Logistics

TÌNH HÌNH XUẤT NHẬP KHẨU HÀNG HÓA VIỆT NAM VỚI CÁC NƯỚC ASEAN NĂM 2017

Việt Nam chính thức trở thành thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) từ năm 1995. Từ đó đến nay, Việt Nam đã có những đóng góp tích cực trên nhiều lĩnh vực, trong đó phải kể đến quan hệ thương mại hàng hóa giữa Việt Nam với các nước thành viên ASEAN ngày càng phát triển.

 

Về thứ hạng xuất nhập khẩu hàng hóa của Việ​t Nam và các nước thành viên ASEAN:  theo thống kê của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong ấn phẩm thường niên WTO Trade Profiles 2017, thứ hạng về xuất nhập khẩu của Việt Nam đã tăng lên rõ rệt. Cụ thể, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng từ vị trí 50 trong năm 2007 lên vị trí 26 ghi nhận trong năm 2016. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam cũng tăng lên từ vị trí thứ 41 trong năm 2007 lên vị trí 25 ghi nhận trong năm 2016 và chắc chắn sẽ tiếp tục tăng bậc trong năm 2017 khi WTO công bố ấn phẩm mới. Các xếp hạng này của Tổ chức Thương mại thế giới tính cả xuất nhập khẩu hàng hóa giữa (nội khối) giữa các thành viên Liên minh châu Âu (EU). Nếu không tính xuất nhập khẩu hàng hóa nội khối EU vì xếp hàng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sẽ là thứ 19 trên thế giới và nhập khẩu là thứ 18 trên thế giới.

Biểu đồ 1: WTO xếp hạng xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam so với một số nước thành viên ASEAN trong năm 2016

 
Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Về kim ngạch xuất nhập khẩu:  theo thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, tổng trị giá trao đổi hàng hoá giữa Việt Nam và các nước ASEAN trong năm 2017 đạt 49,53 tỷ USD, tăng 19,6% so với năm trước 2016 và chiếm 11,7% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.

 

Biểu đồ 2: Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu và cán cân thương mại giữa Việt Nam và ASEAN các năm 2011-2017

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam sang thị trường ASEAN đạt 21,51 tỷ USD, tăng mạnh 23,9% (tương ứng tăng 4,15 tỷ USD về số tuyệt đối) so với một năm trước đó và chiếm 10,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước.

Nguyên nhân chính giải thích cho việc kim ngạch xuất khẩu sang thị trường ASEAN tăng mạnh là do trị giá xuất khẩu của một số nhóm hàng tăng cao như: điện thoại các loại & linh kiện tăng 948 triệu USD, sắt thép các loại tăng 722 triệu USD, máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện tăng 488 triệu USD, dầu thô tăng 378 triệu USD, hàng dệt may tăng 181 triệu USD. Chỉ tính riêng 5 nhóm hàng này đã đóng góp gần 2,72 tỷ USD, chiếm gần 70% trong phần kim ngạch tăng thêm của xuất khẩu sang thị trường ASEAN năm nay.

 

Ở chiều ngược lại, tổng trị giá hàng hoá các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ thị trường này là 28,02  tỷ USD, tăng 16,4% và chiếm tới 13,3% tổng kim ngạch nhập khẩu cả nước từ tất cả các thị trường trên thế giới.

Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam có xuất xứ từ ASEAN trong năm nay tăng so với năm trước, chủ yếu do nhập khẩu một số nhóm hàng chủ lực tăng cao như: xăng dầu các loại tăng 873 triệu USD, hàng rau quả tăng 464 triệu USD, máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng tăng 313 triệu USD, ô tô nguyên chiếc các loại tăng 307 triệu USD, hàng rau quả tăng 464 triệu USD, kim loại thường tăng 269 triệu USD, than đá tăng 258 triệu USD…

 

Về cán cân thương mại hàng hoá giữa Việt Nam với ASEAN : số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan ghi nhận trong năm 2017 mức thâm hụt cán cân thương mại tiếp tục nghiêng về phía Việt Nam với 6,51 tỷ USD (giảm nhẹ so với mức thâm hụt trị giá 6,7 tỷ USD trong năm 2016), bằng 30,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này.

