Sự thiếu rõ ràng về tầm nhìn sự nghiệp và việc xác định những năng lực cần phát triển luôn là mối trăn trở phổ biến trong thời đại đặc trưng bởi tốc độ thay đổi và tính khó lường. Dẫn đến hiện trạng dù là nhân sự đã có kinh nghiệm hay học sinh – sinh viên đều thường băn khoăn rằng những năng lực nào cần phát triển để thực hành hiệu quả hoặc vượt trội trong công việc hiện tại và tương lai. Tuy có không ít những báo cáo và bài phỏng vấn đã nêu ra những năng lực mà nhân sự cần đầu tư cho tương lai, nhiều người trong chúng ta vẫn không tìm thấy sự thoả đáp. Bởi lẽ, chúng ta vẫn chưa có phương pháp xác định và đúc kết cho bản thân về con đường mình sẽ đi, năng lực mình cần trau dồi để có sự phát triển phù hợp và thành công.
Trong hội thảo Supply Chain Competency Framework: Strategize Meta Competencies for Your Career tổ chức bởi VILAS với sự đồng hành của 2 diễn giả chị Ngọc và anh Bảo, chúng ta đã có dịp cùng lắng nghe chia sẻ của 2 anh chị về phương pháp xác định năng lực và xem xét sự phù hợp nghề nghiệp cho tương lai.
Chị Nguyễn Như Ngọc, hiện là S&OP Director của DKSH Thailand (thuộc tập đoàn Thuỵ Sĩ chuyên về dịch vụ mở rộng thị trường và gia công hàng đầu Thế giới). Chị cũng là Master Instructor đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam của APICS cho các chứng nhận năng lực hàng đầu trong lĩnh vực Quản lý và Chuyển đổi Chuỗi cung ứng: CPIM, CSCP, CTSC. Trong năm 2024, chị gia nhập ASCM Global Advisory Workgroup, để cùng các đối tác toàn cầu của ASCM tham luận về các xu hướng thực hành và chuyển đổi năng lực ngành nghề.
Anh Lê Gia Bảo, hiện là Head of Merchant tại Pluxee Vietnam, một tập đoàn công nghệ uy tín cung cấp giải pháp về khen thưởng và phúc lợi. Anh có nhiều năm kinh nghiệm trong lập kế hoạch chiến lược, phân phối sản phẩm và quản lý dự án trong các lĩnh vực bán lẻ, sản xuất và đào tạo. Trong suốt hành trình phát triển, anh đã và đang liên tục học hỏi, chinh phục đa lĩnh vực và đồng hành với các nhân sự trẻ qua việc chia sẻ cái nhìn thực tiễn về phát triển sự nghiệp và năng lực phát triển đa diện.
Từ chính kinh nghiệm phát triển công việc, học tập các anh chị, người tham dự có dịp tiếp cận với những đúc kết đầy giá trị và thông suốt. Từ đó, nhân sự có thể tham khảo cách làm để xây dựng lộ trình phát triển sự nghiệp một cách bền vững trong chuỗi cung ứng.
Về tổng quan, khi vẽ “bản đồ” phát triển năng lực trong chuỗi cung ứng, nhân sự sẽ thường có các thắc mắc:
- Chuỗi cung ứng có những chức năng nào? Những chức năng này có các nhiệm vụ ra sao và yêu cầu những năng lực gì? Làm sao để biết mình phù hợp với chức năng nào?
- Công việc mình hướng tới có nằm ở đâu trong chuỗi giá trị? Vai trò và việc mình làm có tạo ra giá trị cho tổ chức hay không?
Để trả lời 2 nhóm thắc mắc trên, chị Ngọc đã gợi ý bắt đầu tìm hiểu những kiến thức nền tảng về chuỗi cung ứng và Mô hình Supply Chain Operations Reference Digital Standard (SCOR DS).
HIỂU BIẾT NỀN TẢNG VỀ CHUỖI CUNG ỨNG CHO TA BIẾT GÌ VỀ SỰ NGHIỆP NÀY?
