2018 vừa qua có lẽ là năm đầu tiên ngành Logistics Việt Nam đạt được nhiều thành tựu như vậy. Những cố gắng này chính là bệ phóng giúp ngành công nghiệp đầy tiềm năng này có thể phát triển mạnh mẽ trong năm 2019. Cùng VILAS điểm lại 5 sự kiện Logistics nổi bật của Việt Nam năm 2018:
I/ Bước nhảy ngoạn mục trên Bảng xếp hạng Năng lực Logistics các quốc gia 2018
Vào ngày 25.7, Ngân hàng Thế giới công bố Bảng xếp Hạng năng lực Logistics (LPI). Chỉ số LPI được phân tích hai năm một lần dựa trên 6 chỉ tiêu:
- Thông quan
- Chất lượng cơ sở hạ tầng
- Vận tải quốc tế
- Chất lượng dịch vụ Logistics
- Chỉ tiêu giao hàng đúng hạn
- Khả năng theo dõi và truy xuất
Năm 2018, Việt Nam đã xuất sắc phát triển từ vị trí 64 (năm 2016) lên vị trí 39 với điểm số LPI được cải thiện đáng kể: 3.27, xếp thứ 3 trong khối ASEAN (sau Singapore vị trí 7 và Thái Lan vị trí 32). Đây được xem như là thành tích tốt nhất của Việt Nam từ khi Ngân hàng Thế giới thực hiện việc xếp hạng LPI kể từ năm 2007 đến nay.
Xem thêm về Bảng xếp hạng năng lực Logistics các quốc gia năm 2018 tại bài viết sau.
II/ Năm 2018: Phát triển và trùng tu cơ sở hạ tầng trong nước.
2018 đã chứng kiến những bước tiến vượt bậc trong việc xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, góp phần tạo đòn bẩy cho sự phát triển của dịch vụ logistics Việt Nam trong những năm tới.
- Về đường bộ, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi đã thông xe toàn tuyến vào cuối tháng 6/2018, góp phần hoàn thiện tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam. Bên cạnh đó, cầu Bạch Đằng và tuyến cao tốc Hải Phòng – Hạ Long đã đi vào khai thác cuối tháng 8/2018, cùng với tuyến cao tốc Hạ Long – Vân Đồn sẽ đi vào hoạt động từ cuối tháng 12/2018, tạo thành mạng lưới giao thông liên hoàn, hiện đại của vùng ven biển Miền Bắc, là mắt xích quan trọng kết nối 3 cực tăng trưởng của tam giác kinh tế Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh.
- Về đường biển, cảng cửa ngõ quốc tế Lạch Huyện ở phía Bắc đã đưa vào khai thác 2 bến cảng đầu tiên trong tháng 5/2018. Góp phần đưa hàng hóa xuất, nhập khẩu của khu vực miền Bắc cũng như cả nước đi thẳng tới thị trường châu Âu, châu Mỹ, mà không phải trung chuyển qua các cảng tại khu vực như Singapore, Hồng Kông.
- Về hàng không, cùng với việc nâng cấp các sân bay hiện có, năm 2018 Cảng hàng không Vân Đồn là sân bay đầu tiên của Việt Nam được đầu tư theo hình thức BOT được đưa vào hoạt động. Các sân bay hiện đang mở rộng năng lực tiếp nhận hàng hóa, một số sân bay như Cần Thơ đang xem xét việc xây dựng trung tâm logistics hàng không hiện đại để phục vụ nhu cầu ngày càng tăng tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long.
Xem thêm về những đổi mới trong cơ sở hạ tầng của Việt Nam năm 2018 tại bài viết sau.
