – Link video: https://www.youtube.com/watch?v=QvFxTrKGEkw&t=68s
Chính phủ Nhật Bản đã đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sử dụng SAF trong tổng lượng nhiên liệu tiêu thụ hàng năm của các hãng hàng không trong nước lên 10% vào năm 2030.
Ông Eric Schulz, cựu giám đốc điều hành Airbus nêu quan điểm: “SAF là giải pháp duy nhất trong ngắn hạn. Bởi các hãng hàng không có thể lấy một máy bay đã vận hành trong 10 năm qua và sử dụng ngay loại nhiên liệu mới”.
Nỗ lực áp dụng nhiên liệu Hàng không Bền vững (SAF)
Để thúc đẩy nhiên liệu hàng không bền vững, Liên minh châu Âu đặt mục tiêu sử dụng 2% nhiên liệu SAF vào năm 2030 và 5% vào năm 2050 theo thỏa thuận chung của khối.Tại châu Á, các hãng hàng không lớn của Nhật Bản như Japan Airlines hay All Nippon Airways cũng bắt đầu sử dụng SAF, đồng thời vạch ra lộ trình đạt mức phải thải quy định vào năm 2050.
Trong khi đó, đầu tháng 7 vừa qua, Singapore Airlines tuyên bố sẽ sử dụng 1.000 tấn nhiên liệu SAF trong năm tới, với mục tiêu giảm 2.500 tấn carbon. Bà Lee Wen Fen, Phó chủ tịch Singapore Airlines chia sẻ: “SAF là chìa khóa quan trọng để giảm thiểu cacbon, thể hiện cam kết của chúng tôi đưa mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050”
Trên thế giới, việc sử dụng nguyên liệu SAF hiện vẫn chưa đáng kể do giá thành cao. Ước tính chi phí sản xuất mỗi lít nhiên liệu này dao động từ 1,4 USD đến 11,5 USD, đắt gấp 2-16 lần so với nhiên liệu xăng truyền thống. Tuy nhiên, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA) dự báo, SAF có thể chiếm 2% lượng nhiên liệu máy bay sử dụng trên toàn cầu vào năm 2025, 17% vào năm 2035 và 65% vào giữa thế kỷ này.
Bên cạnh đó, việc tăng quy mô sản xuất cũng được xem là chìa khóa giúp giảm chi phí sản xuất SAF ngang bằng nhiên liệu hóa thạch trong tương lai. Theo các chuyên gia, điều này vừa là nhiệm vụ ‘làm sạch bầu trời’ của ngành hàng không vừa mở ra một thị trường nhiên liệu mới có trị giá lên đến 15 tỷ USD.
Theo số liệu của Cục Hàng không Việt Nam, vận tải hàng không đang là phương thức vận chuyển nhanh, an toàn, đáp ứng nhu cầu đi lại, du lịch, giao thương và vận chuyển hàng hóa ngày càng gia tăng, tạo việc làm và đóng góp lớn GDP cho nền kinh tế trong, ngoài nước.
Song, bên cạnh những ưu điểm vượt trội, ngành Hàng không đã và đang gây nhiều tác động tiêu cực đến môi trường, trong đó, khí thải máy bay là một trong những nguyên nhân gây ô nhiễm không khí.
Tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (COP 26), 150 quốc gia, trong đó có Việt Nam đã cam kết mục tiêu giảm khí thải carbon để đạt mức phát thải ròng về 0 vào năm 2050.
Chung tầm nhìn và hướng đi bền vững của ngành Hàng không thế giới, Hàng không Việt Nam cũng không ngoại lệ. Các hãng hàng không nội địa như Bamboo Airways, Vietjet, Vietnam Airlines, Pacific Airlines cũng đang theo đuổi hướng đi này.
Biên soạn và tổng hợp: VILAS team