Các vấn đề như cân bằng lượng hàng tồn kho, đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở bất cứ thời điểm nào, tạo thuận lợi tối đa để khách hàng có thể mua hàng mọi lúc mọi nơi, v.v… khiến chuỗi cung ứng thương mại điện tử trở nên vô cùng rắc rối, phức tạp.
Nhiều nhà bán lẻ và thương hiệu lớn vẫn chưa giải quyết được câu đố thương mại điện tử lớn này. Thu nhập hàng quý đang suy giảm, các tập đoàn bán lẻ lớn đang dần cắt giảm nhân sự và đóng dần các cửa hàng. Nằm ngoài xu hướng đó, Amazon đang chiếm lĩnh thị trường mới và tự mình đặt ra các tiêu chuẩn phục vụ trải nghiệm của khách hàng. Để vượt qua những thách thức mà thương mại điện tử mang lại cho chuỗi cung ứng, các công ty bán lẻ nên xem xét, tham khảo và thử nghiệm những bước sau đây:
Thêm các cửa hàng, đại lý bán lẻ nhỏ vào chuỗi cung ứng
Hình thức bán lẻ đa kênh là một yếu tố bắt buộc phải có cho các thương hiệu và nhà bán lẻ để tồn tại và thành công trong thị trường thương mại ngày nay. Nhiều nhà bán lẻ đang thật sự vất vả trong việc tìm lợi nhuận từ việc thực hiện mô hình đa kênh này. Để cạnh tranh, đặc biệt là cạnh tranh được với các doanh nghiệp lớn như Amazon, các nhà bán lẻ cần một chuỗi cung ứng nhanh và hiệu quả để mọi người có một trải nghiệm mua sắm liền mạch, thống nhất và theo yêu cầu từ khách hàng.
Với sự gia tăng và phát triển sở thích người tiêu dùng trong ngành thương mại điện tử, các nhà bán lẻ tinh vi nhất đang dần chuyển các cửa hàng, đại lý bán lẻ nhỏ (brick and mortar store) thành những mắc xích trong chuỗi cung ứng qua hình thức trung tâm phân phối nhỏ.
Ví dụ, khi đến các mùa lễ cao điểm, nhà bán lẻ nên có quy trình rõ ràng để xác định chính xác vị trí lấy hàng để vận chuyển đến khách, một kho hàng thật xa hay một trung tâm phân phối (cửa hàng nhỏ) ngay trong khu vực. Yếu tố này có thể giảm tối đa chi phí giao hàng nói riêng và tăng tốc độ chuỗi cung ứng, quá trình hoàn thiện đơn hàng tối đa nói chung cho khách hàng.
Áp dụng Dropshipping để giảm rủi ro và chi phí phát sinh
Dropshipping là phương pháp thực hiện bán lẻ mà một cửa hàng không lưu giữ sản phẩm được bán trong kho của mình. Thay vào đó, khi một cửa hàng bán một sản phẩm cụ thể, không có sản phẩm lưu kho mà họ mua sản phẩm từ một bên thứ 3 và vận chuyển trực tiếp cho khách hàng… Hình thức này giúp các nhà bán lẻ có thể mở rộng quá trình thử nghiệm kinh doanh sản phẩm mới mà không lo về rủi ro và chi phí kho bãi trong tương lai.
Đây là hình thức đặc biệt hiệu quả và tiết kiệm khi nhà bán lẻ không tốn thời gian, công sức vào di chuyển/sắp xếp hàng hóa trong kho, từ đó giảm thời gian, chi phí từ nhân lực. Dropshipping còn giảm thời gian xử lý đơn hàng, chi phí kho bãi và vận chuyển, giao hàng nhanh chóng hơn hết.
Thiết lập hệ thống tập trung quản lý đơn hàng
Công nghệ đã và vẫn đang thay đổi chuỗi cung ứng trong hàng thập kỷ qua để đảm bảo tất cả hoạt động của chuỗi cung ứng trôi chảy và hiệu quả hơn, nhất là đối với thương mại điện tử. Ví dụ: năm 2015, Nordstorm đã công bố kế hoạch chi 1,2 tỷ USD cho ngành thương mại điện tử và các cửa hàng mới. Đầu tư vào công nghệ ngày nay buộc các doanh nghiệp phải hướng vào việc cung cấp trải nghiệm mua sắm liền mạch và liên tục theo nhu cầu của người tiêu dùng.
Ngay sau khi khách hàng mua một sản phẩm nào đó, thông tin mua hàng cần được chuyển sang hệ thống phân loại đơn hàng và được tích hợp thông tin với tất cả các điểm giữ hàng khác ngay lập tức.
Phát triển tập trung và có khả năng mở rộng
Hiện nay, hệ thống quản lý hàng tồn kho, quản lý quan hệ khách hàng, đơn hàng và điểm phân phối của nhiều công ty vẫn còn khá yếu. Qua việc sử dụng một hệ thống tập trung và có khả năng mở rộng trong tương lai với công nghệ định tuyến thông minh sẽ hỗ trợ quá trình quản lý đơn hàng và giao hàng được liền mạch hơn. Đây là yếu tố trọng điểm trong việc đáp ứng kỳ vọng ngày càng cao của người tiêu dùng ngày nay, đặc biệt trong mùa cao điểm, đảm bảo rằng nhà bán lẻ có khả năng đáp ứng các mục tiêu kinh doanh.
Một hệ thống tập trung đảm bảo quá trình mua hàng theo chính xác ý muốn của khách hàng, đồng thời giúp nhà bán lẻ tối đa hóa lợi nhuận của từng đơn đặt hàng.
Theo Vietnam Logistics Review