Warehouse Production Supply Chain Tin tức - Kiến thức - Sự kiện

Những sự kiện đáng nhớ của Chuỗi cung ứng toàn cầu năm 2018

2018 là năm đầy biến động với Chuỗi cung ứng toàn cầu. Từ những sự kiện chính trị như chiến tranh thương mại, Brexit cho đến những ông lớn đã làm xoay chuyển xu hướng trên toàn cầu, tất cả đều tác động và buộc Chuỗi cung ứng phải chuyển mình để đáp ứng. Cùng VILAS điểm lại những sự kiện đó nhé:

 

Hoa Kỳ và cuộc chiến tranh thương mại không hồi kết

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Chính phủ Hoa Kỳ đã áp đặt thuế lên thép và nhôm vào tháng 3/2018, đe dọa đến nền thương mại của Canada và Mexico. Một trong những điều khoản đáng chú ý nhất là quy định xuất xứ ô tô phải có ít nhất 75% bộ phận được sản xuất tại Bắc Mỹ. Ngoài ra, 40 – 45 % ô tô sẽ phải được gia chế bởi những người lao động với mức lương ít nhất 16 USD/giờ, nhằm bảo toàn công việc cho những người công nhân Hoa Kỳ.

 

Giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng thiết lập nhiều chính sách thuế quan để trả đũa lẫn nhau. Để nổ phát súng đầu tiên vào tháng 7, Hoa Kỳ bắt đầu áp mức thuế 25% với 818 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Ngay sau đó, Hoa Kỳ công bố kế hoạch đánh thuế tiếp theo nhằm vào lượng hàng hóa trị giá 16 tỷ USD khác từ Trung Quốc với 284 mặt hàng. Đáp trả, Trung Quốc đánh thuế 25% với 545 mặt hàng nhập khẩu từ Hoa Kỳ với trị giá 34 tỷ USD. Trọng tâm trong đợt đánh thuế đáp trả của Trung Quốc là các sản phẩm nông nghiệp, ô tô và thủy sản. Theo sau là hàng loạt đợt đánh thuế mới đe dọa đến kinh tế toàn cầu cho đến khi cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo 2 nước được diễn ra ngày 6/12, Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tuyên bố ngừng chiến tranh thương mại với thời hạn 90 ngày để giải quyết những khác biệt giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thời hạn Hoa Kỳ nâng thuế 25% với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc cũng được lùi lại từ ngày 1/1/2019 đến tháng 3/2019.

 

Giữa cuộc chiến không hồi kết trên, các chuyên gia đã nhận ra xu hướng Samsung và các công ty chuyển hướng sản xuất sang khu vực Đông Nam Á sẽ trỗi dậy như những người hưởng lợi lớn từ cuộc chiến thương mại trong năm 2019.

 

Anh Quốc và câu chuyện Brexit

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Sau cuộc trưng cầu dân ý vào năm 2016, 52% số phiếu đã buộc Anh rời khỏi EU. Nếu cho đến 29/03/2019 và không có bất cứ động thái nào từ phía chính phủ, Anh sẽ phải phải tách khỏi Liên minh châu Âu, đối mặt với sự tăng vọt về thuế quan và rơi vào tình trạng suy thoái.

 

Với Chuỗi cung ứng toàn cầu, sự kiện này còn tác động mạnh đến hoạt động Logistics không chỉ ở khu vực UK, Châu Âu mà còn cả Bắc Mỹ. Một ví dụ về vấn đề này là các tàu biển đi từ Rotterdam, Hamburg và các cảng châu Âu khác hội tụ tại Cảng Felixstowe ở Anh (nơi đóng vai trò là điểm hợp nhất), tại đây các container LCL sẽ kết hợp với các LCL khác, và sau đó vận chuyển như các lô hàng đầy container đến Bắc Mỹ. Brexit xảy ra cũng đồng nghĩa rằng hoạt động thường lệ này sẽ trở nên đắt đỏ hơn, khiến hành trình vận chuyển hàng hóa từ châu Âu đến Bắc Mỹ trở nên khó khăn hơn.

 

Các bạn có thể tìm hiểu thêm về sự kiện này tại bài viết sau 

 

Amazon – Gã khổng lồ đi trước thời đại

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Sau màn thâu tóm Whole Food năm 2017, vào tháng 3/2018, Amazon đã tìm kiếm các địa điểm lớn hơn cho Whole Food để có thể phục vụ như cửa hàng tạp hóa và cả trung tâm phân phối để giao hàng cho người mua hàng trực tuyến. Theo các nguồn tin, Whole Food cũng đã thực hiện một dự án để chuyển đổi bãi đỗ xe tại các cửa hàng hiện tại thành các quầy hàng để các nhà thầu giao hàng của Amazon tải đơn đặt hàng của họ. Có thể nói Amazon đang ngày càng tiến gần hơn đến mục tiêu “tham gia vào tất cả các hoạt động kinh tế” trên thị trường.