Những kiến thức nền tảng về chuỗi cung ứng đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với những nhân sự đang tìm hiểu và định hướng bắt đầu hoặc chuyển đổi công việc trong lĩnh vực này. Hiểu rõ chuỗi cung ứng bao gồm các chức năng từ quản lý nguyên liệu thô đến khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng cuối cùng giúp nhân sự nắm bắt được toàn bộ quy trình và vai trò của từng mắt xích. Đặc biệt, sự chuyển đổi từ khái niệm chuỗi cung ứng tuyến tính sang “Supply Network” – mạng lưới cung ứng đa chiều, với tính kết nối và hợp tác chặt chẽ, yêu cầu nhân sự phải có cái nhìn toàn diện và linh hoạt hơn. Hiểu về chuỗi giá trị (Value Chain) cũng rất quan trọng, vì mọi hoạt động trong chuỗi cung ứng đều cần tạo ra giá trị cho doanh nghiệp, nếu không sẽ bị coi là lãng phí và cần được loại bỏ hoặc giảm thiểu. Ngoài ra, nắm bắt các dòng chảy trong chuỗi cung ứng như dòng sản phẩm và dịch vụ, dòng thông tin, dòng thanh toán và dòng hàng thu hồi giúp nhân sự biết cách tối ưu hóa quy trình làm việc và nâng cao hiệu quả công việc. Với những kiến thức nền tảng này và ý thức về các giá trị trong công việc, nhân sự có thể định hướng, ra quyết định tham gia công việc, tạo ra giá trị cho doanh nghiệp và phát triển sự nghiệp của mình trong lĩnh vực chuỗi cung ứng.
DỰA VÀO CÔNG CỤ NÀO ĐỂ VẼ BẢN ĐỒ NGHỀ NGHIỆP TRONG CHUỖI CUNG ỨNG?
Quản lý chuỗi cung ứng là một trong những phạm trù rộng và có vô vàn công việc, nhiệm vụ đang có và sẽ được tạo ra nhằm đáp ứng tốc độ phát triển và tạo giá trị cho kinh tế xã hội. Sẽ mất nhiều thời gian để nhân sự có thể tự trải nghiệm và khám phá niềm yêu thích của bản thân với chuỗi cung ứng khi chỉ “làm”. Thế nên, cần thiết tìm hiểu trước về các công việc chuỗi cung ứng không chỉ ở việt nam và trên toàn cầu để có cái nhìn toàn diện về các khía cạnh công việc cần nhân lực và cụ thể năng lực thực thi là gì để đáp ứng sự phát triển của các ngành trong tương. Theo chia sẻ từ chị Ngọc, ứng dụng SCOR DS Model là một cách hữu hiệu và uy tín, giúp nhân sự tìm hiểu từ tổng quan đến chi tiết nhiệm vụ của các công việc trong chuỗi cung ứng tương lai một cách toàn diện và có hệ thống.
Được tạo ra bởi ASCM (Hiệp hội Quản lý Chuỗi cung ứng), tổ chức hàng đầu Thế giới về phát triển tiêu chuẩn và phương pháp quản lý chuỗi cung ứng, SCOR DS Model là phiên bản mới nhất và cải tiến của mô hình SCOR, giúp nhân sự và tổ chức quản lý chuỗi cung ứng có cùng ngôn ngữ và nhận thức về các cách thực hành, kỹ năng, và quy trình hiệu quả trong quản lý chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Từ đó, giảm thiểu các rủi ro về chênh lệch khái niệm, giao tiếp kém hiệu quả trong thời đại chuỗi cung ứng phối hợp (Supply Chain Ochestration).
Ở khía cạnh phục vụ phát triển định hướng công việc, SCOR DS (Supply Chain Operations Reference Digital Standard) cung cấp cho người xem các mô tả và diễn giải quy chuẩn về Kỹ năng thực thi của nhân sự (People), Quy trình (Processes), Phương pháp thực hành (Practices) và Hiệu suất (Performance) trong xuyên suốt các chức năng chính yếu: lập kế hoạch (Plan), đặt hàng (Order), mua hàng (Source), sản xuất (Make), giao hàng (Deliver), và xử lý trả lại (Return) ở đa lĩnh vực trên toàn cầu. Bằng cách sử dụng SCOR DS Model, nhân sự có thể hiểu và đi đến xác định những kỹ năng và kiến thức cần thiết để hoàn thành nhiệm vụ trong mỗi giai đoạn của chuỗi cung ứng. Đồng thời đối chiếu với bản thân để xác định sự phù hợp thông qua đánh giá xem các kỹ năng có là kỹ năng tạo động lực với bản thân. Kết quả là có bản đồ những quy trình mình muốn tham gia và những kỹ năng cần thuần thục.
