Châu Á – Trung tâm Logistics toàn cầu mới
Các trung tâm Logistics cấp toàn cầu thường bố trí ở các đầu mối giao thông vận tải, gần các trung tâm kinh tế – thương mại cấp toàn cầu, cung cấp dịch vụ trung tâm logistics cho một châu lục và toàn cầu tạo nên hệ thống logistics quốc tế phục vụ phát triển kinh tế thương mại toàn cầu.
Trước sự phát triển mạnh mẽ tại các quốc gia ở châu Á, nhiều thương hiệu toàn cầu hiện đang xem xét lại vị trí của Trung Quốc trong chiến lược chuỗi cung ứng của họ. Các hãng đa quốc gia đang thiết kế lại chuỗi cung ứng để tận dụng hiệu quả nhất các thị trường đang phát triển ở châu Á. Một câu hỏi quan trọng là nơi nào sẽ là trung tâm Logistics tiếp theo tại Châu Á? Bài viết sẽ nêu lên vài thị trường Logistics có tiềm năng nhất nhé:
Singapore
Với vị trí địa lí thuận lợi của mình, ít chịu ảnh hưởng của thời tiết, Singapore sở hữu các bến cảng và sân bay hoạt động suốt năm. Kết hợp với kết cấu hạ tầng hiện đại, Singapore là điểm trung chuyển “nhộn nhịp” của tàu biển năm châu về hội tụ.
Singapore là một vị trí đắc địa cho các hãng logistics lớn, với 25 hãng hàng đầu trong ngành đang hoạt động tại đây. Hầu hết các công ty lớn, như DHL và Schenker, đã thiết lập các trụ sở toàn cầu ngay tại thành phố này. Singapore có một mạng lưới các hiệp định thương mại tự do rộng lớn với hơn 30 đối tác thương mại để tăng cường khả năng tiếp cận các thị trường lớn của mình. Các cảng biển đã làm việc chặt chẽ với các hãng tàu để xây dựng một trong những mạng lưới giao thông hàng hải dày đặc nhất thế giới. Hiện tại, Singapore đang có liên kết với 200 hãng tàu đến 600 cảng ở 123 quốc gia, với các chuyến đi hàng ngày đến hầu hết các cảng lớn trên toàn thế giới.
Đồng thời, Singapore đang tập trung vào các công nghệ điều khiển tự động không người lái, tận dụng các cảm biến thông minh để phát hiện các dị thường vận chuyển như vi phạm bản quyền và phân tích dữ liệu để dự đoán các điểm tắc nghẽn giao thông.
Thêm vào đó, chính phủ rất khuyến khích và hỗ trợ khu vực tư nhân đầu tư vào cơ sở hạ tầng bổ sung. Quan hệ đối tác khu vực tư nhân mạnh mẽ đảm bảo rằng các sáng kiến bền vững về mặt thương mại trong dài hạn và không trở thành gánh nặng đối với quỹ công. Ví dụ, các nhà khai thác khu vực tư nhân như SATS và FedEx đã đầu tư vào các cơ sở vận tải hàng không như các trung tâm chuỗi cung ứng lạnh và các cơ sở vận tải hàng hóa khu vực, với sự giúp đỡ của chính phủ giúp xây dựng kế hoạch kinh doanh cho các khoản đầu tư đó. Các thách thức được giải quyết cùng nhau, để đầu tư có ý nghĩa thương mại đối với khu vực tư nhân. Những yếu tố này đã cho phép logistics tại Singapore phát triển mạnh mẽ.
Ấn Độ
Ngành Logistics ở Ấn Độ tăng trưởng hơn 10% mỗi năm. Ngân sách năm 2018 của Ấn Độ chi nhiều vào đầu tư cơ sở hạ tầng. Các kế hoạch cải thiện khả năng kết nối đường bộ, đường sắt và đường thủy nội địa đang diễn ra. Hành lang vận chuyển hàng hóa của quốc gia, bao gồm 15 tiểu bang trên khắp Ấn Độ, sẽ được hoàn thành vào cuối năm 2019. Thông số kỹ thuật của dự án liên quan đến chất lượng và hiệu quả đạt chuẩn ngang bằng với các tuyến đường sắt chở hàng ở Nga, Trung Quốc và Hoa Kỳ. Đặc biệt, tổng công ty Phát triển và Hành lang Công nghiệp Delhi – Mumbai (DMICDC) phát triển các trung tâm logistics đa phương thức ở nhiều thành phố trọng điểm để cung cấp các dịch vụ cung ứng end-to-end.