 

2018 cũng đánh dấu những bằng sáng chế mới mẻ và kì lạ của Amazon, kho hàng trên không là ví dụ rõ ràng nhất. Công ty đạt được bằng sáng chế cho các cánh tay robot sử dụng các cảm biến để xác định các vật thể, tìm ra cách tốt nhất để có thể nâng nó lên, tính toán quỹ đạo cần thiết và “ném” vào đúng vị trí cần thiết. Một bằng sáng chế năm 2018 khác là một công nghệ phát ra sóng âm để theo dõi cử động tay của nhân viên khi đến gần các thùng hàng và cung cấp những phản hồi xúc giác (haptic feedback) để chỉ dẫn công nhân về đúng thùng hàng. Mục đích mà Amazon đưa ra là giúp công nhân có thể hoàn thành đơn hàng nhanh hơn, loại bỏ sai sót và những động tác thừa.

 

Cuộc đua của các nhà bán lẻ chạy đua với Amazon trong vận chuyển tức thời

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Tháng 1, Walmart đã nộp bằng sáng chế mang tên là “Fresh Online Experience”, cho phép khách hàng xem xét từng mặt hàng tươi sống từ xa trước khi mua hàng. Sau khi khách hàng chấp nhận mặt hàng, dấu watermark sẽ được thêm vào để xác nhận rằng đó là mặt hàng khách hàng muốn khi họ nhận đơn đặt hàng.

 

Tháng 2, Sam’s Club hợp tác cùng Instacart để vận chuyển hàng trong ngày tại một vài điểm trên toàn quốc. Đến hết tháng 10, 2 hãng đã bao phủ hơn 1,000 địa điểm và giao hàng chỉ trong vòng 1 giờ.

 

Target cũng không đứng ngoài cuộc đua khi cho phép miễn phí vận chuyển cho những đơn hàng trên 35 USD trong thời gian 2 ngày. Công ty cũng mở rộng dịch vụ cho phép khách hàng đặt hàng online và nhân viên sẽ đưa hàng lên xe khách hàng ngay khi họ vừa đến nơi.

 

Trong tháng 11, Pizza Hut công bố hợp tác với Toyota để thực hiện một dự án: Tundra PIE Pro, xe tải được cải tiến, trang bị robot làm bánh pizza chỉ trong bảy phút khi đang trên đường vận chuyển đến nhà của khách hàng. Đầu tháng 12 vừa rồi, Walgreens và FedEx bắt tay phép vận chuyển ngay trong ngày hôm sau trên phạm vi quốc gia. Tháng 6, CVS cũng công bố dịch vụ tương tự nhưng chỉ có ở một vài thành phố.

 

Tác động của Uber đến Chuỗi cung ứng

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Tháng 8, Uber Freight đã phát hành Uber Freight for Shippers, một nền tảng ứng dụng cung cấp quyền truy cập cho các nhà mạng để minh bạch hóa lô hàng. Ứng dụng tạo điều kiện cho việc đăng tải, nhận báo giá về đơn hàng và thông báo cho người gửi thông tin như thời gian để lấy đơn hàng và vị trí GPS của lô hàng… Mục tiêu Uber Freight là thoát khỏi hình ảnh chỉ đơn giản là một dịch vụ kết nối. Thay vào đó, công ty đã đổi mới với các chương trình như “Take me Home” giúp các tài xế xác định được tải hàng đổi trả trên đường về nhà kho. Tương tự, vào tháng 10, Uber Technologies đã công bố Powerloop cho thuê xe rơ mooc (trailer) với giá 25 USD/ngày. Chương trình tổng hợp này cho phép các đội xe, đặc biệt là các chủ sở hữu nhỏ, truy cập vào các xe có sẵn trong mạng lưới Powerloop, giúp cắt giảm thời gian giữ hàng tại nơi người gửi lẫn người nhận. 

 

Chi phí cho lao động ngành Logistics tăng vọt

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Walmart, vốn nổi tiếng vì sự kén chọn tài xế và chỉ tuyển những người đã có kinh nghiệm từ 30 tháng đến 36 tháng, tuy nhiên công ty đã phải rút ngắn quy trình tuyển dụng lẫn chỉ tiêu để xử lý tình trạng thiếu hụt tài xế. Một trong những lý do khiến tỷ lệ tài xế nghỉ việc nhiều hơn đó là quy định áp dụng ELD trong năm nay. Trước khi quy định tích hợp ELD diễn ra, tài xế có thể “ăn gian” vài dặm bằng cách không ghi lên báo cáo về thời gian chờ đợi, tắc nghẽn giao thông hoặc phải đi tuyến đường khác. Bây giờ, ELD tự động ghi lại thời gian đó, giảm quãng đường mà tài xế có thể đi theo quy định. Sự giám sát nghiêm ngặt đã dẫn đến một số trường hợp tài xế bị cắt đi 10% chặng đường hay hơn 100 USD/ngày do năng suất mất đi. Lí do khác có thể kể đến là sự già hóa dân số. Tại Mỹ, những tài xế được trả 41,000 USD/năm đều đã hơn 55 tuổi và đi hơn 10 tiếng một ngày, lối sống này không hề hấp dẫn đối với thế hệ millennial.