Thực tế không có một công thức nào phù hợp cho tất cả mọi người. Mỗi người có tính cách, sở thích và cách tiếp cận khác nhau. Tuy nhiên, khung năng lực (competency framework) sẽ giúp nhân sự chuẩn bị năng lực của mình, phù hợp với từng bước trong sự nghiệp.
KHUNG NĂNG LỰC TƯƠNG ỨNG VỚI TỪNG GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN TRONG CHUỖI CUNG ỨNG NHƯ THẾ NÀO?
Mỗi giai đoạn phát triển sự nghiệp chuỗi cung ứng đều có các nhóm năng lực tương ứng để nhân sự có thể thành công ở các giai đoạn và tạo nền cho giai đoạn tiếp theo. Thế nên, việc tìm hiểu về năng lực theo từng giai đoạn phát triển là cần thiết để bản thân có sự tập trung hiệu quả cho giai đoạn hiện tại và kế hoạch chuẩn bị năng lực cho giai đoạn tiếp theo.
Phát triển nền tảng và Giai đoạn mới đi làm
Năng lực cá nhân, nền tảng học thuật, và kỹ năng giao tiếp là điều kiện tiên quyết khi bước vào nghề, đồng thời định hình cho các giai đoạn phát triển sau này. Trong đó, những năng lực quan trọng nhất theo kinh nghiệm làm việc và quan sát từ chị Ngọc và anh Bảo là khả năng nhận thức nhu cầu của người khác (awareness of the need of others), liêm chính (integrity) và khả năng học hỏi không ngừng (continuous learning). Những tính cách này là tài sản quý và sẽ tạo giá trị không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống, giúp nhân sự ngày càng hoàn thiện, trở nên nhạy bén và luôn tiến xa hơn. Ngoài năng lực cá nhân, các kiến thức nền tảng học thuật rất quan trọng trong công việc. Hiểu biết về quản trị giúp nhân sự có cách tư duy hợp lý để nắm bắt ý nghĩa đằng sau các sự kiện và định hướng phát triển của doanh nghiệp. Nền tảng của chuỗi cung ứng có thể áp dụng cho tất cả các ngành công nghiệp và các khía cạnh công việc sau này. Hiểu được giá trị tạo ra từ đâu và kiến thức nền tảng là tiêu chuẩn giúp tiếp cận và xử lý vấn đề cũng như phát triển sự nghiệp vững vàng hơn. Cuối cùng, nhân sự cần phát triển các kỹ năng cho môi trường làm việc và tương tác chuyên nghiệp. Theo nhận định từ các diễn giả, kỹ năng giải quyết vấn đề (problem-solving), ra quyết định (decision-making), làm việc nhóm (teamwork), và chịu trách nhiệm (accountability) là những kỹ năng tối quan trọng. Những kỹ năng này cần được mài dũa từ những ngày đầu đi làm để có thể kết nối bền vững trong môi trường làm việc và trong các mối quan hệ kinh doanh.
Những nền tảng này vô cùng quan trọng và sẽ đi theo nhân sự xuyên suốt các giai đoạn tiếp theo. Khi có một nền tảng vững chắc, các năng lực chuyên môn và chuyên sâu sẽ được xây dựng nhanh chóng và hiệu quả. Ngoài ra, việc xây dựng nền tảng chặt chẽ giúp nhân sự rèn luyện thói quen quan sát bản thân, một tố chất quan trọng để điều chỉnh bản đồ phát triển phù hợp nhất. Ngược lại, thiếu sự quan sát và đối chiếu có thể dẫn đến việc xây dựng nền tảng thiếu kết nối vững chắc, gây nhiều vấn đề trong việc phát triển sự nghiệp sau này.
Phát triển công việc và Giai đoạn thăng tiến
Anh Bảo chia sẻ rằng giai đoạn mid-career là một bước ngoặt quan trọng và dễ gây ra sự đứt gãy trong sự nghiệp. Giai đoạn này đòi hỏi nhân sự không chỉ có nền tảng kiến thức, thái độ chuyên nghiệp trong công việc từ giai đoạn đầu mà còn phải phát triển khả năng quản lý. Nhân sự cần vận dụng kinh nghiệm, năng lực và kỹ năng để kiểm soát và thực hiện công việc của một nhóm.
