Tóm tắt:
Theo hãng tin AFP, Ủy ban Y tế Quốc gia (NHC) Trung Quốc, ngày 7/4/2020, lần đầu tiên kể từ khi bắt đầu công bố số liệu dịch bệnh Covid-19 vào tháng 1/2020, nước này không ghi nhận ca tử vong nào theo ngày. Trung Quốc về cơ bản đã kiểm soát được dịch, theo đó một số cửa khẩu những ngày qua đã thông quan trở lại, thì tại các quốc gia như Lào, Campuchia,… dịch Covid-19 đang có những chuyển biến phức tạp. Do đó, việc xuất khẩu các mặt hàng nông sản – vốn là thế mạnh của Việt Nam qua đường biên giới chắc chắn sẽ gặp nhiều thách thức. Vậy bài toán hiện nay là làm sao để người nông dân và doanh nghiệp có thể nỗ lực vượt khó, gỡ bỏ “nút thắt cổ chai” và tìm hướng đi mới cho hàng nông sản xuất khẩu sang các thị trường này. Đặc biệt là đối với Việt Nam, nông sản là nhóm hàng xuất khẩu truyền thống sang Trung Quốc, luôn chiếm tỷ trọng khá lớn (khoảng 20%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này (Theo Bộ công thương).
Giới thiệu:
Vận tải xuyên biên giới (hay vận tải hàng hóa bằng xe liên vận) là hình thức vận tải hàng hóa rút ngắn thời gian hơn so với vận tải đường biển, đồng thời giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí hơn khi vận tải bằng đường hàng không. Theo ông Đinh Hữu Thạnh, Tổng giám đốc Bee Logistics chia sẻ, hành lang kinh tế Đông – Tây dựa trên tuyến giao thông đường bộ dài 1.450 km. Việc kết nối hành lang kinh tế Đông – Tây với hành lang kết nối với Trung Quốc sẽ đem lại hiệu quả về thời gian và chi phí cho các khu vực, các tỉnh thuộc hành lang kinh tế Đông – Tây và vùng phụ cận.
Trong những năm qua, vận tải hàng hóa xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc luôn đóng một vai trò quan trọng trong thương mại giữa hai nước. Năm 2016, Việt Nam và Trung Quốc tái ký kết “Hiệp định thương mại biên giới Việt – Trung”, thúc đẩy thương mại qua biên giới giữa hai quốc gia. Ngoài ra, các thủ tục pháp lý ở khu vực biên giới cũng đã được cải thiện đáng kể nhằm rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhận định rằng, thị trường Trung Quốc là khu vực quyết định, chi phối đầu ra sản phẩm nông sản Việt Nam trong năm 2020, do đó, cần tập trung nguồn lực để khai thác.
1. Tác động của Covid-19 lên nông sản Việt xuất khẩu
Theo Tổng cục Thống kê, Trung Quốc chính là thị trường duy nhất tăng trưởng về xuất khẩu hàng nông sản trong tháng 1/2020 đạt 3,7 tỷ USD, tăng 32,8% so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch Covid-19 và các biện pháp quyết liệt của chính phủ Trung Quốc trong việc ứng phó với đại dịch này, xuất khẩu của Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trong bối cảnh ấy, một số loại trái cây đã vào vụ, nhưng không có đơn hàng mới do khách mua Trung Quốc không sang được Việt Nam. Song song đó, việc đàm phán mở rộng thị trường nông sản đã và đang phải đối mặt với nhiều rào cản, bởi từ trước đến nay, Việt Nam chỉ xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc 9 mặt hàng, gồm thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Các mặt hàng khác như sầu riêng, chanh leo,… nhiều khả năng sẽ bị đình trệ.
Các mặt hàng nông sản của Việt Nam chịu sức ép rất lớn về thời gian và điều kiện bảo quản nên rất khó xoay chuyển dù chỉ với một tác động nhỏ đến lộ trình vận chuyển dự kiến. Đặc biệt, nông sản khi xuất khẩu cần đáp ứng các tiêu chuẩn và quy định khắt khe của nước sở tại, chẳng hạn ở các thị trường như Hoa Kỳ, Nhật Bản, EU. Bên cạnh đó, Việt Nam có ít quốc gia nhập khẩu chính thức và sản phẩm không đáp ứng được các tiêu chuẩn thông thường về truy xuất nguồn gốc, nhãn mác, bao bì…, trong khi Trung Quốc vốn là thị trường đầy tiềm năng, nới lỏng về quy định nhập hàng nông sản hơn so với các quốc gia khác.