Các cảng của Ấn Độ xử lý 95% hoạt động thương mại của đất nước, đóng một vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng quốc tế. Ấn Độ hiện đang cho phép 100% FDI cho việc xây dựng và bảo dưỡng các cảng, cùng với sự hỗ trợ thuế của chính phủ. Với sự tham gia nhiệt tình hơn từ khu vực tư nhân và chính phủ, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong chuỗi cung ứng tại Ấn Độ đang tăng lên. Các công ty nước ngoài có ít kiến thức về Ấn Độ vẫn có thể được hưởng lợi từ quan hệ đối tác với các công ty Ấn Độ trong ngành để dễ dàng việc kinh doanh.
Việc cấp phép 100% FDI còn được áp dụng cho các kho hàng. Theo FTWZ, có một số khu vực được chỉ định ở Ấn Độ dành riêng cho phát triển hệ thống kho. Các ưu đãi như miễn thuế nhập khẩu vật liệu xây dựng và trang thiết bị cho các khu này đang thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực này.
Với sự tham gia lớn hơn từ khu vực tư nhân và tăng chi tiêu từ chính phủ, cơ hội cho các nhà đầu tư nước ngoài trong hệ thống Logistics của quốc gia đang tăng lên. Điều này bao gồm cả việc chuyển đổi cơ sở hạ tầng theo hướng kỹ thuật số, cùng với các chiến dịch liên bang như Digital India hỗ trợ thúc đẩy sự phát triển của các công ty khởi nghiệp và thiên hướng công nghệ.
Trung Quốc
Hồng Kông là một trong hai đặc khu hành chính của Trung Quốc. Sở hữu vị trí địa lý hoàn hảo, thành phố này không chỉ là cửa ngõ của thế giới đến Trung Quốc, mà còn là cửa ngõ của Trung Quốc với thế giới. Điều này tăng gấp đôi giá trị cho chuỗi cung ứng tại Hồng Kông. Đây còn là thị trường thương mại tự do, mức thuế thấp, hệ thống pháp lý vững chắc và mạng lưới ngân hàng tuyệt vời, Hồng Kông được coi là nền kinh tế tự do nhất trên thế giới. Trong Chỉ số Kết nối Toàn cầu của DHL (GCI) năm 2016, Hồng Kông xếp hạng 2 về độ kết nối toàn cầu.
Sân bay Quốc tế Hồng Kông (HKIA) đã được xếp hạng là sân bay bận rộn nhất thế giới kể từ năm 2006. Năm 2017, tổng sản lượng (bao gồm cả đường hàng không) đã vượt mốc 5 triệu tấn. Cảng Hồng Kông được xếp hạng là cảng container đông đúc thứ năm trên thế giới vào năm 2017.
Đối với kho bãi, Hồng Kông có rất nhiều cơ sở phân phối hiệu quả và an toàn. Chính phủ và các doanh nghiệp lớn luôn tìm đến các tổ hợp kho bãi hiện đại tại các khu vực mới xa xôi. Dự án như vậy về cơ bản sẽ tăng gấp đôi tổng không gian lưu trữ sẵn có tại Hồng Kông.
Về Trung Quốc nói chung, sau 30 năm làm phân xưởng lớn của thế giới với giá nhân công rẻ và chú trọng vào công nghiệp nặng, đã khởi xướng chiến dịch “Made in China 2025” (2015) để đẩy mạnh hoạt động cung ứng toàn cầu, mong muốn trở thành một phiên bản của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 (Đức).
