Logistics

Thanh toán quốc tế (phần 2)

II. Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ

Phương thức tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán trong đó theo yêu cầu của khách hàng, một ngân hàng sẽ phát hành một bức thư (gọi là thư tín dụng – Letter of Credit) cam kết trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu cho một bên thứ ba khi người này xuất trình cho ngân hàng bộ chứng từ thanh toán phù hợp với những điều kiện và điều khoản quy định trong thư tín dụng.

Thư tín dụng (Letter of Credit): Thư tín dụng là một bản cam kết trả tiền do Ngân hàng phát hành (Ngân hàng mở L/C) mở theo chỉ thị của người Nhập khẩu (người yêu cầu mở L/C), để trả một số tiền nhất định cho người Xuất khẩu (người thụ hưởng) với điều kiện người đó phải thực hiện đầy đủ những quy định trong L/C.

1. Các bên tham gia giao dịch thanh toán

  • Người yêu cầu phát hành thư tín dụng (Applicant): Đó chính là người nhập khẩu hàng hóa: Người nhập khẩu hàng hóa hoặc là người nhập khẩu hàng hóa ủy thác cho người khác
  • Ngân hàng phát hành thư tín dụng (Opening bank): Là ngân hàng đại diện cho người nhập khẩu, cấp tín dụng cho người nhập khẩu.
  • Người được hưởng lợi thư tín dụng (Beneficiary): Là người xuất khẩu: người xuất khẩu hay bất cứ người nào mà được hưởng lợi chỉ định.
  • Ngân hàng thông báo (Advising bank): Là ngân hàng ở nước được hưởng lợi.

Ngoài ra còn một số chủ thể khác như:

  • Ngân hàng xác nhận (Confirming bank): là ngân hàng mà theo yêu cầu của ngân hàng phát hành cùng đứng ra cam kết thanh toán với ngân hàng phát hành trong trường hợp người xuất khẩu không tín nhiệm ngân hàng phát hành, họ muốn có một sự đảm bảo chắc chắn hơn về L/C thì họ có thể yêu cầu thư tín dụng phải được xác nhận bởi một ngân hàng khác
  • Ngân hàng được chỉ định (Nominated bank): là ngân hàng xác nhận hoặc bất cứ ngân hàng nào khác được ngân hàng ủy nhiệm để khi nhận bộ chứng từ xuất trình phù hợp với những quy định trong L/C sẽ thanh toán, chấp nhận hối phiếu kỳ hạn, thương lượng thanh toán. Sau đó, các ngân hàng này sẽ đứng ra đòi tiền ngân hàng phát hành.
  • Ngân hàng thanh toán (The paying bank): ngân hàng mở thư tín dụng hoặc ngân hàng khác được ngân hàng mở thư tín dụng chỉ định thay mình thanh toán trả tiền hay chiết khấu hối phiếu cho người xuất khẩu.
  • Ngân hàng thương lượng (The negotiating bank): là ngân hàng đứng ra thương lượng cho bộ chứng từ thường cũng là ngân hàng thông báo L/C. Trường hợp LC quy định thương lượng tự do thì bất kỳ ngân hàng nào cũng có thể là ngân hàng thương lượng. Tuy nhiên, cũng có trường hợp L/C quy định thương lượng tại một ngân hàng nhất định.

2. Các hình thức thanh toán tín dụng chứng từ

Quy trình thực hiện phương thức thanh toán tín dụng chứng từ

(1) Nhà nhập khẩu làm giấy đề nghị mở L/C và nộp vào ngân hàng các giấy tờ cần thiết, thực hiện ký quỹ theo yêu cầu để ngân hàng phát hành L/C cho người xuất khẩu hưởng lợi.

 

(2) Ngân hàng mở L/C theo yêu cầu và chuyển tới ngân hàng đại lý của mình ở nước xuất khẩu.

 

(3) Ngân hàng thông báo chuyển L/C bản gốc tới cho nhà xuất khẩu để đánh giá khả năng thực hiện L/C của mình và đề nghị tu chỉnh khi cần.

 

(4) Nhà xuất khẩu giao hàng theo đúng quy định của L/C và các văn bản tu chỉnh L/C (nếu có).

 

(5) Người xuất khẩu lập bộ chứng từ theo đúng quy định của L/C và các văn bản tu chỉnh (nếu có) xuất trình cho ngân hàng đúng thời hạn quy định.

 

(6) Ngân hàng đại lý sau khi kiểm tra tính hợp lệ của bộ chứng từ thì chuyển tới ngân hàng phát hành (hoặc ngân hàng thanh toán).

 

(7) Ngân hàng phát hành thư tín dụng kiểm tra bộ chứng từ thanh toán:

  • Nếu thấy không phù hợp với quy định của L/C thì từ chối thanh toán và gửi trả bộ chứng từ cho người xuất khẩu;
  • Nếu thấy phù hợp với quy định của L/C thì tiến hành trả tiền hoặc chấp nhận hối phiếu (đối với L/C trả chậm).

(8) Người xuất khẩu nhận được tiền.

 

(9) Ngân hàng phát hành thư tín dụng trao bộ chứng từ cho nhà nhập khẩu và phát lệnh đòi tiền nhà nhập khẩu.

 

(10) Nhà nhập khẩu kiểm tra bộ chứng từ:

  • Nếu thấy phù hợp với quy định của L/C thì đến ngân hàng làm thủ tục thanh toán, ngân hàng phát hành ký hậu bộ chứng từ cho đi nhận hàng;
  • Nếu thấy không hù hợp với quy định của L/C thì nhà nhập khẩu có quyền từ chối thanh toán.

Nhận xét

  • Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là phương thức thanh toán sòng phẳng đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên xuất khẩu và nhập khẩu . Bên xuất khẩu được ngân hàng đứng ra cam kết trả tiền còn bên nhập khẩu nhận đầy đủ, kịp thời và chính xác hàng hóa đặt mua trước khi trả tiền. Trong phương thức này, ngân hàng đóng vai trò chủ động thanh toán chứ không chỉ làm trung gian đơn thuần.
  • Tuy nhiên, phương thức thanh toán tín dụng chứng từ chỉ có thể sử dụng trong quan hệ thanh toán mậu dịch còn trong thanh toán phi mậu dịch thì vẫn phải dùng phương thức chuyển tiền hoặc nhờ thu.

 

Tổng hợp và Biên soạn: Thanh Thúy

 

  • Nắm bắt toàn diện hệ thống Logistics
  • Thiết kế giải pháp và Quản trị dịch vụ hiệu quả
  • Ứng dụng ngay các kỹ năng làm việc sau khoá học.