Tin tức

[SCSS A – No.9] RECAP: Nắm bắt xu hướng toàn cầu và tối ưu hóa hiệu suất chuỗi cung ứng với “Supply Chain Analytics: Embracing the 4.0 Invasion”

Số thứ 9 trong chuỗi hội thảo chuyên đề Supply Chain Seminar Series đã được diễn ra vào ngày 26/10/2019 tại VILAS với chủ đề nhận được rất nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp hiện nay “Supply Chain Analytics: Embracing the 4.0 Invasion”. Buổi hội thảo được dẫn dắt bởi 2 chuyên gia với hơn 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực phân tích dữ liệu:

Mr. Trang Công Phát

  • CEO & Founder | Lokaloop Logistics & Transport Solution
  • Business Intelligence Strategic Planning Manager | Grab Vietnam

Mr. Phạm Công Hiệp

  • Business Analysis Consultant | Australian Businesses
  • Senior Lecturer for MBA Students in Managing Innovation and Technology Management | RMIT University Vietnam

 

 

Với sự hấp dẫn và tính ứng dụng cao từ chủ đề của mình buổi hội thảo đã nhận được sự quan tâm của rất nhiều nhân sự với những vị trí khác nhau trong chuỗi cung ứng đến từ các công ty Unilever Vietnam, Bosch Vietnam, Emergent Cold Vietnam, Expeditors Vietnam, FrieslandCampina Vietnam, Gemdadept, PNJ, Ofood, …. tham gia với mục tiêu tìm hiểu và nắm bắt được tầm quan trọng của dữ liệu trong chuỗi cung ứng và phương pháp phù hợp để phân tích chuỗi cung ứng.

Phần đầu tiên của buổi hội thảo nhấn mạnh cuộc cách mạng 4.0 chính là ngòi nổ cho sự phát triển vượt bậc của các công ty hiện tại đang nắm bắt thị trường như Amazon, Google, Facebook và Apple. Trong suốt 4 cuộc cách mạng công nghiệp tính đến thời điểm hiện nay thì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 chính là sự tổng hợp hoàn hảo của các cuộc cách mạng trước đó với 3 xu thế chính là Internet of things, Big Data và 3D Print. Trong thời điểm hiện nay, bí quyết thành công của các công ty “bất bại” như Amazon, Walmart, Apple, … cho chuỗi cung ứng hoàn hảo của mình chính là Big data. Công ty nào nắm được lượng dữ liệu càng lớn và có khả năng khai thác chúng một cách hiệu quả thì công ty đó sẽ có thể đón đầu xu thế và thậm chí là dẫn dắt thị trường. Đối với việc phân tích dữ liệu trong chuỗi cung ứng, anh Trang Công Phát – CEO & founder Lokaloop – chia sẻ có 3 yếu tố cốt lõi chúng ta cần nắm bắt để thấy được toàn cảnh của việc phân tích chuỗi cung ứng đó chính là:

  • Data Analytics: Việc phân tích sơ bộ các dữ liệu dựa trên các hệ thống chuyên dụng để đưa ra những kết luận cho dữ liệu đó.
  • Data Visualization: Việc vẽ nên một bức tranh toàn cảnh dựa trên dữ liệu để mọi người có thể hiểu được chuyện gì đang thực sự xảy ra và có thể đưa ra những phương pháp giải quyết phù hợp. 
  • Technology Platform: Cơ sở hạ tầng cơ bản – thường bao gồm một công cụ phân tích – cho phép thu thập, lưu trữ, truy xuất, tổng hợp, phân tích và báo cáo tất cả các hoạt động diễn ra trong chuỗi cung ứng.

 

 

Ngoài ra, Supply chain analytics còn đóng một vai trò quan trọng khi thực hiện hiệu quả 2 quy trình kinh doanh Order-to-cash (OTC) và Procure-to-pay (P2P). Với 3 bước chính trong việc phân tích chuỗi cung ứng (thu thập dữ liệu – định nghĩa dữ liệu – phân tích dữ liệu), khi công ty có một lượng dữ liệu lớn và đa dạng đồng thời đảm bảo về tính chính xác thì doanh nghiệp có thể tự tin với việc cải thiện hiệu suất chuỗi cung ứng hiện tại của mình. Để các doanh nghiệp hiện nay có thể tiếp cận được dễ dàng với Supply Chain Analytics Mr. Phát cũng có chia sẻ những bước tiếp cận cơ bản nhất với mục tiêu hướng đến việc quản lý và tận dụng hiệu quả dữ liệu để có thể giải quyết và dự đoán các vấn đề xảy ra trong chuỗi cung ứng.