Để thành công ở mid-career, nhân sự nhất thiết phải mở rộng tầm nhìn về nhiệm vụ và hướng đến các giá trị rộng lớn hơn, có tính ảnh hưởng đáng kể với một chức năng của chuỗi cung ứng. Theo đó, ý thức trách nhiệm và sự cam kết (ownership) của nhân sự phải đủ lớn để dẫn dắt quá trình làm việc của nhóm, và để các nhân sự trong nhóm cùng hiểu và thấy sự tác động của nhiệm vụ đội nhóm đến hiệu quả của tổ chức, doanh nghiệp, sản phẩm hoặc thị trường.
Ở giai đoạn này, nhân sự có thể xây dựng chuyên môn để quản lý thực thi hiệu quả và và để trở nên chuyên nghiệp nhờ vào phát triển hiểu biết chuyên sây về cách vận hành, tính khoa học và kỹ thuật quản lý các chức năng trong chuỗi cung ứng theo sự kết hợp giữa nghiên cứu thực tiễn kinh nghiệm, thông lệ từ doanh nghiệp và các thế hệ quản lý đi trước, đồng thời, phải xây dựng cho bản thân hệ thống hiểu biết quy chuẩn và toàn diện. Điều này giúp nhân sự có đủ kiến thức và kỹ năng cần thiết để làm việc và thực hành quản lý hiệu quả trong lĩnh vực này cũng như có khả năng vận dụng phù hợp, đáp ứng tính thay đổi của môi trường kinh doanh.
Phát triển Sự nghiệp và Giai đoạn Đỉnh cao
Giai đoạn đỉnh cao trong sự nghiệp Chuỗi cung ứng được đánh dấu bởi sự cần thiết về cái nhìn toàn diện và chiến lược về kinh doanh, vượt xa hơn những hiểu biết kinh nghiệm thông thường. Nhiều chuyên gia, trước khi hoặc khi mới bước vào vai trò lãnh đạo cấp cao, đã đầu tư xây dựng cho bản thân kiến thức đa lĩnh vực và năng lực quản trị chuyên nghiệp. Họ thực hiện điều này qua việc học tập và chinh phục các chứng nhận cấp cao, thiết lập một cái nhìn toàn thể, cho phép mở mang những khía cạnh thực tiễn đa ngành nghề. Từ đó, đúc kết những nguyên tắc tư duy cốt yếu cho việc ra quyết định chiến lược và tạo ra những ý tưởng có sức ảnh hưởng lớn đến sự phát triển dài hạn của doanh nghiệp, đồng thời lãnh đạo mạng lưới cung ứng của tổ chức và tham vấn cho các nhà quản lý đa ngành.
Khi phát triển sự nghiệp đến trước giai đoạn này, nhiều nhân sự ở cấp trưởng phòng thường băn khoăn về các chứng chỉ và khóa học cần thiết cho sự thăng tiến. Câu trả lời là kiến thức là vô tận và lựa chọn học gì phụ thuộc vào ưu tiên cá nhân. Nếu mục tiêu là chuyển hướng sang lĩnh vực mới, việc xây dựng các kiến thức nền tảng là cần thiết để kiểm tra sự phù hợp của bản thân và nhanh chóng nắm bắt những khía cạnh năng lực mới.
Nếu mục tiêu là tiến lên các vị trí cấp cao trong lĩnh vực Chuỗi cung ứng, khi kinh nghiệm còn chưa toàn diện ở mọi chức năng, việc chinh phục các chứng nhận về Quản lý hoặc Chuyển đổi Chuỗi cung ứng được công nhận toàn cầu là điều cần thiết. Những chứng nhận này giúp tăng cường hiểu biết toàn diện, phát triển tư duy khoa học ở cấp độ chiến lược và vận hành.
Ngoài ra, mỗi ngành công nghiệp và loại khách hàng đều có những nhu cầu đặc thù. Bên cạnh kiến thức chuẩn hóa về Quản lý Chuỗi cung ứng, nhân sự cần hiểu rõ đặc thù từng ngành để áp dụng các nguyên tắc chuỗi cung ứng một cách linh hoạt và hiệu quả hơn. Đây chính là chìa khóa để tiến lên đỉnh cao sự nghiệp và chinh phục đỉnh cao này trong các ngành công nghiệp khác nhau.
