Làm sao để xác định đúng định hướng sự nghiệp của bản thân? Phát triển bản thân theo chiều dọc hay chiều ngang là tốt nhất? Có thể phát triển theo cả hai chiều không? Đây là những câu hỏi vô cùng quen thuộc đối với các bạn sinh viên và đó cũng là vấn đề mà bất kỳ ai cũng từng gặp phải trong quá trình phát triển sự nghiệp của mình. Vậy nên hãy cùng VILAS tìm hiểu rõ hơn về hai hướng phát triển trên thông qua bài viết dưới đây bạn nhé!
Phát triển theo chiều dọc
Phát triển theo chiều dọc là định hướng khá phổ biến hiện nay, nó giống như việc bạn đi thang máy, bấm nút và cứ thế đi thẳng tới tầng bạn muốn. Ngay ở điểm khởi đầu, bạn may mắn biết được bản thân mình thích gì, làm gì và phù hợp với ngành nào, sau đó trau dồi liên tục những kiến thức chuyên môn, kỹ năng. Từ đó hướng đến vị trí cao nhất của mảng chức năng mà bạn chọn.
Phát triển theo chiều ngang
Phát triển theo chiều ngang giống như việc bạn mở ra nhiều cánh cửa dựa vào những cánh cửa mà bạn đang có. Ngay ở điểm khởi đầu bạn vẫn chưa xác định được ngành nghề mà mình muốn phát triển, bạn thử sức vào nhiều lĩnh vực mới thay vì một quỹ đạo đi lên. Có nghĩa là bạn có thể trải nghiệm các phòng ban khác nhau. Bạn được gặp gỡ những người mới, thử sức với nhiều vai trò khác nhau và thực hành mọi thứ diễn ra tại công ty. Và từ đó xác định mảng chức năng mà mình phù hợp nhất.
Phát triển theo chiều dọc hay chiều ngang. Lựa chọn nào sẽ tốt hơn cho sự nghiệp của bạn?
Sự khác biệt chính giữa phát triển nghề nghiệp theo chiều dọc và chiều ngang là hướng tiếp cận và sự chuyển giao giữa các vị trí trong ngành. Bạn xác định được mảng chức năng phù hợp trong chuỗi cung ứng, tiếp đó là lên kế hoạch phát triển đến vị trí cao nhất trong mảng chức năng đó nếu như bạn chọn phát triển theo chiều dọc. Mặt khác, phát triển theo chiều ngang sẽ giúp bạn phát triển một cách bao quát trong lĩnh vực chuỗi cung ứng, thông qua việc trải nghiệm các mảng chức năng khác nhau.
Phát triển theo chiều dọc hay chiều ngang còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: Năng lực, sự chuẩn bị của mỗi nhân sự, sự may mắn,… Thêm vào đó, văn hóa của mỗi doanh nghiệp cũng là yếu tố ảnh hưởng đến quá trình phát triển của bạn. Nếu một doanh nghiệp nghiệp luôn tạo cơ hội cho nhân viên phát triển, thì việc phát triển theo chiều dọc chắc chắn sẽ rất thuận lợi. Đơn cử như chính sách phát triển nhân viên của DHL (Công ty cung cấp dịch vụ Supply Chain toàn cầu), mỗi năm các nhà lãnh đạo của DHL đều mở một cuộc gặp mặt nhằm nghe được nguyện vọng của nhân viên và đề xuất hướng phát triển cho nhân viên của họ.
Làm sao để xác định bản thân phù hợp với Phát triển theo chiều dọc hay chiều ngang?
Bạn nên xem xét các mục tiêu nghề nghiệp rộng lớn hơn để xác định lựa chọn nào là tốt nhất cho các mục tiêu của mình. Nếu mục tiêu của bạn là tập trung vào việc nâng cao năng lực ở một mảng chức năng nhất định và đạt đến vai trò cao nhất trong mảng chức năng đó, thì phát triển theo chiều dọc là lựa chọn dành cho bạn. Việc phát triển theo chiều dọc sẽ là lựa chọn được nhiều nhân sự chọn lựa, vì nó giúp bạn tập trung vào việc phát triển theo chiều hướng đi lên, đạt đến những vị trí tốt nhất với mức lương như mong đợi.
Ví dụ: Bạn đang có điểm khởi đầu tốt khi là sinh viên tốt nghiệp cao đẳng và đại học với vị trí chuyên viên mua hàng, sau một khoảng thời gian tích lũy các kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm theo khung năng lực chuỗi cung ứng thì thăng tiến lên thành các vị trí như Trưởng phòng mua hàng hay Trưởng bộ phận tìm nguồn cung ứng chiến lược.
THAM GIA: CỘNG ĐỒNG LOGISTICS VÀ SUPPLY CHAIN VIỆT NAM
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là phát triển theo chiều ngang không mang lại nhiều cơ hội thăng tiến. Bạn có thể nghĩ rằng phát triển theo chiều ngang như phát triển hệ thống rễ giúp bạn đặt được nền tảng quan trọng để cây cao hơn và phát triển tốt hơn.
Việc bạn dành thời gian để học hỏi các lĩnh vực khác nhau và mở rộng bộ kỹ năng của bạn có thể giúp bạn chạm tới những cơ hội làm việc mới ở nhiều vị trí đồng thời những kiến thức mới có thể giúp bạn chuẩn bị tốt hơn với những thử thách mới khi có thay đổi so với một người chỉ làm trong phạm vi công việc hẹp.
Ví dụ: Trong lĩnh vực chuỗi cung ứng với sự linh hoạt của lộ trình nghề nghiệp mở ra cơ hội cho nhiều chức năng khác nhau. Hơn nữa các kỹ năng có thể chuyển giao rộng rãi tạo ra các điểm đầu vào dễ tiếp cận cho nhân sự tham gia các công việc trong chuỗi cung ứng và tìm hiểu thêm về chuỗi cung ứng khi họ chuyển qua các vị trí khác nhau. Do đó không xa lạ để có thể thấy được chuyên gia tìm nguồn cung ứng chuyển sang quản lý Logistics và trở thành Giám đốc điều hành chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, như đã đề cập ở trên, việc quyết định phát triển dọc – ngang còn phụ thuộc vào các yếu tố về năng lực chuyên môn, môi trường làm việc,…
Tạm kết:
Phát triển theo chiều dọc hay chiều ngang đều giúp bạn hướng đến việc phát triển năng lực và sự nghiệp của mình. Bạn có thể phát triển theo chiều dọc nếu có đủ cơ hội, bạn cũng có thể phát triển theo hướng Zigzag (Nghĩa là phát triển ngang và tiến lên từng chút một). Dù là phát triển theo cách nào, chìa khóa quan trọng nhất mở ra cánh cửa thành công cho bạn đó chính là sự chuẩn bị, cố gắng, không ngừng hoàn thiện và phát triển bản thân. Và hơn hết chính là tinh thần cầu tiến, thái độ tích cực của bạn trong công việc, không ngại đương đầu và thử thách bản thân để đạt được mục tiêu cuối cùng.