Mua hàng là một trong những quy trình quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, lưu thông hàng hoá, và đặc biệt, tạo ra lợi nhuận trong kinh doanh. Những chiến lược mua hàng phù hợp sẽ giúp tối ưu chi phí mà doanh nghiệp bỏ ra từ đó gia tăng lợi nhuận.
Và sau đây là 5 chiến lược cơ sở dành cho mua hàng mang lại hiệu quả cao:
1. Tối ưu hóa nhà cung ứng (Supplier Optimization):
Ngày nay, có rất ít doanh nghiệp vận hành chỉ với một nhà cung ứng mà thay vào đó, họ thậm chí có cho mình hơn hàng tá sự lựa chọn về nhà cung ứng. Xu hướng này mang đến cho doanh nghiệp khá nhiều lợi ích từ sự cạnh tranh giữa các nhà cung ứng với nhau. Doanh nghiệp sẽ “trên cơ” trong các cuộc đàm phàn về giá, tuy nhiên, họ cũng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro trong mối quan hệ với những nhà sản xuất.
Một số doanh nghiệp vẫn chọn phương án làm việc với một hoặc một số ít các nhà cung ứng để thắt chặt mối quan hệ giữa các bên; từ đó khích lệ các nhà cung ứng đầu tư nhiều hơn vào tài nguyên, công nghệ hay các thiết bị máy móc để cải thiện chất lượng và cắt giảm chi phí. Theo Giáo sư của OPIM, bà Cuihong Li, không có một quy luật cụ thể nào về số lượng nhà cung ứng mà doanh nghiệp nên lựa chọn. Tuy nhiên, nếu xem xét về lợi nhuận các sản phẩm của doanh nghiệp có thể chia ra như sau:
a. Chiến lược cho Sản phẩm mang lại lợi nhuận cao trên từng đơn vị (High-margin products):
Chẳng hạn như các mặt hàng điện tử hay ô tô. Có từ 2-3 nhà cung ứng sẽ giúp các doanh nghiệp với các dòng sản phẩm mang lại lợi nhuận cao tối ưu hóa được quy trình mua hàng của mình.
Cụ thể như Apple trước đây đã từng làm việc với Samsung trong việc phân phối độc quyền cho màn hình IPhone nhưng sau đó LG Display đã được chọn trở thành nhà phân phối thứ 2 cho ông lớn này. Từ đó, Apple đã thành công tăng quyền lực thương lượng (Bargaining power) của mình trong quá trình mua hàng.
b. Chiến lược cho Sản phẩm mang lại lợi nhuận thấp trên từng đơn vị (Low-margin products):
Chẳng hạn như các mặt hàng may mặc, đồ chơi. Có nhiều sự lựa chọn về các bên cung ứng có vẻ mang lại nhiều lợi ích hơn cho doanh nghiệp.
Chẳng hạn như Nike hay Mattel, họ có đến hàng trăm nhà cung ứng toàn cầu và điều đó khiến họ trở nên linh động và lợi thế trong thương lượng đáng kể.
c. Kết luận
Việc kết hợp những nhà cung ứng có thể đảm bảo yêu cầu về giá và số lượng hàng hóa mà doanh nghiệp cần. Đồng thời, bỏ qua những nhà cung ứng không đáp ứng được 2 yêu cầu trên là một chiến lược rất cơ bản. Chiến lược này giúp doanh nghiệp chọn được những nhà cung ứng phù hợp mà nhu cầu của 2 bên đều được thỏa mãn.
2. Chiến lược Mua hàng phi tập trung (Decentralised purchasing):
Với hình thức mua hàng phi tập trung, thay vì toàn bộ trách nhiệm thuộc về phòng ban thu mua, quyền mua hàng được phân tán đến cho từng nhánh hay văn phòng tại các địa phương. Họ có quyền được mua hàng hóa bất cứ khi nào thấy cần thiết mà không đòi hỏi sự chấp thuận từ công ty mẹ.
Chiến lược này giao trách nhiệm mua hàng cho các phòng ban, chi nhanh trực tiếp sử dụng chúng. Việc bỏ qua các thủ tục bàn giao, vận chuyển nguyên vật liệu từ phòng Procurement của công ty mẹ khiến cho quy trình đặt và mua hàng trở nên nhanh chóng giúp các chi nhánh dễ dàng đối phó với các sự biến động tại từng địa phương.
3. Chiến lược Mua hàng tập trung (Centralised Purchasing):
Bạn có thể đọc thêm về 2 hình thức mua hàng trên tại đây.
4. Tìm nguồn cung ứng toàn cầu (Global Sourcing):
Global sourcing có thể được hiểu là việc tìm kiếm và thu mua nguyên vật liệu, linh kiện hay thậm chí là dịch vụ từ các công ty nước ngoài. Ngày nay, thế giới đã dần trở nên “phẳng” nên nguyên vật liệu có thể được mua từ khắp nơi trên thế giới miễn là chúng mang lợi ích kinh tế tối ưu nhất (giá thành và chi phí vận chuyển thấp) cùng với chất lượng tương xứng.
Global sourcing được chia thành 5 cấp độ như sau:
- Cấp độ 1 – Mua hàng thuần nội địa
- Cấp độ 2 – Mua hàng quốc tế khi có nhu cầu
- Cấp độ 3 – Thêm các nguồn cung toàn cầu vào các chiến lược sản xuất của doanh nghiệp
- Cấp độ 4 – Quy trình mua hàng được điều phối tập trung từ các địa điểm trên toàn cầu
- Cấp độ 5 – Tích hợp và hợp tác với các bộ phận chức năng trên toàn thế giới
Bạn đọc có thể tìm hiểu kỹ hơn về Global Sourcing tại đây.
5. Mua hàng “xanh” (Green Purchasing):
Mua hàng xanh là việc cân nhắc thêm các yếu tố môi trường vào quy trình mua hàng của doanh nghiệp hay tổ chức.
Với sự thay đổi trong nhận thức của khách hàng về tầm quan trọng của môi trường, nhiều doanh nghiệp đang chiến thắng niềm tin của khách hàng bằng chiến lược “xanh hóa” ở mọi quy trình trong doanh nghiệp. Với quy trình thu mua “xanh” và sản xuất “xanh”, giá thành sản phẩm không chắc chắn là sẽ tăng hay giảm nhưng số lượng người tiêu dùng các sản phẩm của doanh nghiệp thường có xu hướng tăng.
Điều này không chỉ giúp bảo vệ môi trường, tăng doanh thu của doanh nghiệp mà còn là một phương pháp brand marketing rất hiệu quả có thể mang lại rất nhiều khách hàng trung thành cho doanh nghiệp.
Kết:
Hiện nay, mỗi doanh nghiệp đều có được những cách riêng để thực hiện chiến lược mua hàng dành riêng cho mình. Và dĩ nhiên, không có chiến lược nào là hoàn toàn có lợi cho doanh nghiệp, tuy nhiên, có một số chiến lược đã được áp dụng rộng rãi và mang lại những hiệu quả rõ thấy trong suốt quá trình.
Qua bài viết trên, VILAS mong bạn đã phần nào hiểu rõ hơn về các chiến lược mua hàng cơ sở. Mong bài viết đã giúp ích cho bạn. Chúc bạn thành công!