1. Tìm hiểu khái niệm
Perishable goods được hiểu như là những mặt hàng mà trạng thái hoặc tính chất ban đầu dễ bị biến đổi khi chịu tác động của sự thay đổi quá mức về nhiệt độ, độ ẩm hoặc thời gian. Do đặc tính hóa sinh, các sản phẩm này thường có tuổi thọ ngắn; dễ hỏng và không thể khắc phục một khi đã xảy ra hư hỏng. Các sản phẩm này phải được xử lý cẩn thận để bảo quản tình trạng hoàn hảo tới khi đến được người tiêu dùng cuối cùng. Để điều này xảy ra, các yếu tố chính cần lưu ý là thời gian, cách ly và nhiệt độ bảo quản.
Ví dụ về hàng hóa dễ hư hỏng: thịt và phụ phẩm thịt, cá và hải sản, sản phẩm sữa, trái cây và rau củ, hoa, dược phẩm và hóa chất.
Hầu hết các tổn thất của hàng hóa xảy ra giữa quá trình sau thu hoạch và phân phối sản phẩm. Do đó, việc bảo quản hàng dễ hư hỏng từ các quốc gia này sang quốc gia khác trong điều kiện hoàn hảo là một nhiệm vụ cực kì khó khăn. Bởi điều này đòi hỏi một hệ thống hiệu quả, chặt chẽ trong toàn bộ quá trình từ nơi xuất xứ của hàng hóa đến điểm phân phối cuối cùng.
- Rau củ quả – thị trường tiềm năng
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, kim ngạch xuất khẩu rau quả 6 tháng đầu năm ước đạt 2 tỷ USD, tăng 20,3% so với cùng kỳ năm 2017. Riêng trong tháng 6/2018, xuất khẩu rau quả ước đạt 340 triệu USD, tăng 25% so với cùng kỳ.
Đáng chú ý, trong 6 tháng đầu năm, mặt hàng rau quả xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá. Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của rau quả Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả trong 6 tháng đầu năm, tương đương với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18,1% so với cùng kỳ năm 2017.
Ngoài Trung Quốc, trong 6 tháng qua, thị trường Hoa Kỳ tiếp tục nhập khẩu rau quả của Việt Nam với số lượng lớn khi kim ngạch đạt tới 50,9 triệu USD, tăng 14,6%. Tại các thị trường khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, kim ngạch xuất khẩu cũng lần lượt tăng 8%, 15,4% và hơn 26% so với cùng kỳ năm 2017.
- Thực trạng bảo quản hàng hóa dễ hư hỏng tại Việt Nam:
Tại Hội nghị thượng đỉnh chuỗi lạnh thế giới tại TP HCM vào ngày 7 tháng 3, Việt Nam mất 694.000 tấn thịt, 7 triệu tấn rau quả và 805.000 tấn hải sản trong quá trình bảo quản và vận chuyển. Bên cạnh đó, 168 triệu trái chuối, 11.000 con lợn và 139.000 con gà không thể tiếp cận người tiêu dùng mỗi ngày.
Rau quả chiếm tỷ trọng lớn nhất trong các sản phẩm thực phẩm bị lãng phí ở mức 31%, trong đó 26% đến từ thiệt hại sau thu hoạch, cao hơn nhiều so với mức trung bình của Đông Nam Á là 15%. Trong khi đó, tỷ lệ thịt và hải sản lãng phí lần lượt là 14% và 12%.
Chỉ có 14% nông dân được khảo sát cho biết họ đã sử dụng chuỗi cung ứng lạnh trong việc bảo quản, chế biến và vận chuyển nông sản. Như vậy, một khối lượng lớn các sản phẩm thực phẩm mà nông dân đã dành rất nhiều tiền, thời gian và sức lao động nhưng không thể tiếp cận người tiêu dùng.
Cách thức xử lí hàng dễ hư hỏng là gì? Các doanh nghiệp Việt Nam đã quản lí các mặt hàng này như thế nào, đặc biệt là với các doanh nghiệp xuất khẩu rau củ quả – một trong những mặt hàng dễ hư hỏng và khó vận chuyển nhất? Hãy cùng VILAS tìm hiểu qua phần 2 của bài viết nhé!