“Sinh viên ngành logistics mới ra trường nên tham gia vào vị trí gì?”; “Đâu là lĩnh vực phù hợp cho người chưa có kinh nghiệm trong ngành Logistics?”; “Cơ hội việc làm của ngành Logistics?”;…
Đó là những băn khoăn và nỗi niềm từ các học viên mà VILAS thường xuyên nhận được. Sau đây, VILAS giới thiệu một số vị trí phổ biến phù hợp với lượng kiến thức và kinh nghiệm cho sinh viên mới ra trường của ngành Logistics.
Nhân viên kinh doanh giá cước (Sea/Air)
Nhân viên kinh doanh, hay sale, có nhiệm vụ chính là tìm kiếm khách hàng có nhu cầu xuất hoặc nhập khẩu và bán cước tàu hoặc máy bay. Khách hàng của bạn có thể là các công ty Forwarding, dịch vụ Logistics hoặc các chủ hàng trực tiếp (direct shipper).
Công việc chủ yếu:
- Xem và xin giá từ hệ thống hãng tàu, hãng máy bay
- Chào giá cước, báo giá cước vận chuyển với khách hàng (các công ty Forwarding, Logistics hoặc direct shipper); thương lượng, đàm phán với khách hàng về giá cả và các điểu khoản trong hợp đồng;
- Phát triển doanh số và thị trường phụ trách;
- Thực hiện báo cáo công việc và chịu trách nhiệm kinh doanh theo yêu cầu;
- Giải quyết các vấn đề liên quan đến hỗ trợ việc lấy bill, lấy container rỗng, …
Yêu cầu:
Kĩ năng giao tiếp là yêu cầu quan trọng nhất đối với bất kì nhân viên kinh doanh nào. Gặp gỡ, thuyết phục, đàm phán, thiết lập cũng như duy trì mối quan hệ với khách hàng là nhiệm vụ chính của nhân viên sale. Để thuyết phục khách hàng, nhân viên cần hiểu rõ thế mạnh và lĩnh vực chính của công ty nhằm tập trung vào khách hàng tiềm năng.
Thông thạo ngoại ngữ là một lợi thế lớn vì công việc sẽ thường xuyên làm việc hoặc viết mail cho khách hàng nước ngoài.
Ngoài ra, nhanh nhạy, cần cù, khéo léo và kĩ năng giải quyết vấn đề kịp thời là điểm cộng cho những ai có mong muốn phát triển trong lĩnh vực sale.
Nhân viên kinh doanh Logistics / Forwarding
Bên cạnh việc sale cước tàu/máy bay, nhân viên phải đảm nhận cả nhiệm vụ tư vấn và hoàn tất các dịch vụ vận chuyển từ hải quan xuất/nhập, trucking, thanh toán, … cho khách hàng. Khác với sale cho các hãng tàu/hàng không, khách hàng chủ yếu là các direct shipper; bên cạnh, nhân viên kinh doanh của Forwarding và Logistics đề xuất giá cước của nhiều hãng tàu/hàng không khác nhau thay vì chỉ một hãng duy nhất, sao cho phù hợp với nhu cầu và điều kiện của khách hàng;
Công việc chủ yếu:
- Hiểu rõ, quảng bá sản phẩm, dịch vụ của công ty
- Tìm kiếm và khai thác khách hàng trong ngành vận chuyển, xuất nhập khẩu, đặc biệt liên hệ với nhân viên có quyền quyết định việc xuất/nhập khẩu trong công ty khách hàng.
- Chăm sóc, phát triển nguồn khách hàng sẵn có
- Nghiên cứu, đánh giá giá cả và tình hình thị trường tiềm năng qua việc hiểu rõ thế mạnh dịch vụ của công ty (làm hàng lạnh hay khô, mạnh về tuyến vận chuyển trong khu vực châu Á, châu Âu, Trung Đông, châu Mỹ, …).
Yêu cầu:
Giao tiếp, thông thạo ngoại ngữ và tin học (Microsoft Office) là yêu cầu không thể thiếu. Một nhân viên sale Logistics/Forwarding nắm rõ kiến thức về vận tải, thủ tục và yêu cầu xuất nhập khẩu, dịch vụ Logistics thông thường, quy trình vận chuyển một lô hàng, …
Ngoài ra, kiên trì, linh hoạt trong việc liên kết các phòng ban trong công ty nhằm giải quyết và cung cấp thông tin kịp thời cho khách hàng.
Nhân viên điều phối vận tải
Đây là vị trí phổ biến mà các hãng tàu tuyển dụng. Sắp xếp lịch trình, dự báo ngày tàu chạy/cập bến, thời gian đưa bốc/dỡ hàng hóa cũng như xác định lượng hàng hóa trên tàu sao cho đảm bảo an toàn cho tàu.
Mặt khác, trong lĩnh vực dịch vụ vận chuyển, nhân viên điều phối chủ yếu chịu trách nhiệm trong việc quản lý đơn hàng và tiến trình giao hàng từ kho đến khách hàng, đảm bảo hàng hóa đến đúng nơi, đúng lúc, đúng yêu cầu của Khách hàng.
Công việc chủ yếu:
- Tiếp nhận đơn hàng hàng ngày từ kho nguồn
- Phân loại đơn hàng, soạn hàng.
- Quản lý số liệu nhập, xuất, tồn và thực hiện các công việc điều phối hàng hóa từ kho hàng đến khách hàng.
- Phân công công việc cho nhân viên giao hàng;
- Theo dõi tiến trình giao hàng.
- Theo dõi, đánh giá, phân tích được khả năng giao hàng của nhân viên.