Thái Lan là thị trường có thặng dư cán cân thương mại (xuất siêu với Việt Nam) lớn nhất trong thương mại với Việt Nam trong số các thành viên ASEAN, với mức thâm hụt báo cáo là 5,88 tỷ USD; tiếp theo là Singapore với 2,34 tỷ USD, Malaixia với 1,65 tỷ USD,…Trong khi đó ở chiều ngược lại, Campuchia  và Philippin là 2 thị trường mà Việt Nam có thặng dư thương mại lớn nhất, lần lượt đạt 1,76 tỷ USD và gần 1,68 tỷ USD…

 

Biểu đồ 3: Cán cân thương mại của các nước thành viên ASEAN với Việt Nam trong năm 2017

 

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Các nhóm hàng xuất khẩu chủ yếu: ASEAN là khu vực thị trường xuất khẩu lớn thứ 4 của Việt Nam, chỉ đứng sau thị trường Liên minh châu Âu (EU) và Hoa Kỳ và Trung Quốc. Trong năm qua, Việt Nam chủ yếu xuất sang ASEAN các nhóm hàng chủ lực như: điện thoại các loại & linh kiện; máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện; sắt thép; máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng; phương tiện vận tải & phụ tùng; hàng dệt may; dầu thô; xăng dầu…

 

Bảng 1:  Kim ngạch, tỷ trọng xuất khẩu một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong năm 2017

Stt Mặt hàng chủ yếu Kim ngạch (TriệuUSD) Tốc độ tăng/giảm (%) Tỷ trọng 1 (%) Tỷ trọng 2 (%)
1 Điện thoại các loại & linh kiện 3.214 41,9 14,9 7,1
2 Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện 2.532 23,9 11,8 9,8
3 Sắt thép các loại 1.713 72,8 8,0 54,4
4 Máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng 1.573 11,6 7,3 12,3
5 Phương tiện vận tải & phụ tùng 1.083 15,8 5,0 15,5
6 Hàng dệt may 887 25,7 4,1 3,4
7 Dầu thô 716 111,5 3,3 27,2
8 Xăng dầu 632 12,0 2,9 61,0
9 Hàng thủy sản 608 17,6 2,8 7,3
10 Thủy tinh & các sản phẩm thủy tinh 573 15,1 2,7 55,7
11 Hàng hóa khác 7.978 12,5 37,1 9,9
Tổng cộng 21.510 23,9 100,0 10,1

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Ghi chú:

  1. Tốc độ tăng/giảm là tốc độ tăng/giảm nhóm hàng đó năm 2017 so với năm 2016
  2. Tỷ trọng 1 là tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của từng mặt hàng trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang ASEAN
  3. Tỷ trọng 2 là tỷ trọng trị giá xuất khẩu nhóm hàng của Việt Nam sang ASEAN so với kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng đó của cả nước sang tất cả các thị trường.

 

Các nhóm hàng nhập khẩu chủ yếu: trong các năm trước đây, hàng hoá mà các doanh nghiệp của Việt Nam nhập khẩu có xuất xứ từ ASEAN chủ yếu là những mặt hàng thiết yếu, nguyên phụ liệu đầu vào, máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như: xăng dầu các loại; nguyên phụ liệu dệt may da giày; chất dẻo nguyên liệu, hóa chất, máy móc, thiết bị, dụng cụ & phụ tùng… Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, Việt Nam nhập thêm một số mặt hàng  phục vụ gia công sản xuất xuất khẩu và hàng tiêu dùng như: máy vi tính, sản phẩm điện tử & linh kiện; điện thoại các loại & linh kiện; ô tô nguyên chiếc…

ASEAN là đối tác lớn thứ hai (sau Trung Quốc) xuất khẩu hàng hoá có xuất xứ ASEAN sang Việt Nam trong nhiều năm qua. Nhiều nhóm hàng được nhập khẩu từ thị trường này chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam bao gồm: xăng dầu, dầu thô, giấy các loại, chất dẻo nguyên liệu,  dầu mỡ động thực vật, gỗ & sản phẩm gỗ …

 

Bảng 2: Kim ngạch, tỷ trọng nhập khẩu một số nhóm hàng chính của Việt Nam có xuất xứ từ ASEAN trong năm 2017