Phần tiếp theo của buổi hội thảo được dẫn dắt bởi PhD. Nguyễn Công Hiệp – Senior Lecturer đến từ trường đại học RMIT Việt Nam. Trong phần này, thầy Hiệp nhấn mạnh vào những cải tiến mà doanh nghiệp có thể đạt được khi ứng dụng Phân tích chuỗi cung ứng. Để tăng tính tương tác, thầy đã mang đến cho buổi hội thảo công nghệ RFID để giới thiệu những ứng dụng thực tế của công nghệ này trong việc thu thập dữ liệu thời gian thực cho kho hàng. Thầy chia sẻ thực tế rằng hiện nay những thông tin trong chuỗi cung ứng chưa được chia sẻ với nhau để tạo nên sự nhất quán là do chưa có nền tảng phù hợp.

 

 

Với những lợi thế cải thiện cho chuỗi cung ứng như việc dự đoán xu hướng, cải thiện vận hành, quản lý rủi ro, … việc ứng dụng phân tích chuỗi cung ứng hoàn toàn cần thiết cho doanh nghiệp. Nắm bắt được sự bỡ ngỡ của các doanh nghiệp khi ứng dụng phương pháp này, thầy Hiệp đã đưa ra 6 bước cụ thể để doanh nghiệp có thể tiếp cận dễ dàng hơn khi bắt đầu phân tích chuỗi cung ứng:

  • Nhận diện vấn đề doanh nghiệp đang gặp phải;
  • Tìm kiếm dữ liệu;
  • Tìm kiếm đội ngũ phù hợp;
  • Lựa chọn công cụ phù hợp;
  • bắt đầu nhỏ nhưng nghĩ lớn;
  • Đo lường thành công.

Khi chia sẻ 6 bước này PhD. Nguyễn Công Hiệp đã đưa vào đó những kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế của mình nhằm truyền tải những kiến thức phù hợp nhất tới người xem. Thầy cũng đã chia sẻ rằng để phù hợp với quy mô tổ chức các công ty không cần thiết phải lựa chọn những công cụ phân tích quá phức tạp trong khi Excel cũng chính là một ứng viên sáng giá cho phân tích chuỗi cung ứng. Bên cạnh 6 bước tiếp cận đó cũng tồn tại 6 điều doanh nghiệp cần tránh đó chính là: Dùng dữ liệu nhiễu, Đo lường quá nhiều, Đo lường quá ít, tạo ra những dữ liệu đối lập, dùng dữ liệu quá hạn, không xác định được chủ sở hữu dữ liệu. Thầy kết thúc phần chia sẻ của mình bằng một case study giữa Walmart và Kmart hai nhà bán lẻ hàng đầu của Mỹ, điểm khác biệt giữa 2 công ty đó chính là việc định hướng chiến lược chuỗi cung ứng. Trong khi Walmart có định hướng phát triển và tối ưu hóa chuỗi cung ứng của mình dựa trên công nghệ và mang đến những lợi ích cho các nhà cung cấp của mình bằng một hệ thống phân tích xu hướng người tiêu dùng thì Kmart lại đi theo hướng truyền thống do đó không thể nào cạnh tranh lại vì sự tụt hậu về công nghệ và khả năng quản lý chuỗi cung ứng. Trong phần cuối cùng Q&A, các anh chị tham gia đã đặt cho 2 diễn giả rất nhiều câu hỏi về những giải pháp cho vấn đề phân tích dữ liệu mà công ty đang gặp phải cũng như hiệu quả thực tế của những công nghệ ứng dụng vào chuỗi cung ứng. Những thắc mắc đó đã được giải đáp với sự nhiệt tình và chuyên môn của 2 diễn giả.

 

 

VILAS rất hân hạnh khi luôn được đồng hành cùng các chuyên gia trong việc phát triển, nâng cao kiến thức cho nhân sự trong ngành. Không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ kiến thức và kỹ thuật để tối ưu hóa các hoạt động tại bộ phận có liên quan, chuỗi hội thảo chuyên đề Supply Chain Seminar Series còn là cơ hội để các nhân sự đang làm việc trong ngành hiểu hơn về các hoạt động của bộ phận khác nhằm hỗ trợ nhau tốt hơn và mang lại một kết quả xứng đáng cho nỗ lực của doanh nghiệp.

Supply Chain Seminar Series A là chuỗi sự kiện chuyên ngành tổ chức đều đặn mỗi tháng, thiết kế dành riêng cho nhu cầu của doanh nghiệp và nhân sự đang làm việc trong ngành. Với mục tiêu tập trung từng mảng trong Chuỗi Cung ứng, Supply Chain Seminar Series sẽ cung cấp người tham dự kiến thức nền tảng theo tiêu chuẩn quốc tế với sự chia sẻ thực tế tại thị trường Việt Nam.