Việc nhiều container chở nông sản xuất sang các cửa khẩu giáp biên giới Trung Quốc như Tân Thanh, Hữu Nghị,… bị ùn ứ những ngày qua do tác động của Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng không nhỏ. Cụ thể, tại nhiều địa phương, giá các mặt hàng nông sản như thanh long, dưa hấu – hai mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang Trung Quốc đang bị rớt giá nhanh do thương lái ngừng gom mua. Một số hộ dân phải phụ thuộc vào thương lái để bán nông sản, số khác phải vay nguồn vốn từ bên ngoài xã hội để đầu tư canh tác mọi công đoạn, đặc biệt là việc áp dụng công nghệ mới. Việc tốn thêm chi phí bảo quản nông sản, chi phí vận chuyển,.. và nhất là giá bán không cao, đã và đang khiến người nông dân chịu thiệt hại nặng nề.
2. Những rào cản cho nông sản Việt xuất khẩu hiện nay
Mặc dù là một quốc gia nông nghiệp, xuất khẩu nông sản thuộc nhóm đầu thế giới nhưng nước ta vẫn đang xuất khẩu nông sản hầu hết dưới dạng thô, giá trị hàng hóa thấp hơn các sản phẩm cùng loại của những quốc gia khác. Không khó để ta bắt gặp hình ảnh “Giải cứu nông sản” đang diễn ra trong thời gian gần đây. Nông sản Việt đứng trước mối lo không tìm được đầu ra, người nông dân có nguy cơ mất hết vốn liếng. Song song đó, vẫn còn một lượng lớn nông sản chiếm tỉ trọng lớn như sầu riêng, thanh long, dưa hấu,… cần sự cứu trợ của cộng đồng. Ngoài ra, việc tự phát mở rộng diện tích cây trồng ngoài quy hoạch tiếp tục xảy ra tại nhiều địa phương. Người nông dân thường có tâm lý chuộng lợi nhuận trước mắt hoặc làm theo số đông. Đây là nguyên nhân tiềm ẩn nhiều rủi ro khi nguồn cung nông sản vượt cầu, sản phẩm dư thừa, ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp. Thêm vào đó, nông sản Việt với đặc tính thời vụ, trong khi các biện pháp bảo quản còn lạc hậu, năng lực dự trữ và công nghệ chế biến hạn chế. Ngoài ra, theo Bộ NN&PTNT, chỉ tính riêng ngày nông sản, chi phí logistics đã lên tới 30%. Chi phí logistics cao khiến giá cả nông sản bị đẩy lên cao, giảm sức cạnh tranh trên thị trường. Điều này khiến cả nông dân và doanh nghiệp dịch vụ logistics đều thiệt thòi, vì lợi nhuận giảm, khó tiêu thụ sản phẩm.
Song song đó, tại Đồng bằng sông Cửu Long – vốn là vựa nông sản lớn nhất cả nước, đã và đang phải đối mặt với tác động kép từ hạn mặn khốc liệt nhất từ trước đến nay. Dù các địa phương đã rút kinh nghiệm từ những đợt hạn, mặn trước đây nhưng vẫn không tránh được thiệt hại.
Không chỉ cây lúa, tại các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể tại Bến Tre, khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống “báo động đỏ” khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt. Đến đầu tháng 3, đã có nhiều vườn sầu riêng bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới. So với năm 2016, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp độ rủi ro cao hơn, gây ra nhiều thiệt hại hơn.
Không chỉ cây lúa, tại các tỉnh thành khu vực đồng bằng sông Cửu Long, cụ thể tại Bến Tre, khoảng 20.000ha cây ăn trái được đặt trong tình huống “báo động đỏ” khi nguồn nước tưới bị thiếu hụt. Đến đầu tháng 3, đã có nhiều vườn sầu riêng bị chết nhánh, khô lá, rụng trái do lâu ngày không được tưới. So với năm 2016, hạn mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long ở cấp độ rủi ro cao hơn, gây ra nhiều thiệt hại hơn.
3. Gỡ rối cho nông sản Việt xuất khẩu
Bên cạnh các nguyên nhân chủ quan về chi phí logistics, khâu bảo quản còn nhiều hạn chế,… thì nông sản Việt còn chịu thách thức lớn do hạn mặn xâm nhập kéo dài. Tuy nhiên, cùng với sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cũng như những biện pháp khắc phục đồng bộ, hạn mặn vừa qua cũng đã có những chuyển biến tích cực. Đây được xem là cơ hội để nước ta từng bước giải quyết những khó khăn, gỡ rối cho hàng nông sản xuất khẩu.