Stt Mặt hàng chủ yếu Kim ngạch (Triệu USD) Tốc độ tăng/giảm (%) Tỷ trọng 1 (%) Tỷ trọng 2 (%)
1 Xăng dầu các loại 4.356 25,1 15,5 63,4
2 Máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện 3.192 5,8 11,4 8,5
3 Máy móc thiết bị dụng cụ & phụ tùng 2.204 16,6 7,9 6,5
4 Chất dẻo nguyên liệu 1.346 17,3 4,8 18,4
5 Hàng điện gia dụng & linh kiện 1.122 -6,4 4,0 65,2
6 Ô tô nguyên chiếc các loại 998 44,4 3,6 44,6
7 Hóa chất 984 38,9 3,5 24,1
8 Hàng rau quả 936 98,6 3,3 60,5
9 Nguyên phụ liệu dệt may da giày 954 9,3 3,4 4,6
10 Kim loại thường khác 851 46,2 3,0 15,7
11 Hàng hóa khác 11.080 10,8 39,5 12,4
Tổng cộng 28.021 16,4 100,0 13,3

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Ghi chú:

  1.  Tốc độ tăng/giảm  là tốc độ tăng/giảm nhóm hàng đó năm 2017 so với năm 2016
  2. Tỷ trọng 1 là tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của từng mặt hàng trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN
  3. Tỷ trọng 2 là tỷ trọng trị giá nhập khẩu nhóm hàng của Việt Nam từ  ASEAN so với kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng đó của cả nước từ  tất cả các thị trường.

 

Về các đối tác trong nội khối ASEAN: Trong năm vừa qua, Thái Lan tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, đạt 15,11 tỷ USD, chiếm 30,5% trong tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với cả khối ASEAN. Tiếp theo là Malaixia đạt 10,07 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 20,3%), Singapore đạt 8,26 tỷ USD (chiếm tỷ trọng 16,7%), Inđônêxia đạt 6,5 tỷ USD (tỷ trọng 13,1%); Campuchia đạt 3,8 tỷ USD (tỷ trọng 7,7%), Philippin đạt gần 4 tỷ USD (tỷ trọng 8,1%), Lào đạt 892 triệu USD (tỷ trọng 1,8%), Mianma đạt 828 triệu USD (tỷ trọng 1,7%), và Brunây đạt 73 triệu USD (tỷ trọng 0,1%). (Chi tiết tổng kim ngạch xuất khẩu, nhập khẩu và tỷ trọng xuất khẩu, nhập khẩu  trong Bảng và Biều đồ)

 

Bảng 3: Kim ngạch, tốc độ tăng/giảm xuất khẩu, nhập khẩu của Việt Nam với các nước ASEAN trong năm 2017

Stt Thị trường Kim ngạch (Triệu USD) Tốc độ tăng giảm (%)
Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất nhập khẩu Xuất khẩu Nhập khẩu Xuất nhập khẩu
1 Brunây 22 52 73 7,6 -26,7 -19,1
2 Campuchia 2.776 1.021 3.797 26,2 40,7 29,8
3 Inđônêxia 2.864 3.640 6.503 9,4 21,7 16,0
4 Lào 525 368 893 9,8 6,6 8,4
5 Malaixia 4.209 5.860 10.069 25,9 13,3 18,3
6 Mianma 703 125 828 52,3 44,0 51,0
7 Philippin 2.835 1.159 3.994 27,7 9,3 21,8
8 Singapore 2.961 5.301 8.263 23,0 11,3 15,2
9 Thái Lan 4.616 10.495 15.111 27,7 18,6 21,2

Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Biểu đồ dưới cho thấy các nước: Thái Lan, Singapore và Malaixia là 3 đối tác thương mại lớn nhất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam trong ASEAN, với tỷ trọng lần lượt là 21,5%; 19,6% và 13,8%.

 

Biểu đồ 4: Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường ASEAN trong năm 2017

  

                                                        Nguồn: Tổng cục Hải quan

 

Trong nội khối ASEAN, Biểu đồ dưới cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu hàng hóa nhiều nhất có xuất xứ từ Thái Lan và Singapore với tỷ trọng chiếm 37,5% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ ASEAN; tiếp theo là Malaixia (20,9%), Singapore (18,9%),… . 

 

Biểu đồ 5: Tỷ trọng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam các hàng hóa có xuất xứ từ ASEAN trong năm 2017

                                                                              

Theo Tổng cục Hải Quan

Learn more about us!!!