Khi bạn phát triển sự nghiệp lên mỗi một cấp độ cao hơn, bạn sẽ thấy rằng các năng lực cần thiết là như nhau. Vậy nên để đạt được sự viên mãn trong sự nghiệp, nhân sự cần có cái nhìn tổng quan hơn về những bước đi, những năng lực cần chuẩn bị và các cấp độ phát triển trong sự nghiệp của mình sao cho tạo giá trị cho tổ chức và cho chính mình. Để được như vậy, nhân sự cần phải tự đánh giá bản thân, xác định sự phù hợp, và những năng lực cần chuyên sâu theo giời gian.
Theo anh Bảo chia sẻ, nhân sự mới bắt đầu hoặc ở giai đoạn mid-career và đang băn khoăn về sự phù hợp của giá trị công việc với giá trị tính cách; kỹ năng cần có và kỹ năng tạo động lực cho bản thân, thì nên lưu tâm các khía cạnh cần phải suy tư để tự tìm ra câu trả lời về sự phù hợp như sau: Tính cách (Personality), Mục tiêu (Objective), và khả năng Thích ứng (Adaptability) của bản thân. Quá trình này cần thời gian để trải nghiệm, cảm nhận, và chiêm nghiệm, từ đó, điều chỉnh nhận thức về chính mình và về nhu cầu xã hội. Bằng cách này, nhân sự sẽ tăng sự tự tin khi lựa chọn con đường phát triển, cũng như sẵn sàng đối mặt với những thay đổi và thách thức trong tương lai.
Hiện nay, quá trình tuyển dụng không chỉ dựa trên mô tả công việc mà còn là khả năng bạn hiểu và mang lại giá trị cho tổ chức trong bối cảnh thay đổi liên tục. Các công ty tìm kiếm những nhân viên không những nhận thức tốt về bản thân mà phải có khả năng thích nghi để đóng góp vào sự phát triển của tổ chức.
Để phát triển khả năng thích ứng (adaptability) của bản thân trong bối cảnh tốc độ thay đổi diễn ra nhanh chóng, anh Bảo đã chia sẻ về các năng lực “meta”. Thực chất, Meta là một từ khóa mà mọi người cần nhớ với hai yếu tố quan trọng: flexibility (linh hoạt) và adapting (thích nghi). Định nghĩa của Meta trong một khung năng lực tổng thể là khả năng giúp mọi người linh hoạt và thích nghi trong nhiều môi trường làm việc khác nhau, hỗ trợ nhân sự tự phát triển trong tổ chức qua các giai đoạn khác nhau. Điều này cũng phản ánh một từ khóa quan trọng đã được đề cập từ trước: continuous learning (học tập liên tục) và là năng lự. Nếu bạn không học hỏi liên tục, không thích nghi và không dự đoán trước những điều mới, bạn sẽ bị bỏ lại phía sau. Trong một thị trường đầy cạnh tranh và biến động như hiện nay, những điểm chính này là những gì bạn cần nhớ và trang bị cho bản thân để tiến xa hơn trong sự nghiệp.
Phát triển trong chuỗi cung ứng hay bất kỳ sự nghiệp nào cũng cần sự hiểu rõ về bản thân, công việc và phương pháp vẽ bản đồ phát triển. Đặc biệt với chuỗi cung ứng, nhân sự có thể tham khảo SCOR DS để tìm hiểu về công việc, quy trình và yêu cầu năng lực, và tăng khả năng thích ứng với các năng lực “meta”. Đồng thời có cái nhìn sâu sắc về sự phát triển dài hạn qua các chặng sự nghiệp đi kèm với thách thức và yêu cầu.
Hội thảo “Supply Chain Competency Framework: Strategize Meta Competencies for Your Career” do VILAS tổ chức, chị Ngọc và anh Bảo đã kết thúc nhưng các chia sẻ được lưu lại sẽ không ngừng tạo giá trị cho những ai quan tâm đến việc phát triển sự nghiệp bền vững và khác biệt trong Chuỗi cung ứng. Việc còn lại là hành động của các bạn. Hãy xem và lưu lại những phương pháp hữu ích cho bản thân. Bằng cách này, bạn sẽ chuẩn bị tốt hơn cho con đường phía trước, sẵn sàng đối mặt với những thách thức và nắm bắt cơ hội trong tương lai.