III/ Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018
Diễn đàn Logistics Việt Nam 2018 lần thứ 6 được diễn ra vào ngày 7.12 với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” đã được diễn ra tại Quảng Ninh. Trong khuôn khổ Diễn đàn Logistics Việt Nam lần này, ngoài phiên toàn thể sẽ tiến hành song song hai phiên thảo luận theo chuyên đề:
- Ở chuyên đề thứ nhất, những vấn đề được đặt ra gồm: phát triển Quảng Ninh thành cửa ngõ logistics khu vực Đông Bắc, tiến đến các trung tâm Logistics thế hệ mới tại Việt Nam, áp dụng công nghệ Blockchain trong Logistics, các xu hướng trong logistics hiện đại…
- Chuyên đề mở rộng thị trường dịch vụ logistics sẽ có các trình bày về đẩy mạnh kết nối, khai thông thị trường dịch vụ logistics; phát triển dịch vụ last-mile logistics tại Việt Nam; Logistics cho Thương mại điện tử – xu thế và cơ hội; dịch vụ đường sắt kết nối Việt Nam với Châu Âu.
Đồng thời, đại diện Lãnh đạo các Bộ, ngành, địa phương cũng chứng kiến lễ ký kết các Bản ghi nhớ, hợp đồng trong lĩnh vực logistics giữa các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp và đơn vị đào tạo, mở ra nhiều cơ hội mới về hợp tác phát triển trong năm 2019.
Xem thêm về thông tin diễn đàn Logistics Việt Nam năm 2018 tại bài báo sau.
IV/ CPTPP có hiệu lực – Cơ hội mới cho ngành Logistics Việt Nam
- CPTPP sẽ có hiệu lực vào 30.12.2018. 6 trong 11 nước tham gia đã chính thức phê chuẩn thỏa thuận thương mại này.
- Theo bà Phạm Quỳnh Mai – Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên (Bộ Công thương), CPTPP sẽ mang lại những lợi ích to lớn cho thị trường Việt Nam, bao gồm việc xóa bỏ gần như toàn bộ thuế nhập khẩu theo lộ trình, tự do hóa dịch vụ và đầu tư trên cơ sở tuân thủ pháp luật của nước sở tại. Không những vậy, CPTPP còn điều chỉnh nhiều vấn đề mới như thương mại điện tử, mua sắm công, lao động, môi trường…
- Ngoài ra, CPTPP được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và mức độ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc…
Xem thêm về Cơ hội của CPTPP dành cho ngành Logistics Việt Nam tại bài viết sau.
V/ Tương lai của hải quan Việt Nam: Ứng dụng Blockchain không còn xa
Ngày 10.9, tại hội nghị Tạo thuận lợi thương mại do Ban phát triển kinh tế tư nhân phối hợp với Tổng cục Hải quan, ông Ngô Minh Hải – Phó cục trưởng Cục Quản lý giám sát hải quan (Tổng cục Hải quan) đã trình bày kết quả ứng dụng công nghệ trong thông quan hàng hóa. Theo đó, tại thời điểm hiện tại:
- 100% hàng hóa xuất nhập khẩu trong hệ thống quản lý hải quan hiện nay được mã hóa
- 100% tờ khai hải quan được làm tự động
Công nghệ, phần mềm hiện đại cũng được cơ quan này ứng dụng trong cơ chế hải quan một cửa. Tuy nhiên, trước làn sóng cách mạng công nghệ 4.0, ngành này cũng hướng tới “Customs Tech”, nghĩa là ứng dụng những xu hướng công nghệ mới, như Blockchain, nhằm kiểm soát hàng hóa theo chuỗi trong kiểm tra chuyên ngành, thông quan hàng hóa. “Kỳ vọng 3-5 năm nữa, Blockchain sẽ được đưa vào lĩnh vực hải quan để thông qua một lộ trình nghiên cứu cụ thể”, ông nhấn mạnh, để việc ứng dụng này triển khai thực tế nhanh hơn thì “ngành hải quan không thể đi một mình, mà cần sự đồng hành của nhiều bộ, ngành khác”.
Xem thêm ứng dụng công nghệ vào quy trình thông quan tại Việt Nam trong những năm tới tại bài báo sau.