 

ELD: Electronic Logging Devices, là hệ thống sử dụng bằng máy tính bảng dùng để ghi lại quá trình làm việc của các xe tải, thay vì sử dụng sổ sách và hệ thống AOBRD (Automatic On-Board Recording Device) như trước.

 

Chuỗi cung ứng bền vững – Xu hướng tất yếu trong thời đại mới

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Tất cả các nhà máy Budweiser tại Mỹ đều sử dụng năng lượng điện và đưa logo năng lượng sạch lên thương hiệu của mình. Công ty Hershey bắt tay chống lại nạn phá rừng xuyên suốt Chuỗi cung ứng ca cao của hãng và hỗ trợ tái tạo rừng cho những khu vực khai thác. Unilever cũng trở thành hãng hàng tiêu dùng đầu tiên tiết lộ và minh bạch thông tin về nguồn và những đối tác cung cấp dầu cọ. Hay gần đây nhất, Target, H&M và hơn 41 nhãn hàng lớn khác đã công bố UN Fashion Industry Charter for Climate Action – Điều lệ Liên Hợp Quốc về các tác động biến đổi khí hậu trong ngành Công nghiệp Thời trang, hướng tới ngành công nghiệp thời trang không rác thải trước năm 2050.

Nhiều công ty 3PL công bố kế hoạch sử dụng xe tải chạy bằng điện như IKEA cam kết dịch vụ vận chuyển không khí thải đến 5 thành phố lớn Amsterdam, Los Angeles, New York, Paris, và Thượng Hải trong năm 2020. Cảng Los Angeles cũng tiến hành thử nghiệm máy kéo Kenworth T680 chạy bằng năng lượng hydrogen và trạm tiếp nhiên liệu hydrogen mới gần cảng.

 

Thiên tai – Kẻ thù mới của Chuỗi cung ứng

 

Chuỗi cung ứng 2018

 

Năm 2018 các doanh nghiệp không chỉ phải cạnh tranh nhau để đáp ứng nhu cầu hàng hóa khổng lồ mà còn phải đối mặt với những yếu tố không lường trước được của thiên nhiên đến Chuỗi cung ứng. Cùng với nó, các chiến lược outsourcing, offshoring và sản xuất tinh gọn đã giúp thu hẹp khoảng cách giữa các thị trường và gia tăng nguy cơ bị ảnh hưởng mỗi khi có biến động.

 

Coca-Cola và Mars, Inc. tiên phong trong việc tham gia vào Climate-Resilient Value Chains Leaders Platform. Như tên gọi của nền tảng, mục tiêu của tổ chức này là giúp các công ty xây dựng Chuỗi cung ứng linh hoạt hơn bằng cách xác định và giảm thiểu rủi ro khí hậu.

 

Tại Việt Nam cũng chứng kiến một xu hướng mới: Sự bùng nổ của Startup

 

Năm 2018, phong trào khởi nghiệp tại Việt Nam diễn ra sôi động, thu hút sự chú ý của các quỹ đầu tư lớn trong và ngoài nước với nhiều thương vụ gọi vốn thành công hàng triệu USD. Chính phủ cũng chính thức ban hành Nghị định 38 quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo. Đây được coi là bước tiến lớn trong việc tạo hành lang pháp lý đối với các nhà đầu tư tham gia vào hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam, giúp khơi thông nguồn vốn cho startup.

 

Startup về Chuỗi cung ứng nổi bật nhất trong năm qua có lẽ là Abivin, công ty cung cấp phần mềm quản lý vận tải tối ưu, có thể giúp các công ty khách hàng tiết kiệm 30% chi phí Logistics. Tự tin với thuật toán có thể giảm số lượng xe giao hàng từ 14 xe ban đầu xuống còn 9 xe mà vẫn đảm bảo hàng loạt các điều kiện khắt khe, Abivin có thể giúp chủ doanh nghiệp quản lý được quy trình vận hành trong Chuỗi cung ứng, điều các công ty phần mềm khác chưa và khó có thể làm được.

 

Đây chỉ là một trong số ít các công ty trong làn sóng startup về công nghệ phục vụ cho hoạt động cung ứng tại Việt Nam. Với sự quan tâm và mạnh tay đầu tư từ chính phủ cũng như các quỹ đầu tư mạo hiểm, các đối tác từ nước ngoài, dự đoán năm 2019 xu hướng này sẽ còn phát triển mạnh mẽ nữa.

 

Theo supplychaindive.com, cafef.vn, vlr.vn & forbes.com

 


Xem thêm các chương trình đào tạo về Chuỗi cung ứng