Yêu cầu:
Kỹ năng phân tích và tổng hợp số liệu hỗ trợ trong giai đoạn soạn hàng và phân loại đơn hàng nhằm tối ưu hóa thời gian và chi phí vận chuyển, điều phối.
Ngoài ra, hoạt ngôn, có khả năng truyền đạt, tổ chức và quản lý nhóm giúp nhân viên điều phối có thể phân công việc cho bộ phận giao hàng dễ dàng, từ đó, đảm bảo hàng hóa được vận chuyển đúng nơi – vào đúng thời điểm – đến đúng khách hàng với chi phí tiết kiệm nhất.
Ngoại ngữ và tin học văn phòng cũng là yếu tố không thể thiếu cho vị trí này.
XEM THÊM: PHÂN BIỆT NGÀNH LOGISTICS, XUẤT NHẬP KHẨU VÀ NGOẠI THƯƠNG, CHUỖI CUNG ỨNG
Nhân viên chứng từ hay thủ tục hải quan / thuế xuất nhập khẩu
Đây là một trong những vị trí cơ bản mà hầu hết doanh nghiệp nào cũng tuyển dụng. Trong khi nhân viên chứng từ có tính chất văn phòng phù hợp với các bạn nữ thì thủ tục hải quan và thuế lại ưu tiên nam giới do công việc phải hoạt động ngoài trời tại cảng.
Công việc chủ yếu:
- Phối hợp với khách hàng/các phòng ban/cơ quan nhà nước để có được các tthông tin và giấy tờ cần thiết về lô hàng cho bộ phận thông quan để thông quan thành công
- Nhập chứng từ liên quan đến hàng xuất/nhập: vận đơn (B/L), giấy thông báo hàng đến (NOA), hóa đơn (invoice), packing list, giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) …
- Chịu trách nhiệm khai báo Hải quan điện tử, xử lý các chứng từ xuất nhập khẩu với các khách hàng, cơ quan hải quan và cơ quan quản lý XNK.
- Theo dõi tiến độ hàng hóa cùng với điều độ Xuất nhập khẩu cho đến khi hoàn thành lô hàng
- Tư vấn thủ tục Hải quan XNK cho khách hàng
- Đi hiện trường giao dịch với Hải quan, khách hàng
- Cập nhật thông tin văn bản pháp luật liên quan đến hàng hóa xuất nhập khẩu. Làm các báo cáo theo yêu cầu của cấp trên. Lưu trữ và theo dõi hồ sơ xuất nhập khẩu
Yêu cầu
Ngoài yêu cầu về Tiếng anh và tin học, vị trí còn liên quan đến giấy tờ và thủ tục khá nhiều, do đó, tính cẩn thận, khéo léo và có trách nhiệm là một trong những yếu tố quan trọng của nhân viên chứng từ, thủ tục hải quan và thuế.
Đối với vị trí nhân viên tư vấn thủ tục xuất nhập khẩu, khả năng giao tiếp, trình bày rõ ràng nhằm thuyết phục và duy trì mối quan hệ với khách hàng.
Chuyên viên Logistics
Đây là vị trí tổng hợp và được tuyển dụng phổ biến tại công ty cung cấp dịch vụ logistics (3PL) hoặc cả kinh doanh các mặt hàng khác. Đối với công ty này, bên cạnh phải quản lý hàng tồn kho và hoạt động phân phối, thông thường chuyên viên Logistics chịu trách nhiệm cả nhiệm vụ chuẩn bị hồ sơ, thủ tục xuất nhập khẩu, thanh toán chi phí liên quan đến vận chuyển, chứng từ, bảo hiểm hàng hóa, … hay mua và book tàu.
Công việc chủ yếu:
- Thủ tục xuất/nhập khẩu
- Theo dõi & giải quyết các phát sinh trong quá trình giao nhận hàng hóa
- Quản lý & kiểm soát hàng tồn kho, đảm bảo sản phẩm vẫn còn hạn sử dụng và đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
- Kiểm soát chi phí lưu kho, vận chuyển hàng hóa cũng như các phí liên quan đến thủ tục xuất/nhập khẩu.
Yêu cầu:
Thông thạo ngoại ngữ thứ hai luôn là điều kiện tiên quyết cho vị trí này. Bên cạnh, lĩnh vực này luôn đòi hỏi kiến thức chuyên ngành vững cùng kĩ năng giải quyết, phân tích vấn đề, linh hoạt trong công việc cao.
Biết liên kết giữa các phòng ban nhằm cân bằng giữa chi phí và tối ưu trong vận hành là yếu tố chính của chuyên viên Logistics.
Kết luận
Với ngành Logistics nói riêng và bất cứ ngành nghề nào đi chăng nữa, ngoại ngữ và kĩ năng giải quyết và xử lí vấn đề luôn là yếu tố ưu tiên hàng đầu trong việc tuyển dụng. Do đó, không ngừng học hỏi và rèn luyện những khả năng này giúp bạn dễ dàng vượt qua các cuộc phỏng vấn thử thách nhất. Ngoài ra, xây dựng một nền tảng kiến thức vững chắc từ cơ bản đến chuyên sâu, bạn sẽ đứng vững trong lĩnh vực tiềm năng và năng động nhất hiện nay cũng như mở rộng cơ hội tiến xa sự nghiệp của mình. Cuối cùng, VILAS mong rằng các bạn xác định ngành nghề mình phù hợp nhất, sẵn sàng trải nghiệm và theo đuổi đam mê đến cùng nhé!
Chúc các bạn luôn thành công!