Sau nhiều năm xây dựng, Trung Quốc đang nắm giữ một lợi thế mạnh mẽ, với cơ sở hạ tầng cao hơn đáng kể tại chỗ so với Ấn Độ, đứng vị thứ 27 về LPI. 7 trong số 20 cảng lớn nhất thế giới được đặt tại Trung Quốc. Miền Nam Trung Quốc là trung tâm sản xuất công nghiệp nhẹ truyền thống của thế giới. Sau quá trình cố gắng nâng cao chuỗi giá trị sản xuất tại đây, khu vực này sẽ dịch chuyển sang sản xuất công nghiệp nặng phức tạp hơn.
Trong thời gian gần đây, căng thẳng thương mại Mỹ – Trung đang tiếp tục leo thang. Việc Mỹ thắt chặt tiền tệ và thuế nhập khẩu khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, phải chịu thuế suất cao khi xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ, dẫn đến mất tính cạnh tranh. Rất nhiều công ty Mỹ đang vận hành theo công thức “Trung Quốc cộng một”, di dời chuỗi cung ứng tới một địa điểm khác nếu chi phí nhập khẩu từ Trung Quốc bị đẩy lên quá cao. Việt Nam là sự lựa chọn phổ biến cho vị trí “cộng một” này.
Việt Nam
Tốc độ phát triển bình quân hàng năm của logistics Việt Nam đang ở mức tăng trưởng bền vững 14 – 16%. LPI của Việt Nam năm 2018 xếp cao hơn các nền kinh tế có quy mô lớn như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia với hiệu suất dịch vụ logistics tốt hơn hẳn các thị trường có mức thu nhập tương đương.
Về vị trí địa lý, Việt Nam có nhiều điều kiện thuận lợi để đưa hàng hóa xuất nhập khẩu đến với thế giới cũng như trở thành địa điểm trung chuyển hàng hoá lý tưởng cho các nước. Chẳng hạn, Việt Nam là điểm chuyển tải cho hàng hóa nhập khẩu từ các nước châu Á qua cảng Cát Lái (TPHCM) và hàng hóa xuất khẩu đi Hoa Kỳ, EU qua khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Các chuyên gia tại Deutsche Bank Hong Kong dự đoán xuất khẩu từ Việt Nam vào Mỹ sẽ tăng khoảng 1,7%. Miếng bánh 40 tỷ USD của thị trường logistics Việt Nam tiếp tục được các doanh nghiệp ngoại nhòm ngó trong giai đoạn này.
Alibaba của Trung Quốc đã hoàn thành xong thương vụ M&A với Lazada Việt Nam để mở rộng dịch vụ cho 23 triệu người trong khu vực. Đầu năm 2018, Tiki đã được JD.com rót vốn đầu tư 44 triệu USD. Warburg Pincus cũng bắt tay với Becamex IDC lập liên doanh bất động sản BW để phát triển chuỗi logistics và bất động sản công nghiệp. Tập đoàn Woojin của Hàn Quốc khai trương tổ hợp dịch vụ Logistics Valley tại Khu công nghiệp Yên Phong 2. Đây là tổ hợp dịch vụ logistics lớn nhất miền Bắc với diện tích khoảng 7 ha, trong đó, nhà kho khoảng 60.000 m2.
Dù Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển logistics, nhưng đến nay cơ sở hạ tầng cũng như công nghệ quản lý và môi trường chính sách vẫn cần được đẩy mạnh hơn nữa để bắt kịp trình độ phát triển của các nước đối tác và thu hút đầu tư từ nước ngoài.
Theo ejinsight, knightfrank, pwc, 3plnews, supply chain asia
——————-
Bạn đã sẵn sàng nắm bắt cơ hội để được tương tác trực tiếp với các chuyên gia Logistics hàng đầu châu Á? Nhanh tay đăng kí tham dự hội thảo Asia Supply Chain Career để nắm lấy cơ hội lắng nghe chia sẻ từ quốc gia hàng đầu châu Á về Logistics – Singapore và nắm lấy cơ hội trở thành ‘nhân sự toàn cầu trong Chuỗi Cung ứng’!
Thông tin chi tiết:
- Thông tin về sự kiện:
- Địa điểm: Callary, Số 123, Đường Lý Chính Thắng, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam
- Thời gian: 08:30 – 12:30, Thứ 7, 01/12/2018
- Sự kiện không thu phí và giới hạn số lượng tham dự. 100 bạn tham dự được lựa chọn dựa trên đơn đăng ký.