Dịch Covid-19 cũng đã đặt ra mối lo ngại về an ninh lương thực. Ngày 24/3/2020, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Mai Xuân Thành đã ký công điện hỏa tốc gửi các cục hải quan các tỉnh thành, Cục Quản lý rủi ro và Cục Điều tra chống buôn lậu về việc tạm dừng thông quan gạo xuất khẩu. Theo văn bản này, Tổng cục Hải quan yêu cầu các cục Hải quan các tỉnh, thành phố tạm dừng việc đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo xuất khẩu dưới mọi hình thức kể từ 0 giờ ngày 24/3/2020. Tuy nhiên, sau khi cân nhắc các yếu tố cùng sản lượng gạo đạt được trong thời gian qua, Bộ Công thương kiến nghị phương án xuất khẩu gạo có kiểm soát nhưng vẫn đảm bảo sản xuất và tăng trưởng kinh tế. Việc này được dự báo sẽ giúp các doanh nghiệp hạn chế những thiệt hại do vi phạm hợp đồng cũng như giữ ổn định giá gạo trên thị trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng đề xuất điều chỉnh sản xuất nông nghiệp, tăng cường chế biến, bảo quản, lưu thông để linh hoạt thích ứng với bối cảnh dịch bệnh; thuận lợi hóa thông quan, hạ tầng logistics; thúc đẩy toàn diện tiêu thụ trong nước. Công văn số 808/VPCP-KTTH và Công điện số 224/CĐ-TTg, Bộ Công thương đã kiến nghị Thủ tướng cho phép mở lại các cửa khẩu phụ trên toàn tuyến biên giới Việt Nam – Trung Quốc. Việc khống chế được dịch bệnh cùng với các chính sách khôi phục nền kinh tế được đồng bộ của Trung Quốc sẽ là cơ hội cho việc tiêu thụ hàng hóa, trong đó có nông sản. Hiện nay các hoạt động xuất nhập khẩu nông sản từ Việt Nam sang Trung Quốc đã trở lại bình thường. Tuy nhiên, nếu so sánh với thời điểm cùng kỳ năm 2019 khi chưa có bùng phát dịch, lượng nông sản xuất khẩu hằng ngày vẫn ít hơn khoảng 40% (theo Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT)).
Kết luận:
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã khiến các chuỗi cung ứng bị đứt gãy hàng loạt, trong đó có các chuỗi cung ứng nông sản; khủng hoảng kinh tế đã xảy ra và còn kéo dài không dưới 2 năm theo dự báo của nhiều chuyên gia; lượng người thất nghiệp tại các thành phố và khu công nghiệp sẽ đổ về quê với số lượng lớn. Do tác động kép của dịch Covid-19, nạn hạn hán, ngập mặn và nhiều yếu tố, tốc độ đầu tư và phát triển hiệu quả của các doanh nghiệp lớn vốn được kỳ vọng làm lực lượng trụ cột của chiến lược phát triển nông nghiệp chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và khó đạt được mục tiêu như dự kiến. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn đã quan tâm và triển khai dự án đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có những doanh nghiệp hàng đầu thế giới về tôm, cá tra, lúa gạo, cà phê, v.v… Hệ thống doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn đã hình thành với trên 50 nghìn doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, bao gồm cả sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, kinh doanh vật tư nông nghiệp, nông sản, các dịch vụ phục vụ phát triển nông nghiệp, trong đó khoảng 10.200 doanh nghiệp trực tiếp đầu tư phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản. Tuy nhiên, sự phát triển của các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp còn rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế phát triển, nên việc mở đường cho nông sản Việt vươn ra thị trường quốc tế, tìm kiếm những hướng đi thay thế,… chắc chắn là bài toán không mấy dễ dàng cho các doanh nghiệp, trong bối cảnh dịch bệnh và thiên tai hoành hành như hiện nay.
Tổng hợp và Biên soạn: Thông Nguyễn
Nguồn tham khảo:
(1) Nghị định số 34/2014/NĐ-CP của Chính phủ. [Accessed 29 Apr 2014]
(2) Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia. [Accessed 2 Mar 2020]
(3) Công văn số 03/TCHQ về việc tạm dừng đăng ký, tiếp nhận và thông quan đối với các lô hàng gạo dưới mọi hình thức từ 0 giờ ngày 24/3/2020. [Accessed 24 Mar 2020]
(4) Tổng cục Thống kê. Available at: https://www.gso.gov.vn/
(5) Long Vũ (2020). Mở hướng mới cho nông sản nếu Trung Quốc tiếp tục đóng cửa khẩu. Available at: https://laodong.vn/kinh-te/mo-huong-moi-cho-nong-san-neu-trung-quoc-tiep-tuc-dong-cua-khau-781957.ldo [Accessed 3 Feb 2020]
(6) Nguyễn Huy Viện (2020). ‘Giải cứu’ nông sản nhưng cũng cần các giải pháp căn cơ cho nông nghiệp. Available at: https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/giai-cuu-nong-san-nhung-cung-can-cac-giai-phap-can-co-cho-nong-nghiep-617598.html [Accessed at 19 Feb 2020]
(7) Thái Thuần (2020). Xuất khẩu tiếp tục khó khăn khi Trung Quốc siết chặt quản lý cửa khẩu. Available at: https://www.vietnamplus.vn/xuat-khau-tiep-tuc-kho-khan-khi-trung-quoc-siet-chat-quan-ly-cua-khau/632993.vnp [Accessed 7 Apr 2020]