Bài viết trước, VILAS đã giới thiệu cho bạn những điểm giống nhau mà không phải ai cũng có thể dễ dàng nhận ra giữa bến xe miền Đông và Logistics Hub mới nổi – HongKong. Tuy nhiên, khi nhắc đến ngành công nghiệp Logistics châu Á, chắc chắn phải nhắc đến sự thành công rực rỡ của “con rồng châu Á” – Singapore.
Nếu như Hồng Kông được ví như là “bến xe miền Đông” của châu Á bởi vị trí thuận lợi cũng như tiềm năng phát triển trong tương lai, thì Singapore lại được xem như là “bến xe miền Tây” với sự giao thương nhộn nhịp cùng tốc độ phát triển nhanh.
Liệu so sánh này có khập khiễng? Hãy cùng VILAS tìm hiểu câu trả lời qua bài viết sau đây nhé!
1. “Logistics hub” của khu vực
Bến xe miền Tây và Singapore đều được xem là những logistics hub trong hoạt động thương mại của khu vực với vai trò thực hiện các hoạt động liên quan đến vận tải, logistics và phân phối hàng hóa nhằm tiết kiệm chi phí và thực hiện hiệu quả các công đoạn.
Cùng nằm trong khu vực vành đai kinh tế và ít chịu ảnh hưởng của khí hậu, hai địa điểm này luôn nhộn nhịp và tấp nập bởi người dân ‘tứ xứ’ đến giao thương. Không chỉ vậy, bến xe miền Tây và Singapore còn đang nhận được sự chú ý và đầu tư nguồn lực, công nghệ đến từ nhiều nhà đầu tư trên toàn thế giới.
Nếu như bến xe miền Tây sẽ có sự ‘giúp sức’ của J-CODE (Hiệp hội các Doanh nghiệp xúc tiến phát triển đô thị sinh thái tại Việt Nam) trong dự án phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng thì Singapore luôn là ‘vùng đất hứa’ với các doanh nghiệp nước ngoài với sự hỗ trợ hết mình của chính phủ – đảm bảo một môi trường đầu tư thuận lợi và phát triển các ưu đãi phù hợp cho sự tham gia của khu vực tư nhân. 20 trong số 25 công ty Logistics hàng đầu thế giới quản lý hoạt động toàn cầu hoặc khu vực của họ từ Singapore.
2. Không chỉ là cửa ngõ phía Tây, mà còn là cầu nối thương mại
Nếu bến xe miền Đông là ‘cánh tay phải’ nối liền hàng hóa từ các khu công nghiệp lớn đến với khu vực miền Trung và Bắc bộ của Việt Nam. Thì quả thật không quá lời khi nói rằng, bến xe miền Tây chính là ‘cánh tay trái’ đắc lực, chuyên vận chuyển hành khách và hàng hóa đến với các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bao gồm một trong những vùng sản xuất lúa gạo lớn nhất cả nước – Đồng bằng sông Cửu Long.
Singapore có một vị trí địa lí cực kì quan trọng khi eo biển Malacca là tuyến đường vận tải hàng hải chính của các nước khu vực Đông Nam Á muốn giao thương với các quốc gia đến từ Phương Tây và Châu Phi và xa hơn là kết nối thương mại với bờ Đông của Châu Mỹ bằng kênh đào Suez.
Lý do chủ yếu biến Singapore là một địa điểm ‘chủ chốt’ trong vận chuyển hàng hóa xuất phát từ sự hiệu quả trong hoạt động hải quan của Quốc đảo sư tử. Singapore hiện đang đứng thứ nhất trong tổng số 160 quốc gia bảng xếp hạng về hiệu quả của quá trình thông quan và những hoạt động liên quan đến thủ tục hải quan. Theo đó, hải quan Singapore xử lý 90% các đơn xin giấy phép điện tử trong vòng 10 phút và thông quan 90% hàng hóa trong vòng 8 phút. Và với sự tối ưu trong quá trình vận hành, việc vận chuyển hàng hóa qua Singapore đến các nước phương Tây có thể nhanh hơn so với các chuyến hàng trực tiếp!
3. Địa điểm giao thương ‘tấp nập’:
Bến xe miền Tây phục vụ các tuyến xe khách đi các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Với 69 tuyến và phục vụ 750 xe một ngày chỉ tính riêng khu vực miền Tây. Bến xe miền Tây được biết đến như là một trong những đầu mối giao thông quan trọng nhất kết nối thành phố TP.HCM với các tỉnh miền Tây. Ngoài ra, bến xe miền Tây còn có nhiều chuyến xe liên kết trực tiếp với nhiều địa điểm giao thông trọng yếu: bến xe miền đông, sân bay Tân Sơn Nhất, chợ Bến Thành…
Singapore, quốc gia có một trong những vị trí ‘đắc địa’ nhất của khu vực châu Á, vị trí có thể dễ dàng kết nối, lưu thông hàng hóa đến nhiều nơi của thế giới. Cụ thể, Singapore đang có liên kết với 200 hãng tàu đến 600 cảng ở 123 quốc gia với sản lượng container của nó được xếp hạng thứ hai trên thế giới; các chuyến đi hàng ngày đến hầu hết các cảng lớn trên toàn thế giới. Cũng như sân bay Singapore Changi được bình chọn là quốc tế tốt nhất và được phục vụ bởi khoảng 6.800 chuyến bay hàng tuần đến 330 thành phố.
4. Tích hợp nhiều dịch vụ đa dạng
Không chỉ dừng lại ở việc vận chuyển hàng hóa và hành khách đến nhiều tỉnh trong khu vực miền Tây nam bộ, bến xe miền Tây còn giữ trọng trách vô cùng quan trọng khi cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, từ cho thuê mặt bằng, kiốt và bãi đậu xe vận tải hàng hóa đến những hoạt động giá trị gia tăng như bao, gói, bốc xếp hàng hóa; lau rửa, bảo dưỡng, sửa chữa ô tô…
Trong khi đó, Singapore được xem như một logistics hub với các dịch vụ giá trị gia tăng Logistics toàn diện – Singapore đã phát triển một loạt các dịch vụ giá trị Logistics chất lượng cao, toàn diện – từ tài chính và bảo hiểm, phát triển kỹ năng Logistics và đào tạo nghề đến hệ thống pháp lý mạnh với khả năng cung cấp dịch vụ dọc theo toàn bộ chuỗi cung ứng phục vụ cho các nhu cầu khác nhau của người tiêu dùng.
Ví dụ: Những mặt hàng thực phẩm của các nước Đông Nam Á muốn xuất khẩu sang Mỹ phải có dán nhãn bao bì và kiện hàng theo tiêu chuẩn của FDA (Food and Drugs Administration) Cục Quản lí Thực phẩm và Dược Phẩm Hoa Kỳ. Và những sản phẩm thực phẩm của các nước này có thể sử dụng dịch vụ dán nhãn cho bao bì và hàng hóa tại Singapore để tiếp tục quá trình xuất khẩu.
Qua bài viết này, VILAS mong bạn đã có một cái nhìn mới về sự phát triển ngành Logistics tại bến xe miền Tây cũng như Singapore. Hãy cùng hi vọng rằng, với tốc độ phát triển nhanh cùng phương hướng phát triển rõ ràng, bến xe miền Tây sẽ tiếp tục cải thiện và hoàn thiện, để có thể trở thành một ‘Singapore thu nhỏ của Việt Nam’ trong tương lai.
———————————–
Bạn đã sẵn sàng cùng VILAS trải nghiệm chuyến tham quan thực tế về hệ thống Logistics hiện đại bậc nhất châu Á – Singapore?